Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Di tích Lịch sử Đồng 41

Là địa điểm ghi dấu tội ác của đế quốc Mỹ và Chư hầu đã thảm sát 41 đồng bào vô tội ở Tân Hòa ngày 27/6/1967 (Ấp Tây, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An.
*Tên gọi Di tích
Đồng 41 là tên một cánh đồng nhỏ, nằm cạnh Kênh Hai Hạt thuộc ấp Tây, xã Tân Hòa, có chiều ngang ước chừng 300m, chiều dài khoảng 3 km về hướng kênh Nguyễn Văn Tiếp.
Trên cánh đồng này, ngày 27/6/1967 để thỏa mãn sự căm tức đê hèn sau một trận càn thất bại thảm hại lính chư hầu Pắc-Chung-Hi dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ đã thảm sát dã man 41 đồng bào vô tội của hai xã Tân Hòa và xã Hậu Mỹ (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), đa số là phụ nữ và trẻ em trong đó có cả phụ nữ có thai.
Từ sau sự kiện bi thương ấy, cánh đồng nhỏ mà trước đây chưa hề có tên gọi cụ thể đã đi vào lịch sử với cái tên "Đồng 41" như muôn đời khắc sâu vào tiềm thức và nhắc nhớ cho bao thế hệ nơi đây về tội ác mà đế quốc Mỹ đã gieo rắc trên quê hương Tân Hòa.
*Địa điểm phân bố
"Đồng 41" tọa lạc tại ấp Tây, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, nằm về hướng Tây Thành phố Tân An, tỉnh Long An, cách Thành phố Tân An khoảng 50 km.
*Đường đi đến di tích
Theo tuyến đường kênh là thuận tiện nhất, từ thành phố Tân An theo tỉnh lộ 29 đi 45 km là đến thị trấn Tân Thạnh. Từ đây, theo đường Kênh 12 đi khoảng 8 km đến ngã ba Kênh 12, đường nước Tân Hòa, theo đường nước Tân Hòa đi khoảng 4 km là đến UBND xã Tân Hòa, tiếp theo đường này đi khoảng 2 km gặp ngã ba Kênh Cà Nhíp rẽ trái đi tiếp 2 km đến ngã Năm rẽ vào Kênh Hai Hạt, đi khoảng 500 m là đến Đồng 41.
*Sự kiện và nhân vật lịch sử
Trong kháng chiến chống Mỹ, theo chủ trương của cấp trên, Chi bộ xã Tân Hòa do đồng chí Trần Văn Tấn làm Bí thư đã vận động nhân dân quyết tâm bám đất, bám làng sản xuất lương thực nuôi quân chiến đấu nên phong trào đấu tranh phát triển mạnh mẽ, do đó đã làm cho địch hết sức bối rối trong việc thực hiện chính sách bình định ở nơi này.
Năm 1967, sau những lần thất bại trước quân dân ta, địch đã mở một cuộc tập kích vào xã Hậu Mỹ (huyện Cái Bè-tỉnh Tiền Giang) nhằm đánh bại cách mạng ra khỏi vùng nông thôn. Vào ngày 27/6/1967, đế quốc Mỹ và đội quân chư hầu đã thực hiện hành động trả thù lực lượng vũ trang địa phương bằng cách nhắm vào những người dân vô tội. Chúng đã xả súng giết chết  41 người, trong đó có 21 người của xã Tân Hòa, 03 người xã Nhơn Ninh và 17 người xã Hậu Mỹ (huyện Cái Bè- Tiền Giang). Phần lớn người bị giết là phụ nữ và trẻ em, có cả phụ nữ mang thai.
*Khảo tả di tích
Trước đây chưa xảy ra sự kiện thảm sát, cánh đồng này như bao cánh đồng khác không có 1 cái tên gọi cụ thể. Sau sự kiện thảm sát, mọi người hình dung Đồng 41 có bề ngang khoảng 300m, dài khoảng 3km đổ về hướng kênh Nguyễn Văn Tiếp.
Năm 1994, Sở LĐTBXH cùng UBND huyện xây dựng bia căm thù để tưởng niệm những người đã bị thảm sát. Bia có 03 phần: nền bia, thân bia và nhà bia.
*Hiện vật trong di tích
Kỷ vật đến nay hầu như không còn. Tuy vậy, hai người còn sống trong vụ thảm sát là bà Du Thị Đông và ông Nguyễn Văn Tâu là nhân chứng lịch sử sống trong việc tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ.
*Gía trị lịch sử và phương án phát huy tác dụng
Di tích là địa điểm ghi dấu vụ thảm sát, bằng chứng hùng hồn mang giá trị tố cáo chiến tranh phi nghĩa, khẳng định ý chí khát vọng tự do và hòa bình của dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước của người nông dân Việt Nam trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm.
Hàng năm vào ngày 27/7, địa phương tổ chức kỷ niệm thắp hương và ôn lại truyền thống.
*Căn cứ pháp lý
Ngày 09/10/1995, UBND tỉnh Long An đã ban hành Quyết định số 5167/QĐ-UBND Về việc đăng ký bảo vệ di tích lịch sử "Đồng 41".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét