Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Rija Nagar, lễ hội đầu năm của người Chăm

Rija Nagar là lễ hội được tổ chức hàng năm vào tháng giêng Chăm lịch. Đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất và mang đậm tín ngưỡng dân gian của người Chăm Bà la môn và Chăm Hồi giáo ở Ninh Thuận và Bình Thuận.
Rija Nagar là mở đầu cho hàng loạt lễ hội trong năm của người Chăm. Lễ được tổ chức nhằm cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân làng được sống ấm no hạnh phúc, cũng như tẩy uế những cái xấu xa của năm cũ để đón lấy những điều may mắn trong năm mới.
Rija Nagar được tổ chức trong hai ngày và dành cho cả cộng đồng Chăm ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Cộng đồng Chăm Ahier (Chăm ảnh hưởng Bà la môn) tổ chức vào ngày thứ tư và thứ năm, còn Chăm Awal (Chăm ảnh hưởng Hồi giáo) tổ chức vào ngày thứ năm và thứ sáu trong tuần và bắt đầu bằng các ngày lẻ trong tháng giêng.
Khong-gian-to-chuc-Le-hoi-Rija-Nagar_138
Không gian tổ chức lễ hội.
Lễ hội diễn ra trong một nhà lễ (kajang), chủ lễ là ông Ka-ing và thầy vỗ Maduen, ngoài ra còn có nghệ nhân đánh trống Gineng, thổi kèn Saranai. Nói đến nội dung lễ hội Rija Nagar, người Chăm có câu “ngày vào cúng gà - ngày ra cúng dê" hay “ngày vào cúng thần mới - ngày ra cúng thần cũ".
Ngày thứ nhất
Ngày đầu của Rija Nagar là lễ cúng thần mới. Lễ vật cúng là bàn tổ gồm một thôn trầu, rượu, trứng cùng các món cúng như xôi, chuối, gà. Khi tiếng trống ngân lên, tiếng kèn Saranai réo rắt là lúc buổi lễ bắt đầu với điệu múa khoan thai của ông Ka-ing. Khi đó, thầy vỗ Maduen với chiếc trống Baranâng trên tay vừa vỗ vừa hát những bài thánh ca nói lên công trạng của các vị thần, đồng thời mời các ngài về dự lễ.
Khi ông Ka-ing đang lên với điệu múa thì người dân tham dự lễ hội sẽ vỗ tay với tiếng hoan hô (ahei…!) rất đặc trưng. Ông Ka-ing là trung tâm của buổi lễ, là người đại diện cho cộng đồng giao thoa với thần linh để cầu xin những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Dieu-mua-dap-lua-cua-ong-Ka-ing_13806779
Điệu múa đạp lửa của ông Ka-ing.
Trong ngày đầu, những vị thần mới và cũ đều được mời về dự lễ. Là dân tộc có truyền thống nông nghiệp, người Chăm cũng mời những vị thần gắn liền với thiên nhiên như thần đất, thần nước, thần mặt trời, thần núi, thần biển. Mỗi vị thần sẽ có một bài thánh ca gắn với huyền thoại, sử tích của vị thần đó. Khi thầy vỗ Maduen hát mời, ông Ka-ing múa dâng lễ vật, mỗi điệu múa cũng đặc trưng riêng cho mỗi vị thần mà họ thờ cúng.
Dieu-mua-Po-Tang-Ahaok-voi-cay-mia-tuong
Điệu múa Po Tang Ahaok với cây mía tượng trưng cho mái chèo.
Ngày thứ hai
Ngày thứ hai là lễ cúng thần cũ. Trong ngày này, người ta sẽ làm một con dê, luộc lấy thịt thái nhỏ, nước luộc và xương dùng để làm canh dê. Vật cúng còn có mâm cơm lễ, canh gà, rượu, trầu, gạo nổ, xôi và hoa quả. Trong đó, vật cúng không thể thiếu đối với lễ Rija Nagar là quả lựu, tượng trưng cho chàng Lựu - Cei Dalim và bông điệp. Đây là vật cúng mang một ý niệm sâu xa mà người Chăm còn lưu truyền trong lễ hội dân gian cho đến hôm nay.
Kết thúc ngày lễ thứ hai là nghi thức tiễn đưa hai hình nhân (salih). Salih được ông Ka-ing tiễn đưa xuống dòng sông như thay thế cho dân làng mang đi những tai ương, hoạn nạn của năm cũ, mang đến cho dân làng may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt trong năm mới.
Hinh-nhan-salih-duoc-ong-Ka-ing-dua-tien
Hình nhân (Salih) được ông Ka-ing đưa tiễn xuống sông.
Những điệu múa khoan thai của ông Ka-ing, âm điệu réo rắt của Saranai, rộn ràng và bừng khởi của Gineng, hay những bài thánh ca hùng hồn đã làm nên một lễ hội Rija Nagar đặc sắc, cấu thành một nghi lễ tín ngưỡng dân gian của cộng đồng Chăm.
Đặc biệt nhất của lễ hội là điệu múa đạp lửa mà ông Ka-ing lên đồng như thể hiện tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của cộng đồng. Ông Ka-ing với chân trần nhảy múa đạp tắt ngọn lửa đang cháy còn mang ý nghĩa xua tan cái xấu xa, nắng hạn, đem không khí mát mẻ, mưa thuận gió hòa về cho dân làng cày cấy, mùa màng bội thu.
Lễ hội còn tái hiện sinh động không gian huyền sử của các vị anh hùng dân tộc bằng những điệu múa kết hợp với tiếng trống Gineng, như điệu Po Riyak - thần sóng biển hay điệu Po Tang Ahaok miêu tả cảnh chinh chiến giữa biển khơi. Có thể, những điệu múa ấy, sử tích ấy chỉ là hư cấu dân gian nhưng nó cho chúng ta một bài học về tinh thần bất khuất, kiên cường của cha ông.
Cho đến nay lễ hội Rija Nagar vẫn là một phần quan trọng trong chuỗi hệ thống tín ngưỡng đặc sắc của cộng đồng. Lễ hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hướng mỗi người Chăm trở về với cội nguồn dân tộc, hoàn thiện cái đẹp – nhân bản con người trong cuộc sống hôm nay. 
Paka Jatrang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét