(Ấp I, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An)
Di tích Bia Nguyễn Trung Trực tại ấp 1 xã Thạnh Đức
1./ Tên gọi di tích:
Khu vực Xóm Nghề thuộc Thôn Bình Nhựt – Tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, Phủ Tân An nay là xã Thạnh Đức huyện Bến Lức tỉnh Long An. Người ta gọi khu vực này là Xóm Nghề vì khi xưa dân cư ở đây sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Nơi đây vào năm 1838 Nguyễn Trung Trực đã khóc tiếng khóc chào đời và cũng chính vị anh hùng này đã làm rạng danh cho tổ quốc.
2./ Địa điểm di tích:
Di tích tọa lạc tại (Thôn Bình Nhựt – Tổng Cửu Cư Hạ huyện Cửu An – Phủ Tân An) nay là ấp 1 xã Thạnh Đức – huyện Bến Lức tỉnh Long An, đường đến di tích bằng các ngã đường sau:
- Đường bộ: du khách đến Thành phố Tân An theo quốc lộ I về phía TP.Hồ Chí Minh 12km đến ngã tư Bình Nhựt, đi tiếp 100m nữa quẹo trái theo con đường đất 800m thì đến di tích.
- Đường thủy: du khách theo dòng Vàm Cỏ Đông đến Thị trấn Bến Lức, từ đây đi tiếp theo quốc lộ I về phía Tây 1km thì đến ngõ rẽ vào di tích.
3./ Sự kiện và nhân vật lịch sử.
3.1/Vài nét về quê hương anh hùng Nguyễn Trung Trực:
Dãi đất dọc sông Thuận An (Vàm Cỏ Đông) nơi anh hùng Nguyễn Trung Trực sinh ra và lớn lên đã có một lịch sử lâu đời. Vào thế kỷ thứ VI khi Nam Bộ còn thuộc Vương quốc Chân Lạp, cư dân lúc ấy còn thưa thớt, rừng rậm mọc dày. Năm 1296 Châu Đạt Quan sứ thần nhà Nguyễn đi sứ Chân Lạp còn thấy: “…, những cửa của các con sông lớn chạy dài hàng trăm dặm, bóng mát um tùm của những cây cổ thụ và cây mây dài tạo thành chỗ trú xum xuê”. Từ thế kỷ 16 lưu dân người Việt từ Phương Bắc đã tiến vào khai phá đất hoang, lập thành làng xóm. Vào 1623 dưới thời chúa Sải Nguyễn Phúc Nguyên khi nhà Nguyễn vào lập đồn binh ở Praynokor (Sài Gòn) thì vùng đất phía Nam người Việt đã sinh sống thành làng đông đúc. Trong cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài gần 1 thế kỷ những người dân nghèo túng chán ghét cảnh cốt nhục tương tàn đã tiến vào Nam. Họ theo các cửa sông, ngược lên thượng lưu và khai phá đất đai màu mỡ ở hai bên bờ sông. Vùng đất dọc sông Thuận An đã được khai phá trong thời gian này. Cao tổ của Nguyễn Trung Trực, ông Nguyễn Văn Đạo là 1 trong những lưu dân đầu tiên khai phá làng Bình Nhựt. Đến 1705 khi Vân Trường Hầu Nguyễn Cửu Vân dẹp xong giặc Cao Miên rồi lập đồn điền ở Vũng Gù (Tân An), đào kênh Bảo Định nối sông Vũng Gù với sông Mỹ Tho thì vùng đất thuộc lưu vực hai con sông Vàm Cỏ đã được khai phá về cơ bản. Học giả Lê Quí Đôn 1776 vào Nam có viết Phủ Gia Định, xứ Đồng Nai từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Cửa Tiểu, Cửa Đại toàn rừng rậm, họ Nguyễn mới chiêu mộ những dân có vật lực ở các Phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Qui Nhơn xứ Quảng Nam dời tới đây chặt phá mở mang hết thảy thành bằng phẳng, đất màu mỡ, do đó thóc rất nhiều. Người giàu ở địa phương hoặc 40, 50 nhà, hoặc 20, 30 nhà. Mỗi nhà điền nô 50, 60 người, trâu bò 300, 400 con cày bừa cấy gặt rộn ràng không rỗi. Hàng năm đến tháng 11, 12 thường giả thành gạo bán lấy tiền ăn tết. Sử liệu trên phản ánh phần nào mức độ phát triển kinh tế của Phủ Gia Định lúc bấy giờ, trong đó có vùng đất ven sông Vàm Cỏ Đông. Đầu thế kỷ 19 Trịnh Hoài Đức đã ghi nhận “Dọc theo sông Bến Lức, phố xá trù mật, có bán ghe nhỏ, than củi, dầu rái, bao lác và buồm ghe,…ở bờ Nam sông ấy, quán xá trù mật ghe thuyền đi lại tạm đình, đợi nước lên sẽ đi vào Nam hay ra Bắc”. Thôn Bình Nhựt cách Chợ Phước Tú (Thị trấn Bến Lức ngày nay) Lỵ Sở của huyện Tân Long chưa đầy 100m chắc chắn là một nơi trù phú. Sông Thuận An tức sông Vàm Cỏ Đông là một thủy lộ quan trọng trong việc thông thương giữa Miền Đông và Miền Tây nhất là từ lúc đào con kênh Thủ Thừa nối liền hai con sông Vàm Cỏ. Tháng 2 năm Canh Tuất Chúa Nguyễn cho đắp quan lộ. “…từ Tân Thuận qua chùa Kim Chương do phố Sài Gòn đến cầu Bình An qua gò Tuyên Tự đến Bến Thủ Đoàn, qua sông Hưng Hòa (đoạn sông Vàm Cỏ Tây chảy qua Thị xã Tân An) đến Gò Trấn Định…Đường sông thẳng như tấm đá mài, gọi là đường thiên lý của Miền Nam”. Con đường này qua sông Vàm Cỏ Đông làm cho vùng đất ven sông có một vị trí chiến lược, là một trong những địa điểm xung yếu nhất trong vành đai bảo vệ Tỉnh thành Gia Định về phía Tây, phía Nam, kiểm soát được khu vực này là kiểm soát cả 1 vùng đất từ biên giới Cao Miên đến Tây Ninh, Bến Lức, Gò Công, bởi thế vùng này đã xảy ra nhiều trận giao chiến khốc liệt giữa quân đội Nguyễn Ánh và Tây Sơn. Người dân ở đây vốn là hậu duệ của những lưu dân buổi đầu dũng cảm vào “phá Sơn Lâm, đâm Hà Bá” mang trong huyết quản một truyền thống cần cù quật khởi. Họ mau chóng hòa nhập với thiên nhiên bao la hùng vĩ, tạo nên một phong cách hào sảng trọng nghĩa khinh tài, đặc trưng của Nam Bộ. Thời xa xưa Bến Lức cũng là nơi có nhiều làng võ và những thầy dạy võ nổi danh trong vùng. Chính vì vậy nơi đây cũng là chốn đi về của những người có tâm huyết, nghĩa khí, những nhà nho yêu nước. Nằm trong bối cảnh chung ấy những người dân Xóm Nghề, Bình Nhựt chắc chắn đã tiếp thu tinh thần thượng võ, tư tưởng nhân nghĩa, dám xả thân vì nghiệp lớn, mà người con anh hùng của họ: Nguyễn Trung Trực đã thể hiện sau này.
3.2/ Tiểu sử anh hùng Nguyễn Trung Trực:
“ Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khắp quỷ thần… ”
Hai câu thơ của nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt đã tổng kết được cuộc đời oanh liệt của Nguyễn Trung Trực với hai chiến công rực rỡ huy hoàng.
Cao tổ dòng họ Nguyễn là Nguyễn Văn Đạo quê gốc tại Xóm Lưới, xã Vĩnh Hội, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định nhân khởi nghĩa Tây Sơn ông dắt gia quyến vào thôn Bình Nhựt, huyện Cửu An lánh nạn. Ở đây ông đã khai khẩn đất hoang, làm ruộng, sinh sống. Dòng họ Nguyễn còn ghi lại gia phả, theo đó Nguyễn Trung Trực là con của ông Nguyễn Văn Phụng, cháu nội ông Nguyễn Văn Đạo.
Nguyễn Trung Trực sinh năm 1838 tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, Phủ Tân An, lúc nhỏ ông có tên là Chơn, rồi từ 1859 ông đổi tên là Lịch. Do tình hình ngay thẳng và có tên là Chơn nên thầy học đặt cho ông tên Nguyễn Trung Trực. Theo P.Vial một tên thực dân đã có mặt trong buổi đầu xâm lược nước ta Nguyễn Trung Trực có “thân hình vạm vỡ, lòng trung thực, đã qua nhiều phen thử thách, có diện mạo thông minh và thấy là có cảm tình”. Thuở nhỏ Nguyễn Trung Trực sống ở quê nhà bằng nghề làm ruộng và chài lưới. Năm 23 tuổi ông tham gia lực lượng chống Pháp. Sau khi đại đồn Kỳ Hòa thất thủ, Nguyễn Trung Trực (lúc bấy giờ giữ chức Quyền sung Quản binh đạo, nên gọi là Quản Lịch) đứng đầu toán chống Pháp ở vùng Tân An, dưới sự chỉ huy chung của Trương Định. Lúc này, giắc Pháp chiếm cả Mỹ THo, chúng dùng những tàu chiến vừa là phương tiện tuần tra, vừa làm đồn nổi di động nơi các sông rạch trong vùng, chiến hạm Esperance án ngữ nơi vàm Nhựt Tảo là một trong những đồn canh kiểu này. Nắm chắc tình hình, qui luật hoạt động của địch, Nguyễn Trung Trực đã chỉ huy nghĩa quân phối hợp cùng nhân dân địa phương dùng mưu kế tấn công tiêu diệt, thiêu hủy toàn bộ chiếc tàu giữa trưa ngày 10/12/1861. Ngọn lữa chiến thắng Vàm Nhựt Tảo đã làm bùng lên một sinh khí mới mẽ trong hàng ngũ nghĩa quân. Chỉ trong vòng 1 năm 3 chiếc tiểu hạm của Phát hoạt động trên sông Vàm Cổ Đông đã bị nghĩa quân tấn công dữ dội bằng nhiều cách thức khác nhau.
Sau khi 3 tỉnh niềm Đông rơi vào tay Pháp, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân rút về hoạt động ở các tỉnh niềm Tây. Đầu năm 1867 ông ra Bình Định nhận chức Lãnh binh, đến giữa năm 1867 lại về Hà Tiên giữ chức Thành thủ úy. Đêm 16/6/1868, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân đánh chiếm đồn Rạch Giá, tiêu diệt hầu hết quân Pháp đóng trong đồn và làm chủ 5 ngày liền. Ngày 21/6./1868, quân Pháp phản công mạnh, nghĩa quân phải rút về Hòn Chông , rồi từ đấy Nguyễn Trung Trực cùng một bộ phận nghĩa quân rút về Phú Quốc. Tháng 9/1868, quân Pháp do tên tay sai Huỳnh Công Tấn dẫn đường đổ bộ lên Phú Quốc bao vây, tiêu diệt nghĩa quân, sau trận giao tranh ác liệt lực lượng nghĩa quân bị tổn thất nặng đành phải rút sâu vào núi. Trong thế bao vây nhiều ngày, lương thực cạn, binh sĩ thương vong, bệnh tật nhiều, để tránh cho nghĩa quân khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn, và để cứu mẹ nên ông đành để giặc bắt
Trong thời gian bị giam cầm ông đã tỏ rõ phẩm chất trong sáng của 1 người yêu nước, trung thành đến cùng với tổ quốc và nhân dân. Pháp tìm mọi cách chiêu dụ nhưng thất bại, không mua chuộc được ông Pháp giải ông từ Sài Gòn về Kiên Giang xử tử. Ngày 27/10/1868 nhằm ngày 12/9 âm lịch là ngày tang tóc của dân chúng tỉnh Kiên Giang vì phải chứng kiến cảnh người anh hùng bước lên đoạn đầu đài trả nợ non sông. Pháp trường là bãi đất ở Sở Bưu điện Kiên Giang ngày nay. Nguyễn Trung Trực oanh liệt hy sinh để lại một tấm gương anh hùng bất khuất và một câu nói đã đi vào lịch sử: “Chừng nào Tây làm hết cỏ nước Nam, thì lúc đó mới hết người Nam đánh Tây”. Hiện nay lăng mộ và Miếu thờ của ông còn ở Rạch Giá tỉnh Kiên Giang.
4./ Loại di tích.
Khu vực Xóm Nghề thuộc loại di tích lịch sử (là di tích lưu niệm nhân vật lịch sử). Chính mảnh đất này đã cưu mang nuôi dưỡng Nguyễn Trung Trực thuở thiếu thời và những truyền thống tốt đẹp của nhân dân nơi đây đã hun đúc nên một con người anh hùng làm rạng danh cho tổ quốc.
5./ Khảo tả di tích.
Khu vự Xóm Nghề nằm về phía Tây hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông đoạn gần Thị trấn Bến Lức. Những người dân gốc Trung Bộ, vốn làm nghề chài lưới khi tránh loạn lạc vào đây đã lập nên Xóm Nghề này. Chính Cao tổ họ Nguyễn là Nguyễn Văn Đạo cũng là người quê gốc ở Xóm Lưới, xã Vĩnh Hội, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Đất đai khai phá và mồ mã của dòng họ Nguyễn giờ vẫn còn tại Xóm Nghề. Ngôi vườn xưa của ông Nguyễn Văn Phụng, nơi Nguyễn Trung Trực được sinh ra và lớn lên cũng nằm trong khu vực Xóm Nghề. Tiếc thay ngôi nhà không còn nữa và quan cảnh hiện nay cũng khác xưa nhiều.
Hiện nay ngôi vườn cũng bị bỏ hoang, bần và lá mọc um tùm rộng 900m2 nằm ven bờ Vàm Cỏ Đông.
Để ghi dấu quê hương của một người anh hùng dân tộc năm 1988 Sở VHTT kết hợp với huyện Bến Lức đã xây dựng một bia kỷ niệm tại Xóm Nghề cách quốc lộ I là 800m về phía Bắc. Bia được dựng trên mảnh đất dòng họ Nguyễn đã có công khai phá năm xưa trên con đường rẽ vào Xóm Nghề. Mặt bia quay về hướng chính Nam cách đường vào Xóm Nghề 11,8m.
Trên thân bia cách đỉnh bia 0,5m người ta gắn một tấm xi măng tô đá mài hình vuông mỗi cạnh 0,5m. Trên đó có dòng chữ : NGUYỄN TRUNG TRỰC (1839-1868).
Phía dưới người ta đắp xi măng lên thân bia tạo thành một mặt phẳng hình chữ nhật dài 1,2m, rộng 1m làm mặt bia. Mặt bia được tô đá rửa trên có ghi:
“Thôn Bình Nhựt, Tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, Phủ Tân An, tỉnh Gia Định, thuộc xã Thạnh Đức huyện Bến Lức tỉnh Long An, nơi sinh ra và lớn lên của người dân chài Nguyễn Văn Lịch tức anh hùng Nguyễn Trung Trực đã cùng nhân dân ghi hai chiến công oanh liệt vào lịch sử chống Pháp thế kỷ 19.
“Lửa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
Kiếm trắng Kiên Giang khắp quỷ thần”.
Dưới cùng người ta gắn 5 thanh xi măng quét vôi trắng trên thân bia, mỗi thanh dài 10cm, cao 45cm để trang trí, trên nền bia có một lư hương để nhân dân đến thắp nhang tưởng niệm vị anh hùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét