Cũng như chè đậu xanh, chè hột vịt được thực hiện khá đơn giản: Đậu xanh cà vo sạch cho vào nồi đun trên bếp lửa riu riu. Khi thấy đậu xanh có chất nhựa (nhừ) thì cho đường cát trắng vào. Hớt bọt nhiều lần đến khi thấy nồi chè sôi, nổi bong bóng thì cho hột vịt còn sống vào. Để món ăn ngon hơn, người ta cho hột vịt vào nồi một cách khá công phu: dùng dao nhỏ, bén chặt thật nhẹ, thật khéo chính giữa hột vịt. Nhẹ tay tách vỏ, từ từ trút hột vịt vào nồi chè. Làm như vậy, hột vịt được giữ nguyên vẹn hình thể khi đã chín. Nếu không xử lý khéo như vậy, thì hột vịt khi cho vào nồi sẽ bị bể thành một thứ “hỗn tạp”, tròng trắng và tròng đỏ trộn lẫn vào nhau, vừa không đẹp mắt vừa mất ngon! Xử lý xong hết số hột vịt đủ dùng cho nồi chè, người ta mới cho phổ tai đã ngâm nở xắt sợi và gừng xắt sợi vào. Nồi chè sôi vài dạo thì nhấc xuống, múc ra chén...
Cho đến bây giờ, trong ký ức tôi vẫn còn ghi đậm dấu ấn về một đêm hè. Đêm đó, má tôi múc cho mỗi người trong gia đình một chén chè hột vịt. Cầm chén chè trên tay, tôi hết sức bỡ ngỡ vì là lần đầu tiên mới được nghe và thấy món lạ này. Tôi múc từng muỗng chè cho vào miệng. Mùi thơm của đậu xanh, của hột vịt như lan ra trong miệng. Nhẩn nha nhai từng muỗng chè, tôi lại bắt gặp cái ngon của từng sợi phổ tai vừa giòn vừa ngọt vị chè, vừa thoang thoảng vị biển mặn. Chưa hết, khi cắn hột vịt, tôi mới cảm nhận được vị ngọt của chè, vị béo của lòng đỏ lòng trắng hột vịt tràn ngập các chân răng. Chép miệng, nuốt từ từ, cảm giác này như lan tỏa khắp cơ thể. Vẫn chưa hết điều kỳ thú của chè hột vịt. Sau này, khi được thưởng thức món giải nhiệt này ở nhà một người bạn, tôi mới được hân thưởng hương vị khác lạ của chè hột vịt. Đó là khi chè hột vịt được cho vào một ít nếp rặt. Món chè mới ngon làm sao khi có vị béo thơm của mấy hột nếp đầu mùa. Càng ăn càng “bắt ngây” cái thứ chè chỉ để “ăn chơi”, tuyệt nhiên không thấy bày bán nơi nào cũng như trong những buổi cúng kiếng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét