Chuối nếp nướng vốn quen thuộc với dân miền Nam từ nhiều năm nay. Ít ai có thể ngờ rằng, món ăn dân dã này đã 3 lần được thế giới vinh danh trong các Đại hội ẩm thực từ năm 2013 đến nay. Và người đứng sau thành công của chuối nếp nướng, là một người phụ nữ có biệt danh chân quê - cô Út Lúa.
Năm 2013, Đại hội món ăn đường phố thế giới (World Street Food Congress) diễn ra tại Singapore với đại diện 10 nước mang món ăn quốc gia mình tham dự bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Mexico, Mỹ, Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ, Đan Mạch, Malaysia.
Là đầu bếp đại diện Việt Nam, ông Võ Quốc - chuyên gia ẩm thực của Hiệp hội đầu bếp Châu Á có trọng trách đưa 4 món: bánh đa tôm, tôm tắm nắng, chuối nếp nướng nước cốt dừa, bánh căn Phan Rang giới thiệu với thế giới. Vị chuyên gia ẩm thực tự tin có thể làm tốt những món ăn đó, tuy nhiên ông vẫn lăn tăn với món chuối nếp nướng.
"Tôi nghĩ dù mình có nhiều năm kinh nghiệm đứng bếp cũng không thể chế biến ngon hơn những người dân cả đời mưu sinh bằng món ăn đó. Vì vậy tôi bắt đầu lân la đi ăn thử các hàng chuối nếp nướng ở Sài Gòn, mong tìm ra người làm món này ngon nhất để cùng tôi đi Singapore thi đấu. Và rồi tôi gặp chị Út", đầu bếp Võ Quốc kể lại cuộc gặp đầu tiên của ông với cô Ngô Thị Bích Thủy – biệt danh Út Lúa, người phụ nữ hơn 20 năm bán chuối nếp nướng mưu sinh ở lề đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận.
Ông Quốc vẫn nhớ như in ấn tượng đầu tiên của ông về người phụ nữ chân chất miền Tây Nam Bộ này. Cô Út có mái tóc đen tuyền giấu sau chiếc nón lá, chân mang guốc mộc, mặc áo bà ba với khăn rằn quấn cổ và nụ cười luôn thuờng trực trên khuôn mặt đã đầy những vết chân chim. Chọn phong cách duyên quê mộc mạc đó, nép mình bên xe chuối nướng lúc nào cũng nghi ngút khói than và mùi lá chuối thơm phức, cô Út lập tức chiếm được cảm tình của nhiều thực khách Sài Gòn.
Thưởng thức chuối nếp nướng và lắng nghe câu chuyện về cuộc đời truân chuyên của người phụ nữ này, ông Quốc quyết định mời cô Út cùng ông tham dự World Street Food Congress, với một niềm tin rằng món chuối nếp chắc chắn sẽ gây ấn tượng với thế giới.
Cuộc đời của cô Út nếu được kể ra, người ta sẽ thấy thương cô nhiều và cũng khâm phục cô lắm. "Khác với những người dân lao động mưu sinh ở Sài Gòn, chị Út xuất thân từ gia đình khá giả, bản thân chị cũng là người học cao hiểu rộng, vì vậy cách chị ứng xử và giao tiếp rất được lòng du khách. Tôi vẫn còn nhớ cảnh người Singapore và du khách quốc tế kiên nhẫn xếp hàng suốt 2 tiếng trước xe chuối nướng của chị Út. Đại hội diễn ra trong 10 ngày, chị Út đã thức trắng nhiều đêm ở khách sạn để gói chuối nếp vào lá", ông nhớ lại. Tại Đại hội, mỗi ngày gian hàng chuối nướng của cô Út bán tới 700 phần ăn với giá 4 đôla Singapore một phần, là món ăn có giá rẻ nhất trong lễ hội.
Cô Út cũng không thể ngờ rằng, lần xuất ngoại đầu tiên trong đời mình với những nỗ lực nơi xứ người đã giúp món chuối nếp nướng của Việt Nam đứng đầu danh sách món ăn đường phố được ưa thích nhất tại Đại hội ẩm thực đường phố thế giới năm đó.
Những năm tổ chức Đại hội ẩm thực đường phố sau đó, cô Út tiếp tục mang chuối nếp nướng đến Trung Quốc và Philippines. Một lần nữa món ăn này vẫn đứng đầu trong danh sách bình chọn món ăn được yêu thích nhất. Gian hàng chuối nếp của cô Út lúc nào cũng tấp nập khách. Từ vị nguyên thủ quốc gia, diễn viên nổi tiếng cho đến các khách hàng bình dân đều ưng cái hương vị thơm ngọt dẻo bùi của món ăn dân dã này.
Cũng từ đó, chuối nếp nướng của cô Út trở nên nổi tiếng ở Sài Gòn, số lượng bán ra nhiều hơn, doanh thu ổn định, và cô bắt đầu thuê mặt bằng để bán, kết thúc những ngày đẩy xe dạo ở Sài Gòn trước kia. Sau nhiều năm, chuối nếp nướng Út Lúa đã có đến 4 chi nhánh ở Việt Nam: 2 quán ở Sài Gòn, 1 ở Bình Dương và 1 ở Buôn Mê Thuột.
Có dịp ngồi thưởng thức món chè chuối nướng chan nước cốt dừa ở quán cô Út Lúa, tôi đã được nghe thật nhiều câu chuyện về cuộc đời lắm đắng cay, tủi nhục của cô Út.
Cô Út tuy gốc là người Bến Tre nhưng sinh sống và học tập ở Sài Gòn từ nhỏ. Cô tốt nghiệp cấp 3 trường THPT Marie Curie và thi đậu vào Đại học Kiến Trúc TP. HCM nhưng vì nhiều lý do nên cô phải bỏ lỡ việc học.
Cô Út không nói quá nhiều về xuất thân của mình, chỉ tóm tắt trong vài câu thở hắt: "Nhà cô giàu chớ hổng phải nghèo đâu con, nhưng từ lúc cô quyết đi theo chồng, ba mẹ từ mặt cô luôn…". Cô Út kể rằng, năm xưa cô đem lòng yêu một chàng trai nghèo và vấp phải sự phản đối từ gia đình. Quyết đi theo tiếng gọi của trái tim, cô khăn gói về nhà chồng và chấp nhận cuộc sống khó khăn, miễn là được bên cạnh người đàn ông mình thương yêu. Không xin được việc làm trong thời buổi cạnh tranh, cô Út chấp nhận bán hột vịt lộn để kiếm sống qua ngày và lo cho tương lai của đứa con trai trong bụng. Sau này, cô gặp một người miền Tây và được họ chỉ dạy cách làm bánh chuối nướng để bán.
Rồi một thời gian sau, nhân duyên trắc trở khiến cô phải rời khỏi nhà chồng với vốn liếng lớn nhất là đứa con trai và nghề bán chuối nướng. Để có tiền nuôi con ăn học, cô đẩy xe chuối khắp con đường Phan Đăng Lưu để bán cho học sinh. Từ đó đến nay đã 20 năm dài đằng đẵng.
Cô Út tâm sự: "Mấy chục năm cô ăn chuối để nuôi con, vất vả nhiều nhưng đổi lại cô có được cậu con trai ngoan hiền, học hành thành tài. Con cô nói rằng dù sau này làm chức cao vọng trọng cũng luôn ngẩng đầu tự hào với mọi người rằng mẹ mình làm nghề bán chuối nướng".
Dù đã nhiều năm trôi qua, ai chê cô Út nhà quê nhưng cô vẫn trung thành với bộ áo bà ba và chiếc nón lá này. Cô nói: "Không vì mình nổi tiếng quốc tế mà mình chối bỏ bộ áo bà ba đậm chất miền quê Việt Nam này. Với lại, cô thấy mình mặc cũng… đẹp mà (cười)!"
Phải kể thêm một điểm nhấn trong trang phục của cô Út là cái túi bàng (ngày xưa dân quê gọi là cái tụng bàng). Lúc nào cô cũng đeo túi bàng đựng tiền bên người. Chiếc giỏ nhà quê ấy, ngày qua ngày cũng gom góp được bạc tỷ, giúp cô mở rộng quán chuối nướng của mình ra nhiều địa điểm và mua được một căn nhà khang trang ở Sài Gòn cho con cháu sinh sống.
Trong lần trò chuyện với đầu bếp Võ Quốc, ông thừa nhận rằng không phải ai cũng có thể làm được món chuối nếp nướng như cô Út Lúa. "Cách chị ấy nấu nước dừa và nấu nếp, bó nếp… Tất cả đều khác những gì tôi từng học. Tôi thử ăn nhiều lần thì phát hiện ra bí quyết riêng rất hay của chị Út, nhờ cách làm này mà chuối nếp sẽ phải nướng trong thời gian lâu hơn, vị ngọt bên trong của chuối cũng vì thế tương ra nhiều hơn nên ăn rất ngon. Nhưng vì là bí quyết riêng nên tôi xin không được chia sẻ", ông Quốc nói.
Còn theo cô Út Lúa thì thành công của món chuối nếp nướng chính là nước cốt dừa. Nhiều năm qua, cô Út được nhiều người chỉ cho cách làm thế nào để nước cốt ngon, rồi cách chọn chuối ngon, nếp ngon, cô đều ghi nhận hết. "Cô cứ học của người này một tí, người kia một tí rồi phối hợp để làm sao đưa món ăn ngon nhất đến với thực khách. Chuối mà cô nhập về đều được chọn lựa kỹ càng từ các tỉnh miền Tây, phải là chuối vừa chín tới. Còn nước cốt dừa cô lấy từ một đại lý quen, là loại nước cốt ngon nhất mà cô chủ đại lý đã ưu ái để lại cho cô".
Ngày nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng cô lại thức dậy, mang mấy cái nồi hấp nếp ra trước nhà để nấu. Nồi nào chín thì cô đem lên quán, nơi có những nhân viên đang ngồi lột vỏ chuối, chuẩn bị bó nếp vào chuối. Công đoạn đó cũng mất gần 2 giờ đồng hồ với hơn 700 chiếc chuối nếp thành phẩm. Sau đó mọi người lấy lá chuối gói lại và bắt đầu nướng. 7 giờ sáng, quán chuối nướng của cô Út bắt đầu đón những vị khách đầu tiên, đa phần là khách mua mang về. Ngoài chuối nếp nướng, cô còn bán thêm chuối hấp, chuối ép, khoai mì, xôi vị với giá từ 10.000 đồng – 12.000 đồng/ phần. Phần ăn thập cẩm có giá 20.000 đồng.
Ở Việt Nam và nhất là các tỉnh miền Tây Nam Bộ, người ta dễ dàng mua được hàng trăm nải chuối sứ và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Thế nhưng để đưa một quả chuối sứ vươn ra thế giới trong hình hài của món chuối nếp nướng với nước cốt dừa thơm lừng như thế, chắc chỉ có mỗi cô Út làm được, làm bằng tất cả cái tâm của người phụ nữ bình dị trên đôi guốc mộc và chiếc nón lá.
Quỳnh Trân
Quỳnh Trân
Tomaso Lee
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét