Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

“ KHU TƯỢNG ĐÀI BẾN LỨC ” NƠI GHI DẤU SỰ KIỆN ĐẤU TRANH CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN LAO ĐỘNG NGÀY 4 THÁNG 6 NĂM 1930

(Thị Trấn Bến Lức, huyện Bến Lức tỉnh Long An).
1./Tên gọi di tích .
 “Khu vực tượng đài Bến Lức” là phần đất trước UBND Thị trấn Bến Lức (Thời Pháp là nhà Việc của Ban hội tề Tổng Long Hựng Hạ ) sát chợ cũ Bến Lức.
          Dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày 4/6/1930 hơn 1000 quần chúng nhân dân lao động đã biểu tình kéo từ An Thạnh về đấu tranh tại nơi đây. Năm 1986 huyện Bến Lức đã xây dựng tại địa điểm này một công trình tôn tạo: Tượng đài người phụ nữ giương cao cờ đỏ búa liềm để thể hiện đúng với tinh thần đấu tranh của ngày xưa.
          Trước đây mọi người đều biết sự kiện ấy đã xảy ra tại nơi đây, mà phần đất này thuộc khu vực Chợ Bến Lức chớ nó không hề có tên gọi riêng cụ thể. Từ sau khi xây dựng tượng đài thì nhân dân địa phương đều gọi địa điểm này là khu vực Tượng đài Bến Lức, nơi ghi dấu sự kiện đấu tranh của quần chúng nhân dân lao động chống sưu cao thuế nặng 4/6/1930.
2./ Địa điểm di tích.
          Di tích “Khu vực tượng đài Bến Lức” nằm tại Thị trấn Bến Lức về hướng Đông Bắc Tân An (Long An) cách Thành phố 13km. Đường đến di tích bằng con đường chính sau:
          - Từ Thành phố Tân An theo quốc lộ I, hướng về TP.Hồ Chí Minh 12km là đến ngã ba quốc lộ I và tỉnh lộ 31 (Nay là 830) quẹo trái theo tỉnh lộ 830 vào Thị trấn Bến Lức khoảng 700m là đến di tích.
3./ Sự kiện và nhân vật lịch sử.
          Ngày nay đến Thị trấn Bến Lức ta sẽ gặp ngay một tượng đài người phụ nữ giương cao cờ mà ai ai cũng biết rằng tại khu vực tượng đài này ngày 4/6/1930 người phụ nữ ấy đã đi đầu trong cuộc biểu tình dưới sự lãnh đạo của Đảng đấu tranh chống sưu cao thuế nặng.
          Ngày 3/2/1930 ba tổ chức Đảng hợp nhất ở Hương Cảng, Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời. Đến tháng 3/1930 ở Trung Quận một số làng đã thành lập các Chi bộ, trong thời gian này đ/c Nguyễn Văn Tuôi làm bí thư Chi bộ Long Phú và lãnh đạo các phong trào đấu tranh luôn cả làng An Thạnh. Cuộc biểu tình của nhân dân làng An Thạnh do vợ Hương Chánh Huỳnh Văn Thâu là bà Võ Thị Thú dẫn đầu kéo về chợ Bến Lức ngày 4/6/1930 là do Chi bộ Đảng Long Phú lãnh đạo nằm trong đợt các Chi ủy ở Trung Quận phát động phong trào đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1930.
          Cuộc biểu tình được tổ chức ngày 4/6/1930 Chi bộ Đảng đưa ra khẩu hiệu và yêu sách “bỏ thuế thân” do vợ Hương Chánh Huỳnh Văn Thâu dẫn đầu. Bà Võ Thị Thú người gốc Thanh Hà sinh 1879. Vợ chồng Hương Chánh Huỳnh Văn Thâu là một chức sắc trong tề làng An Thạnh rất có uy tín trong quần chúng nhân dân và được giác ngộ cách mạng. Cho nên có khả năng qui tụ một lực lượng quần chúng đông đảo.
          Diễn biến cuộc biểu tình:
          - Về phía ta: Dưới sự lãnh đạo của Chi ủy Long Phú (Đ/c Nguyễn Văn Tuôi làm Bí thư) sáng ngày 4/6/1930 một lực lượng quần chúng đông đảo làng An Thạnh được qui tụ gần trên 1000 người tập trung ở khu vực Đình An Thạnh (Đình An Thạnh ngày nay thuộc ấp 2 xã An Thạnh).
          (Theo đ/c Nguyễn Văn Chí Ủy viên Trung ương Đảng nay là cán bộ hưu trí người gọi bà Chánh Thâu bằng cô – nói rằng trong làng lúc ấy mọi người đều đi hết).
          Tất cả mọi người đều mặc đồ đen, phụ nữ mặc áo dài đen, băng ron, biểu ngữ cũng bằng vải đen và viết bằng voi trắng nội dung: “Bỏ thuế thân”, “Chia đất công điền cho dân cày nghèo”. Đoàn biểu tình có mang theo trống, đánh liên hồi để tăng thêm khí thế đấu tranh. Dẫn đầu là bà Võ Thị Thú và vợ Hương Bộ Lê Văn Thảo theo lộ Lương Hòa (830) tiến về hướng chợ Bến Lức. Đoàn biểu tình kéo về nhà Việc An Thạnh (Nay là phần đất nhà kho công ty Lương thực – dưới chân cầu An Thạnh thuộc ấp 1 xã An Thạnh) hô vang khẩu hiệu đòi bỏ thuế thân và chia đất công điền cho dân cày nghèo. Trước khí thế của đoàn biểu tình bọn tề làng An Thạnh khiếp sợ lẫn trốn, đoàn biểu tình tiếp tục kéo qua cầu An Thạnh tiến về chợ Bến Lức.
          - Về phía địch: Bấy giờ tại chợ Bến Lức có một đội lính khoảng 2 tiểu đội được trang bị bằng súng 24 (loại súng ngắn 1 nòng nạp 1 viên đạn thường gọi là súng oảnh cách) đặt dưới sự chỉ huy của Cai Tổng – Tổng Long Hưng Hạ Trần Văn Cương (thường gọi là huyện Cương).
          Đoàn biểu tình kéo đến Nhà Việc của Ban Hội Tề Tổng Long Hưng Hạ (nay là khu nhà UBND Thị trấn Bến Lức) thì dừng lại hô vang khẩu hiệu, bà Võ Thị Thú dẫn đầu giương cao cờ đỏ và tiến lên yêu cầu gặp Cai Tổng Cương để đưa yêu sách. Trước khí thế mạnh mẽ đó cả Ban Hội Tề và lực lượng trấn áp của chúng là 2 tiểu đội lính đều tê liệt, kết quả Cai Tổng Cương đã phải chấp nhận yêu sách và hẹn ngày mai sẽ có quan lớn trên Tỉnh xuống Ngã ba Thanh Hà giải quyết. Thế là cuộc biểu tình đã đạt được thắng lợi.
          Lập tức các đ/c trong Chi bộ Long Phú phân công đi vận động đồng bào các làng Phước Vân, Long Hiệp, Long Phú, Thanh Hà, Tân Bửu đúng hẹn hôm sau nghe tiếng tù và (đ/c Phạm Văn Khương thổi) thì tập trung về ngã ba Thanh Hà đêm ấy các đ/c không sao ngủ được. Riêng ở An Thạnh thì mọi người rạo rực chuẩn bị cho cuộc xuống đường ngày hôm sau. Đêm đó bà Võ Thị Thú cho làm thịt một con heo và xôi 2 giạ nếp, các bà, các chị thức tận khuya nấu xôi chuẩn bị, trống đình An Thạnh giục giã suốt đêm 4/6, truyền đơn rải khắp làng An Thạnh.
          Theo đúng hẹn ngày 5/6 /1930 các đ/c Nguyễn Văn Nhâm, Phạm Văn Khương tổ chức diễn thuyết ở Bình Nhựt tập hợp đông đảo quần chúng hai làng Bình Đức, Bình Chánh cùng kéo về phối hợp với Long Phú và An Thạnh. Lần này địch nham hiểm đã chuẩn bị trước tăng cường lực lượng đàn áp là lính khố xanh. Chúng chặn cánh này không cho đi tới, đ/c Nguyễn Văn Nhâm đứng lên phản đối và kêu gọi đồng bào cứ tiến lên, bọn lính nổ súng đàn áp và bắt nhiều người buộc đám đông phải giải tán.
          Trong khi đó ở Long Phú khoảng 500 quần chúng được vận đông kéo về theo sự chỉ đạo thống nhất. 8 giờ sáng tên Tham biện Pháp (Renault) đến cùng với cai tổng Cương, Tề làng Long Phú và tốp lính khố xanh đầy đủ súng ống. Cai tổng Cương ra lệnh mọi người ngồi xuống nhưng đám đông vẫn cứ tiến lên, Cai tổng Cương cho lính nổ súng và bắt đi 3 người.
          Riêng cánh An Thạnh ngày hôm sau được chuẩn bị nên lực lượng đông đến gần 2000 người. Đoàn biểu tình kéo đến Cống Bấn (nay là cống Tư Hữu) thuộc ấp 1 xã An Thạnh, cách cầu An Thạnh khoảng 1000m, lúc ấy khoảng 10 giờ thì gặp bọn địch, chúng vừa đàn áp xong ở Long Phú lập tức kéo sang An Thạnh. Được lệnh của Tham biện Renault lính khố xanh nổ súng đàn áp dữ dội bọn chúng xé cờ và bắt đi khoảng 30 người trong đó có bà Võ Thị Thú và vợ Hương Bộ Lê Văn Tảo mà chúng cho là những người cầm đầu.
          Cuộc biểu tình tuy bị đàn áp nhưng đã gây được một chấn đông lớn lao. Lần đầu tiên trong một vùng nông thôn yên tĩnh là làng An Thạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nổ ra một cuộc biểu tình, đấu tranh chạm trán quyết liệt với kẻ thù trực tiếp đòi quyền sống về cho người dân lao động đã bị bóc lột áp bức bao đời nay.
          Cuộc biểu tình ngày 4 và 5/6/1930 (mà tiêu biểu là ngày 4/6 đạt được thắng lợi) của quần chúng nhân dân làng An Thạnh kéo về Chợ Bến Lức là đỉnh cao của phong trào đấu tranh cho đến lúc ấy ở Trung Quận.
4./ Loại di tích.
          “Khu vực tượng đài Bến Lức” là di tích lịch sử ghi dấu sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân Bến Lức nói riêng của Tỉnh Chợ Lớn (nay là Long An) nói chung.
          Nơi đây là đại điểm lưu niệm một đại danh lịch sử: “Khu vực tượng đài Bến Lức” nơi đã diễn ra cuộc đấu tranh chống sưu cao thuế nặng 4/6/1930.
5./ Khảo tả di tích.
          Di tích ngày nay đã biến đổi hoàn toàn, chỉ còn mảnh đất trước UBND Thị trấn Bến Lức là địa điểm ghi dấu mang tính lịch sử của cuộc đấu tranh. Mảnh đất đó năm 1986 được huyện Bến Lức quy hoạch và xây dựng một công trình tôn tạo: tượng đài người phụ nữ. Khu vực tượng đài có hình tam giác được tạo thành do 3 hàng rào sắt, diện tích 264m2, trong đó diện tích trưng bày tượng là 9m2. Trong mặt bằng khu tượng đài được phân ra làm bục trồng hoa bằng xi măng giữa các bục là lối đi. Trước mặt tượng đài là 2 cửa ra vào.
          Tượng đài Bến Lức là tượng đài người phụ nữ có độ tuổi khoảng trên 45. Tóc búi phía sau theo cách búi tóc của người phụ nữ Nam Bộ, mặc áo dài Nam Bộ kiểu xưa, tà áo trước phất ra sau, tay trái duỗi xuống cầm cán cờ phía dưới, tay phải cầm giữa cán cờ nâng ngang khảo đầu. Chân trái bước lên phía trước, đầu ngẩng cao dưới lá cờ đỏ búa liềm.
          Tượng đài hướng về phía Đông Bắc Thị xã Tân An. (Nếu đi từ tỉnh lộ 830 vào Thị trấn Bến Lức đến khu vực di tích thì sẽ thấy tượng đài hướng về phía tay trái hơi nghiêng với UBND Thị trấn).
          Tượng đài có tổng chiều cao là 7,8m bằng chất liệu xi măng gồm ba phần:
          1/ Chân tượng đài: Ở phía dưới cùng là một bục xi măng hình tròn bao xung quanh có đường kính là 5,6m và độ cao cách mặt đất là 0,25m.
          2/ Bục tượng đài: có hình khối hộp chữ nhật đứng: chiều cao là 2,6m cạnh đáy nhỏ là 0,65m, cạnh đáy lớn 1,4m. Chiều cao và cạnh đáy nhỏ tạo thành mặt chính của bục. (Tức mặt hướng về phía trước của tượng đài). Chiều cao và hai cạnh đáy lớn tạo thành hai mặt phụ hai bên. Hai mặt phụ hai bên của bục là hai bức phù điêu có chiều cao là 1,7m. Chiều ngang của bức phù điêu là một đường cong 1,6m từ mặt chính ra mặt sau về phía bên trái tượng, và một chiều ngang 1,4m cong từ mặt sau ra mặt chính và cách mặt chính 0,2m về phía bên phải tượng. Hai bức phù điêu hai bên cách chân bục 0,35m và cách đỉnh bục 0,55m. Phù điêu chạm trổ hình quần chúng nhân dân tham gia trong cuộc biểu tình.
          Nếu nhìn từ trên xuống thì hai bức phù điêu có hình hai tam giác áp sát vào hai mặt phụ của bục. Mặt chính của bục có bia ghi dấu đề hàng chữ: nơi đây ngày 4/6/1930 Đảng lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh chống sưu cao thuế nặng. Bia làm bằng đá cẩm thạch có chiều ngang 0,5m, chiều đứng 0,65m.
          3/ Thân tượng: là phần tượng người phụ nữ cầm cờ có tổng chiều cao từ chân đến đỉnh cờ là 5m. Trong đó từ chân đến đầu là 3,5m, từ đầu đến đỉnh cờ là 1,5m. Là cờ có chiều ngang 1,2m và chiều dài 1m. Cán cờ dài 2,5m.
          Tượng đài Bến Lức là một công trình tôn tạo mang giá trị lịch sử truyền thống. Nó không những tái hiện được khí thế và tinh thần của nhân vật trong sự kiện lịch sử 4/6/1930, mà tượng đài còn là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của người phụ nữ Bến Lức nói riêng, của nhân dân Bến Lức – Long An nói chung.
          Chủ nghĩa yêu nước ấy dưới ngọn cờ của Đảng càng được tiếp nối và phát huy hơn nữa truyền thống oai hùng của cha ông thuở trước.
          6./ Gía trị lịch sử.
          Di tích khu vực tượng đài Bến Lức địa điểm ghi dấu sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân An Thạnh nói riêng của Trung Quận – Chợ Lớn (nay là Bến Lức – Long An) nói chung, dưới sự lãnh đạo của Đảng khi lần đầu tiên tại nơi đây ngày 4/6/1930 đã diễn ra một cuộc đấu tranh quyết liệt mà người nông dân đã chạm trán trực tiếp với kẻ thù để đòi quyền sống về cho người dân lao động đã bị áp bức bao đời nay.
          Di tích lịch sử “Khu vực tượng đài Bến Lức” mà sự kiện là cuộc biểu tình ngày 4/6/1930 của quần chúng nhân dân An Thạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng kéo về chợ Bến Lức là đỉnh cao của phong trào đấu tranh cách mạng cho đến lúc ấy ở Trung Quận. Nó chứng minh cho khả năng lãnh đạo và vận động quần chúng đấu tranh của Đảng và thể hiện lòng tin của nhân dân lao động đối với sự lãnh đạo của Đảng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
          Chi bộ Đảng các làng An Thạnh, Long Phú vừa mới ra đời đã tổ chức được một cuộc đấu tranh với tầm vóc như thế cáng thể hiện được đó là một thắng lợi lớn trong bối cảnh thực dân Pháp đàn áp khủng bố rất dã man.
          Cũng qua cuộc đấu tranh đó, hành động dũng cảm của bà Võ Thị Thú khi giương cao cờ đỏ búa liềm dẫn đầu biểu tình đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng của người phụ nữ Việt Nam.
          Có thể nói rằng cuộc biểu tình ngày 4/6/1930 của quần chúng nhân dân An Thạnh kéo về chợ Bến Lức là một trong những phát súng nã trực tiếp vào pháo đài chế độ thực dân phong kiến.
Với giá trị lịch sử như thế, di tích “Khu vực tượng đài Bến Lức” càng thể hiện được tác dụng giáo dục truyền thống cách mạng địa phương.
Ngày nay di tích là niềm tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân huyện Bến Lức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét