Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Món ăn cồi biên mai ở quần đảo Hải Tặc


Hình dáng con biên mai chỉ là hai miếng vỏ màu xanh đậm, đầy rêu ốp lại, đầu lớn, đuôi nhỏ giống như cái bắp chuối lá xiêm. Chúng có nhiều ở quần đảo Hải Tặc thuộc huyện Hà Tiên, trên những thềm đá ngầm với độ sâu khoảng 4-5 m. Đuôi của chúng dính cứng vào mặt đá, thân dựng đứng, dập dềnh, cứ mở miệng chờ rong rêu hoặc phiêu sinh vật tấp vào mà ngậm lại.

Những người thợ lặn họ chụp kính vào mắt, lặn xuống gỡ từng con biên mai quăng lên tàu cho những người ngồi trên dùng chài đập vỡ ra, cạy lấy một miếng thịt “ngạt kéo” ở chỗ hai mép vỏ gắn lại. Miếng thịt ấy người ta gọi là “cồi” dày và lớn bằng một lát cau khô. Như thế, trên một tấn con biên mai ta sẽ lấy được khoảng 1 kg cồi tươi, còn bao nhiêu thì vứt đi.Cồi biên mai đem về ướp nước mắm tàu vị yểu, tiêu, mỡ... Cách ăn phải nói là thưởng thức mới đúng, một loại “sơn hào hải vị” như vậy đâu phải để cho kẻ phàm ăn tục uống. Năm ba du khách ngồi bên bếp lửa bập bùng trên một ghềnh đá nào đó, dưới ánh trăng suông cạnh hàng dừa trăm năm ngả nghiêng ra biển. Đêm lặng. Sóng biển thì thào theo sống lá dừa xao động. Từng cuộn nước đùa lân tinh lập lòe trèo lên tuột xuống quanh mỏm đá. Với một chung rượu nồng độ  cao hay một cốc bia ấm áp, du khách cầm một que cọng lá dừa dài độ một gang tay, xiên ở đầu vài viên cồi biên mai, se se hơ qua bếp than rừng rực. Ai thích ăn “ngọt” thì trông chừng miếng cồi vừa cứng tới, ai muốn ăn “thơm” thì cứ để cho nó thật khô đến vàng rộm. Mùi thơm và vị ngọt tổng hợp, du khách nếm vào nghe tê đầu lưỡi. Và khi nhấp nháp ta nghe cái “ngon” kỳ lạ chạy dài trên sống lưng. Kế tiếp, chất dịch vị từ chân răng tứa ra đòi hỏi một chút ít cay cay. Thế là một chung rượu sủi tăm cũng vừa, một cốc bia lại càng không thiếu.

Qua tiếng biển thầm thì, người hướng đạo cùng du khách thầm thì kể cho nhau nghe về nguồn gốc cái đảo có tên Hải Tặc này, và chuyện bọn cướp Hoắc Nhiêu, còn gọi là Tàu Ô thời đầu thế kỷ XVII...

ANH ĐỘNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét