Theo nhiều nhà khoa học trên thế giới, rong biển - loại thực vật bậc cao sống "ngâm mình" dưới nước sẽ là nguồn thực phẩm chủ yếu giúp loài người thoát khỏi nạn đói trong nhiều thập kỷ tới. Các nhà chuyên môn sau khi nghiên cứu, thử nghiệm, đã kết luận rằng rong biển Bình Thuận nói riêng và rong biển Việt Nam nói chung là loại nguyên liệu tốt để chế biến thành thạch đông (sương sa).
Biển Bình Thuận có nhiều loại rong: rong đông sương, rong cỏ ống, rong chân vịt, rong câu (rau câu), rau sa, rau sói. Theo chu kỳ hàng năm, rong Đông sương có từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch ở vùng đầm lầy nước lợ thuộc huyện Bắc Bình. Rong cỏ ống, rong chân vịt và các loại rau câu khác xuất hiện vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 2 âm lịch năm sau, nhiều nhất ở vùng biển Vĩnh Hoà, Chí Công, Mũi Né, Phan Thiết.
Ngư dân nghề biển lấy rong với nhiều cách khác nhau, gọi "bức" hay "nhổ" rong. Cặp kính bơi, chiếc phao con cùng túi lưới đeo thắt ngang lưng là những dụng cụ thông thường để đi lấy rong. Với rong Đông sương thì lấy ở mực nước ròng. Rong cỏ ống, chân vịt, rau câu và rau câu chỉ - loại sống bám chặt ở kẹt đá ngầm - muốn nhổ phải trầm mình dưới nước khá lâu, dùng dao để cạy. Rau sói trôi theo dòng nước, tấp vào bờ, người ta chỉ việc nhặt lấy mang về "giặt" sạch hết cát dính, phơi khô đem tiêu thụ.
Vùng biển Bình Thuận còn có loại rong từ trong khe đá mọc ra từng chùm to lớn, cả người ôm không hết. Rong này có cành nhánh dính liền nhiều nụ bông búp màu vàng, người địa phương gọi là rau mơ. Do những trận bão tố, "mơ" nổi lềnh bềnh khắp một vùng mặt biển, xen lẫn vào lưới đánh bắt của ngư dân, hoặc nằm phơi mình trên bãi cát sau khi nước thuỷ triều rút xuống, nên thường gọi Tố giựt mơ.
Ở đây, người lấy rong hoạt động hầu như quanh năm, cũng bằng lối thủ công, rong được ép sau khi giặt sạch để bán. Bình Thuận tiềm tàng sức hấp dẫn kinh tế đáng kể: Phát triển nghề nuôi trồng, chế biến rong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét