(Ấp Long Bình, xã Long Hiệp – huyện Bến Lức – tỉnh Long An)
1./ Tên gọi di tích:
Nhà Long Hiệp là ngôi nhà ba gian có kiến trúc kiểu xưa thuộc ấp Long Bình xã Long Hiệp huyện Bến Lức tỉnh Long An. Trước đây là nhà của ông Nguyễn Văn Triều (thường gọi là thuộc Viên Triều hay Cai Tổng Chèo) xây nên để ở vào giữa thế kỷ XIX. Tháng 11 năm 1930 tình hình thuận lợi cho việc thành lập Tỉnh Ủy thì ngôi nhà này đáp ứng được những điều kiện đển tiến hành cuộc họp bí mật. Đảng xét thấy đây là cơ sở địa phương nhà gốc địa chủ là Hội Đồng Chèo, lại là quan chức được giác ngộ cách mạng là ông Xã Nguyễn Tấn Tảo nên địch sẽ không dòm ngó, chính vì thế Đảng đã lấy địa điểm này tiến hành cuộc họp. Thời Pháp thuộc chỉ những đồng chí lãnh đạo Đảng mới biết đây là nơi họp thành lập Tỉnh Ủy Chợ Lớn. Nhân dân chỉ gọi là nhà Cai Tổng Chèo rồi nhà ông Xã Tảo.
Sau năm 1975 đất nước thống nhất, thì mọi người gọi là nhà Long Hiệp để ghi nhớ ngôi nhà này của địa phương Long Hiệp là nơi họp thành lập Tỉnh Ủy đầu tiên Tỉnh Chợ Lớn tháng 11 năm 1930.
2./ Địa điểm di tích.
Địa điểm phân bố: Nhà Long Hiệp nằm ở hướng Đông Bắc thị xã Tân An thuộc ấp Long Bình xã Long Hiệp huyện Bến Lức tỉnh Long An.
2.2) Đường đi đến di tích:
Di tích nhà Long Hiệp nằm về hướng Đông Bắc Tân An cách thị xã Tân An (Long An) 20 km con đường chính đến di tích : từ thành phố Tân An theo quốc lộ 1 về hướng TP. Hồ Chí Minh 18km là đến ngã ba Long Hiệp (Cây số 1929) đi lên khoảng 600m là đến UBND Xã Long Hiệp đi tiếp khoảng 70m là đến Hương lộ Long Bình nằm bên trái. Theo Hương lộ Long Bình đi tiếp 1,3km thì bên phải có đài tưởng niệm và mộ của ông Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Tấn Đệ quẹo vào gần 100m là đến di tích.
3./ Sự kiện và nhân vật lịch sử.
Nói đến Long Hiệp ai ai cũng nghĩ ngay đến Nhà Long Hiệp, niềm tự hào của nhân dân và Đảng Bộ huyện Bến Lức nói riêng và Tỉnh Long An nói chung, khi nơi này vào tháng 11 năm 1930 là nơi thành lập Tỉnh Ủy đầu tiên Tỉnh Chợ Lớn. Trung Quận, là quận lớn của tỉnh Chợ Lớn là cửa ngỏ của Chợ Lớn Sài Gòn, trung tâm đầu não kinh tế chính trị của thực dân Pháp. Với vị trí địa lý như thế và là một vùng có kinh tế phát triển kết hợp với truyền thống oanh liệt của ông cha thưở trước đã tạo cho Trung Quận-Chợ Lớn sớm có một phong trào yêu nước và đấu tranh cách mạng trong những ngày đầu kháng Pháp, ngay từ khi chưa có Đảng những phong trào yêu nước như Thiên Địa Hội, Phong trào Đông Du, Duy Tân, Hội Kín Nguyễn An Ninh đều có sự góp mặt của Trung Quận Chợ Lớn.
Ngày 3/2/1930 Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, tình hình đấu tranh cách mạng ở Trung Quận Chợ Lớn bắt đầu có sự chuyển biến mạnh mẽ ở Trung Quận sự hợp nhất dược thực hiện trong tháng 4/1930 đó là chi bộ các làng Long Phú, Long Hiệp, Tân Bửu, An Thạnh…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng phong trào cách mạng tại tỉnh Chợ Lớn ngày càng lên cao tiêu biểu là những cuộc biểu tình của quần chúng nhân dân lao động, có truyền đơn, biểu ngữ nổi dậy ở các nơi trong tỉnh đòi quyền lợi “Dân sinh dân chủ” trả ruộng đất cho người nghèo và ủng hộ Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời. Trong tình thế đó Đảng chủ trương phát động một phong trào đấu tranh rộng lớn trong tỉnh nhằm ủng hộ ngày Quốc tế lao động 1/5. Lập tức quần chúng nhân dân Trung Quận đấu tranh đòi tăng mức công gặt lúa từ 12 bó ăn một xuống 10 bó ăn một. Ngoài ra bà con nông dân đòi gánh lúa, đập lúa cho chủ phải có cơm chiều, kết quả các yêu sách của nhân dân được chấp nhận. Các cuộc đấu tranh chống sưu cao thuế nặng nhân ngày 1/5 của nhân dân Trung Quận Chợ Lớn đã làm nức lòng và tăng thêm niềm tin cho phong trào cách mạng trong những ngày đầu Đảng mới lãnh đạo.
Phong trào thực sự mạnh mẽ và dâng trào khi ngày 31/5/1930 đồng chí Ngô Gia Tự Bí thư xứ Ủy Nam Kỳ bị địch bắt. Trước tình hình này, Xứ Ủy Nam Kỳ cử Đồng chí Lê Quang Sung (xứ ủy viên) và nữ đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ về phụ trách phong trào cách mạng ở tỉnh Chợ Lớn.
Thời gian này dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông dân toàn Nam Kỳ biểu tình khắp nơi làm thực dân Pháp rất hoang mang lo sợ. Bấy giờ đồng chí Châu Văn Liêm phụ trách liên Tỉnh Ủy Chợ Lớn nhất loạt cùng một ngày tổ chức ba cuộc biểu tình lớn Đức Hòa, Hóc Môn, Bà Hom để chia lửa với Long Xuyên, Cao Lãnh (nơi vừa diễn ra cuộc biểu tình 1000 người bị thực dân Pháp đàn áp dã man).
Đó là ngày 4/6/1930 cuộc biểu tình của hơn 5000 người dưới sự dẫn đầu của đồng chí Châu Văn Liêm kéo về đấu tranh tại quận Đức Hòa. Đây là cuộc biểu dương lực lượng lớn chưa từng có cho đến lúc ấy ở Nam Kỳ nói chung và Chợ Lớn nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Cùng với bao cuộc biểu tình ở Đức Hòa, Hóc Môn, Bà Hom cũng rạng ngày 4 và 5/6/1930 gần 5000 đồng bào ở các xã Tân Bửu, Mỹ Yên, Long Hiệp, Phước Lợi, Long Phú, An Thạnh, Thanh Hà của quận Trung Quận hăng hái tham gia dưới sự lãnh đạo của các Chi bộ, phần đông là nông dân có cả phụ nữ và trẻ em với các thành phần khác nô nức xuống đường giương cờ đỏ búa liềm giăng khẩu hiệu “giảm thuế thân” kéo về chợ Bến Lức.
Ngoài 2 cuộc đấu tranh ở Đức Hòa và Trung Quận với qui mô hàng ngàn người, còn có những cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân Tân Kiên, Tân Tạo, Tân Nhựt do đồng chí Nguyễn Văn Thế lãnh đạo 500 người, của nhân dân An Phú Tây khoảng 150 người, nhân dân Bình Trị Đông và Tân Túc khoảng 400 người.
Đợt đấu tranh ngày 1/5 đòi giảm thuế tạm thời lắng xuống thì đến đầu tháng 7 những cuộc đấu tranh mới lại bùng nổ khắp nơi trong địa bàn Chợ Lớn.
Đêm 30/6/1930 cuộc diệt tề xảy ra ở Hựu Thạnh (Đức Hòa) và Thạnh Lợi (Thủ Thừa). Đoàn biểu tình chuẩn bị gậy và búa xông vào nhà Việc Hựu Thạnh đập phá đốt sách rồi kéo thẳng đến nhà Hương Cả Nguyễn Văn Dương bao vây và bắt được tên này. Xong lại kéo đến bắt hương quản Võ Văn Mây đưa chúng trở lại nhà Việc làng thì trừng trị của hai tên.
Đầu tháng 7/1730 được sự chỉ đạo của Tổng Ủy Long Hựu Hạ hơn 100 người được tự vệ thuộc các làng Long Hiệp, Long Phú, Phước Vân, Long Định phối hợp tổ chức mít tinh ở cầu Tổng Điêu (cầu ông Tổng) kéo đến công sở Phước Vân, lần này tổ chức ban đêm, bố trí sẵn sàng, hô vang khẩu hiệu “đã đảo thực dân Pháp, tịch ký ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày nghèo, đã đảo quan làng” tới công sở quần chúng xông vào đập phá bàn tủ, đốt sạch sổ sách, hồ sơ rồi rút lui êm gọn.
Hai lần thắng lợi trên dưới sự lãnh đạo của các Chi bộ địa phương đã làm cho nhân dân hết sức phấn khởi, bọn địch hết sức hoang mang.
Để thực hiện lời kêu gọi của Đảng hướng về cách mạng tháng 10 Nga và ủng hộ nhân dân Nghệ An – Hà Tĩnh, các chi bộ Đảng ở tỉnh Chợ Lớn lại lãnh đạo quần chúng nhân dân xuống đường đấu tranh dưới nhiều hình thức phong phú mới. Cuộc biểu tình tháng 7/1930 thu được kết quả, Tổng Ủy Long Hựu hạ quyết định tổ chức cuộc biểu tình vào tháng 8/1930, thêm 200 người thuộc các làng Long Hiệp, Long Định, Long Phú kéo ra ngã ba Long Kim hô vang khẩu hiệu “đã đảo hội đồng cải cách của Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long tay sai Pháp”. Đoàn đi đến cầu Long Kim ngang nhà tên cả Ngói - một ác ôn két tiếng thì càng hô dữ dội, hàng ngũ mỗi lúc càng đông có cả những người là tư sản và địa chủ.
Cuộc biểu tình trên vạch trần tổ chức yêu nước giả hiệu của Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long đạt được kết quả.
Tháng 9/1930 nhiều nơi trong tỉnh Chợ Lớn dưới sự lãnh đạo của Đảng quần chúng lại nổi lên diệt tề. Ở Đức Hòa bắn gãy tay hương cả Nam, làng Tân Túc (Bà Hom) giết chết hương quản Truột, làng Bình Trị Đông giết chết hương quản Trâu.
Đêm 7/11/1930 truyền đơn khẩu hiệu cách mạng Tháng 10 và các khẩu hiệu khác đòi tự do dân chủ lại xuất hiện trong các nẻo đường thuộc thị trấn Cần Giuộc (tỉnh Chợ Lớn). Đặc biệt ngay trong đêm ấy bất chấp sự khủng bố của địch cờ đỏ búa liềm cũng đã xuất hiện trước cửa dinh phủ Tấn. Tin lá cờ đỏ búa liềm nhanh chóng truyền đi khắp nơi trong quận đem đến cho nhân dân sự phấn khởi và niềm tin tưởng lớn lao vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Thực tế phong trào đấu tranh cho thấy Đảng Cộng Sản Việt nam vừa mới ra đời lại tổ chức và lãnh đạo những cuộc đấu tranh với hàng 5, 7 ngàn người. Điều đó cho thấy Đảng đã chứng tỏ được khả năng tập hợp quần chúng lớn lao, nhất là nông dân. Đây là điều kiện kiên quyết cho việc dùng bạo lực cách mạng cướp chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng sau này.
Đảng bộ các cấp ở tỉnh Chợ lớn đã lớn lên qua những phong trào đấu tranh đó. Chỉ trong vòng hơn nửa năm kể từ ngày Đảng được thành lập, phong trào đấu tranh của giai cấp nông dân ở tỉnh Chợ Lớn, điển hình là những cuộc biểu tình hàng vạn người cho ta thấy bước đầu quần chúng đã lĩnh hội được tư tưởng và phương pháp cách mạng của Đảng. Bằng những cuộc đấu tranh đó phong trào dã hạ uy thế chính quyền thực dân phong kiến ở cấp làng, xã và cả cấp quận. Qua đó đã để lại sự tin tưởng hơn nữa của giai cấp nông dân vào khả năng lãnh đạo của Đảng.
Trong hoàn cảnh đó, mà thực tế phong trào đấu tranh đã phản ánh đến lúc đòi hỏi phải có một tổ chức Đảng cấp tỉnh làm đầu não để lãnh đạo phong trào.
Thấy được tình hình chủ quan và khách quan thuận lợi trên, tháng 11/1930 thực hiện sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, đ/c Lê Quang Sung từ Đức Hòa về Trung Quận triệu tập hội nghị thành lập Tỉnh Ủy tỉnh Chợ Lớn.
Làng Long Hiệp được vinh dự lớn là địa phương được chọn làm nơi ra đời của Tỉnh Ủy đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn ( nay là Long An). Sự kiện lịch sử trọng đại này xảy ra vào mùa lúa cuối tháng 11/1930 tại nhà ông Nguyễn Tấn Tảo (xã Tào, làng Long Hiệp Tổng Long Hựu Hạ, Trung Quận Chợ Lớn. Nay thuộc ấp Long Bình xã Long Hiệp huyện Bến Lức tỉnh Long An). Các đồng chí lãnh đạo Đảng chọn địa điểm này vì đây là cơ sở của địa phương, gia đình gốc là địa chủ là ông Nguyễn Văn Triều, Ông Nguyễn Tấn Tảo lại là quan chức chính quyền (Xã Tảo) là con thứ năm của ông Nguyễn Văn Triều. Do vậy làng lính sẽ không dòm ngó, mật thám không để ý nên ta dựa vào đó hoạt động bí mật, tổ chức hội họp. Vị trí gần ga xe lửa Gò Đen và lộ Đông Dương, vừa nằm trong nội đồng sầm uất bên cạnh con rạch Gò Đen rất thuận lợi cho việc quy tụ hội họp và dễ dàng rút lui nếu bị phát hiện. Nhà lại khá giả có khả năng chứa chấp nhiều người trong nhiều ngày. Vì những điều kiện thuận lợi trên các đ/c chọn địa điểm nay quyết định cuộc họp chính thức.
Cuộc họp diễn ra như sau: đ/c Nguyễn Xuân Luyện (cử Luyện) đại diện Xứ Ủy Nam Kỳ chủ tọa cuộc họp giới thiệu thành phần gồm các đồng chí trung kiên của Đảng:
1/ Ung Văn Khiêm (tức đ/c Huân) Xứ Ủy viên Nam Kỳ
2/ Nguyễn Xuân Luyện (Cử Luyện) Xứ Ủy viên Nam Kỳ
3/ Lê Quang Sung (tức Huế Hoàng) Xứ Ủy viên Nam Kỳ
4/ Nguyễn Thị Nhỏ (Sáu Điếc) người Long Hồ Vĩnh Long
5/ Nguyễn Văn Tuôi (Sáu Tuôi) Long Phú-Trung Quận-Chợ Lớn
6/ Phạm Khương – Bình Nhựt – Tân An
7/ Nguyễn Văn Tốt – Cần Đước – Chợ Lớn
8/ Phan Văn Hảo Trung Quận-Chợ Lớn
9/ Nguyễn Văn Nhâm Trung Quận-Chợ Lớn và hai đồng chí ở Cần Giuộc và Đức Hòa chưa xác định được họ tên.
Hội nghị chỉ định 5 đ/c vào Ban thường vụ cấp ủy đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn gồm:
1/ Lê Quang Sung – Bí thư Tỉnh Ủy
2/ Nguyễn Thị Nhỏ - Phó Bí thư Tỉnh Ủy
3/ Nguyễn Xuân Luyện – Tỉnh Ủy viên
4/ Nguyễn Văn Nhâm – Tỉnh Ủy viên
5/ Nguyễn Văn Tốt – Tỉnh Ủy viên
Sau đó các quận thành lập Quận ủy một số đ/c được bổ sung vào Tỉnh Ủy:
1/ Nguyễn Văn Tuôi
2/ Phạm Khương
3/ Phan Văn Hảo.
Thế là Tỉnh Ủy ra đời trong hoàn cảnh đấu tranh trước sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù. Quần chúng nhân dân tỉnh Chợ Lớn từ đây sẽ được sự lãnh đạo của Tỉnh Ủy: Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Tổ chức Tỉnh Ủy ở Nhà Long Hiệp không lâu thì phải dời vào Chợ Lớn do địch khủng bố gắt gao nhưng vẫn duy trì hoạt động như treo cờ Đảng, in và giao tài liệu, cử cán bộ về hoạt động, tuyên truyền ở cơ sở.
Trong thời gian từ năm 1931-1932 thực dân Pháp rút kinh nghiệm trong cao trào 30-31 ở Nghệ Tĩnh nên đàn áp dã man các phong trào đấu tranh và tiến hành khủng bố trắng các cơ sở Đảng. Xứ Ủy Nam Kỳ cũng bị phá vỡ trong thời gian này. Giai đoạn thử thách khốc liệt này cũng là giai đoạn thể hiện sự đấu tranh kiên trì, bền bỉ đầy gian khổ và cũng đầy kỳ tích của Tỉnh Ủy Chợ Lớn trong việc tái lập Xứ Ủy Nam Kỳ mà Tỉnh Ủy Chợ Lớn và Tân An đóng vai trò quyết định. Trong khoảng nửa cuối năm 1931, vào lúc Võ Văn Tần bị truy nã ở Đức Hòa phải trở qua Gia Định, Hồ Văn Long đã khôi phục lại Tỉnh Ủy lâm thời Chợ Lớn và giữ trách nhiệm Bí thư Tỉnh Ủy. Cơ sở Đảng dần dần phục hồi mạnh, khôi phục xong Tỉnh Ủy Chợ Lớn Hồ Văn Long tiếp tục tổ chức lập Ban vận động khôi phục cơ sở Đảng với ý định tái lập Xứ Ủy Nam Kỳ. Đến ngày 2/5/1932, đ/c Hồ Văn Long chủ trì hội nghị cán bộ Đảng của các tỉnh về họp ở Bình Đăng (Chợ Lớn) quyết định Xứ Ủy Nam Kỳ do đ/c trực tiếp làm bí thư. Cuộc họp quyết định nhiều chủ trương lớn trong đó có việc chuẩn bị tạo điều kiện tiến tới tái lập Xứ Ủy chính thức. Sau thời gian củng cố các tỉnh ủy Hồ Văn Long triệu tập đại biểu Đảng trong toàn xứ về TP.Sài Gòn họp bầu ra Xứ Ủy chính thức vào đêm 11/10/1932. Trong điều kiện địch toàn quyền kiểm soát và khủng bố việc triệu tập lại 8 Tỉnh ủy để tái lập Xứ ủy Nam Kỳ là một kỳ tích lớn lao của những người cộng sản mà Tỉnh Ủy Chợ Lớn đóng vai trò quyết định. Chính Mác- Ty Giám đốc Sở mật thám Đông Dương phải thừa nhận “đây là sự phát triển của phong trào, tổ chức lại âm mưu tái lập Đảng Cộng Sản Đông Dương”.
Đây là một chiến tích lớn kể từ khi thành lập tháng 11/1930 của Tỉnh Ủy Chợ Lớn đối với sự hình thành và lớn lên đầy những bước thăng trầm của Đảng trong thời kỳ thoái trào đầu tiên ở những năm 1931-1932.
Việc góp phần tái lập Xứ ủy Nam Kỳ mà tỉnh Chợ Lớn đóng một vai trò then chốt càng khẳng định tầm quan trọng và giá trị lịch sử lớn lao của sự kiện thành lập Tỉnh Ủy đầu tiên Chợ Lớn tháng 11/1930 ở Nhà Long Hiệp. Sự kiện ấy đánh dấu một bước ngoặc lịch sự trọng đại và khẳng định một điều không thể chối cải trong lịch sự đấu tranh cách mạng của quần chúng và nhân dân tỉnh Chợ Lớn: đây là cơ sở là tiền đề cách mạng đển quần chúng nhân dân tỉnh Chợ Lớn (sau này là Long An) dưới sự lãnh đạo của Đảng tiên phong vùng lên trong cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa tháng 11/1940, rồi giành chính quyền từ tay thực dân Pháp, Phát xít Nhật trong cách mạng Tháng 8/1945. Sau đó cũng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh Ủy và nhân dân tỉnh Chợ Lớn bước vào cuộc kháng chiến 9 năm thắng lợi. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ 21 năm trường kỳ Tỉnh Ủy Long An tiếp tục lãnh đạo quân và dân Long An đi đến thắng lợi hoàn toàn năm 1975.
4./ Loại di tích.
“Nhà Long Hiệp” là di tích lịch sử ghi dấu một sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh của Đảng và nhân dân tỉnh Chợ Lớn. Nơi đây là địa điểm lưu niệm một địa danh lịch sử: “Nhà Long Hiệp nơi thành lập tỉnh ủy đầu tiên tỉnh Chợ Lớn tháng 11/1930”.
5./ Khảo tả di tích.
Từ quốc lộ I theo hương lộ Long Bình đi 1,3km về phía tây phải có mộ Nguyễn Tấn Long, Nhà Long Hiệp cách đó gần 100m. Nằm giữa nội đồng, xung quanh và trước nhà là một vườn cây ăn trái. Ngôi nhà có hai mặt trước và sau có cổng vào nhà giống nhau. Mặt trước chiếm 2/3 diện tích ngôi nhà (mặt chính) quay về hướng rạch Gò Đen. Mặt sau chiếm 1/3 diện tích quay về hướng lộ Long Bình. Nhà có chiều dài là 17m, ngang là 14m. Có kiến trúc kiểu xưa mặt tiền có chạm 1 số hoa văn bằng xi măng. Trước nhà có vòng lan can bao xung quanh, sân xây bằng tường 20cm. Trước cổng vào nhà có hành lang dài 2m. Nhà xây kiểu ba gian, 2 chái và lợp bằng ngói đại tiểu, nền nhà lát gạch tàu. Móng được âm bằng đá xanh tường nhà là 40cm.
Mặt tiền 3 lối vào nhà, 3 bên lối vào nhà có 2 cửa sổ bằng gỗ có song sắt. hai bên hông nhà là hai chái có hai cửa bằng gỗ thông ra ngoài. Trong nhà có 4 hàng cột, mỗi hàng cột có 4 chia nhà thành 3 gian. Cạnh hai bên chái ngôi nhà đặt bộ ván gõ và 1 ghế bàn tròn, ở gian nhà giữa để một bộ ghế trường kỷ và một bàn thờ làm ngôi nhà tăng thêm vẻ đẹp và sự tôn nghiêm của ngôi nhà thờ. Về sau bộ ghế được dời về phía bên phải cạnh bộ ván. Dưới bộ ghế này là hầm bí mật, và chính bộ ván này là nơi ngồi họp của các đại biểu bầu ra Tỉnh Ủy tỉnh Chợ Lớn tháng 11/1930.
Nối giữa ngôi nhà chính và ngôi nhà phụ phía sau là bức tường 20cm, có hai cửa lớn 71cm bằng gỗ thông ra nhà sau. Qua hai cửa là một phòng lớn có hai cửa sổ bằng gỗ cũng có song sắt, cạnh mỗi bên cửa sổ là một gian buồng lớn (Chính hai gian buồng này là nơi in ấn tài liệu truyền đơn lúc Tỉnh Ủy chọn nơi này làm cơ sở. Nhà phụ phía sau có đặt một bộ ván nhỏ và một bàn thờ, nhà sau cũng có hai cửa lớn thông ra ngoài và cũng có một hành lang dài 2m. Ngôi nhà này đến năm 1968 bị pháo bắn sập 1 góc. Sau năm 1975 không ai ở đến 1988 thì sụp đổ hư hỏng 95%
Hiện nay chủ nhân tháo gỡ hoàn toàn, ngôi nhà chỉ còn lại một nền đất trống.
6./ Gía trị lịch sử của di tích.
Di tích lịch sử nhà Long Hiệp là nơi ghi dấu một sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Chợ Lớn lúc ấy nói riêng cũng như Đảng và dân tộc ta nói chung.
Đây là một điểm son trong trang sử vẻ vang của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Di tích lịch sử Nhà Long Hiệp là hiện thân sinh động chứng minh cho sự sáng suốt của Đảng khi quyết định thành lập Tỉnh Ủy Chợ Lớn vào tháng 11/1930 là hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh và đáp ứng được nhu cầu trước phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân tỉnh Chợ Lớn vào lúc ấy.
Nó là chứng tích để khẳng định cho sự truyền bá tư tưởng của Đảng và Bác Hồ trong nhân dân tỉnh Chợ Lớn.
Di tích nhà Long Hiệp với sự kiện thành lập Tỉnh Ủy tháng 11/1930 đánh dấu một bước ngoặc lịch sử: từ đây lịch sử của Đảng gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân tỉnh Chợ Lớn (Long An ngày nay).
Từ bước ngoặc này phong trào yêu nước và đấu tranh cách mạng của nhân dân tỉnh Chợ Lớn sẽ đặt dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy. Đây là nhân tố quan trọng quyết định để phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh đi đến thành công. Ngày nay trong công cuộc xây dựng tổ quốc, công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là hết sức cần thiết, di tích lịch sử Nhà Long Hiệp với những giá trị lịch sử to lớn đó là một đối tượng lý tưởng để thực hiện công tác trên. Qua đó những quá khứ oai hùng của cha ông sẽ được thế hệ hiện tại và tương lai kế thừa và phát huy hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét