Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Đi săn đệ nhất đặc sản miền Tây

Sông Vàm Nao (huyện Phú Tân, An Giang) là khúc sông ngắn nối sông Tiền và sông Hậu nằm ở địa phận giáp ranh giữa hai huyện Chợ Mới và Phú Tân. Nó không chỉ nổi tiếng vì cảnh đẹp, những huyền thoại “dưới sông sấu nhảy…” một thời mà còn nổi tiếng vì đặc sản cá bông lau - được xem là một trong những đệ nhất đặc sản của miền Tây. Cá bông lau không chỉ nổi tiếng về ngon mà còn về nguồn gốc bí hiểm của nó.

Rủi may nhờ “Bà Cậu”

Mặt trời vừa ló dạng, chúng tôi đã có mặt trên sông Vàm Nao. Sớm vậy mà số đông những người làm nghề đánh bắt cá bông lau đã hoàn thành phần việc thả lưới của mình, họ chờ cho đến khi Mặt trời lên cao thì đi thăm lưới.




Thả lưới đánh bắt cá bông lau trên sông Vàm Nao. Ảnh: HM 

Theo lời chỉ dẫn của ngư dân, chúng tôi tìm đến nhà Hai Lai, một trong những ngư dân đánh bắt cá bông lau lâu năm và nổi tiếng nhất ở đây. Sự bực tức và uất ức vì không đánh được cá của ngày hôm qua vẫn đọng lại trên gương mặt sạm nắng của lão ngư dân. “Không những chẳng đánh được con cá bông lau nào mà còn bị cào bay (ghe cào) chém nát mấy chục mét lưới, mất toi mấy trăm nghìn thuê người vá lại... Thôi thì mong bữa nay sẽ gỡ gạc vậy”.

50 tuổi, Hai Lai đã có hơn ba mươi năm làm nghề đánh bắt cá bông lau. Nhìn con nước, ngắm mây, coi tăm cá và nghiệm tiết trời là Hai Lai có thể đoán được đến 7 - 8 phần hôm nay có cá hay không... Tuy chưa “siêu” như Hai Lai, nhưng nhiều ngư dân nơi đây đều có khả năng đoán biết được cá bông lau có “chạy” hay không bằng cảm nhận từ tiết trời. Nhưng biết thì để trong bụng thôi, chứ không ai dám nói ra.

Không ai dám hứa hôm nay sẽ giao cá, khi nhà hàng, chủ vựa í ới gọi điện đặt hàng. Không phải sợ thất hứa mà sợ có lỗi, vì ai cũng tin là “đất có thổ công, sông có hà bá”. Đối với những người đánh bắt cá bông lau thì sông nước ở đây còn có... “Bà Cậu”. Làm ăn được hay không, bắt được nhiều hay ít cá là do “Bà Cậu” có “độ” hay không. Có người còn lập bàn thờ “Bà Cậu”, mỗi bận xuất ghe đi đánh bắt đều âm thầm làm mâm cỗ cúng. Mọi người đều tin rằng nếu trước khi đi thả lưới mà có ai đó trông thấy, đặt hàng trước, đại khái như: “Chừa cho tôi một con nhé”, “Thăm lưới về, được bao nhiêu, giao hết cho tôi nghen”... thì kể như chuyến đi ấy trắng tay! Cũng chính vì sự kiêng kỵ đó mà chúng tôi không thể liên hệ trước với những người làm nghề đánh bắt cá bông lau.

Nhưng hôm nay là một ngày hên của Hai Lai. Mới hơn 9h sáng, tay lưới đã rung lên bần bật. Hai Lai dang tay phăng mạnh. Thoáng chốc, một con bông lau trắng toát, dài hơn nửa thước, dễ đến chục kilôgram đã nằm gọn trên lòng ghe. “Thấy “Bà Cậu” độ chưa. Kẻ vô tâm nào hôm qua cào nát lưới tui thì hôm nay cũng bị “Bà Cậu” cho trắng tay mà xem...”, Hai Lai liến thoắng.

“Hành tung” bí ẩn của đệ nhất đặc sản
 





Cá bông lau nặng gần chục kilôgram do ngư dân Hai Lai đánh lưới.



Lão ngư Hai Lai cúng "Bà Cậu" sau chuyến đánh lưới được cá bông lau. Ảnh: HM 

Cá bông lau dài đòn nên có dáng thon thả. Đẹp nhất phải kể đến là nước da của nó, trắng một màu trắng mịn mà lại nổi bông phấn nên người ta gọi là trắng phấn. Dưới ánh nắng Mặt trời, da cá bông lau ánh lên một màu trắng như màu trắng bông lau. Có lẽ vì thế mà người ta đã đặt cho cá cái tên là bông lau. Thịt bông lau có sức quyến rũ lạ kỳ. Hầu như loại cá nào lúc còn tươi sống cũng tanh, nhưng cá bông lau lại có một mùi thơm lạ lẫm.

Cá bông lau có một hành tung bí ẩn. Riêng điều này thôi cũng đã hấp dẫn nhiều người, nhiều nhà nghiên cứu chuyên ngành thủy sản và cả... giới văn nghệ sĩ. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp là một trong số những người bị hấp dẫn như thế. Anh đã lặn lội từ đầu nguồn đến cuối nguồn sông Cửu Long để tìm hiểu. Đã mấy chục năm nhưng kỳ thực anh cũng chưa hiểu hết được tông tích cá bông lau.

Anh bảo: “Có một cái gì đó bí ẩn về đường đi nước bước của con cá bông lau. Xưa nay chưa ai thấy trứng cá bông lau bao giờ. Cũng chưa ai đánh bắt được con cá bông lau nào có trứng. Người ta cũng không biết cá bông lau được sinh ra từ đâu. Người thì quả quyết nó được sinh ra từ Biển Hồ của Campuchia như nhiều loại cá da trơn khác. Nhưng những người làm nghề đánh bắt cá lâu năm cho biết họ không thấy mặt cá bông lau ở Biển Hồ.

Cũng có giả thuyết khác cho rằng cá bông lau sinh ra ở cuối nguồn sông Cửu Long, nơi giao nhau giữa nước mặn và nước ngọt. Giả thuyết này có phần đúng nhiều hơn vì thực tế ở vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu, thuộc địa phận các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Cà Mau... cũng có nhiều cá bông lau, nhưng đa phần là cá bông lau nhỏ, mỗi con độ 2 kg là cùng. Trong khi cá bông lau ở đầu nguồn Cửu Long như ở sông Vàm Nao (An Giang) thì phần nhiều là trên 5kg, con trên 10kg cũng không phải hiếm”.

Mùa cá bông lau trên sông Vàm Nao bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng Tư. Từ xưa tới nay, ít ai câu mà đa phần dùng lưới. Lưới có mắt rộng khoảng 14 cm, cao trên 10m, chiều dài mỗi tay khoảng từ 400 - 500m. Cá đi nhiều theo con nước đêm nên người ta hay thả lưới từ lúc chiều tối đến rạng sáng hôm sau. Có hai cách bắt cá bông lau là lưới đèn và lưới ngầm. Lưới ngầm thì mỗi 5m có một móc chì nặng hơn 2kg làm sức nặng cho lưới chìm sâu, xen kẽ là các phao xốp, báo hiệu thả trên mặt nước. Lưới ngầm chuyên bắt những luồng cá đi sâu đáy sông. Lưới đèn gắn thêm những chiếc đèn dầu, bắt cá chạy luồng trên. Loại lưới này đánh rất trúng vào buổi tối, nhưng chỉ bắt được cá nhỏ.

Trên một chiếc ghe tam bản, một mái chèo, một tay lưới, một chiếc máy Cole là đủ công cụ cho nghề săn cá. Mỗi chuyến, họ thường đi theo nhóm 2 người, một chèo giầm, một thả lưới. “Chừng chục năm trước chỉ riêng khúc sông này đã có hơn chục bến, số ghe đánh bắt cá bông lau ở đây lúc cao điểm lên tới 400- 500 ghe. Ai đến trước thả lưới trước, người đến sau phải chờ, tuyệt đối không có sự tranh giành, cự cãi gì. Nhưng mấy năm gần đây, cá bông lau mỗi lúc một ít, người ta bỏ nghề lên bờ cũng bộn, mà cái sự làm ăn xem ra cũng lộn xộn hơn nhiều”, Hai Lai cho biết.

Không biết có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào không mà hầu hết người làm nghề đánh bắt cá bông lau ở Vàm Nao đều nghèo. Có người nói chính cái sự hên xui đan xen đã tạo nên một yếu tố hấp dẫn, khiến nhiều người không bỏ được nghề, dù khó đến mấy. Hai Lai cũng không là ngoại lệ. Làm nghề đánh bắt cá bông lau hơn ba mươi năm nay nhưng tính ra anh và gia đình có mấy lần được ăn cá bông lau. Ấy vậy mà hôm đó, Hai Lai lại đãi chúng tôi một bữa canh chua cá bông lau do chính anh bắt được.

Chúng tôi thật là ái ngại nhưng không từ chối được tấm chân tình và lòng mến khách của anh. “Không lẽ dòng họ tui mấy đời làm nghề cá bông lau không dám đãi mấy chú một bữa canh chua bông lau ra trò sao”. Vậy là con cá bông lau gần 10kg đã được Hai Lai quyết định xẻ thịt chứ không bán, dù có người hay tin anh đánh được cá to, sẵn sàng mua với giá 80.000đ/kg... Nồi canh chua cá bông lau dọn lên thơm phức, chỉ mới nghe mùi, bụng đã cồn cào.

Hoàng Mai
Vietbao(Theo_Giadinh.net)



Lưới cá bông lau ở Vàm Nao




"Bắp non mà nướng lửa lò / Đố ai ve đặng con đò Vàm Nao". Người xưa đã truyền tụng rằng con gái Vàm Nao rất đẹp và hiền hòa, chẳng những thế mà con cá nước ngọt ở vùng này cũng rất ngon. Những câu chuyện truyền khẩu ít nhiều chất lãng mạn đã thôi thúc chúng tôi tìm đến Vàm Nao làm một chuyến đi lưới cá bông lau, cá cơm. Cách quốc lộ 91A khoảng 15km là đến phà Năng Gù rồi lại thêm 8km đường bộ nữa, chúng tôi mới đến huyện Phú Tân, thuộc tỉnh An Giang. Dòng Vàm Nao với bên kia bờ là cù lao Ông Chưởng (Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh) thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Vàm Nao là con sông nối sông Hậu và sông Tiền đoạn gần Châu Đốc, thuộc tỉnh An Giang.

Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, thì sông Vàm Nao từ xa xưa chỉ là một con kênh nhỏ. Do nước sông Tiền được đổ trực tiếp từ đầu nguồn phía Campuchia qua nên mực nước sông Tiền thường cao hơn sông Hậu khoảng một mét. Do vậy, con kênh Vàm Nao nhỏ bé bị dòng nước đạp lở bờ, mỗi năm mất khoảng vài héc ta đất bên phía cù lao Ông Chưởng. Xói lở lâu ngày, con kênh nhỏ ngày nay trở thành sông Vàm Nao rộng từ 700 đến 800 mét và có độ dài khoảng 6,5 km.

Ngày xưa khi Vàm Nao còn là con kênh nhỏ chứa lục bình, rác trôi tấp vào như cái đìa nước tự nhiên. Do đó, nó là nơi trú ẩn rất tốt cho các loại cá nhỏ. Cá lớn tìm cá nhỏ để ăn nên nó lại cám dỗ thêm nhiều nguồn cá đến trú ẩn và tìm kiếm thức ăn. Người dân ở đây còn đồn thổi rằng, sông Vàm Nao có rất nhiều loại cá quý như cá hô, cá bông lau, thậm chí có cả cá sấu và các loại cá... biển như cá mập, cá đuối, cá thu lội vô tìm mồi ở vùng nước ngọt này (?!).

Đầu vàm giáp sông Tiền gọi là vàm trên, đoạn cuối của sông Vàm Nao giáp sông Hậu gọi là vàm dưới. Từ đầu tháng 11 âm lịch đến cuối tháng 5 âm lịch là mùa chính của nghề đánh bắt cá bông lau ở đây. Cá bông lau sống tập trung ở lưu vực sông Mê Kông (chỉ ở sông Mê Kông mà không có ở các sông khác).

Đây là loài thuỷ sản di trú, một thời gian sống ở các vùng nước lợ ven biển và một thời gian di cư vào sâu trên sông để sinh sản. Cá có kích thước lớn, tăng trưởng nhanh. Lưng và đầu cá bông lau màu xanh lá cây, bụng màu trắng, vảy trong suốt, vây hơi vàng. Người dân ở Vàm Nao cho là cá bông lau nặng vài chục ký ở đây là chuyện bình thường.


Các nhà nghiên cứu cho rằng có ít nhất hai quần thể cá bông lau di trú trên sông Mê Kông. Một quần thể di cư trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9 từ phía nam thác Khône, trên đất Lào. Quần thể kia di cư xuôi dòng từ gần Stung Treng đến Kompong Cham ở Campuchia là vùng nước để đẻ trong mùa đẻ trứng từ tháng 5 tới tháng 8. Khi mực nước rút xuống, chúng di chuyển ngược lại sông chính để bắt đầu phân tán ngược dòng. Chúng sống trong các vũng nước sâu trong dòng chính trong suốt mùa khô. Ở Việt Nam, cá bông lau thường được thấy ở hệ thống sông Cửu Long, nhiều nhất là sông Hậu.

Người dân ở Vàm Nao lưới cá theo nhật triều, bình quân mỗi ngày có hai con nước. Khi con nước rong là tàu thuyền chuẩn bị ra vùng cá. Vùng cá ở Vàm Nao có lúc ở đầu vàm trên, có lúc xuôi theo vàm dưới.
Thường thì người dân ở đây lưới cá ở vùng mà họ cho là cá tập trung nhiều. Bữa cơm chiều toàn là cá bông lau đã làm nhóm chúng tôi hưng phấn hơn. Cá bông lau ở đây thường được nấu theo kiểu Nam bộ: canh chua cá bông lau, cá bông lau kho lạt ăn với xoài, cá bông lau chiên muối sả. Hít hà! với những món đặc sản mà cả nhóm đều khoái khẩu, chúng tôi lên đường ra bến thuyền để cùng ngư dân Vàm Nao lưới cá đêm.

Trời vừa tối hẳn, khoảng 7 giờ, nhóm chúng tôi đi trên hai thuyền lưới cá thẳng vùng ‘đỏ đèn’ nhấp nhoáng trên sông bao phủ một vùng lớn ngã ba sông, nơi tiếp giáp giữa sông Tiền và sông Vàm Nao. Đến gần hơn chúng tôi mới thấy lưới được thả theo vòng và được tách rời từng lưới. Trên lưới lủng lẳng những ngọn đèn dầu được gắn cách khoảng. Nhìn từ xa trông giống như lễ hội thả đèn nước với hàng trăm ngọn nến lung linh ‘đỏ’ hết cả một đoạn sông.

Dăm bảy thuyền lưới cá sau khi thả lưới, quây quần lại ngồi tán gẫu, người nằm nghỉ, người ngồi để chờ đến giờ kéo lưới. Thật yên ả, thanh bình làm sao! Thời gian bủa lưới khoảng một giờ đồng hồ. Lại thêm hai giờ chờ cho cá mắc lưới rồi mới kéo lưới. Thông thường, nếu gặp lúc nước lớn thì nửa tiếng đồng hồ thăm lưới một lần, còn nước ít chảy thì thời gian thăm chậm hơn khoảng 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi.



Thả lưới xong, các thuyền tụ lại giữa sông ngồi tán gẫu, nghỉ ngơi chờ đến giờ kéo lưới. Ảnh: Lâm Văn Sơn 

Phương tiện đánh cá bông lau rất đơn giản, chỉ cần một xuồng máy và tay lưới dài 500 đến 600 mét, dạo sâu 7 - 8 mét. Tuy nhiên, muốn đánh được nhiều cá, phải chọn thời điểm nước rong vào những ngày 14, 15 hoặc 29, 30 âm lịch là lúc nước chảy mạnh, nhất là ban đêm lúc trời êm, xuồng ghe đi lại ít, cá thường đi ăn nên dễ bắt.

Giá một ký cá tại sông Hậu hiện bình quân từ 60.000đ - 70.000 đồng; gặp mùa hiếm giá cá có thể lên đến 100.000 đồng hay 120.000 đồng một ký. Chỉ cần xong lưới cá bông lau một ngày là có thể kiếm vài trăm ngàn đồng khỏe re. Ngoài ra người dân ở đây còn lưới cả cá cơm.


"Ở trên Châu Đốc ngó xuống Vàm Nao
Thấy con cá đao nó nhảy vô lưới
Anh ngồi anh chắc lưỡi, không biết chừng nào anh cưới đặng em?"

Nhiều quá đi những câu ca dao nói về sự trù phú của vùng đất phương Nam, nơi mà con người đã cùng con nước gắn bó mỗi sớm hôm. Nhóm chúng tôi quay một vòng theo các tay lưới rồi trở về bến với lòng thỏa mãn cái thú lưới cá đêm. Con cá bông lau, con cá đặc sản của vùng quê Nam bộ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét