(Dân trí) - Không chỉ nổi tiếng với đặc sản nhãn lồng, vùng đất Hưng Yên còn tự hào với nhiều món ngon giản dị, ăn một lần là nhớ mãi.
Bánh cuốn Mễ Sở
Nếu Hà Nội có món bánh cuốn Thanh Trì mỏng tang như tờ giấy lụa, Lạng Sơn là bánh cuốn trứng béo ngậy, thì đến với Hưng Yên, đừng quên bánh cuốn Mễ Sở. Dù món ăn chỉ sử dụng nguyên liệu giản dị gần gũi, nhưng vẫn tạo nên sự khác biệt.
Nét hấp dẫn riêng của món bánh cuốn là lớp vỏ bánh làm từ gạo nguyên chất và tráng mỏng. Sau khi hấp lên, miếng bánh trắng như lòng trứng gà trắng, dẻo dai và mịn màng. Nhân bên trong được làm từ phần thịt lợn nạc băm nhỏ, xào cùng nước mắm, bột ngọt, nấm hương và mộc nhĩ.
Món bánh cuốn ngon không chỉ bởi nhân bánh, còn có sự khác biệt nhờ nước chấm. Mỗi hàng có bí quyết pha riêng, nhưng khong thể thiếu vị chua của quất và cay từ ớt. Đến chợ Mễ, dù có nhiều sự lựa chọn khác như bánh khúc Phú Thị, bánh răng bừa, bún riêu cua, nhưng bánh cuốn vẫn là thức quà sáng được nhiều người ưa thích.
Bánh răng bừa
Nhắc đến làng Phụng Công, Văn Giang, Hưng Yên, sẽ là thiếu sót nếu không kể đến món bánh giản dị đã tồn tại hàng trăm năm nay: bánh răng bừa. Làm từ nguyên liệu chính là bột gạo, món bánh truyền thống này vẫn được người dân cúng trong dịp ngày rằm, giỗ chạp hay tết.
Món bánh giản dị từ cái tên trở đi. Gọi là răng bừa vì hình dáng giống chiếc răng bừa vẫn dùng để cày ruộng. Người ta dùng gạo tám xoan, ngâm trong nước từ 3-4 tiếng, vo sạch rồi xay nhuyễn thành bột. Sau đó, thứ bột này được quấy đều trên bếp đến khi dẻo rồi mới đổ ra mâm cho nguội bớt.
Phần nhân bánh gồm thịt mông sấn thái hạt lựu, hành củ, nước mắm, cà cuống, xào đều trong chảo. Riêng phần lá gói phải dùng lá dong trồng ở đất phù sa ven sông Hồng mới có màu xanh khác hẳn. Bánh răng bừa bóc ra không dính tay. Khi ăn có thể thưởng thức cùng tương ớt, nước mắm tùy theo khẩu vị.
Tương Bần
Tương Bần đã trở thành niềm tự hào riêng của người dân Hưng Yên, rồi đi vào tiềm thức mỗi con người đất Việt tự bao giờ.
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”
Món tương Bần trở thành niềm tự hào riêng của người dân Hưng Yên
Được làm ở thôn Bần, xã Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, nên người dân gọi luôn món nước chấm dân dã này là tương bần. Chỉ là thứ phụ thêm, nhưng khi thưởng thức bánh đúc, bánh tẻ hay thịt luộc, rau muống mà thiếu tương là mất đi cái khoái khẩu.
Công đoạn làm tương công phu và mất thời gian. Để có được bát tương vàng ươm đòi hỏi kinh nghiệm và độ khéo của từng nhà. Thành phần món tương là gạo nếp cái hoa vàng và đỗ tương. Tuy nhiên, phải mất chừng 1-2 tháng, người thợ mới cho ra được mẻ tương ngon. Thời gian nhanh hay chậm lại phụ thuộc vào thời tiết có đủ nắng hay không.
Món cá kho tương hấp dẫn đến khó cưỡng lại
Từ xa xưa, tương Bần trở thành món ngon tiến vua. Ngày nay, món nước chấm giản dị này đã nổi tiếng khắp nơi, được nhiều người lựa chọn.
Cá mòi
Đây là giống cá sinh sống ở vùng biển và vùng nước lợ của sông. Đến mùa sinh sản, chúng ngược dòng sông Hồng về đẻ trứng. Cá mòi chỉ lớn hơn cá diếc một chút, màu trắng bạc, vây có gợn nhô lên rất dễ nhận biết. Giống cá nhiều xương nhỏ nhưng lắm thịt. Đặc biệt, thịt cá ngọt thơm và trứng càng ngon hơn.
Cá mòi thường chỉ có vào tháng 2, tháng 3 âm lịch. Chế biến món cá này cũng lắm công phu. Sau khi làm sạch, người nội trợ sẽ ướp cùng gừng, nghệ giã nhỏ chà khắp người cá để khử mùi. Nhiều cách để biến cá mòi thành món ngon, nhưng nướng trên than hoa là đậm vị hơn cả. Ướp cá chừng nửa giờ, người ta sẽ dùng que tre cặp ngang thân cá rồi nướng. Khi nướng chín sơ, cá được đưa lên chảo rán tới lúc chuyển màu vàng nâu.
Giữa tiết trời xuân còn vương lại cái se lạnh, đĩa cá mòi vừa rán chín, thưởng thức khi còn nóng để giữ nguyên hương vị.
Việt Hà
Video: nguồn VTV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét