Ngày 25.11.2010, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 5360/QĐ-UBND về thực hiện kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố. Ngôi mộ cổ trong khuôn viên Trường tiểu học Giồng Ông Tố được xếp vào diện cần bảo tồn và nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có giải pháp gì khả quan trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, khu mộ này trở nên hoang phế.
Trong quá trình thực hiện giải tỏa, khi tới một ngôi mộ song táng kiên cố, người dân cho rằng ngôi mộ rất linh thiêng, không ai dám đụng chạm. Tuy nhiên, những người thực hiện vẫn bất chấp, không báo cáo tình hình lên cơ quan chuyên môn và ngành văn hóa địa phương. Một tốp nhân công đã phá hủy một số bộ phận của ngôi mộ bằng tay chân, sau đó có người bị đột quỵ không hiểu vì sao nên không dám tiếp tục thực hiện. Đơn vị thi công chuyển sang dùng phương tiện cơ giới phá hủy tiếp phần còn lại và cũng gặp sự cố là máy xúc tự nhiên chết máy, sau đó gàu xúc gần rơi lìa ra khi thực hiện đến phần nấm mộ, buộc phải dừng thi công.
Sự kỳ bí đó kéo theo lời đồn đoán lan rộng trong khu vực lúc bấy giờ. Phòng Văn hóa - Thể thao, nay là Phòng Văn hóa - Thông tin Q.2 đã cử nhóm chuyên viên bảo tồn di tích - lịch sử văn hóa của Trung tâm văn hóa Q.2 xuống hiện trường để tìm hiểu và nghiên cứu. Ông Nguyễn Hải Đường, thành viên của tổ công tác, cho biết: ngôi mộ được xây dựng bằng hợp chất kiên cố, hiện đã bị phá hủy nghiêm trọng, 1 mộ bị mất bia. Bia mộ còn lại cao 1 m, rộng
0,5 m, dày 0,15 m, tạc bằng đá Non Nước màu trắng hồng, bị bể làm 4 mảnh, một mảnh đã bị mất, xung quanh bia khắc chạm hoa văn tinh tế với 33 chữ Hán có nội dung: Quốc hiệu Hoàng Việt, mộ Cung nhân Nguyễn thị, Chánh thất Hàn lâm viện Thị độc học sĩ họ Trần, tước hầu; bia được lập vào mùa thu năm Quý Mùi (1823) dưới triều Minh Mạng, do người cháu là Trần Văn Trường lập. Ông Đường cho rằng đây là chứng tích quý hiếm còn lại của cư dân Việt trong tiến trình chinh phục vùng đất Gia Định xưa. Ngoài ra không rõ cụ thể danh tính của ông quan họ Trần và phu nhân.
Nhờ có những đánh giá giá trị về mặt khoa học đối với di tích và nhiều lý do khác, ngôi mộ đã không bị giải tỏa cùng với một số ngôi mộ nhỏ khác nằm xung quanh. Sự linh thiêng của ngôi mộ đã được người dân và ngay cả Trường tiểu học Giồng Ông Tố ghi nhận. Để tránh học sinh chơi nghịch đụng chạm tới khu mộ, người ta đã xây bao quanh ngôi mộ một bức tường và tạo cửa, những ngày lễ tiết, nhà trường vẫn thực hiện thăm cúng.
Khảo sát hiện trạng ngôi mộ cho thấy, đây là một loại hình lăng mộ dành cho các quan đại thần thời Nguyễn ở Nam bộ, nhìn về hướng đông bắc, bình đồ hình chữ nhật, rộng 6,1 m; dài 8,15 m, cao nhất phần bình phong hậu là 1,9 m. Kết cấu kiến trúc từ ngoài vào trong gồm: cửa lăng, bình phong tiền, sân tế, cửa mộ, bệ thờ, hai nấm mộ song song hình hộp chữ nhật dẹt, bình phong hậu; bao xung quanh là hệ thống tường thành kết hợp với các trụ biểu búp sen.
Mộ của vợ chồng ông Tố ?
Sau khi phá hủy không thành, ngôi mộ cổ trong khuôn viên Trường tiểu học Giồng Ông Tố cũng không được trùng tu và phục dựng lại kiến trúc, vì thế mà nhiều cấu kiện kiến trúc bị phá từ năm 1998 vẫn còn nằm ngổn ngang, dễ thất lạc. Ngôi mộ được cho là linh thiêng nên không ai dám đụng chạm nữa, vì thế trở nên hoang tàn. Khi hỏi thăm hiện chiếc bia mộ đang được lưu giữ ở đâu, ông Lưu Chí Thành, cán bộ phụ trách về di sản văn hóa Phòng Văn hóa - Thông tin Q.2, cho biết do trước đây không quan tâm lưu giữ hồ sơ nên hiện giờ không biết tấm bia đang ở nơi đâu.
Người dân quanh vùng cho biết, ngày xưa khu vực này là nghĩa trang rộng lớn có từ thời người Việt khai canh mở cõi ở Gia Định, ngôi mộ trong Trường tiểu học Giồng Ông Tố tương truyền chính là của vợ chồng ông Tố với địa danh “Giồng Ông Tố”, chợ “Giồng” do ông bỏ tiền ra xây dựng cây cầu tạo lối đi bộ từ Gia Định - Thủ Thiêm qua rạch sang vùng đất Thủ Đức, Q.2, Q.9 và Biên Hòa. Nhân dân biết ơn nên đặt tên cầu là cầu Giồng Ông Tố. Tuy nhiên cũng có một số người cho rằng địa danh Giồng Ông Tố gắn với ông Trương Vĩnh Tố có mộ ở số 33 Nguyễn Duy Trinh, P.Bình Trưng Tây, Q.2.
Tất cả những bí ẩn xung quanh lăng mộ trong khuôn viên Trường tiểu học Giồng Ông Tố và tấm bia thất lạc đang trở thành những bí ẩn không có lời giải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét