Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Cao nguyên đá Tủa Chùa

Cao nguyên đá Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa, Điện Biên) nằm trên độ cao 1.500m so với mực nước biển với hình dạng đá tai mèo “xếp lũy, xếp thành” gắn với những cái tên nghe lạ tai như: núi đá Tò Cu Nhe, núi đá Chung Khóa, núi đá Chung Si Seng, thành đá Vàng Lồng... đã thu hút du khách về miền Tây Bắc bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ.
Cách trung tâm tỉnh Điện Biên gần 130km, với khoảng 3/4 diện tích là núi đá tai mèo, cao nguyên đá Tủa Chùa được ví là một “tiểu Đồng Văn thứ hai” của Tổ quốc. Từ trung tâm huyện Tủa Chùa, men theo con đường Tỉnh lộ 129, chúng tôi phải vượt qua quãng đường dài 30 km để đi vào cao nguyên đá với nhiều đoạn đường uốn lượn, vượt nhiều núi, vực sâu, dốc cao. Nhưng bù vào sự vất vả của quãng đường đó, chúng tôi cũng lại được mãn nhãn khi được chiêm ngưỡng cảnh đẹp vô cùng thú vị của núi rừng Tây Bắc.

Tả Phìn trong tiếng Mông có nghĩa là một vùng đất bằng trải rộng trên núi cao. Bởi vậy những dãy núi đá tai mèo nơi đây không sừng sững như ở Đồng Văn (Hà Giang) mà tạo thành những ngọn đồi nhấp nhô, uốn lượn, nằm rải rác chạy dọc theo con đường tỉnh lộ 129. Thời tiết ở đây dường như không quá khắc nghiệt nên cuộc sống của hơn 570 hộ đồng bào người Mông với trên 3.300 nhân khẩu vẫn có thể phát triển kinh tế nông nghiệp với các loại cây trồng như ngô, lúa nương, mận, đào...


Chúng tôi bắt gặp gia đình vợ chồng Hạ Mặc (thôn Séo Phìn) đang cùng con trâu cày bừa trên những hốc đá tai mèo. Con trâu cày được luống đất nào, người vợ đi theo sau gieo hạt ngô vào luống đất đó. Thỉnh thoảng con trâu khự lại rồi đi tiếp. Anh Hạ Mặc cho biết: “Trâu trên vùng cao nguyên đá này đặc biệt  lắm. Nó biết tự dừng khi đang cày mà gặp đá. Bởi vậy, cày của đồng bào Mông ít khi bị gãy lắm!”. Hình ảnh con trâu cứ lẫm lũi đi trước, vợ chồng anh Hạ Mặc thì cứ lặng lẽ theo sau, gieo xuống những mầm xanh và hy vọng vào những luống đất ít ỏi giữa đá khiến chúng tôi có một cảm nhận con người nơi đây cần cù chịu khó, sinh sống hài hòa với thiên nhiên.

 

Một góc cao nguyên đá Tủa Chùa nhìn từ trên cao.


Đồng bào dân tộc Mông cần cù chịu khó, sinh sống hài hòa với thiên nhiên trên cao nguyên đá.


Cao nguyên đá Tủa Chùa là nơi có 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống.


Một cung đường ngang qua cao nguyên đá khu vực xã Sín Chải.


Đông bào dân tộc Mông sống trên vùng cao nguyên đá khu vực Sín Chải dùng trâu cày
trên những khoảng đất nhỏ, giữa các khe đá tai mèo để canh tác.



Tận dụng các khe đất nhỏ giữa các lớp đá tai mèo gieo trồng cây lương thực.


Một góc Thành đá Vàng Lồng, nơi được dựng bởi kỹ thuật xếp đá thủ công, không có sự tham gia của các chất kết dính.


Ông Thào A Mang bên phiến đá được sử dụng để lợp mái nhà.


Ngôi nhà sàn với mái hoàn toàn lợp bằng đá của ông Thào A Mang ở khu vực  Sín Chải.

Xen kẽ trên cao nguyên đá ở Tả Phìn là những bản làng người Mông Sí (hay còn gọi là Mông Đỏ) với những ngôi nhà cổ độc đáo, khiến những ai đi qua cũng phải trầm trồ, tán thưởng. Chúng tôi ghé thăm ngôi nhà được lợp toàn bộ bằng đá của gia đình ông Thào A Mang. Ông Mang cho biết, để có đá lợp mái nhà này ông đã phải lên tận vùng sông Đà, vận chuyển bằng xuồng máy, rồi bằng ngựa, sau bằng ô tô mới về được đến bản. Mà chỉ tính riêng tiền đá làm mái, ông đã phải tiêu tốn 3 con trâu (tương đương với khoảng 90 triệu đồng).

Anh Tô Văn Tuân, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Tủa Chùa đưa chúng tôi đi thăm di tích Thành Vàng Lồng. Theo lịch sử ghi lại thì Thành Vàng Lồng được xây dựng cách đây hơn 2 thế kỷ. Đây được đánh giá là một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa. Thành Vàng Lồng được dựng thành một vòng tròn khép kín bởi kỹ thuật xếp đá thủ công, không có sự tham gia của các chất kết dính. Các phiến đá được xếp theo một trình tự khoa học: Những phiến đá to được xếp từ phía dưới cùng và đến những phiến đá nhỏ được xếp dần lên đến mặt thành, tạo thành mặt phẳng. Thành cao khoảng 3m, rộng trên 1m, không những người mà ngựa cũng có thể đi được trên mặt thành.

Rời khỏi di tích Thành Vàng Lồng cũng là lúc chúng tôi kết thúc trọn vẹn một ngày trải nghiệm trên vùng cao nguyên đá Tủa Chùa. Như có chút gì đó còn tiếc nuối, vương vấn, chúng tôi trèo lên mỏm đá cao để một lần nữa được chiêm ngưỡng toàn cảnh khu “tiểu Đồng Văn” Tủa Chùa để lưu giữ trong mắt sự kỳ vĩ và hoang sơ của vùng đất đẹp như một bức tranh thủy mặc./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường - Hoàng Hà

Tủa Chùa và chợ phiên
Cứ vào ngày chủ nhật hàng tuần, dường như đã đến hẹn, bà con các dân tộc ở khắp các bản trên mường dưới trong huyện Tủa Chùa lại xúng xinh trong những bộ váy áo còn hương mùi chàm, còn sáng ánh tơ xuống chợ phiên huyện.

Tủa Chùa là một huyện miền núi thuộc tỉnh Điện Biên. Phía bắc và đông bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía tây giáp huyện Mường Chà, phía nam giáp huyện Tuần Giáo và phía đông là tỉnh Sơn La. Tủa Chùa có địa hình núi thấp với các đỉnh Na Tung cao 1.585m ở phía đông nam, Phình Ho cao 1.585 m ở phía tây bắc và cao nguyên Xín Chải dạng cao nguyên đá vôi. Có sông Đà chảy qua ranh giới phía đông và phía bắc của huyện, sông Nậm Mức chảy qua ranh giới phía tây của huyện để nối vào sông Đà tại phía tây bắc huyện này trong địa giới xã Lao Xả Phình.


Đây là nơi cư trú của 7 dân tộc gồm: Mông, Thái, Kinh, Khơ Mú, Dao, Hoa, Phù Lá, trong đó dân tộc Mông chiếm tới 73%, vì lẽ đó mà Tủa Chùa được coi là vùng đất phản ánh đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Mông. Đặc trưng hấp dẫn du khách ưa tìm tòi khám phá ở Tủa Chùa là các chợ phiên. Ngoài chợ phiên chính của huyện còn có chợ phiên ở 2 xã Xá Nhè và Tả Sìn Thàng. Nơi đây nổi tiếng với những sản phẩm ẩm thực được nhiều người biết đến như “rượu Mông pê, dê núi đá, cá sông Đà, gà đi bộ, chè cổ thụ”.

Khác đôi chút với những phiên chợ khác, chợ phiên Tủa Chùa được họp ngày Chủ nhật, ngay tại trung tâm huyện nên sản phẩm bầy bán ở đây khá phong phú và đa dạng. Tuy vậy chợ vẫn giữ được nét đặc sắc của những phiên chợ vùng cao, sản phẩm bầy bán chủ yếu vẫn là những nông thổ sản do đồng bào các dân tộc làm ra.

Ngay từ sớm, khắp các nẻo đường dẫn đến chợ đã sôi động, náo nhiệt. Không còn những tiếng vó ngựa, lục lạc như xưa, mà thay vào đó là tiếng 'rừm, rừm' của những động cơ xe máy hòa chung tiếng nói cười của các bà, các chị, nam thanh nữ tú xuống chợ.

Ở Tủa Chùa, người địa phương trồng ngô, lúa, chè, bông, trẩu, đồng cỏ và một số loài cây ăn quả. Nuôi bò, trâu, ong mật, dê và khai thác dược liệu, đặc sản rừng. Vậy nên phiên chợ bán nhiều mặt hàng liên quan như những vuông vải, gánh rau, gùi ngô, can rượu, con gà, chú lợn hay những vật dụng như con dao, lưỡi cày...

Cách thị trấn Tủa Chùa chừng 15km, cứ 6 ngày một lần diễn ra chợ phiên Xá Nhè. Đây là phiên chợ hội tụ đủ sắc màu của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Thái Phù Lá từ các xã: Xá Nhè, Mường Đun, Tủa Thàng và Mường Báng. Tuy mới thành lập lại vài năm gần đây, nhưng chợ phiên Xá Nhè đã trở thành nơi giao lưu và tập trung mua bán, trao đổi hàng hóa, sản vật giữa người dân trong vùng.


Còn chợ phiên Tả Sìn Thàng có từ thời Pháp thuộc. Ở đây người dân mua bán, trao đổi tất cả những mặt hàng phục vụ sinh hoạt thường ngày. Từ vật phẩm “cây nhà lá vườn” như con lợn cắp nách, con gà, gạo nương đến kim, chỉ thêu thùa, đồ trang điểm và những sản vật của địa phương, như: rượu Mông pê, thịt thú rừng, măng khô, mật ong, chè Shan tuyết hay những vuông vải thổ cẩm rực rỡ đủ sắc màu…

Khi đã thấm mệt, du khách sẽ dừng lại ở quán nhỏ nào đó và thưởng thức thắng cố cùng rượu Mông Pê. Rượu Mông Pê là một loại rượu nổi tiếng của vùng được chưng cất từ hạt ngô ủ men lá, rượu rất thơm, nồng mà dịu, mạnh mà không choáng khiến người uống lúc nào cũng lâng lâng, say mà vẫn tỉnh, tỉnh mà vẫn say.


Mỗi phiên chợ không chỉ đơn thuần là mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu tìm hiểu, chọn bạn đời của những chàng trai, cô gái Mông. Điểm đặc biệt nhất, độc đáo của những phiên chợ Tủa Chùa so với nhiều phiên chợ vùng cao ở vùng Tây Bắc là họp lùi ngày. Nếu tuần này họp vào ngày chủ nhật thì tuần sau sẽ là thứ 7 và tuần kế tiếp sẽ vào thứ 6...

Từ bao đời nay, mỗi phiên chợ đều được bà con các dân tộc xem như ngày hội. Ngoài mục đích xuống chợ để mua bán, trao đổi hàng hóa, thì đây cũng là dịp để nghi ngơi, giao lưu, gặp gỡ và còn là nơi để các chàng trai, cô gái tìm hiểu giao duyên. Dẫu cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng với bà con các dân tộc trong huyện, phiên chợ Tủa Chùa vẫn mãi là ngày hội, tuần có một lần.

Châu Tủa Chùa của Khu tự trị Thái - Mèo được thành lập ngày 18/10/1955 do tách từ châu Mường Lay và gồm 8 xã: Tà Phình (tức Tả Phìn), Lao Sà Phình (Lao Xả Phình), Sìn Phình (Sính Phình), Sin Chai (Sín Chải), Ta Sin Thang (Tả Sìn Thàng), Trung Thu, Quyết Tiến, Cộng Hòa. Từ năm 1962 là huyện thuộc tỉnh Lai Châu cũ cho đến khi tách tỉnh. Từ ngày 26 tháng 11 năm 2003 thuộc tỉnh Điện Biên.

Ngoài chợ phiên, Tủa Chùa còn là nơi hấp dẫn du khách ưa mạo hiểm, phiêu lưu tìm tòi, khám phá thiên nhiên bởi hệ thống hang động kỳ vĩ. Động Xá Nhè nằm dưới chân vách núi cao dựng đứng, cách trung tâm xã chừng 1km giữa khung cảnh thiên nhiên hoang sơ.
Được người dân địa phương gọi là động Khó Xo (hang thuốc nổ). Đây cũng là một trong những hang động đẹp nhất ở Điện Biên với chiều dài 700m gồm 5 khoang lớn, nhỏ khác nhau, với vòm hang hình vòng cung, nhũ đá nhiều hình thù lạ mắt nối tiếp nhau từ cao xuống thấp. Mỗi khoang động đều tạo cho du khách sự bất ngờ, ngạc nhiên thú vị, kích thích trí tò mò, đam mê khám phá.

Cách xã Tả Sìn Thàng chưa đầy 20 phút đi xe máy là bãi đá cổ Tả Phìn, hùng vĩ không kém cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc, Hà Giang.


Trước đây để tới Tả Sìn Thàng là thách thức không nhỏ với những ai không quen đi đường vùng cao bởi những dốc đá chênh vênh. Với những du khách thích leo núi, mạo hiểm với độ cao thì có thể lên thăm rừng thông tự nhiên ở xã Trung Thu với tổng diện tích 47ha. Nằm thấp thoáng phía dưới là bản của đồng bào Mông, du khách có thể đi bộ vãn cảnh và tìm hiểu văn hóa đặc trưng, thưởng thức những món ăn truyền thống.

Tủa Chùa có sông Đà chảy qua, một đầu có thể tạo thành tuyến du lịch sông nước sang thị xã Mường Lay, đầu kia sang khu vực Pá Uôn, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) nối liền với lòng hồ thủy điện Sơn La. Tại các bản tái định cư Huổi Tráng 1, Huổi Tráng 2 hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư mới khang trang, phục vụ du lịch khá tốt, nếu được đào tạo bài bản các tour, các công ty lữ hành có thể liên kết với người dân nơi đây tổ chức đón khách theo mô hình du lịch homestay.
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét