Người Chăm Nam bộ ở An Giang sống tập trung tại các huyện An Phú, Tân Châu và Phú Tân, có tháng Thánh lễ rất thiêng liêng, gọi Ramadan hay tháng ăn chay mà thực ra là nhịn ăn ban ngày diễn ra từ ngày 1 đến 30-9 theo lịch Hồi giáo.
Đây là một dịp để đồng bào, cả nam lẫn nữ từ 5 tuổi trở lên tự kiểm điểm lại những hành động đúng sai của mình trong từng ngày, từng tháng của năm qua để đối với những hành vi sai trái, quyết tâm khắc phục sửa chữa và sám hối. Mỗi người trong suốt tháng này, từ rạng đông đến chạng vạng phải tuyệt đối nhịn ăn, nhịn hút thuốc lá, nhịn uống (khi tắm cũng không để cho nước ngập đến lỗ tai, vì e nước sẽ rỉ vào ngõ này). Kể cả nhịn quan hệ tình dục. Cũng không được sát sinh hại vật, và nhất là không gây gổ, cãi vã làm mất đoàn kết với bất cứ ai. Được biết, trong thời gian thực hành tháng Thánh lễ, không được tổ chức vui chơi, hát xướng.
Cũng như những ngày thường trong năm, mỗi ngày, những người tín đồ Hồi giáo này phải lạy Thượng đế 5 lần theo quy định: 4 giờ khuya (2 lạy), 11 giờ trưa (4 lạy), 15 giờ (4 lạy), 18 giờ (3 lạy), 19 giờ 30 (4 lạy).
Đến đúng giờ, khi nghe tiếng trống hiệu, nam tín đồ nhanh chóng tập hợp tại Thánh đường gần nhất. Nữ tín đồ không được đến đây, phải lạy tại nhà. Nếu ai đang lênh đênh trên sông nước thì ra làm lễ tại mũi ghe.
Để chuẩn bị cho tháng khắc khổ này, trước ngày vào lễ Ramadan, bà con trong xóm tụ họp lại bàn tính việc hùn nhau mua sắm bánh trái hoặc bò (tuyệt đối cữ ăn thịt heo và chó, nên họ không nuôi những con vật này) để khi “ra lễ” sẽ cùng nhau liên hoan vui vẻ tại một căn nhà rộng rãi hoặc tại Thánh đường, nhưng không uống rượu, kể cả bia.
Thức ăn truyền thống đặc hữu của đồng bào trong những buổi tiệc tùng là hai món cà ry và cà púa. Tên gọi hai món ăn này là nói theo tiếng Ấn Độ, nhưng truy nguồn gốc thì cà ry là món ăn ưa thích của người Ấn, còn cách làm cà púa là bắt chước người Thái Lan. Cà ry nấu với khoai; cà púa không nấu chung với món nào hết, và để gia vị mạnh, cay hơn cà ry. Về trình bày, thịt nấu cà ry xắt sao cũng được, trong khi cà púa thì có quy tắc nhất định: 1 kg thịt xắt ra làm 16 cục (miếng); mỗi “carê” (4 người ngồi một mâm) dọn lên hai đĩa, mỗi đĩa 4 cục. Như vậy tiêu chuẩn mỗi người là hai cục thịt nạc. Trên mâm có dọn thêm một món dưa chua và một tô xương súp.
Do cà púa chỉ sử dụng toàn “thịt nạc khối”, nên phần thịt nạc vụn đã bỏ hết gân, được dùng làm món “tung lò mò” (lạp xưởng bò), xắt nhuyễn, trộn đều với tiêu, tỏi, bột ngọt, đường, và một vài loại gia vị... bí truyền, trong đó có... cơm nguội. Trộn xong để một hồi cho thấm rồi dồn vào ruột bò đã lộn bề, đem phơi. Đặc biệt, tung lò mò để càng lâu, càng khô, ăn càng ngon, đến 1, 2 tháng cũng không hư.
Thưởng thức tung lò mò tuyệt nhất là nướng và chiên, ăn với rau sống, chuối chát... rất khoái khẩu.
“Những ngày hội” sau tháng Thánh lễ được diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 10 theo Hồi lịch. Đây cũng là ngày “hẹn truyền thống” của những thành viên trong xã hội người Chăm Hồi giáo. Tất cả những người vì sinh kế, đi làm ăn mua bán phương xa đều bươn bả trở về đoàn tụ với gia đình, thăm hỏi bà con thân thuộc, xóm giềng. Người Chăm An Giang xem đây là những ngày vui nhất, nhà nào cũng sẵn sàng cơm nước, và chuẩn bị đầy đủ đặc sản để đãi khách, bất kể thân, sơ, gọi Tết Roya, vui như người Việt ăn Tết Nguyên đán vậy.
NGUYỄN HỮU HIỆP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét