Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Tác phẩm chạm trổ cảnh ái ân ở đình Phù Lão

Không chỉ chạm nổi long, ly, quy, phượng, ngôi đình ở Bắc Giang còn khắc cảnh ân ái nồng nàn thể hiện khát vọng của cộng đồng và cầu mong vạn vật sinh sôi nảy nở.

Đình Phù Lão tọa lạc tại xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, Bắc Giang là ngôi đình thời Lê, dựng năm 1688. Đây là ngôi đình cổ có giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Năm 1982, đình Phù Lão được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
 
Đình Phù Lão toạ lạc trên một dải đất cao, thoáng, đẹp ở phía đầu làng thuộc thôn Tây Lò. Làng Phù Lão xưa, nay tách thành 3 thôn Tây Lò, Đông Thắm và Núi Dứa. Mặt đình quay về phía xóm làng, soi mình xuống bến nước. Theo thuật phong thủy đây là để tạo thế tụ thủy mang lại sự thịnh vượng no đủ cho dân làng. Trong ảnh là nhà Tiền Tế, đi qua sẽ đến Đại Đình.
 
Từ nguyên sơ đình Phù Lão có kiến trúc theo lối chữ nhất (-), chỉ có toà đại đình dài 13m, rộng 12m; sau này mới nối thêm phía sau 2 gian hậu cung.
 
Phía trước, bên trái đình Phù Lão còn có một tấm bia tứ diện, cao hơn 1m ghi công bà Đào Thị Hiền đã đóng góp tiền của xây dựng đình. Tấm bia này cũng là minh chứng cho năm xây dựng đình. Đình là nơi thờ thánh Cao Sơn - Quý Minh, ngoài ra còn thờ hai vợ chồng ông Hậu là những người có công tạo dựng ngôi đình.
 
Trên của võng chính giữa đình là 4 chữ Thánh Cung Vạn Tuế, tạm dịch: Đức Thánh Muôn Tuổi. Giá trị điêu khắc nghệ thuật của đình được thể hiện ở các kết cấu kiến trúc như tai cột, kẻ, bẩy, cốn, diệp… với những hình ảnh chạm khắc sinh động. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, chạm khắc ở đình Phù Lão là chạm theo lối chạm lộng, có nghĩa là phải chạm thủng sâu bên trong gỗ để làm các hình nổi hẳn lên theo lối tượng tròn. Lối chạm này rất khó, phải có những dụng cụ chuyên dùng mới kênh bong được, và người thợ chạm phải hiểu phép chạm đối với từng hình, từng chủ đề trên cấu kiện kiến trúc.
 
Vào đình Phù Lão, ta có thể thấy trên các kẻ là những bức chạm nổi hình ảnh mang đậm nghệ thuật tạo hình dân gian thể hiện sinh hoạt của các tầng lớp như quan lại, sỹ, nông, công, thương và có nhiều linh thú như: Long Ly Quy Phượng và các con giống như nghê, lân, ngựa, rắn, tắc kè, thạch sùng.
 
Rồng xuất hiện ở đình Phù Lão sinh động, gần gũi luôn gắn với hình tượng con người.
 
Những nhà điêu khắc vô danh xuất phát từ nông dân đã đưa vào đình làng những hình ảnh từ đời sống thực với phong cách độc đáo. Ở đình có nhiều bức chạm mô tả cuộc sống dân gian. Chỗ thì tả cảnh vui chơi...
 
...."Trai gái tình tự".
 
Táo bạo hơn, trên các tác phẩm chạm khắc có cảnh ân ái nồng nàn. Đây không phải là sự ngẫu nhiên, những hình tượng chạm khắc này thể hiện lý tưởng, khát vọng của cộng đồng và mang giá trị phồn thực, cầu mong con người cùng các con vật sinh sôi phát triển. 
 
Hàng năm, làng Phù Lão có hai tiết lệ lớn, mở hội làng vào rằm tháng ba và lệ làng vào rằm tháng tám. Khi ấy, người dân Phù Lão nói riêng, xã Đào Mỹ nói chung và đông đảo du khách thập phương lại tụ hội về ngôi đình có nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo này.
 
Lê Bích

Ngôi đình 300 năm nguyên vẹn ở Bắc Giang

Tọa lạc tại Bắc Giang, Đình Vường có quy mô lớn và kết cấu khá hoàn hảo. Dù đã gần ba trăm năm tuổi, đình vẫn giữ nét đẹp nguyên sơ do chưa hề có một lần trùng tu nào lớn.

Đình Vường tọa lạc tại thôn Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ngoài tên gọi theo làng, đình có tên chữ là Thịnh Vượng, do chữ làng Vường mà ra. Toàn bộ khu đình bao gồm các công trình đại đình và tả vu, hữu vu, sân, vườn, tam quan. Toà đại đình đặt trên đỉnh gò đồi, bố cục mặt bằng theo kiểu chữ công, gồm ba hạng mục: Đại đình, ống muông, hậu cung. Đại đình có ba gian hai chái.
Đình Vường được xây dựng trên một khu đồi nhỏ bên làng Vường, nhìn về hướng nam, phía trước là núi Dành, sau lưng là làng Hậu, bên trái là xóm Cống, bên phải là xóm Giữa. Cảnh quan đình thoáng đãng, đẹp đẽ.
Đình Vường thờ Đức thánh Cao Sơn - Quý Minh, hai vị thánh ngự trong cung cấm. Ba chữ phía trên là " Thượng Đẳng Thần". Các bức cửa võng ở đình Vường chạm lộng đẹp lại xếp theo lối bình phong. Các đề tài trang trí rất phong phú theo phong cách dân gian hoa dây cách điệu. Có hai hạc thờ đứng trên lưng rùa ngoảnh cổ ra. Mỏ hạc chấm xà hạ đại đình.
Trong toà đại đình, hệ thống sàn, ván còn khá nguyên vẹn. Hai toà đại đình và hậu cung được ngăn cách bởi hệ thống cửa cấm đóng kín, chỉ mở khi làm lễ.
Hai gian bên đại đình có đôi ngựa hồng, ngựa bạch lớn đặt trên nền đá xanh ở gian giữa.
Phần liên kết các vì mái theo lối cổ truyền thống. Trên các vì nóc và vì nách có nhiều mảng phù điêu chạm lộng đẹp.
Nét độc đáo của đình Vường vượt trội các ngôi đình khác ở chỗ bộ khung gỗ còn khá chắc chắn và nguyên vẹn nét kiến trúc từ thời Lê và Nguyễn.
Ngoài giá trị về kiến trúc nghệ thuật, đình Vường còn ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với nhân dân địa phương. Trong kháng chiến chống Pháp, đây là nơi liên lạc, hội họp của dân quân du kích địa phương quanh vùng Yên Thế hạ, liên quan chặt chẽ với căn cứ tiền tiêu núi Dành. Kháng chiến chống Mỹ, đình Vường là nơi cất giữ kho phim dự trữ quốc gia gần 10 năm.
Bốn đao đình và hai đầu nóc được kê xếp, đắp đặt các đao sành gốm bay vút lên như cánh diều no gió.
Cầu thang bằng đá nguyên khối khá độc đáo.
Lê Bích

Tục rước thọ lên miếu ở đảo Hà Nam

Tục rước các cụ thọ trên 80 tuổi lên Miếu Tiên Công được ở đảo Hà Nam (Quảng Ninh), nhằm bày tỏ lòng biết ơn với những người đã có công lập nên mảnh đất này.

Đảo Hà Nam thuộc xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh. Hàng năm, cứ đến ngày mùng 7 tháng Giêng, những gia đình có cha mẹ thượng thọ sẽ cùng dòng họ và làng xóm tổ chức đoàn rước đưa “cụ Thượng” về miếu Tiên Công lễ tổ. Hai cụ song thọ Lê Thế Quyết và Vũ Thị Chinh (80 tuổi) ở phường Phong Cốc có 8 người con. Theo người dân ở đây thì đó gọi là đại hồng phúc “con đàn cháu đống”.
 
Lễ lên miếu không thể thiếu trầu cau, bánh dày, đầu lợn… gia đình nào có kinh tế khá giả thì lê lên miếu có nguyên một con lợn quay.
 
Lễ rước thọ các cụ lên miếu đi rất chậm. Có những điểm rước cách miếu Tiên Công khoảng 200 mét, nhưng phải mất gần ba tiếng mới đến được miếu.
 
Khoảng 7h sáng, các tuyến đường rước các cụ thọ lên miếu đều đông cứng người. Theo các tài liệu để lại, từ thời Lý - Trần đã có một số vạn chài đến vùng đất Quảng Yên ngày nay sinh sống, họ đã dựa vào những gò đất cao trên triều để dãi chài, phơi lưới. Đến đầu thế kỷ 15, có 6 nhóm Tiên Công và dân cư đến quai đê lấn biển, khẩn hoang đất đai trồng lúa, lập làng, tạo nên khu đảo Hà Nam.
 
Màn múa kỳ lân độc đáo cuốn hút du khách. Ông Nguyễn Văn Nam (60 tuổi, ngụ phường Yên Hải) cho biết, đây là truyền thống có từ nhiều đời nay. Sau lễ hội Tiên Công, nhân dân vùng đảo Hà Nam mới thực sự bước vào các hoạt động của năm mới như, cày cấy, gieo trồng, mua con giống, ra khơi đánh cá, bồi trúc đê điều, khơi thông mương máng, đi buôn bán… với niềm tin rằng họ đã được phù trợ, tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục sự nghiệp mà các Tiên Công đã để lại.
 
Những người tham gia rước các cụ thọ lên miếu, hầu hết là con cháu trong dòng họ. Dẫn đầu đoàn rước là đội múa kỳ lân, kèm theo những màn nhào lộn đẹp mắt khiến du khách thích thú.
 
Các cụ thọ được rước bằng kiệu võng, do con cháu trong dòng họ khênh, một số cụ thọ khác được rước bằng xe xích lô. 
 
Hầu hết các cụ thọ được rước lên miếu từ lúc 7h sáng đến 11h trưa mới lên đến miếu. Khoảng cách từ các gia đình có cụ thọ rước lên miếu chỉ khoảng từ 2 đến 3 km. 
 
Hai anh em cụ Nguyễn Quang Đán (90 tuổi) và Nguyễn Quang Tất (80 tuổi) cùng ở phường Yên Hải. 
 
Các cụ thọ (trên 80 tuổi) chuẩn bị làm lễ tế. Lễ rước thọ năm nay có 110 cụ thọ 80 (43 cụ ông, 64 cụ bà), 45 cụ thọ 90 (16 cụ ông, 29 cụ bà), 5 cụ thọ 100 tuổi đều là các cụ bà. 
 
Minh Cương

Phiên chợ Nủa đậm chất đồng bằng Bắc Bộ xưa

Chợ Nủa (Thạch Thất, Hà Nội) đều đặn họp vào các ngày mồng 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch hàng tháng và chỉ diễn ra vào buổi sáng.

Chỉ cách trung tâm Hà Nội 30 km, chợ Nủa (xã Bình Phú, Thạch Thất) vẫn còn giữ được những nét đặc sắc của chợ phiên vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa.
Đến đây, ta dường như lạc giữa một phiên chợ đầu thế kỷ trước, bởi có thể bắt gặp những bà cụ quần đen áo nâu miệng bỏm bẻm nhai trầu, mời chào những câu hết sức dân dã.
Vài ba buồng chuối, quả bưởi hái được ở vườn nhà... chỉ cần mang ra ngõ đã có người hỏi mua, ấy vậy mà người ta cứ thích chờ đến chợ phiên mới đi bán.
Bánh tẻ là một đặc sản của chợ Nủa.
Góc bán trầu cau - một nét đặc trưng của Bắc Bộ.
Các bà, các mẹ chọn ống giang ở một góc chợ. Ngoài dùng để chẻ lạt, ống giang còn được dùng để đan lát các loại như rổ, rá, giỏ, lồng hay chuồng gà.
Chợ Nủa cũng là nơi tin cậy để mua sắm đồ nông cụ. Những chiếc dao, cuốc, cày bừa... được bán ở chợ Nủa dường như chắc chắn và bén hơn ở nơi khác thuộc vùng này.
Ngoài nông sản và đồ nông cụ, các loại gia súc, gia cầm và thú nuôi trong nhà cũng được bán tại đây.
Thỏ có giá 70.000 đồng một con.
Người dân cả vùng Thạch Thất ai cũng thuộc câu tục ngữ “Gái 22, trai 27”. Cả hai phiên chợ này, các mặt hàng không có gì khác nhau nhưng ngày 22 thì đàn bà đi chợ đông hơn, còn ngày 27 lại đông đàn ông hơn.
Lê Bích

Chợ Nủa - phiên chợ quê truyền thống Bắc Bộ

S - Vietnam

VTV.vn - Chợ Nủa ở xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội là nơi duy nhất còn bày bán áo tơi - một trang phục đặc biệt của nông dân đồng bằng Bắc Bộ xưa.


Phiên chợ này cho đến nay vẫn gìn giữ nguyên những nét truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ và chỉ họp 6 lần/tháng. Chợ chủ yếu bán nông sản, vật nuôi và những đồ dùng gia đình như chiếu cói, chổi tre, nón lá, áo tơi... Người đi chợ Nủa không chỉ để mua sắm, buôn bán, mà còn để cảm nhận không khí thân tình, ấm áp chỉ có ở những phiên chợ quê.

Quán cà phê xanh mát cho ngày đầu xuân ở Sài Gòn

Thưởng thức đồ uống giữa lưng chừng cây cổ thụ, lênh đênh trên chiếc thúng câu mực của ngư dân hay hòa với dòng nước chảy là điểm nổi bật trong những quán cà phê này.

Với lối thiết kế đặc trưng, không gian xanh mát rộng lớn, Du Miên, Vườn Đá hay Oasis là điểm hẹn lý tưởng cho những ngày đầu năm trò chuyện cùng bạn bè hay sum họp gia đình trong những ngày Tết.
Cà phê Du Miên
Nếu bạn cần tìm một không gian rộng lớn, xanh mát, yên tĩnh và một cung cách thưởng thức cà phê khác lạ, Du Miên chính là điểm hẹn lý tưởng đầu tiên nên đến. Ngoài khoảng không xanh tự nhiên, điểm nhấn của quán là những ngôi nhà hình tổ chim nằm vắt vẻo, lưng chừng những cây cổ thụ cao to, tạo cảm giác mới lạ cho nhiều du khách. Nơi đây luôn là điểm yêu thích của các bạn trẻ.
1-2466-1423890513.jpg
Giá thức uống ở quán từ 35.000 đến 60.000 đồng cho cà phê đá và các loại sinh tố, kem…Ảnh: Khánh Ly.
Với diện tích rộng gần 6.000 m2, đến đây, bạn như đang lạc vào “vương quốc” cà phê bởi nhiều phong cách, chỗ ngồi thú vị. Nếu muốn không gian riêng tư, bạn có thể tìm đến ngôi nhà hình tổ chim. Để được thư thái, bạn hãy đến thảm cỏ, dòng suối, vườn hoa khoe sắc ở tầng trệt. Còn sân thượng là nơi để hưởng chút gió đất trời hay ngửi mùi hương thoang thoảng của hoa sứ trắng.
Địa chỉ: Số 7, Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp.
Cà phê Oasis
Tọa lạc ở “phố cà phê” Gò Vấp, Oasis mô phỏng một lâu đài nguy nga, tráng lệ thời trung cổ khi tạo cho bạn cảm giác như bước vào châu Âu cổ xưa với pháo đài, hầm rượu hay hồ nước Trevi nổi tiếng của Italy... Xen lẫn với đó là chiếc Cầu Chùa – Hội An, chiếc thúng lênh đênh trên sóng nước của ngư dân miền biển. Nơi đây là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Á – Âu, giữa cổ điển và hiện đại một cách khéo léo và độc đáo.
2-5437-1423890513.jpg
Với giá từ 20.000 đến 50.000 đồng cho các loại thức uống phổ biến và đặc trưng. Ảnh: Caphesaigon.
Thực đơn quán đa dạng, giá cả hợp lý. Buổi sáng đầu năm bạn có thể chọn cho mình một góc ngồi thoáng đãng, vừa trò chuyện hàn huyên cùng bạn bè, vừa thưởng thức những giọt cà phê với hương thơm nồng nàn, quyến rũ.
Địa chỉ: 303 Lê Lợi, phường 3, quận Gò Vấp.
Cà phê Vườn Đá
Vườn Đá là điểm thích hợp để thực khách vừa vui xuân, vừa thưởng thức cà phê trong khung cảnh yên bình, thơ mộng. Quán cà phê tọa lạc gần Công viên văn hóa Đầm Sen. Nơi đây như là một khu trưng bày “Đá” với nhiều hình hài, kiểu dáng và màu sắc. Tạo nên khu vườn chỉ có đá, cỏ cây và hoa lá.
3-7421-1423890514.jpg
Thức uống ở quán có giá từ 25.000 đến 50.000 đồng. Ảnh: Cafevuonda.
Đến đây bạn sẽ thấy một không gian xanh, mát rượi và hiền hòa của cỏ cây, dòng suối, bầy chim nhỏ đang thơ thẩn kiếm mồi và những cội đá nằm yên qua lối đi uốn lượn. Buổi tối khi màn đêm buông xuống, Vườn Đá nổi bật với những ánh đèn dịu nhẹ, giữa sân khấu là tiếng nhạc piano, guitar và violin vang vọng, mang đến một không gian lãng mạn. Quán còn có nhiều thức uống đa dạng và hấp dẫn như cà phê cappuccino, cà phê mokka, các loại kem và sinh tố mát lạnh.
Địa chỉ: Số 3, Hòa Bình, phường 3, quận 11.
Văn Trãi