Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Di tích lịch sử "Khu vực Kinh Bùi"


4.png
Là nơi ghi dấu chiến thắng của Tiểu đoàn 309 trong trận đánh ngày 24/6/1953.
*Tên gọi di tích
Kinh Bùi là tên một con kinh cắt ngang kênh Năm Ngàn, thuộc huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, nối dài giáp huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp.
*Địa điểm phân bố và đường đến di tích
Khu vực Kinh Bùi hiện nay tọa lạc tại 02 xã Tân Ninh và Tân Thành, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Du khách có thể đến khu di tích bằng 02 đường thủy và bộ:
Đường bộ: Từ Thành phố Tân An (Long An) đi theo Quốc lộ 62 khoảng 45 km đến thị trấn Tân Thạnh, tiếp tục  đi đường tỉnh 837 khoảng 11 km gặp Cầu Bằng Lăng, rồi rẽ trái theo lộ Bằng Lăng khoảng 05 km thì đến khu vực của di tích.
Đường thủy: Từ Thành phố Tân An ngược dòng Vàm Cỏ Tây về phía thượng lưu gặp Vàm kinh Dương Văn Dương ngay thị trấn Thạnh Hóa, rẽ trái theo kinh Dương Văn Dương khoảng 15 km đến thị trấn Tân Thạnh. Tại thị trấn Tân Thạnh tiếp tục đi xuôi trên kinh Cà Nhíp khoảng 05 km tới gặp Ngã 5 đường Năm Ngàn, xuôi theo kinh Năm Ngàn khoảng 19 km là đến khu di tích.
*Sự kiện và nhân vật lịch sử
Tại khu vực này vào ngày 24/6/1953, Tiểu đoàn 309 phối hợp với du kích xã Tân Ninh, Nhơn Ninh bố trí đánh tan trận càn quét của giặc từ Chi khu Mỹ Tho vào Đồng Tháp Mười.
-Kết quả của trận Kinh Bùi ngày 24/6/1953
Trận chiến diễn ra hơn 40 phút là kết thúc, ta tiêu diệt trên 100 tên địch, bắt sống 42 tên (trong đó có đại úy Bền-chỉ huy cánh quân này và thiếu úy Sáu- chỉ huy Commandos Cái Bè), thu trên 100 khẩu súng (12 trung liên) và nhiều quân trang, quân dụng…
Chiến thắng Kinh Bùi làm nức lòng quân dân ta. Thắng trận này Tiểu đoàn 309 vinh dự được tặng thưởng Huân chương huân công hạng 03.
Phát huy chiến thắng Kinh Bùi, Tiểu đoàn 309 liên tục hành quân đánh sâu vào những vùng địch chiếm, tạo nên nhiều chiến thắng lớn mở rộng vùng giải phóng khiến cho tinh thần địch ở các đồn bót thêm hoang mang, sa sút.
-Vài nét về Tiểu đoàn 309
Tiểu đoàn 309 được Bộ Tư lệnh Khu 8 thành lập vào ngày 23/9/1949 bên bờ kinh Hầm Vồ (gần Cầu Ván) thuộc xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang ngày nay). Biên chế của Tiểu đoàn có 04 đại đội: 939, 940, 941 và Tiểu đoàn bộ 942. Quân số của Tiểu đoàn mới thành lập là 672 người. Vũ khí trang bị là những chiến lợi phẩm thu được sau những trận đánh với địch:súng trường, đại liên, trung liên, riêng mã tấu tiểu đội nào cũng có.
Sự ra đời của Tiểu đoàn 309 là chủ trương sáng suốt của Bộ Tư lệnh khu 8. Tiểu đoàn vừa chiến đấu vừa sản xuất để hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng là anh bộ đội cụ Hồ. Trận đánh thắng Kinh Bùi của Tiểu đoàn 309 đã đi vào lịch sử chiến thắng của quân đội ta trong chín năm kháng Pháp.
*Khảo tả di tích
Địa điểm dựng bia là xã Tân Ninh, ngay ngã tư kinh Bằng Lăng dẫn về kinh Bùi. Bia được xây dựng bằng bê tông cốt thép, diện tích xây dựng 4m2 (2m x 2m). Chiều cao bia 2,30m, chân bia có 03 bậc tam cấp, mỗi bậc cao 20 cm được tô bằng đá mài, mặt bia bằng đá cẩm thạch, ngang 0,55m cao 01m.
Hướng ra phía Bắc mặt bia được khắc dòng chữ: Bia kỷ niệm chiến thắng trận Kinh Bùi.
Hướng ra phía Nam, mặt bia được khắc dòng chữ: Ký sử trận chiến thắng Kinh Bùi.
*Hiện vật của di tích
Những hiện vật liên quan đến sự kiện như: chiến lợi phẩm, súng ống, quân trang,… đã thất lạc theo thời gian. Việc lưu truyền trong nhân dân là những câu chuyện kể hay trang sử viết của cán bộ hưu trí tham gia trong trận chiến.
*Gía trị lịch sử
Di tích lịch sử "Khu vực Kinh Bùi" là nơi ghi nhận những đóng góp lớn lao của người dân Đồng Tháp Mười kiên trung với cách mạng, gắn bó sống chết trong kháng chiến. Vì vậy, huyện rất quan tâm bảo vệ, tôn tạo để phát huy giáo dục thế hệ trẻ tại địa phương.
*Căn cứ pháp lý
Năm 1995, Di tích lịch sử "Khu vực Kinh Bùi" đã được UBND tỉnh Long An đăng ký bảo vệ di tích tại Quyết định số 5167/QĐ.UB ngày 9/10/1995.​

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét