Căn cứ Xứ ủy, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ với tổng diện tích quy hoạch là 164.882 m2, nằm toạ lạc tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Là một trong ba căn cứ địa quan trọng nhất của cách mạng miền Nam trong chín năm kháng chiến chống Pháp. Nơi đây ghi dấu quá trình hoạt động cách mạng của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, những nhà chính trị và những nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử cách mạng Việt Nam: Tôn Đức Thắng, Lê Duẫn, Ung Văn Khiêm, Phạm Hùng, Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Bình, Huỳnh Tấn Phát, Trần Văn Trà,..
Di tích còn là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng miền Nam trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược, nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của Đảng bộ, quân đội và nhân dân Nam Bộ trong quá trình chống giặc ngoại xâm.
Có nhiều điểm di tích gốc nằm trong một khu vực. Tuy nhiên, các ngành, các cấp chỉ chọn 08 điểm di tích gốc tiêu biểu nhất để khoanh vùng bảo vệ và phát huy, trong đó có 05 điểm nằm gần nhau gồm: Xứ ủy và nơi làm việc của đồng chí Lê Duẩn, Sở Tài chính Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Khu 8, Sở Công An Nam bộ, Nơi ở của đồng chí Lê Duẫn; 03 điểm di tích gốc không nằm gần nhau gồm: Văn phòng Ủy ban kháng chiến Hành chánh Nam Bộ, Phòng Bào chế Dược-Sở Y tế Nam Bộ, Nhà in Nam Bộ.
Trước kia trong kháng chiến, các cơ quan Đảng, chính quyền, quân đội…đóng trong nhà dân để hoạt động chủ yếu, các căn nhà xây dựng với quy mô đơn giản, vật liệu nhẹ, dễ di chuyển thì ngày nay địa điểm đó là những ngôi nhà được xây dựng kiên cố hoặc là những mảnh vườn, thửa ruộng của họ.
Hiện nay, các di tích gốc quan trọng này đã thay đổi về kiến trúc và cảnh quan. Tuy nhiên, chứng tích về những ngày tháng đấu tranh ác liệt vẫn còn in đậm trong tâm khảm những người tham gia kháng chiến.
Để kỷ niệm những sự kiện trọng đại xảy ra trong di tích, thời gian qua Huyện ủy-UBND huyện Tân Thạnh, Long An đã phối hợp cùng các ngành Tỉnh, Ban liên lạc truyền thống đã tiến hành xây dựng 04 bia kỷ niệm ở 02 xã: Nhơn Hòa Lập, Hậu Thạnh Đông và UBND Thị trấn Tân Thạnh.
Bia kỷ niệm căn cứ Dương Văn Dương, xây dựng năm 1981, cạnh Tỉnh lộ 837, nằm phía trước nhà Má Tám (Võ Thị Thay). Bia cao 1,8m được đặt trên tam cấp, thân bia vuông mỗi chiều 1,2m, bên ngoài viền đá rửa, trên khắc dòng chữ "Bia truyền thống".
Bia kỷ niệm Điện ảnh Nam Bộ: xây dựng cách di tích gốc xã Nhơn Ninh khoảng 10km về hướng Tây Nam. Vào năm 1997, được Hội nhiếp ảnh TP.HCM cùng chính quyền địa phương cho xây dựng bia tại Thị trấn Tân Thạnh. Đến năm 2007, bia đã xuống cấp hư hỏng được huyện cải tạo xây dựng sân đa năng Trung tâm Văn hóa-Thể thao.
Bia kỷ niệm Phòng Bào chế-Sở Y tế Nam Bộ (1946-1948) được xây dựng tại UBND xã Nhơn Hòa Lập, cách di tích gốc khoảng 1km về hướng Đông Bia được xây dựng bằng bê tông cốt thép cao 2,3m, được đặt trên tam cấp, mỗi bậc cao 20em, rộng 4m được tô bằng đá mài.
Bia kỷ niệm Đài phát thanh Nam Bộ: được xây dựng 1992 nhằm kỷ niệm sự kiện Đài phát thanh Nam Bộ phát sóng buổi đầu tiên tại bờ kinh Quận, xã Hậu Thạnh Đông, cách di tích gốc khoảng 800m về hướng Bắc. Bia được xây dựng bằng nền xi măng cốt thép. Bia cao 1,9m, dài 1,2m, văn bia được khắc trên mặt cẩm thạch.
Với những giá trị lịch sử to lớn trên, di tích "Căn cứ Xứ ủy, Ủy ban kháng chiến Hành chánh Nam Bộ" (1946-1949) xứng đáng được bảo vệ, phục hồi, tôn tạo nhằm phát huy truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, đồng thời nơi đây sẽ là một trong những điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước.
Ngày 26/5/2011, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị thông qua quy hoạch chi tiết Khu di tích Căn cứ xứ ủy Nam Kỳ, Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ do Chủ tịch UBND tỉnh -Dương Quốc Xuân chủ trì. Tham dự hội nghị có Chủ tịch UBMTTQ tỉnh-Võ Lê Tuấn, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và đại diện lãnh đạo UBND huyện Tân Thạnh.
Đến ngày 03/8/2007, Bộ Văn hoá-Thông tin ban hành Quyết định số 42/2007/QĐ-BVHTT Về việc xếp hạng di tích quốc gia: Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh kháng chiến Nam Bộ (1946-1949) xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, Long An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét