Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

DI TÍCH LỊCH SỬ- VĂN HÓA ĐÌNH TÂN XUÂN

(Thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An)
Đình Tân Xuân là một ngôi đình cổ của làng Tân Xuân, được xây dựng từ đầu thề kỷ XIX.
Hiện nay, di tích tọa lạc tại khu phố 1, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.
Đình Tân Xuân là một trong những ngôi đình cổ của tỉnh Long An, có niên đại đầu thế kỷ XIX, đã qua nhiều lần sửa chữa nhưng đình vẫn giữ được vẻ cổ kính tôn nghiêm. Các hiện vật trong đình như: sắc phong của Vua Tự Đức năm 1852, đại hồng chung cổ niên đại 1834, là những hiện vật có giá trị về niên đại, lịch sử và văn hóa. Nó thể hiện sự quản lý của nhà nước phong kiến đối với các "thiết chế văn hóa" của làng xã trên vùng đất mới khai phá.
 Qua tấm gương hy sinh oanh liệt của nhà yêu nước Đỗ Tường Tự, di tích đã gợi cho ta nhớ lại tấm gương hy sinh anh dũng của các nhà hoạt động yêu nước thà chịu chết chứ không tham vinh hoa phú quý, phản bội quê hương, đất nước.
Mặt khác, di tích đã chứng minh tuy các cuộc khởi nghĩa cuối thế kỷ XIX đều thất bại nhưng đó là bằng chứng hùng hồn cho lòng yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân, tô điểm cho trang sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Bên Cạnh đó, Lễ hội làm chay diễn ra hàng năm ở Đình Tân Xuân là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian phổ biến của cộng đồng, nó ra đời khá sớm, tồn tại lâu đời và in đậm màu sắc bản địa. Lễ hội phản ánh một thời kỳ lịch sử ở địa phương trong bối cảnh Nam Bộ trong phong trào võ trang kháng Pháp nửa cuối thế kỷ XIX, phản ánh tinh thần yêu nước của nhân dân trong một giai đoạn lịch sử hào hùng nhưng cũng đầy bi kịch.
Lễ hội làm chay với nguồn gốc ban đầu là lễ trai đàn cầu siêu - cầu an một lần nữa cho thấy đây là hoạt động tín ngưỡng chủ yếu của nhân dân địa phương trong thời kỳ đầu khai phá đất phương Nam gian khổ và khắc nghiệt. Ở đó, khi mà y học còn vắng bóng, để đối phó với tai ương, dịch bệnh và các thế lực vô hình, người ta phải xích lại gần nhau trong một khối cộng đồng cư dân có chung không gian nghi lễ. Lễ hội với sự tổng hòa các yếu tố tôn giáo (Phật giáo, Cao Đài), dân tộc (Việt - Hoa), tín ngưỡng dân gian (Thần Thành hoàng làng và các đối tượng phối tự khác trong đình miếu) và anh hùng liệt sĩ, cho thấy có sự dung hợp văn hóa rất rõ nét.
Lễ hội làm chay với nguồn gốc là lễ trai đàn, với niềm tin sâu xa là cầu siêu cho người chết, cho anh linh liệt sĩ và cầu an cho cuộc sống ngày hôm nay là một tâm thức mang tính nhân văn, đầy tính thiện của con người. Các nghi thức cúng thí thực, cầu an, cầu siêu với nhiều biểu hiện bên ngoài có vẻ "mê tín dị đoan", hủ tục, tầm thường, nhưng nếu hiểu đó là tâm thức của một cộng đồng cư dân bắt đầu từ sự lưu lạc, gian khổ để khẩn hoang, đối mặt với rừng thiêng, nước độc, dịch bệnh tai ương, chiến tranh nghèo đói … thì mới thực sự hiểu và đồng cảm với cộng đồng cư dân nơi đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét