Chùa Phụng Sơn(Chùa Gò)
1408 Ba Tháng Hai,
P.2, Q.11, Tp. HCM, Việt Nam
P.2, Q.11, Tp. HCM, Việt Nam
Chùa Phụng Sơn
Chùa Phụng Sơn tức Phụng sơn Tự, còn có tên là chùa Gò, tọa lạc ở số 1408 đường 3 tháng 2, phường 2,quận 11, thành phố Hồ Chí Minh, vốn là ngôi chùa của làng Minh Phụng xưa và là một di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Nguồn gốc
Chùa Phụng Sơn được thiền sư Liễu Thông (1754 - 1840) [1] tạo lập vào đầu thế kỷ 19, dưới triều vua Gia Longtrên nền của một ngôi chùa Chân Lạp cổ, trên một đồi nhỏ bao quanh là ao Bàu Chuông có trồng sen.
Tương truyền thiền sư Liễu Thông trên đường đi vân du vào phủ Gia Định. Nhà sư thấy gò đất này có cảnh thanh tịnh, thích hợp cho việc tu hành, nên dựng am tranh tại đây và được người dân quanh vùng gọi một cái tên dân dã là chùa Gò. Một hôm có một con chim phụng đến đậu trên cây ngô đồng trước am cất tiếng gáy, thiền sư Liễu Thông cho là điềm lành, đặt tên chùa là Phụng Sơn Tự, tức chùa trên núi có chim phụng.
Kiến trúc
Mãi đến năm 1904, am lá mới được xây cất lại. Và kể từ đó cho đến nay, chùa có hai lần trùng tu lớn, đó là vào thời hòa thượng Huệ Minh trụ trì (1904 - 1915) và vào năm 1960.
Năm 1963, hòa thượng Thích Phước Quang cho xây lại cổng tam quan, do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng vẽ kiểu. Tuy được trùng tu lại vài lần, nhưng chùa vẫn theo kiến trúc cổ với bộ khung gỗ và mái ngói âm dương, một dạng phổ biến, phù hợp mưa nắng hai mùa ở Nam Bộ.
Chùa Phụng Sơn xây theo kiểu chữ “quốc” (chữ Hán), dài trên 40m, rộng gần 20m, có hàng hiên chạy quanh bốn phía. Bên trong chùa chia ra hai khu rõ rệt, phía trước là chính điện, cách một sân lộ thiên, phía sau là nhà giảng. Hai bên sân lộ thiên có đông lang và tây lang, nối liền hai nơi. Sân lộ thiên có hòn non bộ, tượng Quan Âm và cây cảnh, nhờ có khoảng sân này nên chùa được thoáng đãng, sáng sủa.
Nơi chính điện, các cột đều làm bằng gỗ tốt, lâu ngày đã trở nên đen bóng. Chùa thờ kiểu “tiền Phật, hậu Tổ”. Điện Phật có nhiều tượng Phật xưa bằng gỗ, thiếp vàng chạm trổ mỹ thuật.
Tổng cộng chùa có khoảng 40 pho tượng thờ. Nhiều tượng thờ do nhóm thợ từ Sa Đéc, do hòa thượng Huệ Minh mời, đến chùa để tạo tác vào những năm đầu thế kỷ 20. Có nhiều pho tượng quí như bộ Di Đà Tam Tôn, bộ Ngũ Hiền thượng kỳ thú, pho tượng Phật bằng đá, tượng Tiêu Diện...
Di tích
Khu đất của chùa Gò là một di tích khảo cổ học. Tài liệu của Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh cho biết vào các năm 1988 và 1991, các nhà khảo cổ học đã tìm được những mặt người bằng đất nung, đồ gốm... thuộc văn hóa Óc Eo. Ở đây cũng đã tìm thấy một tượng Phật bằng đồng theo phong cách Thái Lan...[2]
Năm 1860, khi quân Pháp chiếm chùa Cây Mai[3]để làm đồn bót, Nguyễn Trung Trực đã cử nghĩa quân đến ngụ ở chùa Gò, để ngầm theo dõi hoạt động của quân Pháp ở chùa Cây Mai...
Năm 1909, nhà sư Huệ Minh đã đem giống mai, có nguồn gốc từ chùa Cây Mai[4] về trồng ở chùa. Và số mai quí hiếm, được nhiều nhà thơ thuộc nhóm Bạch Mai thi xã, như Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Thông, Tôn Thọ Tường... ca ngợi, cho đến nay (2008) chỉ còn lại một cây bên hông chùa.
Vào thời kỳ đất đai chưa bị đô thị hóa, cả khu vực chùa tọa lạc rất vắng vẻ. Chung quanh gò còn có bàu sen rộng và hào nước bao bộc. Nay khuôn viên chùa đã bị lấn chiếm, hào nước bị rác rưởi lấp cạn và bàu sen bị thu hẹp lại bởi các căn nhà mọc lên quanh bờ. Chùa đã mất nhiều vẻ đẹp thiên nhiên và không khí tĩnh lặng cần có của một tự viện danh tiếng…
Giá trị
Chùa Phụng Sơn là một trong những ngôi chùa cổ, còn in đậm nét sự có mặt của tín ngưỡng dân gian, Như bên hành lang chánh điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, một trong những vị nữ thần được tôn kính và thờ tự phổ biến ở miền Nam.
Dấu vết của quá trình sinh sống và cộng cư của nhiều dân tộc tại vùng đất này còn được thể hiện qua hình ảnh ngôi miếu nhỏ thờ Ông Tà (Neak Tà) trong khuôn viên chùa, bên những ngôi tháp Tổ. Đó là dạng tín ngưỡng, là một nét văn hóa phổ biến của cư dân Khmer. Là một trong những ngôi chùa cổ còn lưu lại đậm nét về địa thế, kiến trúc, nghệ thuật tạc tượng, cách bày trí và thờ cúng...chùa Phụng Sơn đã góp phần mang lại một giá trị văn hóa - nghệ thuật phong phú, đa dạng trong dòng phát triển của văn hóa Phật giáo Nam bộ, Việt Nam.
Thơ ca
Sau này có hậu duệ của nhà sư Huyền Vi Tử nhân lúc ghé thăm chùa đã xướng bài thơ rằng:
- Bạch mai
- Mỗi lượt đông tàn vẫn ghé qua
- Chùa xưa lặng ngắm cội mai già
- Ba trăm năm lẻ còn vươn bóng
- Nhị độ xuân thu mãi kết hoa
- Sắc trắng ninh tâm người chí thiện
- Hương thầm rắc mộng buổi trăng tà
- Đời người chín chục âu là mấy
- Có chút thanh nhàn để hát ca ? [5].
- Tháng giêng năm 2003
- Thái Thanh Nguyên
Chú thích
- ^ Thiền sư tên tục là Huỳnh Dậu, pháp danh Liễu Thông, pháp hiệu Chơn Giác; người Thanh Hoá, thuộc phái thiền Lâm Tế, đời thứ 37,
- ^ Theo công trình đào khảo sát kết thúc vào ngày 21 tháng 4 năm 1988, thì ngoài những gì ghi trên, ở khu vực chùa Gò còn tìm thấy dấu vết kiến trúc cổ như đền đài, vòng thành...kết cấu bằng gạch nung. Khối lượng gạch đá dùng xây công trình, gần mười ngàn mét khối. (theo Nguyễn Thị Thu Hiền, Địa danh du lịch, NXB Từ điển Bách khoa, Hà nội, 2005, tr. 278)
- ^ Chùa Cây Mai trên gò Mai, nay đã không còn. Giờ đây, nơi gò Mai (góc đường Hồng Bàng - Nguyễn Thị Nhỏ, thuộc quận 11, TP. HCM) là một doanh trại quân đội.
- ^ Trong nhiều loại mai, có một loại mai cũng trổ hoa màu trắng. Đó là mai mù u (hay còn gọi là nam mai,bạch mai) tên khoa học là Ochrocarpus siamensis var.odoratissimus Pierre thuộc họ Guttiferae, hiện còn lại rất ít ở Việt Nam. Nam mai chỉ là loài tương cận với cây mù u hiện mọc hoang nhiều nơi ở miền Nam; càng không phải là loài mai vàng, mai trắng thuộc họ Ochnaceae thường trổ mỗi dịp xuân về…(xem ảnh)
- ^ Bài thơ Bạch mai trên có đến vài trăm bài họa của các nhà thơ trên toàn quốc, đã được Nhà xuất bản Thanh Niên chọn lọc và đăng trong bộ thi cảo xướng hoạ thơ Đường luật Tứ Phương tập một gồm 147 tác giả (2004) và Tứ Phương tập hai gồm 168 tác giả (2007) [1]
Chùa cổ mang đậm kiến trúc Nam Bộ giữa lòng thành phố
(PLO)- Nằm tọa lạc trên đường Ba Tháng Hai (Q.11, TP.HCM), chùa Phụng Sơn là một trong những ngôi chùa mang đậm kiến trúc Nam Bộ còn tồn tại đến ngày nay.
Chùa Phụng Sơn còn gọi là chùa Gò, được xây dựng khoảng những năm đầu thế kỷ XIX, dưới đời vua Gia Long triều Nguyễn (1802-1820) trên nền của một ngôi chùa Khmer cổ kính đã bị hoang phế. Từ ngoài vào chùa là một cổng tam quan đồ sộ được xây dựng từ năm 1969 theo bản vẽ của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Cổng giữa của tam quan cao đến 5 m, rộng 4,2 m. Còn hai cổng phụ ở hai bên cao 2,8 m, rộng 1,5 m. Trên mỗi cổng đều có những cặp câu đối.
Tương truyền, trên đường vân du hành đạo từ Trung vào Nam, thiền sư Liễu Thông, pháp danh Chơn Giác, tục danh Huỳnh Đậu (1735-1840), người gốc Thanh Hóa, đã đến vùng đất Gia Định, dừng chân bên một gò đất cao, dưới chân gò là một bàu sen bao quanh trong xanh, mát mẻ, trên mặt bàu điểm lấm tấm những đóa hoa sen hồng đang nở rộ. Thấy cảnh trí u nhàn, thiền sư Liễu Thông đã quyết định dựng lên một thảo lư tại gò đất ấy. Mới đầu ngôi thảo lư rất nhỏ với mái lá đơn sơ, thờ Phật (tượng Phật của chùa Khmer cũ còn lại).
Vào những buổi chiều, Tổ sư Liễu Thông vẫn thường lần chuỗi hạt, đi niệm Phật quanh bốn phía gò đất. Một ngày nọ, Tổ sư đang đứng trước thảo lư, bỗng thấy một con chim phụng từ đâu bay đến đậu trên cành cây ngô đồng và cất tiếng hót véo von. Nhận thấy việc chim phụng xuất hiện là điều hiếm có và là điềm lành, cho nên Tổ sư Liễu Thông liền đặt tên chùa là Phụng Sơn.
Từ ngày thành lập đến nay, chùa Phụng Sơn đã trải qua chín đời trụ trì, khai sơn do Tổ sư Liễu Thông (Chơn Giác) và từ năm 1996 đến nay là thầy Thích Trí Định (Nguyên Tu) trụ trì.
Chùa Phụng Sơn đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Vào năm 1904-1915 và năm 1960 là hai lần trùng tu lớn nhất.
Chùa Phụng Sơn xây theo kiểu chữ "quốc" (chữ Hán), dài trên 40 m, rộng gần 20 m, có hàng hiên chạy quanh bốn phía. Bên trong chùa chia ra hai khu rõ rệt, phía trước là chính điện, cách một sân lộ thiên, phía sau là nhà giảng.
Mái chùa lợp ngói âm dương và sà thấp xuống hai bên hàng hiên rộng làm cho không khí trong chùa thông thoáng, mát mẻ. Bộ giàn trò của chùa cao ráo, toàn danh mộc, lâu năm lên nước đen bóng.
Chánh điện chùa Phụng Sơn được bài trí tôn nghiêm theo quy cách của những ngôi chùa Nam bộ. Bộ tượng Tam Tôn gồm Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Âm và Thế Chí được đặt ở vị trí cao nhất.
Tại bàn Tam bảo thờ vị Phật và Bồ Tát có cầm bửu bối trong tay, còn tay kia trong tư thế bắt ấn, thể hiện công đức của Phật đang hoằng độ chúng sinh.
Đặc biệt là pho tượng Phật bằng đá trắng được dát bằng 200 miếng vàng lá được tìm thấy trong khi tiến hành đào kinh Cây Gõ gần đó vào năm 1911, tượng ông Tiêu (Tiêu Diện) bằng gốm sứ đặt ở chính diện chùa, đối diện với bàn thờ Phật, đã góp phần giới thiệu một phong cách nghệ thuật và kỹ nghệ chế tác tượng gốm Nam bộ vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Tổng cộng chùa có khoảng 40 pho tượng thờ. Nhiều tượng thờ do nhóm thợ từ Sa Đéc, do hòa thượng Huệ Minh mời đến chùa để tạo tác vào những năm đầu thế kỷ XX.
Có nhiều pho tượng quý như bộ Di Đà Tam Tôn, bộ Ngũ Hiền thượng kỳ thú, pho tượng Phật bằng đá, tượng Tiêu Diện...
Sau lưng bàn thờ Phật là bàn thờ Tổ. Ở đây có một tượng Phật Thích Ca do Nhật Bản tạc theo phong cách nghệ thuật ghép từng mảnh gỗ tạo thành tượng ruột bộng, với những đường nét chạm trổ rất tinh tế, bay bướm làm cho dáng tượng thoải mái, không chút gì gò bó.
Hai bên sân lộ thiên có đông lang và tây lang, nối liền hai nơi. Sân lộ thiên có hòn non bộ, tượng Quán Âm và cây cảnh, nhờ có khoảng sân này nên chùa được thoáng đãng, sáng sủa.
Chùa Phụng Sơn là một trong những ngôi chùa cổ, còn in đậm nét sự có mặt của tín ngưỡng dân gian, như bên hành lang chánh điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, dấu vết của quá trình sinh sống và cộng cư của nhiều dân tộc tại vùng đất này còn được thể hiện qua hình ảnh ngôi miếu nhỏ thờ Ông Tà (Neak Tà) trong khuôn viên chùa, bên những ngôi tháp Tổ. Năm 1988, chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa, loại di tích kiến trúc nghệ thuật.
HOÀNG GIANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét