Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

KHU VỰC BÌNH THÀNH CĂN CỨ CÁCH MẠNG CỦA TỈNH ỦY CHỢ LỚN – LONG AN TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ ĐẾ QUỐC MỸ.

(Xã Bình Hòa Hưng – huyện Đức Huệ - tỉnh Long An)
Bình Thành là một địa danh xuất hiện khá sớm trong lịch sử khai phá vùng Đức Huệ ngày nay. Từ năm 1867 đã thấy tên Bình Thành thôn là một trong các thôn xã của Tổng Cửu Cư Thượng – huyện Tân Long. Khu vực Bình Thành là vùng đất nằm giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây với trung tâm là Giồng Ông Bạn – xã Bình Thành nay thuộc xã Bình Hòa Hưng thuộc huyện Đức Huệ tỉnh Long An). Trước đây nhân dân trong vùng sống ở ven sông và trên các giồng lớn, phần lớn đất đai còn lại trong khu vực đều hoang vu mọc đầy tràm gió, đưng, năn, lau sậy… Ngày nay, công cuộc khai hoang đã biến đồng bưng thành rộng đồng tươi tốt.
Cùng với sự ra đời và phát triển của những phong trào đấu tranh chống xâm lược, căn cứ khu vực Bình Thành đã trở thành một địa danh lịch sử. Nơi đây, sau khởi nghĩa nam Kỳ, các chiến sĩ cách mạng đã xây dựng căn cứ địa đầu tiên ở Nam bộ để tiếp tục chiến đấu. Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), là quân khu Đông Thành, có một thời gian là căn cứ của Bộ Tư Lệnh khu 7 và Tỉnh Ủy Chợ Lớn. trong 21 năm chống Mỹ, khu vực Bình hành với bề dày truyền thống đã được Tỉnh ủy Long An chọn làm căn cứ để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Căn cứ cách mạng Bình Thành trong kháng chiến chống Mỹ rộng lớn, cơ động, linh hoạt bởi lẽ cuộc chiến rất ác liệt, địch dùng mọi thủ đoạn để tiêu diệt, nên tỉnh ủy Long An phải linh đông dời đổi địa điểm và phạm vi hoạt động  nhiều lần, tuy vẫn bám trụ căn cứ. Di tích khu vực Bình Thành là trung tâm của căn cứ, là nơi tỉnh ủy và các ban ngành của tỉnh đứng chân lâu nhất, các phế tích còn lại rõ nhất. Di tích khu vực Bình Thành được giới hạn bởi kinh Hai Ngàn và tỉnh lộ 839 ở phía Bắc, kinh 62 ở phía Đông, kinh T4 ở phía Tây, kinh 1000 ở phía nam với tổng diện tích 90ha. Đây là vùng trũng thấp có nhiều bưng trấp xen lẫn với những giồng đất cao mọc nhiều loài cây hoang dại như: tràm, đưng, bàng, lau sậy…
Năm 1920 huyện Cửu An được đổi tên thành huyện Thủ Thừa, lúc này di tích thuộc xã Bình Thành, tổng Cửu Cư Thượng, thuộc huyện Thủ Thừa tỉnh Tân An. Địa giới này được giữ nguyên đến năm 1945.
Năm 1946 Ủy ban hành chính kháng chiến Nam bộ ra quyết định thánh lập Quân Khu Đông Thành gồm 5 xã: Thạnh Lợi, Bình Hòa, Bình Thành, Mỹ Thạnh, Mỹ Quý. Năm 1949 đổi lại là khu Đông Thành rồi huyện Đông Thành được nhập với huyện Đức Hòa lấy tên là Đức Hòa Thành.
Năm 1959 Ngô Đình Diệm cắt 3 xã của huyện Đức Hòa và 5 xã của huyện Thủ Thừa lập huyện Đức Huệ tỉnh Long An. Đến năm 1963 Ngô Đình Diệm lại cắt huyện Đức Huệ , Đức Hòa của Long An nhập với Trảng Bàng, Củ Chi thành lập tỉnh Hậu Nghĩa.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng ngày 13/3/1976 NĐNN nước CHXHCNVN ra quyết định nhập huyện Đức Huệ, Đức Hòa vào địa giới tỉnh Long An. Di tích lúc bấy giờ thuộc xã Bình Thành – huyện Đức Huệ.
Ngày 13/1/1994, một phần đất của xã Bình Thành được tách ra thành lập một xã mới lấy tên là xã Bình Hòa Hưng. Hiện di tích tọa lạc tại xã Bình Thành và Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Di tích cách thị trấn Đông Thành – Đức Huệ 20km về phía Đông, cách Mỏ Vẹt (biên giới Campuchia) 3km về phía Tây.
Di tích lịch sử khu vực Bình Thành là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại – trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đặc biệt, di tích ghi đậm nét quá trình ra đời và hoạt động của Tỉnh ủy, Tỉnh đội Long An trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ. Tại đây, Tỉnh ủy Long An đã kiên cường bám trụ, trước mọi thủ đạon nhằm hủy diệt của giặc, để lãnh đạo phong trào đấu tranh, góp phần quyết định vào thành tích cao quý TRUNG DŨNG KIÊN CƯỜNG.
Di tích cũng là nơi ghi dấu sự có mặt và hoạt động của Xứ ủy Nam bộ, các cơ quan cao cấp Xứ, cấp Khu, nhiều đơn vị vũ trang của Miền, nhiều nhà lãnh đạo Đảng và quân đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước;  là bằng chứng cụ thể của quá trình đấu tranh gian khổ và hy sinh cao cả từ buổi đầu kháng Pháp đến chống Mỹ, cứu nước của đồng bào, chiến sĩ không riêng ở Long An mà từ khắp mọi miền đất nước.
Di tích khu vực Bình Thành là nơi hội tụ những giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp nhất. Đó là lòng yêu nước, chí quật cường, tinh thần chiến đấu dũng cảm với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của Đảng bộ và nhân dân Long An, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Trong sự chuyển mình của đất nước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những giá trị truyền thống tốt đẹp ấy, nhất thiết phải được bảo tồn và phát huy cao độ. Với những ý nghĩa trên. Di tích lịch sử khu vực Bình Thành xứng đáng được bảo tồn, tôn tạo nhằm phát huy tác dụng giáo dục cho thế hệ mai sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét