Khu
di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng cách thành
phố Điện Biên Phủ khoảng 40 km đường bộ và 10km đường chim bay thuộc xã
Mường Phăng huyện Điện Biên. Tọa lạc trong một khu rừng nguyên sinh tại
địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách thành phố
Điện Biên Phủ 25km về phía đông. Sở chỉ huy chính là nơi làm việc của
các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái…
Để đến sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên
du khách phải đi bằng ô tô, vượt qua dốc Tà Lơi hiểm trở và nhiều đoạn
đường quanh co, khúc khuỷu. Gần với Sở chỉ huy có đài quan sát trên đỉnh
núi độ cao trên 1.000m, từ đài quan sát này có thể bao quát hoạt động
và diễn biến ở thung lũng.
Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã
đóng tại Mường Phăng trong vòng 105 ngày từ ngày 31/1/1954 đến
15/5/1954. Các cơ quan của Sở chỉ huy chiến dịch Đện Biên Phủ được xây
dựng dọc theo con suối nhỏ, chạy quanh chân núi Pú Đồn, trên một diện
tích tự nhiên khoảng 90km2, được bố trí thành một hệ thống liên hoàn,
bao bọc trước sau có hầm hào, lán trại thuận tiện, phù hợp với tốc độ
làm việc khẩn trương của Bộ chỉ huy chiến dịch đảm bảo được bí mật và an
toàn tuyệt đối.
Được bố trí dọc theo con suối nhỏ chạy
quanh chân núi Pú Đồn, trên một diện tích tự nhiên khoảng 90km², Sở chỉ
huy chiến dịch Điện Biên Phủ là một hệ thống chỉ huy và phòng thủ dã
chiến gồm các hầm hào, lán trại liên hoàn được làm bằng những vật liệu
đơn sơ như cây, tre, luồng, lá móc, lá gồi có sẵn tại khu rừng Mường
Phăng, rất phù hợp với điều kiện tác chiến và làm việc khẩn trương, đồng
thời vẫn bảo đảm được tính bí mật và sự an toàn cho bộ chỉ huy chiến
dịch.
Từ căn hầm chỉ huy đi ra triền núi phía
sau và trèo lên đỉnh đồi Pú Cá, có thể quan sát toàn bộ thung lũng Mường
Thanh và các cứ điểm quan trọng của quân đội Pháp như Béatrice (đồi Him
Lam), Gabrielle (đồi Độc Lập), Dominique (đồi D1), Éliane 1 (đồi C1),
Éliane 2 (đồi A1), cầu Mường Thanh…
Tính từ ngoài vào trong, Sở chỉ huy
chiến dịch Điện Biên Phủ gồm các đơn vị được phân bố theo thứ tự: trạm
gác tiền tiêu, lán và hầm làm việc của cơ quan thông tin và Cục trưởng
thông tin Hoàng Đạo Thúy, lán và hầm làm việc của sỹ quan liên lạc, lán
và hầm làm việc của đoàn cố vấn Trung Quốc, lán và hầm làm việc của cơ
quan chính trị, lán và hầm làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đường
hầm xuyên sơn dài 69m nối liền lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Tham
mưu trưởng Hoàng Văn Thái, lán và hầm làm việc của Tham mưu trưởng
Hoàng Văn Thái, lán tác chiến, nhà hội trường, nhà ăn, bếp Hoàng Cầm,
lán Ban cơ yếu.
Trải qua thời gian với nhiều tác động
nghiệt ngã của thời tiết, nhiều cơ sở bị hư hại nặng nhưng cũng đã nhiều
lần được trùng tu, tôn tạo, đặc biệt lán và hầm làm việc của Đại tướng
Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái… Chừng mươi năm trở lại
đây, Mường Phăng đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ
tầng về điện, đường, trường, trạm, trong đó đoạn đường từ dốc Nà Nhạn
vào đến xã, nơi vào thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ là
đường đất với xe thồ là chính thì nay đã được nhựa hóa, cả con đường dẫn
sâu vào nơi đóng quân của Sở chỉ huy cũng được nâng cấp bằng con đường
bê-tông dài hơn 1km xuyên sâu dưới cánh rừng Mường Phăng tạo điều kiện
thuận tiện cho khách tham quan.
Trong những năm gần đây, Khu di tích Sở
chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ thu hút khá nhiều khách quốc tế đến
tham quan tìm hiểu về cách bố phòng và khả năng che dấu của bộ đội Việt
Nam trước sự lùng sục săm soi của lực lượng thám không đối phương, so
sánh giữa hai trung tâm chỉ huy Việt - Pháp để hiểu rõ mối tương quan và
lịch sử cuộc chiến Điện Biên Phủ từ cả hai phía… Du khách thật khó ngờ
khi Sở chỉ huy chiến dịch của Việt Nam cách Sở chỉ huy quân Pháp tại
Mường Thanh chỉ 25km đường chim bay và tỏ ra thích thú với bếp Hoàng
Cầm, một loại bếp có khả năng che dấu khói rất hiệu quả giúp bảo đảm an
toàn cho căn cứ mà vẫn cung ứng cho chiến sĩ đủ cơm nóng canh sốt để có
khả năng đánh giặc…
Tuy nằm ở ngoại vi thành phố Điện Biên
Phủ nhưng Khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là một
phần không thể tách rời của quần thể di tích chiến thắng Điện Biên Phủ,
nguồn tài nguyên du lịch vô cùng quý giá của tỉnh Điện Biên. Ngoài giá
trị văn hóa lịch sử, rừng núi Mường Phăng còn là một trong những khu bảo
tồn tự nhiên của tỉnh Điện Biên với nhiều loài động thực vật qúy hiếm.
Từ giữa núi rừng Mường Phăng, với sức lao động sáng tạo và cần cù, con
người đã hình thành hồ Pá Khoang trong lành ngay giữa đường nối Mường
Thanh với Mường Phăng, trở thành khu du lịch phụ trợ góp phần hấp dẫn du
khách đến với khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo tiền
đề cho du lịch Mường Phăng phát triển…
Bảo Anh (TTVN)
Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét