Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

ĐÌNH MƯƠNG TRÁM ĐỊA ĐIỂM GHI DẤU CHIẾN THẮNG CỦA QUÂN DÂN LONG AN TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ NGÀY 27/4/1964

(XÃ THẠNH LỢI – HUYỆN BẾN LỨC – TỈNH LONG AN)
Đền tưởng niệm liệt sĩ tại di tích Đình Mương Trám ấp 5 xã Thạnh Lợi
1./Tên gọi di tích.
Di tích có tên gọi là “Đình Mương Trám”
Đình Mương Trám là ngôi đình của làng Xương Thạnh (một trong hai làng của Bình Lợi tạo thành xã Thạnh Lợi ngày nay). Sở dĩ có tên gọi này vì cách Đình Mương Trám 200m về hướng Bắc có một con rạch mang tên Mương Trám. Trước kia, khi lưu dân người Việt đến định cư tại lưu vực sông Vàm Cỏ (tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông) thì rạch này có tên gọi là rạch Mương Tràm. Gọi là rạch Mương Tràm vì hai bên con rạch này có rất nhiều cây tràm mọc thuộc vùng trũng thấp ven sông. Những người dân nơi đây trong quá trình lưu thông qua con rạch này gặp rất nhiều khó khăn, đôi lúc xuồng, ghe không qua được nên họ gọi đây là rạch Mương Trám (“Trám” là vật cản mất lối đi qua lại). Lâu dần, trong dân gian truyền khẩu từ đời này sang đời khác là Rạch Mương Trám. Ngôi đình kế bên Rạch Mương Trám nên nhân dân trong vùng vẫn gọi “Đình Mương Trám” cho đến ngày nay.
Ngày 27/4/1964 Đình Mương Trám đi vào lịch sử. Tại khu vực này, Tiểu đoàn I Long An và Đại đội II Độc Lập cùng quân dân Thạnh Lợi đã lập chiến công tiêu diệt Tiểu đoàn 38 Biệt động Ngụy, một trong những trận đánh tiêu biểu trên chiến trường Long An trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
2./ Địa điểm  di tích.
Khu vực Đình Mương Trám tọa lạc ở tả ngạn, bên cạnh sông Vàm Cỏ Đông, nằm về phía Bắc quốc lộ I, cách Thành phố Tân An khoảng 24 km về hướng Đông Bắc.
Hiện nay, di tích thuộc ấp 5, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Đường đến di tích gồm các hướng:
- Từ Thành phố Tân An theo quốc lộ I hướng về TP.HCM 15km đến Thị trấn Bến Lức
- Từ Thị trấn Bến Lức rẽ trái theo tỉnh lộ 830 về hướng Bắc 19km đến bến đó Cầu Tàu.
- Qua sông Vàm Cỏ Đông theo lộ 30-4 khoảng 3500m đến UBND xã Thạnh Lợi.
- Từ UBND xã Thạnh Lợi theo lộ liên xã Thạnh Lợi – Bình Đức khoảng 2000m đến Đình Mương Trám. Di tích nằm trong khuôn viên Đình Mương Trám.
3./ Sự kiện – nhân vật lịch sử.
3.1/ Đôi nét về truyền thống chống giặc ngoại xâm của quân dân xã Thạnh Lợi:
Thạnh Lợi là vùng đất có bề dày về truyền thống yêu nước và truyền thống cách mạng. Là vùng ven sông Vàm Cỏ Đông, một trong những nơi lưu dân người Việt đã đến định cư sớm ở Nam Bộ. Quá trình đấu tranh chống áp bức bóc lột, đấu tranh với thiên nhiên để khai khẩn đất hoang đã tạo cho những lưu dân nơi đây sự đoàn kết chặt chẽ, một bản lĩnh sống rất phi thường. Thạnh Lợi và những vùng xung quanh là nơi cư ngụ, chốn dừng chân, lập cứ của những nhà yêu nước trong những năm đầu thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ. Năm 1930, Chi bộ Đảng cộng sản ở Thạnh Lợi ra đời và lãnh đạo nhân dân trong vùng đứng lên chống thực dân, phong kiến. Trong phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940, đội: “cảm tử quân” do đồng chí Lê Văn Tưởng chỉ huy đã từng lập nên những chiến công hiển hách ở vùng Bắc Tân An.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Thạnh Lợi là căn cứ của khu 7, các đơn vị chủ lực Nam Bộ, Quân khu Đông Thành. Vào những năm 1946-1947, Trung tướng Nguyễn Bình đã từng ở đây để lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng, chủ yếu là củng cố lực lượng vũ trang. Nơi đây đã diễn ra nhiều trận đánh lớn nhỏ của quân dân Long An trong đó có sự góp phần không nhỏ của quân dân xã Thạnh Lợi.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Thạnh Lợi là vùng giải phóng, là nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Mỹ-Ngụy đã liệt Thạnh Lợi vào vùng: “Mật khu của cộng sản”. Chúng đánh phá ác liệt bằng càn quét, tự do dội bom, bắn pháo bầy và rải chất độc hóa học, hủy diệt địa hình, biến nơi này thành “vùng trắng”, thế nhưng quân dân Long An nói chung, quân dân du kích Thạnh Lợi nói riêng đã kiên trì bám trụ giữ vững vùng căn cứ (vùng giải phóng), cửa ngõ hành lang…Nơi đây đã diễn ra hàng chục trận đánh lớn nhỏ trong đó nổi bật có trận đánh của Tiểu đoàn 1 Long An, Đại đội II Độc Lập, quân dân xã Thạnh Lợi tiêu diệt Tiểu đoàn 38 Biệt động quân Ngụy ngày 27/4/1964.
3.2/ Tình hình chung thời điểm diễn ra trận đánh tại Đình Mương Trám (27/4/1964):
Trận đánh tại Đình Mương Trám ngày 27/4/1964 là một chiến thắng vang dội của quân dân Long An, là một trong những chiến công quan trọng để củng cố vùng giải phóng và giữ thế chủ động của ta trên chiến trường, mở màn cho những chiến thắng liên tiếp sau này.
Để hiểu đầy đủ hơn về chiến thắng ấy, chúng ta hãy tìm hiểu về tình hình giữa ta và địch lúc bấy giờ, về bối cảnh chung của chiến trường Long An nói chung và tại Bến Lức, Thạnh Lợi nói riêng.
* TÌNH HÌNH ĐỊCH:
Sau đợt hoạt động đánh phá bình định của ta vào cuối năm 1963, quốc sách “gom dân lập ấp chiến lược” của địch trên địa bàn Long An đã bị thất bại. Các lực lượng địch đóng trên địa bàn như Trung đoàn 10, Sư đoàn 7, Trung đoàn 46, Sư đoàn 25, các chiến đoàn bình định… bị ta đánh tiêu hao nặng buộc địch phải co về giữ đồn, bót ở các thị trấn, thị xã, các trục giao thông chính.
Mặc dù vậy, địch vẫn ngoan cố thực hiện kế hoạch bình định bằng cách “bình định có trọng điểm” mà Long An là một trong những tỉnh được địch chọn cho kế hoạch này. Địch ra sức củng cố lực lượng bằng cách bổ sung quân số, trang bị vũ khí cho các đơn vị tại chỗ, đồng thời chúng điều Sư đoàn 25 đóng ở Miền Trung về địa bàn Long An.
Bên cạnh đó, lực lượng Biệt động quân thuộc lực lượng Tổng trù bị quân Ngụy Sài Gòn được tăng cường quân số, phương tiện chiến tranh tối đa (trực thăng, pháo…) ngoài ra các chiến đoàn thủy quân lục chiến, lực lượng bảo an, dân vệ được tăng cường khắp nơi.
Giai đoạn này, lực lượng địch được tăng cường đáng kể, hệ thống đồn, bót cũng được củng cố, tất cả nhằm giúp chúng đẩy mạnh chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” lên đỉnh cao.
* TÌNH HÌNH TA:
Trong cao trào phát triển của cách mạng ở Long An, nhất là sau đợt tiến công tổng hợp chống phá bình định, phá ấp chiến lược, bước đầu năm 1964, chiến trường Long An đã có nhiều thay đổi, nhiều vùng nông thôn đã được giải phóng (xã Thạnh Lợi cũng được giải phóng), khí thế cách mạng của quần chúng phát triển lên cao, các tổ chức cách mạng được củng cố và hoạt động hiệu quả. Lực lượng vũ trang cuối năm 1963 đã được bổ sung quân số và trang bị vũ khí chiến đấu.
Riêng Tiểu đoàn 1 Long An quân số hơn 800 chiến sĩ, Đại đội II Độc Lập có gần 200 chiến sĩ.
Tất cả các lực lượng bộ đội huyện, du kích xã cũng được tăng cường.
CHỦ TRƯƠNG CỦA TỈNH ỦY, BAN QUÂN SỰ TỈNH TRƯỚC TÌNH HÌNH MỚI (TỪ ĐẦU NĂM 1964)
Trước tình hình giữa ta và địch, Hội nghị Tỉnh ủy Long An đã họp vào tháng 4/1964, chỉ ra những mặt mạnh, mặt yếu của phong trào cách mạng toàn tỉnh, đồng thời cũng xác định: “Đẩy mạnh thế tiến công cách mạng, ra sức củng cố vùng giải phóng, củng cố và phát triển trên cơ sở chính trị trong các vùng trọng yếu và thị xã, thị trấn, đưa chiến tranh vào sâu trong lòng địch. Bộ đội tỉnh phải tiêu diệt được từng đại đội, tiến tới tiêu diệt Tiểu đoàn địch. Trước hết phải kết hợp chặt chẽ ba thứ quân, ba mũi giáp công đánh bại các cuộc càn quét của địch vào vùng giải phóng của ta…”
Để thực hiện chủ trương trên, Tỉnh ủy chỉ đạo: Đối với quân chủ lực địch, ta quyết tâm đánh tiêu diệt từng tiểu đoàn, đánh quỵ từng trung đoàn. Đối với lực lượng bảo an, dân vệ ta đánh tê liệt từng đơn vị, xóa phiên hiệu làm cho chúng không còn khả năng đánh phá ta được nữa.
- Địa bàn hoạt động:
Khắp nơi trong tỉnh, trong đó lấy Đức Hòa, Bến Lức làm chiến trường quyết định, các nơi khác phối hợp để tiến công địch.
- Phương thức hoạt động:
Kết hợp 3 mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận, dùng chiến thuật vận động tập kích, phục kích đối với quân địch đi càn quét và đóng dã ngoại.
- Sử dụng lực lượng:
Toàn bộ bộ đội tỉnh, bộ đội huyện, du kích xã, liên xã…,bên cạnh đó lực lượng binh vận và lực lượng chính trị được sử dụng tối đa cho chiến đấu, nắm bắt kịp thời mọi tình hình phục vụ chiến đấu.
Tóm lại, về tổ chức, tỉnh chủ trương lực lượng quân sự là quyết định, lực lượng chính trị, binh vận là quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của lực lượng ta nhằm tiêu hao sinh lực địch, bẽ gãy kế hoạch càn quét lấn chiếm và bình định của chúng trên chiến trường Long An. Hòa trong cao trào đánh phá “bình định có trọng điểm” của địch, tổ chức đánh địch càn quét vào vùng giải phóng của ta, ngày 27/4/1964, Tiểu đoàn I Long An, Đại đội II Độc Lập, quân dân du kích xã Thạnh Lợi đã vận động tập kích tiêu diệt Tiểu đoàn 38 Biệt động quân ngay khu vực Đình Mương Trám.
TRẬN ĐÁNH TẠI KHU VỰC ĐÌNH MƯƠNG TRÁM NGÀY 27/4/1964
A-VỊ TRÍ –ĐỊA HÌNH XÃ THẠNH LỢI TRƯỚC LÚC TRẬN ĐÁNH DIỄN RA
Xã Thạnh Lợi trong kháng chiến chống Mỹ (nay là 02 xã Thạnh Lợi, Thạnh Hòa) nằm về phía Bắc huyện Bến Lức, Đông giáp sông Vàm Cỏ Đông, Tây giáp Đồng Tháp Mười (Long An) Bắc giáp xã Bình Hòa Nam (Đức Huệ) Nam giáp xã Bình Đức (Bến Lức).
Là vùng ven sông Vàm Cỏ Đông, xã Thạnh Lợi là vùng trồng mía, thơm, địa hình lúc bấy giờ cây cối rậm rạp. Với địa hình này ta có thể đóng quân ban ngày, vận động trong chiến đấu chống càn và tiêu diệt địch.
Xã Thạnh Lợi là vùng giải phóng nhưng nằm sát nơi đóng quân của địch ở khu vực nhà thờ Lương Hòa Thượng (chỉ cách con sông Vàm Cỏ Đông) nên lực lượng địch thường xuyên đánh phá vùng này quyết biến nơi đây thành “vùng trắng” để vừa đánh phá căn cứ của ta vừa bảo vệ căn cứ đóng quân của chúng ở Lương Hòa…
Với vị trí trọng yếu như vậy, lúc nào lực lượng ta cũng bố trí nơi đây sẵn sàng ứng phó và đánh bại chúng, giữ vững vùng giải phóng, vừa tạo thế chủ động trên chiến trường, sẵn sàn chiến đấu khi địch càn quét.
B- BỐ TRÍ LỰC LƯỢNG TA TRÊN ĐỊA BÀN XÃ THẠNH LỢI:
Sau trận đánh tiêu diệt đại đội địch trong trại huấn luyện biệt kích Ngụy ở Gò Đen (Bến Lức), Tiểu đoàn 1 Long An về địa bàn xã Thạnh Lợi để đóng quân (giáp Bình Hòa Nam). Lúc này Tiểu đoàn 1 được trang bị phương tiện chiến đấu mới như Đại liên, súng cối, DKZ75, súng trường…
Tiểu đoàn 1 Long An đóng quân từ Rạch Cần Xé đến Rạch Bà Hạt (khu vực trong đồng mía, thơm).
Ngoài Tiểu đoàn 1 Long An, Đại đội 2 Độc Lập cũng được tăng cường lực lượng sẵn sàng đánh địch khi chúng càn quét vào địa bàn xã Thạnh Lợi, Đại đội 2 Độc Lập đóng quân khu vực kinh Bà Chủ.
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 lúc này là đồng chí Nguyễn Văn Chiểu (Tư Chiểu) Tiểu đoàn phó là đồng chí Trương Công Xưởng (Mười Xưởng) chính trị viên phó là đồng chí Nguyễn Văn Ấp (Tư Ấp), đại đội trưởng đại đội 2 là đồng chí Ba Thành.
Tiểu đoàn 1 Long An, Đại đội II Độc Lập nhận được chỉ thị của Tỉnh ủy, Ban quân sự tỉnh là xây dựng các công sự để sẵn sàng chiến đấu khi địch đưa quân càn quét vào vùng giải phóng của ta.
C. DIỄN BIẾN TRẬN ĐÁNH TẠI KHU VỰC ĐÌNH MƯƠNG TRÁM NGÀY 27/4/1964.
          Sáng ngày 27/4/1964, địch sử dụng nhiều đợt trực thăng đổ quân xuống cánh đồng Thạnh Lợi từ kinh Bà Chủ đến rạch Bà Hạt (kéo dài khoảng 4000m).
          Tất cả có trên 40 chiếc thăng đổ quân xuống, bọn chúng là Tiểu đoàn 38 Biệt động quân thuộc lực lượng Tổng trù bị quân Ngụy Sài Gòn. Đây là Tiểu đoàn khét tiếng gian ác và tàn bạo với biệt danh “Hắc Báo”.
          Trước lúc đổ quân, bọn địch sử dụng máy bay ném bom “dọn bải”, bên cạnh đó pháo địch từ Lương Hòa, Đức Hòa bắn xuống khu vực chúng sắp đổ quân.
          Đợt đầu tiên chúng đổ quân xuống khu vực Kinh Bà Chủ (phía trong đồng) lực lượng Tiểu đoàn I, Đại đội II Độc Lập sử dụng đại liên, trung liên, tập trung hỏa lực tiêu diệt trực thăng nhưng chưa trúng mục tiêu.
          Đợt thứ hai chúng đổ quân xuống khu vực Đình Mương Trám (phía trong đồng) liền bị quân ta nổ súng bắn rơi 03 chiếc trực thăng tại chỗ.
          Đợt thứ ba và thứ tư chúng sắp đổ quân xuống, quân ta nổ súng bắn bị thương 03 chiếc trực thăng.
          Sau khi chúng đổ quân xuống, Tiểu đoàn I Long An, Đại đội II Độc Lập, quân, dân, du kích xã Thạnh Lợi tổ chức tiêu diệt từng bộ phận địch. Cuộc chiến diễn ra suốt buổi sáng đến gần 14 giờ (02 giờ chiều) quân ta đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch, ngăn không cho chúng thực hiện ý đồ chiếm trận địa của lực lượng ta, và ta đã làm tiêu hao sinh lực địch (địch chết va bị thương hơn 50 tên).
          Với sự đánh trả quyết liệt của quân ta, Tiểu đoàn 38 Biệt động quân buộc phải tổ chức rút lui một cách bị động, chúng tập trung lại khu vực Đình Mương Trám để sang sông (tàu rước).
          Khoảng 15 giờ (03 giờ chiều) Ban chỉ huy Tiểu đoàn I (đồng chí Nguyễn Văn Chiểu – Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Trương Công Xưởng – Tiểu đoàn phó) nhận được một bức thư của Ban quân sự tỉnh do đồng chí Tám Xuân – Tham mưu phó Ban quân sự tỉnh gởi xuống.
          Nội dung bức thư:
          - Thông báo cho Ban chỉ huy Tiểu đoàn I biết địch sẽ rút quân tại tọa độ X (truy ra là tại đình Mương Trám) để qua sông Vàm Cỏ Đông về Lương Hòa.
          - Nhắc lại chỉ đạo chung của Tỉnh ủy, Ban quân sự tỉnh là địch càn quét thì phải đánh càn, làm tiêu hao sinh lực của chúng, địch đóng quân (dã chiến) thì phải tập kích để tiêu diệt chúng.
          Cũng trong thời gian này (khoảng 15 giờ) bộ phận trinh sát kỹ thuật của Tiểu đoàn I trong quá trình dò tìm tín hiệu điện đài cũng được tin báo địch sẽ rút quân tại tọa độ X (Đình Mương Trám).
          Tin báo này rất khớp với bức thư của Ban quân sự tỉnh gởi xuống.
          Nhận được bức thư và tin báo, lập tức Ban chỉ huy Tiểu đoàn I ra lệnh nhanh chóng tổ chức mọi lực lượng để tập kích đánh địch khi chúng rút lui tại Đình Mương Trám để qua sông.
          Ban chi huy trận đánh gồm có:
          - Đồng chí Nguyễn Văn Chiểu – Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn I làm chỉ huy trưởng.
          - Đồng chí Trương Công Xưởng – Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn I làm chỉ huy phó.
          Ban chỉ huy trận đánh bố trí lực lượng như sau:
* Cánh thứ nhất và cánh thứ hai (gồm 02 đại đội của Tiểu đoàn I) làm hai mũi chính hành quân từ Rạch Cần Xé (giúp ranh xã Bình Hòa Nam – Đức Huệ) dọc theo mé sông Vàm Cỏ Đông vì không thể hành quân trên lộ đất (hiện nay là lộ liên xã Thạnh Lợi-Bình Đức) do bọn địch bắn pháo dọc hai bên lộ để rút quân về Đình Mương Trám. Cánh thứ nhất và thứ hai từ hướng Tây Bắc dần dần tiếp cận mục tiêu (khu vực Đình Mương Trám).
* Cánh thứ ba (gồm 01 Đại đội của Tiểu đoàn I Long An) còn gọi là cánh “vu hồi” xuất phát từ rạch Bà Hạt hành quân trong đồng để tiến công phía sau lưng địch. Cánh thứ ba này từ hướng Tây Nam dần dần tiến về khu vực Đình Mương Trám.
* Ngoài ra, BCH (Ban chỉ huy)  còn bố trí lực lượng của Đại đội II Độc Lập, một số quân du kích Thạnh Lợi xuất phát từ phía Nam, sẵn sàng yểm trợ cho cánh quân thứ ba tiến vào mực tiêu (khu vực Đình Mương Trám).
* BCH còn sử dụng một bộ phận của Tiểu đoàn I đóng quân tại Kinh Bà Tổng để chặn tàu địch từ Hiệp Hòa xuống.
* BCH sử dụng một bộ phận của Đại đội II Độc lập trang bị DKZ đóng quân gần vàm rạch Ông Biện để chặn tàu địch từ Bến Lức lên.
* BCH sử dụng chiến thuật “vận động tập kích” (gọi chung là “bôn tập” để tiến công tiêu diệt địch tại khu vực Đình Mương Trám).
Sau khi tiếp cận mục tiêu gần đến (còn khoảng 500m) thì trời chạng vạng tối (khoảng 18 giờ tức 6 giờ chiều). Lúc này bọn địch tập trung tại khu vực Đình Mương Trám rất đông để chuẩn bị sang sông Vàm Cỏ Đông. Vào thời điểm này, địa hình địa vật nhìn không rõ lắm, cạnh đó cây cối (mía, thơm…) che chắn tầm nhìn, lợi dụng địa hình này ta càng áp sát mục tiêu.
Khoảng cách đến khu vực Đình Mương Trám còn 200-300m, bộ phận trinh sát của ta đã phát hiện địch tại khu vực Đình Mương Trám rất đông.
Đúng lúc này, BCH lệnh cho dàn súng cối, đại liên, trung liên, các loại hỏa lực nhất tề nổ súng (các đại liên, trung liên, được đặt trên các bẹ dừa nước ven rạch, ven sông) làm cho địch hoàn toan bất ngờ vì khoảng cách quá gần, bọn địch chống trả yếu ớt.
Sau đợt nổ súng, quân ta xung phong chiếm lĩnh toàn bộ trận địa, Tiểu đoàn 38 biệt động quân với biệt danh “Hắc Báo” đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Một số bị thương nằm la liệt, một số bộ phận địch tháo chạy về phía Nam bị bộ phận Đại đội II Độc Lập chặn đánh mất đường tháo lui, một số tên trốn thoát nhờ vào các líp mía, bụi cây…
Gần 01 giờ chiến đấu, quân ta toàn thắng, lúc này pháo địch từ Đức Hòa, Hựu Thạnh, Lương Hòa…bắn xung quanh trận địa vì sợ nhằm vào bọn địch tại khu vực Đình Mương Trám.
Lực lượng Tiểu đoàn I, Đại đội II Độc Lập sau trận đánh liền thu chiến lợi phẩm (súng, đạn…) và rời trận địa khoảng 20 giờ cùng ngày (27/4/1964).
* Vai trò của quân, dân, du kích xã Thạnh Lợi trong trận đánh ngày 27/4/1964.
Mặc dù trận đánh khu vực Đình Mương Trám ngày 27/4/1964 do bộ đội chủ lức Long An thực hiện nhưng có sự đóng góp không nhỏ của quân dân xã Thạnh Lợi.
Được sự chỉ đạo của Chi ủy xã Thạnh Lợi, đồng chí Nguyễn Văn Được (Xã đội trưởng), đồng chí Trần Văn Bân (Xã đội phó) cùng các đồng chí Trần Văn Hân (chính trị viên xã đội), Trần Văn Ánh (du kích xã), Trần Văn Châu (du kích xã), Nguyễn Công Đức (ấp đội trưởng ấp 5), Trần Văn Náu (Ấp đội trưởng ấp 4)…đã phối hợp cùng lực lượng Tiểu đoàn I, Đại đội II Độc Lập tập kích tiêu diệt địch tại khu vực Đình Mương Trám. Với địa bàn quen thuộc, lực lượng du kích xã phối hợp với bộ phận trinh sát, đặc công của bộ đội chủ lực tỉnh tiếp cận những vị trí then chốt của trận đánh.. Bên cạnh lực lượng du kích xã, các ban ngành của xã cũng tích cực tham gia trận đánh và đấu tranh với địch sau trận đánh.
Đồng chí Trần Văn Kiệt – Phó Bí thư xã chỉ đạo các lực lượng của xã tham gia trận đánh. Đồng chí Đặng Thị Diềm, Chi ủy viên, phụ trách Ban Tuyên giáo xã đã hướng dẫn đồng bào đấu tranh chính trị sau trận đánh. Đồng chí Lê Thị Nhẫn, Chi ủy viên hội trưởng Hội phụ nữ xã tích cực hướng dẫn chị em đấu tranh, tiếp tế cho cán bộ, chiến sĩ trong và sau trận đánh.Đồng chí Nguyễn Trung Thành, Trưởng Ban y tế xã phụ trách chăm sóc các chiến sĩ bị thương. Ngoài ra những người dân ở Thạnh Lợi như ông Châu Văn Đày, ông Xã Thại, ông Lê Văn Long… và một số bà con khác đã đóng góp công sức, tiếp tế lương thực cho các chiến sĩ đánh trận.
Nhìn chung, trận đánh “Mương Trám” có sự đóng góp tích cực của quân dân xã Thạnh Lợi điều đó chứng minh dân quân nơi đây một lòng theo cách mạng, họ yêu nước nồng nàn, mong muốn được độc lập, tự do, từ đó họ sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước.
KẾT QUẢ TRẬN ĐÁNH:
          Ta tiêu diệt và làm bị thương gần 250 tên địch, thu được trên 100 khẩu súng các loại, gần 40 thùng đạn, bắt hơn 20 tù binh. Đặc biệt, sau trận đánh này, phiên hiệu tiểu đoàn “Hắc Báo” (cọp đen) mất đi khoảng 02 tháng, sau đó chúng mới khôi phục lại.      Về phía ta: Hy sinh: 4 đồng chí, bị thương: 10 đồng chí.
Sau trận đánh này, vùng giải phóng của ta được cũng cố và mở rộng, tâm lý ngại chiến thuật “Trực thăng vận” “Phượng hoàng vồ mồi”… của ta trên chiến trường Long An được giải tỏa. Rằng lực lượng ta đã đánh thắng chiến thuật “Trực thăng vận” của Mỹ Ngụy, kế hoạch “Bình định có trọng điểm” của địch trên chiến trường Long An đã bị bẽ gãy và sau này bị phá hủy hoàn toàn.
Sau trận đánh tại khu vực Đình Mương Trám ngày 27/4/1964, vài hôm sau được sự chỉ đạo của Huyện ủy, Huyện đội Bến Lức, Chi ủy xã Thạnh Lợi đã tập hợp đồng bào đấu tranh tại chỗ. Với sự hướng dẫn trực tiếp của đồng chí Trần Văn Kiệt –Phó Bí thư xã, đồng chí Đặng Thị Diềm-Chi ủy viên-phụ trách Tuyên giáo xã, bà con Thạnh Lợi chủ động chỉ cho bọn địch tìm những xác chết đồng bọn tử trận ngày 27/4/1964 nhằm mục đích kêu gọi bọn địch không nên đàn áp những người dân lương thiện, đấu tranh buộc chúng không được đốt mía của bà con, đấu tranh kêu gọi chúng đừng bắn pháo, đừng đàn áp dân chúng.
Nhân sự kiện này, những bà con quê hương Thạnh Lợi từ các nơi khác về đã mang theo lương thực, thực phẩm, thuốc men tiếp tế cho cán bộ, chiến sĩ mà bọn địch không nghi ngờ được. Một số bà con còn vận động những người quen, một vài người thân là lính ngụy nên đào ngũ, trở về với vợ con, với đồng bào quê hương.
Với sự đấu tranh mềm dẽo nhưng thật cương quyết của đồng bào, bọn địch nhượng bộ và trong hàng ngũ bọn chúng, một vài tên quê ở Đức Hòa, Hậu Nghĩa…đã thực sự bỏ ngũ trở về quê với vợ con.
Với sự tiếp cận một số tên lính bị thương được bà con chăm sóc, đồng bào được biết một số tên tay sai làm gián điệp cho địch đã trà trộ sống cùng bà con ở Thạnh Lợi, bà con báo cáo cấp trên để có kế hoạch trừ khử bọn chúng.
Chiến thắng trận Mương Trám ngày 27/4/1964 đã kết hợp chặt chẽ giữa chính trị và quân sự, binh vận:
Về quân sự, đây là lần đầu tiên ta tiêu diệt cả tiểu đoàn địch, là trận mở màn cho hàng loạt trận đánh lớn sau này.
Về chính trị, dù trong khu vực tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch, quần chúng đã đấu tranh trực diện với kẻ thù gây cho chúng hoang mang, tạo niềm phấn khởi và tin tưởng quần chúng đối với cách mạng.
Về binh vận, các cơ sở binh vận của ta đã phối hợp tốt trong trận đánh, họ đã phối hợp với du kích xã, bộ đội chủ lực một cách hoàn hảo trong một trận tập kích tiêu diệt địch.
4 .Loại di tích
Di tích: “Đình Mương Trám” là di tích lịch sử cách mạng ghi dấu chiến thắng của quân, dân Long An trong 21 năm đánh Mỹ diệt Ngụy.
5.Khảo tả di tích.
Khu vực Đình Mương Trám nằm sát bờ sông Vàm Cỏ Đông, có một vị trí quan trọng trong địa bàn vùng trũng ven sông. Nếu khống chế được khu vực này sẽ làm bàn đạp mở rộng về phía Tây Nam của Sài Gòn. Chính vì thế bọn địch luôn tập trung đánh phá, càn quét để lấn chiếm vùng giải phóng của ta.
Tại Đình Mương Trám, ngày 27/4/1964, Tiểu đoàn 1 Long An, Đại đội II Độc Lập, quân dân xã Thạnh Lợi đã tiêu diệt Tiểu đoàn 38 Biệt động quân Ngụy.
Vào thời đểm diễn ra trận đánh (tháng 4 năm 1964) ngôi đình Mương Trám vẫn còn, khu vực này vào mùa khô tương đối khô ráo, cây cối rậm rạp, nhiều nhất là mía va thơm…ngôi đình lúc bấy giờ, theo lời các bô lão địa phương thì quy mô khá lớn, sau trận đánh ngày 27/4/1964 ngôi đình bị phá hủy, trở nên hoang phế.
Hiện nay, cảnh quan di tích đã thay đổi khá nhiều, khu vực đình hiện nay quang đãng, những cây cổ thụ khuôn viên đình đã bị chiến tranh tàn phá. Phía sau đình (phía Tây) hiện nay là trường mẫu giáo của ấp 5 xã Thạnh Lợi.
Phía Bắc ngôi đình là Rạch Ông Đẩu, phía Đông ngôi đình là sông Vàm Cỏ Đông. Vào năm 1999, các bô lão trong làng, các vị tướng lãnh quê hương Thạnh Lợi, các nhà mạnh thường quân, tất cả bà con quê hương Thạnh Lợi được sự đồng ý của chính quyền các cấp đã đóng góp xây dựng trên nền cũ ngôi Đình Mương Trám lúc trước một đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của 2 xã: Thạnh Lợi, Thạnh Hòa. Đền tưởng niệm được xây dựng với kiến trúc giống như ngôi đình, dạng tứ trụ. Phía trước đền tưởng niệm về bên phải có một cây sộp rất to, cành lá sum sê.
Vào năm 1985, để kỷ niệm trận đánh tại Đình Mương Trám ngày 27/4/1964, Ban liên lạc truyền thống tỉnh Long An, BCH quân sự tỉnh Long An, Hội cựu chiến binh tỉnh phối hợp cùng ngành VHTT Long An, Bến Lức tổ chức xây dựng bia chiến thắng tại di tích.
Bia chiến thắng Mương Trám được xây dựng bằng bê tông, dạng nhị cấp, hình thang, đỉnh bia gắm một ngôi sao năm cánh.
Nền bia có diện tích: 2,80m x 1,50m, bề cao 20cm.
Đế bia có diện tích: 2m x 0,8m, bề cao 20cm.
Thân bia có diện tích: 2m x 0,2m, bề dày 10cm.
Loại bia: bia 2 mặt.
*Mặt quay về hướng Đông (sông Vàm Cỏ Đông) khắc chữ in hoa, sơn màu đỏ với dòng chữ:
​BIA CHIẾN THẮNG
“KỶ NIỆM TRẬN ĐÁNH TẠI ĐÌNH MƯƠNG TRÁM NĂM 1964”
*Mặt quay về hướng Tây nét chữ in hoa, sơn màu đỏ với nội dung như sau:
“Tại đây ngày 27 tháng 4 năm 1964, Tiểu đoàn 1 Long An (Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang) đã tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 38 Biệt động quân Ngụy”
Bia chiến thắng tại Đình Mương Trám rất đơn giản, không tương xứng với tầm vóc sự kiện lịch sử xảy ra, lúc xây dựng chưa chú ý đến quy hoạch tổng thể sau này nên che chắn một phần mặt tiền của ngôi đền hiện nay.
6.Gía trị lịch sử của di tích.
Chiến thắng tại Đình Mương Trám là chiến công vang dội của Tiểu đoàn 1 Long An, Đại đội II Độc Lập cùng quân, dân xã Thạnh Lợi. Đậy là một trong những trận đánh bại chiến thuật “Trực thăng vận” đầu tiên trên chiến trường Long An, là trận đánh mở màn với chiến thuật “vận động đánh địch càn quét” tiến đến “ quyết tâm đánh quỵ quân chủ lực Ngụy” trên chiến trường Long An.
Chiến thắng trận Mương Trám là chiến thắng đầu tiên của quân dân Long An đánh bại tiểu đoàn địch. Từ “chống càn”, lực lượng vũ trang Long An tiến lên “đánh càn” với quyết tân tiêu diệt địch đã khẳng định sự lớn mạnh không ngừng của quân dân Long An trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ xâm lược.
Sau chiến thắng vang dội của trận Ấp Bắc, trận Hiệp Hòa, chiến thắng “Mương Trám” gây tiếng vang rất lớn trong toàn tỉnh, với trận mở màn “đánh càn” thành công đã củng cố niềm tin rất lớn cho cán bộ, chiến sĩ, là bước đột phá mạnh mẽ để chứng minh lực lượng vũ trang Long An đủ sức đương đầu và đánh bại những lực lượng tinh nhuệ của địch, giữ vững vùng giải phóng, tạo niềm tin và sự phấn khởi với quần chúng cách mạng.
Chiến thắng trận “Mương Trám” đã làm nức lòng quân dân xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức nói riêng, nhân dân Long An nói chung, đó là niềm tự hào bởi chiến thắng trên đã góp phần vào chiến thắng chung của toàn miền, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ Ngụy, cụ thể đã đánh bại kế hoạch “bình định có trọng điểm” của địch trên chiến trường Long An.
Có được thắng lợi trên, nhờ vào tinh thần đoàn kết quân dân keo sơn gắn bó, là quyết tâm chiến đấu đến cùng của quân và dân ta đập tan mọi âm mưu của kẻ thù. Chiến thắng “Mương Trám” là điểm son chói lọi trong trang sử hào hùng của quê hương Long An nói chung, của Bến Lức, Thạnh Lợi nói riêng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Với những giá trị lịch sử to lớn trên, di tích lịch sử “Đình Mương Trám” xứng đáng được nhà nước ta quan tâm bảo vệ, tôn tạo và phát huy trong việc giáo dục truyền thống cách mạng tại địa phương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét