Quảng
Bình, tiếng gọi thân thương đưa du khách về với miền quê thân thương,
gần gũi mà tươi đẹp với những địa điểm du lịch lý tưởng như biển Nhật
Lệ.
Trên đường thiên lý Bắc - Nam, mỗi khi
có dịp ngang qua Đồng Hới - thành phố “hoa Hồng” của tỉnh Quảng Bình,
du khách không thể không ghé thăm bãi biển Nhật Lệ nằm cạnh cửa sông
Nhật Lệ, cách trung tâm thành phố chỉ chừng 3km về phía Đông Bắc. Nơi
đây thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Quảng Bình một bãi tắm tuyệt đẹp với
nền cát trắng phau và dòng nước biển trong xanh giữa trời-mây-non-nước
hữu tình, trở thành điểm dừng chân lý tưởng làm mát lòng lữ khách đường
xa…
Cửu biển Nhật Lệ luôn điểm dừng chân lý tưởng làm mát lòng lữ khách đường xa.
Từ đường Lý Thường Kiệt (quốc lộ 1A),
du khách rẽ vào đường Hàn Mạc Tử rồi theo con đường Nguyễn Du và Trương
Pháp dọc ven bờ sông Nhật Lệ để đến với cửa sông và bãi biển Nhật Lệ,
đi qua những dấu tích hào hùng của một thời chinh chiến với ngôi nhà thờ
Tam Tòa được xây dựng năm 1886, tuy đã bị sụp đổ năm 1965 sau bao lằn
bom đạn vẫn còn nguyên vẹn tháp chuông, được tỉnh Quảng Bình giữ lại làm
di tích lịch sử - văn hóa, chứng tích tội ác chiến tranh; với tượng đài
Mẹ Suốt ghi dấu nỗ lực âm thầm và sức chịu đựng bền bỉ của những bà Mẹ
Quảng Bình, trong mưa bom bão đạn vẫn kiên cường chở bộ đội qua lại trên
dòng sông Nhật Lệ…
Một Nhật Lệ đau thương mà hào hùng đã dần được thế chỗ bởi một Nhật Lệ bình yên, trù phú.
Nhiều truyền thuyết, huyền thoại đã
được thêu dệt nhằm giải mã cho cái tên “Nhật Lệ” nhiều duyên nợ. Có
người viện dẫn việc vương phi Mỵ Ê của vua nước Chiêm Thành Xạ Đẩu đã
trầm mình trên dòng sông để thủ tiết sau khi vua Lý Thái Tông thân hành
đem binh chinh phạt Chiêm Thành năm 1044. Về sau này Thái thượng hoàng
Trần Nhân Tông đã hứa gã công chúa Huyền Trân làm hoàng hậu Chiêm Thành
và cuộc hôn nhân chính trị đã đưa về cho nước Đại Việt hai châu Ô, Lý
nhưng trên dặm đường làm dâu xứ người, đã biết bao lần nước mắt nàng
công chúa âm thầm rơi vào cửa sông?… Cảm thương cho bậc kiều nữ của hai
đất nước đã lặng lẽ đánh rơi những giọt lệ buồn man mác mà người xưa đã
gọi tên dòng sông
Cái tên và nguồn gốc của cửa biển nổi tiếng này được nhân dân truyền tụng với nhiều truyền thuyết khác nhau.
Nằm cạnh cửa sông Nhật Lệ, bãi biển
Nhật Lệ còn mang một vẻ đẹp nguyên sơ. Nơi đây bãi cát trắng phau trải
dài với làn nước biển trong xanh nhìn rõ tận đáy. Gần đó còn có Bàu Tró,
một hồ nước ngọt chỉ cách bờ biển hơn 100m. Bàu Tró không chỉ là nguồn
cung cấp nước ngọt quan trọng cho thành phố Đồng Hới, mà còn là di chỉ
khảo cổ với dấu tích người nguyên thủy thời kỳ đồ đá có niên đại cách
ngày nay khoảng 5.000 năm. Các nhà khảo cổ học đã lấy tên di chỉ Bàu Tró
đặt tên cho nền văn hóa hậu kỳ đá mới phân bổ ở vùng ven biển Nghệ An
kéo dài đến Thừa Thiên - Huế.
Bao đời nay, dòng sông Nhật Lệ vẫn lặng lẽ chảy xiết để đổ ra biển lớn Nhật Lệ, hòa cùng dòng chảy của đại dương.
Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho biển
Nhật Lệ một khung trời huyễn hoặc với bãi cát trắng trải dài, làn nước
biển trong xanh và những cây rau Muống biển hoa tím (có nơi gọi là Lang
biển) mọc tràn lan trên khắp bãi cát, tạo nên nét hoang sơ mà cũng lãng
mạn lạ lùng. Từ ngoài khơi xa từng lớp sóng bạc tiến vào bờ tựa những
chùm hoa sóng tung bọt trắng xóa… Những lúc trời thanh gió mát, bãi biển
sạch như lớp nệm mới, nền cát mịn óng ánh được dầm nén chắc chắn, có
thể đạp xe hay chơi các trò chơi thể thao một cách… vô tư.
Những cây muống biển, đẹp một cách đơn thuần, mộc mạc mà cũng thật đằm thắm.
Vẻ đẹp của bãi biển Nhật Lệ gắn liền với sự xuất hiện giản dị mà lại nổi bật của những cây muống biển.
Bãi tắm nơi đây thoai thoải sâu và rất
an toàn, gió lồng lộng thổi mát hòa cùng tiếng sóng vỗ rì rào tạo nên
một bản giao hưởng của tự nhiên giới với nhiều cung bậc du dương. Dạo
chơi trên bãi cát trắng mịn và sạch sẽ, cảm giác thú vị khi từng đợt
sóng dạt vào bờ, liếm vào chân rồi nhẹ nhàng rút đi sau khi đã xóa sạch
những vết hằn một cách tài tình…
Cát của Nhật Lệ lúc nào cũng trắng phau, sạch sẽ và mịn màng.
Biển Nhật Lệ cũng có những khoảnh khắc thật lãng mạn khi hoàng hôn dần buông, đây là thời điểm lắng đọng cho những cuộc hẹn hò tình tứ… Khi màn đêm buông xuống, cả một vùng cửa biển với đủ loại tàu thuyền giăng đèn chấp chới, sáng rực như một thành phố thần tiên – du khách ngỡ như được nhìn thấy hàng ngàn vì sao đang tỏa sáng lung linh…
Nhật Lệ lúc hoàng hôn, khoác lên mình vẻ đẹp đằm thắm đầy quyến rũ.
Thời điểm đẹp nhất để đến với biển
Nhật Lệ là từ tháng 5 đến tháng 8. Du khách đến đây, ngoài việc thỏa sức
tắm táp vẫy vùng cùng sóng biển, còn có dịp thưởng thức nhiều hải sản
tươi ngon và đậm đà của vùng biển Quảng Bình, từ Hàu, Nghêu, sò Huyết,
sò Lụa, sò Điệp, Ghẹ, tôm Hùm, Mực… đến các loại cá Mú, cá Hồ, cá Chim,
cá Bả trầu, cá Hồng, cá Chình, cá Hanh… được các nhà hàng dọc con đường
ven biển chế biến rất chuyên nghiệp.
Hải sản Nhật Lệ cũng là điều mà du khách không thể bỏ qua khi tới thăm bãi biển xinh đẹp này.
Nếu không quá cầu kỳ, khách cũng có
thể thưởng thức ngay tại bãi biển bởi những gánh hàng rong mà chỉ với
một bếp than nhỏ, vẫn có thể cung cấp đến khách những món nướng hay luộc
đầy hấp dẫn. Điểm đặc biệt ở đây là khách không phải chờ lâu bởi luôn
sẵn những món “khai vị” mang sắc màu địa phương như bánh Bột lọc, bánh
Nậm chấm với nước mắm có hương vị rất riêng, vừa đủ nhâm nhi mà cũng đỡ
sốt ruột…
Biết
bao thăng trầm có qua đi, nhưng những ngọn sóng trên bờ Nhật Lệ, cũng
giống như ý chí kiên cường của người con Quảng Bình sẽ mãi mãi tồn tại
cùng lịch sử.
Biết bao thăng trầm của lịch sử, đất
trời Quảng Bình vẫn tồn tại như một sự vĩnh hằng, sóng biển Nhật Lệ vẫn
ngày ngày ngân lên khúc ca chào ngày mới với biết bao biến đổi và phát
triển.
Nguồn Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét