Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

DI TÍCH LỊCH SỬ- VĂN HÓA KHU TƯỞNG NIỆM LIỆT SĨ TRUNG ĐOÀN 207

Không phải là một danh thắng với sông núi hữu tình, không là nơi có kiến trúc độc đáo, cũng không phải là nơi có nhiều cổ vật quý hiếm, lại nằm giữa một vùng đất xa khu dân cư, đi lại khó khăn, nhưng từ lâu nay Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207 là nơi đến của rất nhiều người dân từ các nơi trong nước. Mọi người đến đây với cái tâm thành kính đối với những người đã khuất, đến đây để thấy sự thắm đẩm tình người trong tinh thần "Đền ơn đáp nghĩa" sâu nặng của dân tộc Việt Nam.
Nằm cạnh rạch Bắc Bỏ thuộc ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, Khu tưởng niệm là nơi ghi dấu sự kiện hơn 100 chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 207 hy sinh vào ngày 03/10/1973.
Khu vực này trước đây là một rừng tràm nhỏ, nằm cạnh rạch Bắc Bỏ (Bắc Bỏ không phải là miếu thờ những chiến sĩ người Bắc bỏ mình trong trận đánh ngày 03/10/1973 mà địa danh này đã có từ trước cuộc kháng chiến chống Pháp). Sau trận đánh ngày 03/10/1973, nhân dân trong vùng tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh tại đây đã lập miếu thờ tại khu vực này. Năm 2012, Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 207 phối hợp với UBND huyện Thạnh Hóa xây dựng lại nơi thờ tự các liệt sĩ và Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207 ra đời bằng nguồn vận động tài trợ là chính.
Có thể đi đến Khu tưởng niệm theo đường sau: Từ thành phố Tân An, du khách theo Quốc lộ 62 về hướng Bắc khoảng 30 km thì đến thị trấn Thạnh Hóa. Từ đây, du khách đi khoảng 1km theo Quốc lộ N2 rồi rẽ vào tỉnh lộ 817 (đường tỉnh Vàm Thủ- Bình Hòa Tây) khoảng 12 km là đến Ủy ban nhân dân xã Thạnh Phước, đi tiếp khoảng 5 km đường sông là đến nơi. Du khách cũng có thể đến nơi này bằng cách theo Quốc lộ 62 đến Km 56 (cầu 79, huyện Tân Thạnh), qua kênh 12, đi khoảng 3 km theo kênh 30 tháng 4 là đến Khu di tích.
Những lão làng của vùng đất Thạnh Phước còn nhớ: Tháng 12 năm 1972, trước ngày ký kết hiệp định Paris, địch đã vạch sẵn một kế hoạch bình định và lấn chiếm vùng giải phóng. Đầu năm 1973, trước ngày ngừng bắn, địch cho máy bay liên tục ném bom, cắm cờ lấn đất, giành dân với ta trên khắp cả 4 vùng trong tỉnh Kiến Tường.
Những tháng cuối năm 1973, địch tập trung lực lượng đánh phá hành lang biên giới và tái chiếm vùng 4, vùng 6,  vùng 8 tỉnh Kiến Tường.
Tháng 10/1973, Trung đoàn 207, nhận nhiệm vụ luồn sâu xuống Đồng Tháp Mười đi ngang qua ấp Đá Biên, sau đó tập kết tại huyện Cai Lậy, tỉnh Định Tường để chuẩn bị lực lượng cho mùa khô năm 1974, thành lập Sư đoàn 8 và đánh căn cứ Ngã 6, Ngã 4 Thanh Mỹ.
Ngày 01/10/1973, từ căn cứ Mỏ Vẹt thuộc tỉnh Svây Riêng – Cam-pu-chia, Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 207 hành quân đến sông Vàm Cỏ Tây. Tại đây,  đoàn quân được đưa qua sông. Nhưng sau khi vượt sông thì trời sáng nên phải ém lại, đợi đến tối sẽ tiếp tục hành quân.
Chiều ngày 02/10/1973, đoàn quân xuất phát dự định đến Gò Nôi, xã Hậu Thạnh, huyện Tân Thạnh ngày nay. Nhưng vì hành quân vào mùa nước nổi, các chiến sĩ Trung đoàn 207 sau một đêm lội nước, đến 1 giờ 30 phút (sáng) thì đuối sức nên dừng lại nghỉ ngơi tại khu vực rạch Bắc Bỏ, không vượt lộ 12  như dự tính ban đầu. Đây là một khu rừng tràm nhỏ, khoảng 2 công đất (2.000 m) thuộc ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa ngày nay, cách lộ 12 (Quốc lộ 62 bây giờ) khoảng 3km, cách trung tâm thị xã Kiến Tường khoảng một ngày đi bộ.
Do hành quân bộ suốt đêm giữa đồng nước nên bộ đội mệt rã rời, rừng tràm lại nhỏ, thưa thớt không đủ che giấu đoàn quân. Các chiến sĩ phần lớn là tân binh mới nhập ngũ, xuất thân là sinh viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội, mới được bổ sung về đơn vị, chưa quen chiến trường Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi, chưa có kinh nghiệm chiến đấu, đã giăng võng, phơi quần áo lên cây tràm nên địch dễ dàng phát hiện.
Sáng ngày 03/10/1973, máy bay trinh thám địch phát hiện nơi trú quân của Tiểu đoàn. Ngay lập tức, địch huy động pháo 105 ly từ thị xã Kiến Tường đến lộ 12 (nay là Quốc lộ 62, khu vực cầu 7 Thước) cùng khoảng 20 chiếc trực thăng để bắn phá. Do địa hình vào mùa nước nổi rất khó di chuyển, bất lợi cho triển khai chiến đấu, lại bị tập kích bất ngờ  nên các chiến sĩ Trung đoàn 207 phần lớn đã hy sinh.  
Liền những ngày sau đó, địch tiếp tục đưa trực thăng tới quần đảo tại khu vực này và chốt chặn những hướng quân ta có thể rút lui nhằm tiêu diệt các chiến sĩ còn sống sót.        
Ba ngày sau trận đánh, 13 chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 207 được tìm thấy trong tình trạng bị thương nặng, sau đó được giao liên đưa về căn cứ ở Ba Thu an toàn.
Những đêm sau đó, khi tình hình đã tạm yên ắng, Ban cán sự vùng 6, cán bộ Trung đoàn 207, cán bộ trinh sát đơn vị đặc công Kiến Tường, cùng với lực lượng địa phương đã vào trận địa tìm xác đồng đội. Lực lượng tìm kiếm thương binh, tử sĩ chia làm nhiều cánh bơi xuồng len lỏi giữa cánh đồng mênh mông nước. Do hy sinh đã nhiều ngày, lại bị ngâm trong nước, nên đồng đội phải dùng mùng để kéo, gom lại được khoảng 60 liệt sỹ, cột vào thân cây tràm để đến mùa khô quay lại lấy cốt. Vài ngày sau thì tìm được 15 liệt sĩ nữa, số còn lại do đêm tối và cây, cỏ um tùm nên không tìm thấy.
Sau ngày giải phóng, nhiều hài cốt liệt sĩ được tìm thấy đã được chính quyền đưa về an táng chung một mộ tại nghĩa trang huyện Mộc Hóa.
Trong trận đánh ngày 03/10/1973, ngoài sự hy sinh, mất mát còn có một câu chuyện cảm động về tình người, về sự cưu mang, đùm bọc của nhân dân đối với chiến sĩ cách mạng. Câu chuyện về một chiến sĩ Trung đoàn 207 tên Trần Oanh bị thương nặng đã chịu đói, lạnh, đau đớn do vết thương hành hạ lẫn sự khắc nghiệt của vùng Đồng Tháp Mười "muỗi kêu như sáo thổi" giữa mùa nước nổi trong suốt 7 ngày. Và người chiến sĩ ấy đã may mắn được một người phụ nữ cùng đứa con gái nhỏ của chị cứu giúp,che giấu, nuôi cơm, thuốc men đến khi khỏe hẳn và được đưa về căn cứ.
Sau ngày đất nước giải phóng, vùng đất này được người dân khai hoang trồng lúa. Trong quá trình cày đất làm ruộng, thỉnh thoảng người dân tìm thấy các hiện vật  còn sót lại như nón cối, bình toong đựng nước, cà mèn …của bộ đội, và ai đến đây làm ruộng đều có chung một tư tưởng "Mấy Ông liệt sĩ chết ở đây rất linh". Người ta kể nhau nghe chuyện máy cày vào đây bị lún lầy, chỉ cần vái chiến sĩ là máy thoát nạn, người dân ở đây gọi các liệt sĩ là Thành Hoàng của vùng đất này. Tưởng nhớ đến các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì độc lập tự do chính tại mảnh đất này nên vào năm 1991, người dân ở đây đã lập một ngôi miếu nhỏ cạnh rạch Bắc Bỏ, gần khu vực xảy ra trận đánh năm xưa để thờ cúng liệt sĩ.

Ban đầu, miếu thờ được làm bằng cột cây tràm, lợp lá đơn sơ. Sau đó, mái lá được thay bằng mái tôn, nền đất cũng được đắp cao hơn, rộng hơn để khỏi bị ngập (vì ngày giỗ các liệt sĩ vào mùa nước nổi) và đủ chỗ cho nhiều người đến cúng viếng.
Hàng năm cứ vào ngày mùng 8 tháng 9 âm lịch, nhân dân ấp Đá Biên (xã Thạnh Phước) và nhân dân các vùng xung quanh lại tổ chức lễ giỗ cho các liệt sĩ với tấm lòng của những người dân nghèo. Đám giỗ rất đơn sơ, bà con ai có gì thì mang đến cúng các chiến sĩ thứ ấy, có khi là vài con cá, con lươn hoặc chỉ vài ba lít rượu. Mọi người thành kính dâng lên hương hồn các chiến sĩ, xin các anh phù hộ cho họ làm ăn may mắn, lúa trúng mùa, không có bệnh tật, sau đó là cùng nhau hưởng lộc của các chiến sĩ. Ban đầu, có ít bà con về đây tham gia lễ giỗ, sau mỗi năm, số bà con đến tham dự ngày càng đông. Dần dần, ngày giỗ trở thành ngày hội để mọi người có dịp gặp gỡ, trao đổi chuyện làm ăn, cùng nhau nhớ  lại những kỷ niệm xưa, đồng thời tưởng nhớ về các anh - những người đã hy sinh cho đất nước được hòa bình, độc lập, tự do.
Tưởng nhớ đến sự hy sinh của các liệt sĩ và muốn cho đồng đội có ngôi nhà che nắng mưa, nên các cựu chiến binh và Ban liên lạc Trung đoàn 207 đã kêu gọi các mạnh thường quân, những người có lòng hảo tâm đóng góp kinh phí xây dựng Khu tưởng niệm. Ý tưởng này đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thạnh Hóa nhiệt tình ủng hộ, giúp đỡ.
Text Box: Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207 được xây dựng khang trang
Công trình được xây dựng trên nền đất khoảng 5000 m2 với các hạng mục san nền, nhà thờ, nhà bia. Khu đất được kè chắc chắn theo 4 hướng Bắc, Nam, Đông, Tây và có 4 lối lên xuống được chia thành 5 bậc (ứng vào cung Sinh) với ý nghĩa vong linh các liệt sỹ mãi mãi trường tồn. Khu tưởng niệm có khuôn viên thoáng đãng, tầm nhìn rộng bao quát toàn bộ khu vực chiến trường cũ. Bốn lối lên xuống cho xuồng ghe dễ cập bến (vì nơi đây người dân sử dụng xuồng ghe là chủ yếu) cúng viếng các liệt sĩ. Khuôn viên công trình được xây gạch cao 40cm, nhẹ nhàng chạy theo chu vi khoảnh đất vuông vắn vừa trang nghiêm, gọn gàng.
Khu tưởng niệm có 2 hạng mục chính là nhà văn bia và nhà thờ. Nhà văn bia có diện tích 46,24 m2, dạng tứ trụ, mái ngói, các đầu đao trang trí hoa văn, cột giả gỗ. Văn bia có ghi rằng:

KÍNH VIẾNG HƯƠNG HỒN CÁC LIỆT SỸ
Nước Việt ta
Từ Quốc Tổ Kinh Dương Vương dựng nước.
Nối nghiệp ông cha từ bọc mẹ Âu Cơ,
Trăm con trai đi khắp miền xuôi ngược.
Mười tám đời Vua Hùng gầy dựng giang sơn
Tự hào thay con Hồng cháu Lạc
Nét sử vàng sáng chói mấy nghìn năm.
Các anh lớn lên khi quê hương chia cắt
Tạm biệt mái trường, bạn bè, các anh đi
Đội bom đạn, vượt Trường Sơn ngàn dặm
Đất nước này không thể phân ly.

Vài ngày quen đồng đội
Đơn vị hành quân
Rạch Đá Biên giữa mùa nước nổi
Rừng tràm thưa không che được các anh
Giữa bao la trời nước Tháp Mười
Vì đất nước hy sinh, các anh nằm lại
Vĩnh biệt
Đồng đội, quê hương, cha mẹ, tuổi thanh xuân
Vĩnh biệt mái trường xưa, ước mơ tuổi trẻ
Các anh về
Với lòng dân Thạnh Hóa – Long An.
Cao cả thay nghĩa đồng bào, tình Nam Bắc
Dâng nét hương suốt mấy mươi năm
Thạnh Phước, Đá Biên lòng dân rộng mở
Các anh về giữa những người thân.
Chúng tôi những đồng đội Trung đoàn 207
Những người thân ruột thịt khắp mọi miền
Nghiêng mình trước anh linh, tôn tạo nơi thờ tự
Thỉnh các anh về trong mái nhà chung.
Tổ quốc nghìn thu ghi công trạng
Đất nước muôn đời tạc ơn sâu.

Nhà thờ có diện tích 375 m2, là nơi thờ tự các liệt sỹ Trung đoàn 207 đã hy sinh. Nhà thờ được cất theo kiểu truyền thống, 3 gian hai chái, mái lợp ngói, cột, tường và các phần trang trí bằng chất liệu hiện đại. Xung quanh nhà thờ có lan can bao bọc. Ngoài bậc cấp đi lên cửa chính thì ở hai mặt bên đều có 2 hai lối đi lên.
Mặt trước nhà thờ có 3 cửa chính được làm bằng gỗ dạng ô hộc, bên trong ba gian trung tâm trang trí ba bao lam với hoa văn sống động, phía trên là các đồ án hoa văn. Bên cạnh đó, còn có những họa tiết trang trí khác.
Nhìn chung, dù sử dụng chất liệu hiện đại (xi măng cốt thép) để xây dựng nhưng nhà thờ các liệt sỹ Trung đòan 207 vẫn giữ được nét truyền thống của dân tộc qua kết cấu kiến trúc, cách bày trí, mô típ trang trí, hài hòa với cảnh quan xung quanh.
Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207 là bằng chứng cho tinh thần đoàn kết, tương trợ và sự hy sinh của nhân dân miền Bắc nói chung và sinh viên miền Bắc nói riêng đã sẵn sàng vào Nam chiến đấu để lại sau lưng tất cả đi theo tiếng gọi của non sông, góp sức trẻ của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.
Khu tưởng niệm còn là biểu hiện cụ thể cho tấm lòng yêu thương, gắn bó và biết ơn của nhân dân Thạnh Hóa nói riêng và nhân dân Long An nói chung đối với các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc.
Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207 thể hiện sự ghi nhớ công lao của thế hệ đi trước, tinh thần uống nước nhớ nguồn của lớp người hôm nay. Nơi đây còn có giá trị nhắc nhở, giáo dục thế hệ hôm nay nhận thức về giá trị của nền hòa bình độc lập để từ đó càng quyết tâm học tập, lao động, xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.
Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207 được đông đảo người dân các nơi đến viếng, nhất là vào dịp lễ, giỗ liệt sĩ.
Năm 2012, Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207 được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An công nhận là di tích lịch sử -văn hóa cấp tỉnh (Quyết định số 3241/QĐ-UBND, ngày 16/10/2012).
Mời bạn hãy một lần về đây – nhất là vào dịp nhân dân làm giỗ cúng liệt sĩ - để nghe tâm hồn mình lắng đọng giữa trời nước Tháp Mười, và tình người chan chứa yêu thương./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét