Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

“RỪNG TRÀM BÀ VỤ” CĂN CỨ CÁCH MẠNG TRONG HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ ĐẾ QUỐC MỸ

( Thuộc các xã Lương Hòa, An Thạnh, Tân Bửu, Tân Hòa )
1./ Tên gọi di tích.
            Rừng Tràm Bà Vụ nằm về phía Bắc huyện Bến Lức thuộc khu vực có địa hình trũng thấp ven bờ Vàm Cỏ Đông. Vào đầu thế kỷ XX đất đai nơi này còn hoang hóa, tràm mọc thành rừng. Người Pháp bèn đào kinh tháo chua, rửa mặn, di dân đến khai hoang lập thành làng xóm. Con kinh Bà Vụ hiện nay được đào vào những năm 30 của thế kỷ này. Lúc ấy có một người đàn bà đến sống bằng nghề bán rượu ở đầu kinh. Người ta bèn gọi bà là bà rượu và gọi luôn con kinh là kinh Bà rượu. Dần dần theo cách đọc không đánh lưỡi của người Nam Bộ kinh Bà Rượu được đọc trại thành kinh Bà Vụ. Toàn thể vùng đất này cũng được gọi là rừng Tràm Bà Vụ, trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, rừng tràm Bà Vụ là căn cứ cách mạng nằm trong hệ thống liên hoàn các căn cứ Vườn Thơm Bà Vụ - Láng Le Bàu Cò lừng danh trên đất Long An.
2./ Địa điểm  di tích .
          Di tích lịch sử rừng tràm Bà Vụ tọa lạc trên một vùng đất rộng lớn trên 4 xã: Lương Hòa, An Thạnh, Tân Bửu, Tân Hòa (Xã mới thành lập năm 1992) trước đây thuộc Trung Quận tỉnh Chợ Lớn nay thuộc huyện Bến Lức tỉnh Long An, hiện nay thuộc 4 xã: Lương Hòa, An Tạnh, Tân Bửu, Tân Hòa huyện Bến Lức tỉnh Long An.
          Đường đi đến di tích:
          a.Đường bộ: Du khách đến Thị trấn Bến Lức theo tỉnh lộ 31 (nay là lộ 830) đi về phía Đức Hòa, đến cầu Gia Miệng rẽ phải theo con đường đất 4,2km thì đến di tích.
          b.Đường thủy: Du khách đến Thị trấn Bến Lức, theo sông Bến Lức đến Vàm kinh Giồng Dung, theo kinh Giồng Dung 3km thì đến di tích.
3./ Sự kiện và nhân vật lịch sử.
          Nhắc đến huyện Bến Lức ai cũng nghĩ ngay đến địa danh Rừng Tràm Bà Vụ với những tên đất, tên làng đã một thời vang bóng. Vùng đất chiến khu xưa, Rừng Tràm Bà Vụ gắn liền với những trang sử vẻ vang của Miền Nam trong hai thời kỳ kháng chiến và là nổi kinh hoàng của thực dân Pháp cũng như đế quốc Mỹ xâm lăng.
          Nói chung đất Bến Lức trong đó có Rừng Tràm Bà Vụ là một địa phương có truyền thống yêu nước và vị trí hết sức chiến lược về quân sự và chính trị.
          Tháng 8/1945 dân tộc Việt Nam đứng lên giành lại độc lập tự do từ tay thực dân Pháp sau hơn 80 năm dài nô lệ. Ở Nam Bộ ngày 22/8 tỉnh Tân An khởi nghĩa đầu tiên đến ngày 25/8 chính quyền tỉnh Chợ Lớn cũng về tay nhân dân. Ủy Ban hành chánh kháng chiến Nam Bộ và UB hành chánh kháng chiến các tỉnh được thành lập ngày 23/9/1945. Thực dân Pháp theo chân quân Anh tái chiếm Sài Gòn, nhân dân Nam Bộ vừa hưởng không khí độc lập một tháng lại bước ngay vào cuộc chiến đấu mới. Với quyết tâm “ Không chịu mất nước không chịu làm nô lệ” người dân Nam Bộ nốp với giáo trên vai không ngại hy sinh gian khổ quyết tâm đánh bại mưu đồ xâm chiếm lâu dài đất nước ta của thực dân Pháp. Thực hiện sách lược đánh Pháp “Toàn dân, toàn diện và trường kỳ kháng chiến” của Bác Hồ, lực lượng cách mạng Miền Nam vừa ngăn cản không cho địch lấn chiếm, vừa thành lập những khu căn cứ đề chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Rừng Tràm Bà Vụ là một trong những nơi có đầy đủ điều kiện để xây dựng một căn cứ cách mạng vững  chắc.
          -Trước hết đây là mảnh đất có truyền thống cách mạng, phong trào quần chúng vững mạnh. Các đ/c Nguyễn An Ninh, Châu Văn Liêm, Võ Văn Tần, Hồ Văn Long,… đã dày công xây dựng cơ sở Đảng ở nơi đây.
          - Về vị trí địa lý: đây là khu vực gần Thành phố Sài Gòn, đất đai rộng lớn, dân cư không đông, địa hình chủ yếu vườn thơm, rừng tràm, đường giao thông không thuận lợi cho địch nếu chúng muốn vào căn cứ.
          - Thế chiến lược: vị trí Rừng Tràm Bà Vụ nằm án ngữ phía Tây, Tây Nam Sài Gòn, cạnh lộ 4 và sông Vàm Cỏ Đông. Từ đây ta có thể dễ dàng bao vây, công kích Sài Gòn và khi cần có thể mau chống rút lui về cố thủ.
          Cũng từ đây ta khống chế lộ 4 – con đường huyết mạch từ Sài Gòn xuống Miền Tây và sông Vàm Cỏ Đông thủy lộ duy nhất thông thương xuống vùng đồng bằng trù phú. Từ vị trí này ta có thể chặn đứng những đợt tấn công của địch xuống các tỉnh phía Tây qua lộ 4 hoặc sông Vàm Cỏ. Khu Rừng Tràm Bà Vụ cũng là điểm tập kết quân lý tưởng để tấn công Miền Đông và vùng nam lộ 4. Sau lưng vùng này là khu vực đồng bằng màu mỡ đầy đủ sức của, sức người có thể phục vụ cho công cuộc kháng chiến lâu dài.
          Rừng Tràm Bà Vụ còn là hành lang chiến lược trong một hệ thống liên hoàn các căn cứ cách mạng, nối liền chiến khu Miền Đông với căn cứ Đồng Tháp Mười và khu căn cứ Đông Thành ở Đức Huệ.  
          Với những điều kiện như thế Rừng Tràm Bà Vụ mau chóng trở thành một căn cứ cách mạng bên cạnh Sài Gòn Chợ Lớn. Sau ngày 23/9 các cơ quan đầu não của cách mạng đã về đóng ở khu liên hoàn các căn cứ vườn thơm Bà Vụ - Láng le Bầu Cò như: Xứ Ủy Nam Kỳ, UB hành chánh kháng chiến Nam Bộ, Bộ chỉ huy quân sự Nam Bộ, Sở Công An Nam Bộ, UB hành chánh kháng chiến Chợ Lớn, Thành ủy Sài Gòn Gia Định, Huyện Ủy Trung huyện, Đức Hòa… Trung tướng Nguyễn Bình Ủy viên quân sự Nam Bộ, khu trưởng Khu VII người đã tổ chức lại lực lượng kháng chiến ở Miền Nam cũng về đóng ở nơi đây các cơ quan này chủ yếu sống ở ấp Tân Hòa, xã Tân Bửu. Ngoài các cơ quan lực lượng quân đội như: Chi đội 12, Chi đội 15, Chi đội 6, Chi đội 4, tiểu đoàn cảm tử của lực lượng công tác thành cũng về đóng ở căn cứ. Từ căn cứ này cơ quan lãnh đạo đã chỉ huy các lực lượng vũ trang của ta tiến hành đánh các đồn bót xung quanh gây cho chúng nhiều tổn thất. Giặc Pháp từ chỗ ngạo mạn coi cuộc hành quân của chúng “Chỉ là cuộc dạo chơi quân sự rộng lớn, mặc dù có súng nổ lác đác đó đây…” (Theo “Lịch sử chiến tranh Đông Dương”) đến năm 1946 tướng Lecler trước khi rời Đông Dương phải nhận định rằng không thể thắng ta về mặt quân sự.
          Trước tình hình đó Pháp quyết định tấn công vào căn cứ Vườn Thơm Bà Vụ hòng tiêu diệt lực lượng quân sự và đầu não kháng chiến của ta. Đêm 14 rạng 15 tháng 4 năm 1948 giặc Pháp theo kế hoạch De Latour mở cuộc hành quân lớn vào căn cứ Vườn Thơm Bà Vụ. Chúng huy động nhiều tiểu đoàn thuộc lực lượng Âu Phi, Lê Dương Pactidang.. cùng pháo binh, không quân, 4 tàu đầu bằng, 15 tăng lội nước tấn công vào Láng Le – Bàu Cò. Lực lượng ta gồm tiểu đoàn 924 và 308, tiểu đoàn Ký Con, tiểu đoàn 923 cùng du kích quyết tâm đánh địch để bảo vệ an toàn cho căn cứ Vườn Thơm Bà Vụ, làm phá sản ý đồ của địch nhằm lấy nơi đây làm bàn đạp đối phó với khu vực lân cận Đồng bằng Sông Cửu Long và Đồng Tháp Mười. Trận càn quét kết thúc bằng một kết quả bi thảm cho thực dân Pháp: 300 tên bị diệt, hàng chục lính Âu Phi bị bắt, nhiều cơ giới bị bắn hư, ta thu được 80 khẩu súng trong đó có 5 khẩu PM và một máy truyền tin. Chiến thắng này vang danh cả nước, đến nay còn lưu lại bài vè:
          “… Trận Láng Le Tây khóc ngất
                Trận Tầm Vu Tây mất ca-nông”
          Sau trận càn này do yêu cầu của công cuộc kháng chiến trong căn cứ chỉ còn lại Huyện Ủy Trung Huyện và một số đơn vị vũ trang. Liên tiếp những trận thất bại tướng Pháp De Latour phải thi hành chiến thuật đồn bót và tháp canh để bảo vệ các trục lộ giao thông và vùng kiểm soát của Pháp. Xung quanh khu Rừng Tràm Bà Vụ Pháp xây dựng hàng loạt tháp canh và tổ chức biệt kích công giáo lùng bắt cán bộ do tên Le Roy chỉ huy. Đơn cử ở xã Lương Hòa Pháp đóng tới 7 bót lớn 18 tháp canh.
          Từ ngày 20/3 đến ngày 25/3 năm 1949 Pháp huy động Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 11 (lực lượng Viễn Chinh) đánh vào căn cứ. Bộ binh địch từ cầu Xáng, Tân Tạo, Đức Hòa 40 xe tăng từ Bến Lức đổ xuống. Lúc này phần lớn lực lượng Cách mạng trong căn cứ đã rút về Đức Huệ chỉ còn một số đơn vị của Trung đoàn 308 và một đại đội bảo vệ căn cứ do đ/c Huỳnh Công Thân chỉ huy. Dù huy động lực lượng lớn như thế nhưng giặc Pháp vẫn không làm gì được ta, chúng chỉ cướp phá nhà đồng bào rồi rút lui. Sau trận càn, vào năm 1950 lực lượng ta lại trở về căn cứ vận động đồng bào, gầy dựng phong trào cách mạng và thành lập lại quân dân chính.
          Giặc Pháp thỉnh thoảng vẫn càn quét vào căn cứ nhưng lần nào cũng bị tổn thất nặng nề và bị chiến thuật chông mìn của ta. Những nhân chứng còn sống vào thời ấy kể rằng thân nhân gia đình bọn giặc trước và sau trận càn đều ra chợ mua hương hoa cúng vái vì mỗi lần đi càn bọn giặc phải bỏ lại ít nhất là xác một trung đội lính. Số chông mìn này phần lớn sản xuất từ Đức Huệ, phần trái nổi do tại chỗ tự tạo. Phong trào kháng chiến ngày càng mạnh, căn cứ ngày càng được mở rộng, các tua xung quanh bị tiêu diệt dần. Ngày 24/3/1945, Tiểu đoàn 62 của địch trong những cố gắng cuối cùng mở cuộc tấn công vào căn cứ đã bị ta đánh bại. Bọn địch bị diệt hơn một Trung đội, ta thu được 3 súng trung liên. Giặc Pháp ngày càng sa lầy trên chiến trường Đông Dương. Ngày 7/5/1954 chiến thắng Điện Biên Phủ giáng một đòn nặng nề làm tan rã ý đồ xâm lược của thực dân Pháp, chúng đành phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ rút khỏi vĩ tuyến 17. Thi hành hiệp định lực lượng cách mạng trong căn cứ Rừng Tràm Bà Vụ chôn giấu vũ khí, chuyển quân tập kết chờ ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng chính quyền tay sai thân Mỹ Ngô Đình Diệm đã thi hành chính sách phản dân tộc, không tổng tuyển cử hầu kéo dài tình trạng chia cắt đất nước. Trước tình hình ấy, Đảng rút vào bí mật lấy mặt trận chính trị làm mục tiêu chủ yếu. Lực lượng cách mạng thành lập những đội vũ trang tuyên truyền về đóng trong căn cứ Rừng Tràm Bà Vụ vận động giác ngộ nhân dân đấu tranh chống chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Thời gian 1956-1958  trung đội vũ trang tuyên truyền của đ/c Nguyễn Văn Chiêu đã về hoạt động trong căn cứ.
          Trong 9 năm kháng chiến ta đã tiến hành chia ruộng đất cho nhân dân, sau năm 1954 bọn địa chủ dựa vào thế chính quyền Diệm cướp đoạt trắng trợn hàng ngàn hec-ta trên tay nông dân. Ở khu vực Vườn Thơm Bà Vụ địa chủ Lý Thị Hường chị vợ Trung tướng Ngụy Trần Văn Đôn có đến 2000 mẫu đất. Sau năm 1954 bà này ỷ thế tướng Đôn lấy lại ruộng đất, bắt nông dân nộp lại đại tô. Trước tình hình đó hai đ/c Huỳnh Công Thân và Ngô Văn Hoạch tiến hành trấn áp Lý Thị Hường buộc bà ta không được cướp lại những thành quả mà cách mạng đã mang lại cho nhân dân.
          Tháng 8/1956 Xứ Ủy Nam Kỳ triệu tập một hội nghị mở rộng thảo luận: “Đề cương cách mạng Miền Nam” thống nhất sách lược “Đập tan chính quyền độc tài –phát xít Ngô Đình Diệm để tự cứu lấy mình”. Liên Tỉnh Ủy Miền Trung Nam Bộ cho lập một cơ quan quân sự thống nhất lãnh đạo các nhóm vũ trang hình thành phía Tây Nam Sài Gòn gọi là khu bộ Tân An Chợ Lớn do Trung tá Lưu Phước Nam làm khu bộ trưởng. Lúc này căn cứ Rừng Tràm Bà Vụ là nơi đóng quân của Huyện Ủy Bến Lức và một số đơn vị vũ trang. Tháng 10/1957 ta tổ chức 3 đại hội lấy phiên tiểu đoàn: Đ504, Đ 506, Đ 508. Đ 506 gồm 3b hoạt động trong căn cứ Vườn Thơm Bà Vụ mở rộng công tác vũ trang tuyên truyền thọc sâu đến Phú Lâm và lộ 4. Ngày 6/1/1960 Tỉnh Ủy Long An họp hội nghị ở Giồng Ông Tưởng quyết định phát động phong trào Đồng Khởi phá tan bộ máy tề điệp ở cơ sở giành chính quyền làm chủ của nhân dân ở xã ấp. Đêm 25/1/1960 b231 thuộc tiểu đoàn 506 từ căn cứ mở đầu Đồng Khởi đánh đồn Đức Lập, bức hàng toàn bộ, thu hết vũ khí của giặc. Sau đó tại Bà vụ ta đánh quân của Quản Sơn và đánh quân dù từ cầu Vàm Sáng diệt 20 tên địch. Phong trào Đồng Khởi ngày càng mạnh mẽ, bộ đội tỉnh đánh địch ở Đức Hòa, Đức Huệ, Vườn Thơm, bộ đội địa phương cùng quân dân khởi nghĩa chiếm các tua, gọi hàng dân vệ, uy hiếp cảnh sát, giải tán hội tề. Jefrey Rocce nhà nghiên cứu Mỹ viết: “Vào đầu năm 1960 Đảng đã trở thành người cai trị trên những khu vực đáng kể của Tỉnh Long An.” Một vùng đất lớn được giải phóng ở Bến Lức, chiến khu Vườn Thơm Bà Vụ được mở rộng.
          Năm 1963 vùng giải phóng phía Bắc đến sát lộ 4, riêng huyện Bến Lức gồm 4 xã: Bình Đức, Thạnh Lợi, An Thạnh, Tân Bửu. Thời gian này căn cứ Rừng Tràm Bà Vụ là hành lang chiến lược, là điểm tập kết quân để bộ đội đánh địch xung quanh. Ngoài ra muốn tấn công vùng Nam lộ 4 bộ đội cũng phải đóng nơi đây chờ đêm xuống mới qua lộ. Đêm 8 rạng ngày 9/1/1965 Tiểu đoàn I từ căn cứ Rừng Tràm Bà Vụ tấn công diệt đồn Tam Ấn, đồng thời tập kích bọn địch đóng bên ngoài tiêu diệt một Đại đội bộ binh và một Đại đội hỏa lực của địch, trong đó có hai cố vấn Mỹ. Thời gian này tính chất cuộc chiến tranh trên chiến trường Long An đã thay đổi, ta không còn bị động trong các căn cứ để bị tấn công, mà từ các căn cứ ta chủ động hành quân bao vây tiêu diệt các đồn địch và bẻ gãy các cuộc hành quân của địch. Tiểu đoàn 506 đơn vị thường xuyên đóng trong Vườn Thơm Bà Vụ chiến đấu rất hiệu quả. Trung tá Mỹ Euvin Chamberiain thừa nhận: Tiểu đoàn Việt Cộng 506 tự nó chứng tỏ là một đơn vị chiến đấu có hiệu quả mà trong 3 trường hợp khác nhau đã thành công về chiến thuật đánh bại các đơn vị của chính phủ có cấp lớn hơn.
          Từ ngày 9 đến ngày 18/4/1967 Lữ Đoàn 3 thuộc Sư 9 Mỹ càn vào căn cứ. Chúng huy động 40, 50 trực thăng, 100 khẩu pháo. Bộ Tư lệnh của chúng đóng ở xã Thanh Hà. Lực lượng cách mạng trong căn cứ gồm tiểu đoàn 6 do ông Nguyễn Văn Vệ làm chính trị viên và lực lượng địa phương bám sát địa hình để đánh địch. Sau 9 ngày càn quét không kết quả, bọn Mỹ phải rút lui bỏ lại xác một trung đội lính. Tháng 10/1967 Long An tiếp nhận Nghị quyết của Trung ương Cục nắm thời cơ chuẩn bị tấn công Sài Gòn. Trung Ương Cục về đóng ở Vườn Thơm Bà Vụ do đ/c Nguyễn Văn Linh làm Bí thư. Đ/c Võ Văn Kiệt Bí thư Khu Ủy Khu 4 Sài Gòn Gia Định cũng về đóng ở căn cứ để lãnh đạo cách mạng. Trung Ương Cục chia Long An cùng với phía Tây và Nam thành phố làm hai phân khu: Phân khu II, Phân khu III.
          Phân khu II gồm: Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Thủ của Long An các huyện Bình Tân, Quận 5, Quận 6, quận 10, quận 11 và một phần Phú Nhuận của Sài Gòn do đ/c Võ Trần Chí làm bí thư phân khu ủy, đ/c Hai Sang làm Tư lệnh. Tháng giêng năm 1968 Nghị quyết Trung ương lần thứ 14 quyết tâm tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Bộ tư lệnh tiền phương chiến dịch tấn công vào Sài Gòn do đ/c Lê Đức Anh làm tư lệnh, Lê Chân làm chính trị viên về đóng ở Vườn Thơm Bà vụ. Lực lượng phân khu II gồm 6 tiểu đoàn là: d267, d269, d6, d16, d12 đặc công và một d pháo binh tập kết ở Vườn Thơm Bà Vụ có nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tổng tham mưu, Biệt khu thủ đô…cùng với 4 phân khu bạn.
          Sau hai đợt tấn công vào Sài Gòn năm 1968 lực lượng cách mạng tuy có bị tổn thất nhưng đã mở ra một giai đoạn mới, một thế chiến lược mới trong sự nghiệp đấu tranh chống đế quốc Mỹ. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 căn cứ Rừng Tràm Bà Vụ - Láng Le Bầu Cò là hậu cứ để tấn công Sài Gòn. Bộ chỉ huy chiến dịch cũng đóng nơi đây để chỉ huy mặt trận. Mặt khác trong thời gian tấn công vào Sài Gòn căn cứ còn là một trạm quân y tiền phương, thương binh từ các mặt trận được chuyển về đây sơ cứu rồi đưa đi các nơi khác để chữa trị. Trong suốt thời kỳ đánh Mỹ ngành hậu cần và nhân dân Long An tìm mọi cách để đưa đạn dược xuống vùng ven và vào Sài Gòn.
          Căn cứ Rừng Tràm Bà Vụ đóng vai trò là một trạm trung chuyển quan trọng trong đường dây này. Hàng hậu cần từ ba khu cắt thẳng về hướng Đông qua Đức Huệ, vượt Vàm Cỏ Đông sang Đức Hòa rồi tập trung ở căn cứ Rừng Tràm Bà Vụ. Từ đây đạn được đưa vào những hàng phục vụ hậu cần được chuyển vào Sài Gòn và vùng Nam lộ 4 phục vụ công cuộc kháng chiến của ta.
          Sau cuộc tổng công kích năm 1968, lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng, phong trào cách mạng tạm lắng, giặc tiến hành “Bình định” bao vây tiêu diệt căn cứ cách mạng. Ở Rừng Tràm Bà Vụ bọn địch sử dụng máy bay thả bom, dùng pháo bắn đẩy lực lượng vũ trang của ta ra xa vùng ven, đánh phá hành lang chiến lược của cách mạng. Lực lượng vũ trang phải rút về phía biên giới và căn cứ Ba Thu trong Rừng Tràm Bà Vụ chỉ còn lực lượng địa phương. Sang năm 1970 ta chấp hành chỉ thị 01, 02 của Trung Ương Cục về tạo thế lực phá kế hoạch kìm kẹp của địch. Phân khu 23 (do phân khu II và phân khu III hợp lại) chủ trương đưa cán bộ chính trị, quân sự về cũng cố Huyện ủy, Huyện đội xây dựng chính quyền cách mạng các cấp. Tháng 11/1970 phân khu 23 đưa tiểu đoàn 1 về căn cứ Vườn Thơm Bà Vụ, đến cuối năm 1971 ta đưa đại bộ phận về bám chiến trường Bắc lộ 4. Cuối 1971 đầu 1972 ta gầy dựng phần lớn cơ sở nông thôn và vùng ven. Trong chiến dịch Nguyễn Huệ và đợt chồm lên tấn công địch năm 1972 ta mở rộng đánh địch luồng sâu vào vùng yếu, xây dựng nhiều lõm chính trị góp phần quan trọng trong thắng lợi của Hiệp định Pa-ri năm 1973. Mùa khô 1973-1974 ta đã chuyển thế tấn công địch liên tục, chủ động đánh địch, phát huy phương thức vây lấn và tập kích hỏa lực vào các căn cứ địch. Ở Bắc lộ 4 từ Rừng Tràm Bà Vụ ta tiến hành đánh địch làm chủ phần lớn vùng nông thôn từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau. Tháng 10/1974 Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp hạ quyết tâm giải phóng Miền Nam trong vòng 2 năm 1974-1975. Tháng 3/1975 Chiến dịch Buôn Ma Thuộc thắng lợi tiếp theo là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Long An có 2 nhiệm vụ chính: phục vụ chiến đấu cho lực lượng cấp trên và tham gia tấn công trực tiếp vào Sài Gòn về hướng Tây Nam. Đầu tháng 3 năm 1975 lực lượng vũ trang Long An kết hợp với Sư đoàn 3 đã tấn công Bắc lộ 4 diệt hàng chục đồn bót và mở rộng vùng ven sông Vàm Cỏ. Chiến khu Vườn Thơm Bà Vụ trở thành điểm tập trung quân lớn của miền và tỉnh Long An để tấn công Tây Nam Sài Gòn. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 chế độ Ngụy Sài Gòn cáo chung đánh dấu thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ.
          Cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đã hoàn toàn thắng lợi, trong sự nghiệp chung ấy căn cứ Rừng Tràm Bà Vụ và những người dân nơi đây đã góp phần không nhỏ. Không có những tấm lòng yêu nước thương nòi của nhân dân căn cứ Rừng Tràm Bà Vụ không thể nào tồn tại như cây gai trong mắt địch suốt 30 năm ròng rã. Bà con đã không nề hy sinh gian khổ, bám trụ với cán bộ căn cứ. Các đ/c lãnh đạo cách mạng đã ở nơi đây trong vòng tay chở che đùm bọc của bà con. Đây là một bằng chứng hùng hồn cho nghĩa tình cá nước của quân và dân ta.
          4./ Loại di tích.
          Rừng Tràm Bà Vụ là di tích lịch sử ghi dấu những sự kiện trọng đại, những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong công cuộc trường kỳ kháng chiến. Nói chung đây là một địa danh lịch sử đã đi vào truyền thống của dân tộc.
          5./ Khảo tả di tích.
          Khu vực Rừng Tràm Bà Vụ thuộc 4 xã: Lương Hòa, Tân Bửu, An Thạnh, Tân Hòa được giới hạn bởi sông Vàm Cỏ Đông và lộ 31 ở phía Tây, sông Tân Bửu ở phía Nam, chiến khu Vườn Thơm ở phía Bắc và Láng Le Bàu Cò ở phía Đông. Đây là vùng đất có địa hình trũng thấp, sình lầy, đất đai hoang hóa còn khá rộng, dân cư thưa thớt. Vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 nơi này vẫn còn hoang vu, tràm và các loại cây hoang dại mọc thành rừng. Đầu thế kỷ 19 trong chương trình khai thác thuộc địa người Pháp thấy nơi đây là một vùng đất trọng yếu ngang bên cạnh Sài Gòn nên đã đào kinh di dân từ phía Nam lộ 4 lên khẩn đất, khai hoang cứ 500m người ta lại đào một con kênh, vì vậy trong khu vực Rừng Tràm Bà Vụ kinh rạch chằng chịt, đan xen nhau: Rạch Nổ, Kinh Gia Miệng, Kinh Giồng Dung, Kinh Xáng…   
          6./ Gía trị lịch sử của di tích.
          Di tích lịch sử Rừng Tràm Bà Vụ là nơi ghi dấu những sự kiện trọng đại, những chiến tích oai hùng trong suốt hai thời kỳ kháng chiến của Đảng bộ và nhân dân Long An nói riêng và cũng như cả nước nói chung. Địa danh Rừng Tràm Bà Vụ đã đi vào lịch sử chống xâm lăng của dân tộc cùng với những chiến công của lực lượng vũ trang ta như: Láng Le-Bàu Cò… vang dội năm xưa. Những cơ quan đầu não và các đ/c lãnh đạo đã từng bám trụ nơi đây để chỉ huy phong trào cách mạng đi đến thắng lợi hoàn toàn.
          Di tích là một bằng chứng cho sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng, với tầm nhìn chiến lược đã xây dựng nên một căn cứ địa cách mạng ngay bên cạnh thành phố Sài Gòn-thủ đô của Ngụy quyền. Đây là một điển hình của việc vận dụng thành công sách lược: “Toàn dân, toàn diện và trường kỳ kháng chiến” của Đảng ta, sự tồn tại ngoan cường của căn cứ Rừng Tràm Bà Vụ trong suốt 30 năm giữa vòng vây ác liệt của quân thù đã chứng minh cho tinh thần quật khởi, lòng yêu nước nồng nàn của quân và dân Long An.
          Di tích Rừng Tràm Bà Vụ là niềm tự hào của Đảng và nhân dân ta, nó góp phần khẳng định truyền thống “Trung dũng, kiên cường toàn dân đánh giặc” của mảnh đất Long An. Biết bao xương máu, sức của, sức người của quân và dân ta đã đổ ra nơi đây vì độc lập tự do của dân tộc để nối liền một dãy giang sơn giàu đẹp của Việt Nam.
          Di tích lịch sử Rừng Tràm Bà Vụ khẳng định sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ trong đó có ý đồ xâm lược lâu dài đất nước ta đồng thời là bằng chứng cho thắng lợi vẻ vang của Đảng và nhân dân ta trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến.
          Địa danh Rừng Tràm Bà Vụ vẫn sống mãi trong lòng dân tộc, gợi nhớ một quá khứ oanh liệt cùng truyền thống chống ngoại xâm của nhân dân Long An nói riêng và cả nước nói chung.
          Trước những chuyển biến lớn lao của dân tộc, việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển ở tương lai là một việc làm cần thiết. Di tích lịch sử Rừng Tràm Bà Vụ với những giá trị to lớn là một đối tượng trực quan sinh động để thực hiện công tác ấy. Lịch sử đã sang trang nhưng những thành quả to lớn mà cha ông đã làm được thể hiện qua di tích sẽ được thế hệ sau nhớ mãi và kế thừa một cách xứng đáng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét