Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Tượng quý vua dâng chùa Khải Tường

Tượng Phật do vua Minh Mệnh dâng cúng chùa Khải Tường /// Ảnh: Lương Chánh Tòng
Tượng Phật do vua Minh Mệnh dâng cúng chùa Khải TườngẢNH: LƯƠNG CHÁNH TÒNG
Ở Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đang trưng bày tượng Phật chùa Khải Tường, một pho tượng vô cùng quý giá của đại danh lam ở Gia Định xưa.

Chùa Khải Tường là một trong những ngôi chùa cổ nhất vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa, tương truyền được xây dựng vào đầu thế kỷ 18. Hiện ngôi chùa không còn tồn tại, vị trí hiện nay nằm ở khu vực Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, đường Võ Văn Tần, Q.3.
Nghiên cứu về bảo tượng chùa Khải Tường, tiến sĩ Hồ Ngọc Liên (nguyên cán bộ Bảo tàng Lịch sử TP.HCM) cho biết: Tượng tạc trong tư thế ngồi thiền kiết già, cao 1,96 m, gồm phần tượng và bệ sen, chất liệu bằng gỗ được sơn son thếp vàng, tóc xoăn khu ốc, hai dái tai dài, khuôn mặt tròn, hai tay để ngửa, có khắc chữ vạn ở ngực. Đây là tác phẩm của các nghệ nhân cung đình ở Huế tạc vào đầu thế kỷ 19. Căn cứ vào các nguồn sử liệu ghi chép và đặc điểm tượng cho thấy, đây là tượng do chính vua Minh Mệnh dâng cúng vào chùa Khải Tường và được đặt tại nơi trang trọng nhất trên Phật điện.
Mái chùa che chở đế vương
Chuyện kể rằng, trong những ngày tháng tá túc tại chùa Khải Tường để ẩn tránh quân đội Tây Sơn đang công phá, nhiều lần chúa Nguyễn Ánh và hoàng gia phải trốn chạy. Mỗi đêm, Phi (Thuận Thiên cao hoàng hậu của vua Gia Long) thường đốt hương khấn trời rằng: “Hiện nay vận nước còn rối ren, vua tôi bôn ba chưa có nơi yên. Nếu nhờ phước lớn, nhất đán sinh con, thì sợ trong bước loạn ly, khi ra đi mà bỏ thì không nỡ, mà bồng bế theo nhau thì không khỏi phiền lòng chúa thượng, hai bề đều khó xử cả. Nếu mệnh ta đáng có con, xin chờ thiên hạ bình yên rồi hãy sinh”.
Năm 1788, nội bộ Tây Sơn có nhiều mâu thuẫn, đã tạo cơ hội cho Nguyễn Ánh giành lại được Gia Định và thực hiện xây dựng nơi đây trở thành trung tâm chính trị của triều Nguyễn. Tuy nhiên, thời điểm này lực lượng quân đội của Nguyễn Ánh vẫn còn yếu so với Tây Sơn, thành Gia Định mới đang được xây dựng, nên hoàng gia và bộ máy quan lại lúc này ở Gia Định vẫn phải tá túc ở hai ngôi chùa lớn nằm gần nhau là chùa Từ Ân và chùa Khải Tường. Sinh sống tại chùa Khải Tường, Phi (Thuận Thiên cao hoàng hậu) một đêm mộng thấy thần nhân đem trình một cái tỷ và hai cái ấn (tỷ: ấn của vua; ấn: ấn của quan - NV), cái tỷ sắc đỏ, sáng tươi như mặt trời, ấn thì một cái sắc tía một cái sắc nhạt. Phi đều nhận cả. Đúng năm ấy (1791) Phi 24 tuổi, sinh con trai tại chùa Khải Tường. Sách Đại Nam nhất thống chí còn cho biết thêm: Chùa Khải Tường ở thôn Hoạt Lộc, huyện Bình Dương - Gia Định. Đầu thời Minh Mệnh, có chỉ dụ nói rằng năm Tân Hợi vua sinh ở đây, tức là đất phát tường, cho dựng chùa để ghi việc lành; năm thứ 17 (1836) cho sửa chữa.
PGS-TS Trần Hồng Liên (chuyên gia nghiên cứu Phật giáo Nam bộ) cho biết: Sau khi lên ngôi, vua Minh Mệnh đã cho trùng tu lại chùa Khải Tường và đặt tên là “Quốc Ân Khải Tường” để ghi nhớ về nơi mình sinh thành dưới sự chở che của Phật đạo. Vua Minh Mệnh đã dâng cúng chùa một tượng Phật, chính là pho tượng đang được đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.
Tượng phật trong tao loạn
Năm 1859 - 1861, quân Pháp đánh chiếm Gia Định, chùa Khải Tường bị thực dân Pháp chiếm làm đồn do đại úy Barbé chỉ huy, bởi thế nên vị trí chùa Khải Tường sau này còn được gọi là đồn Barbé.
Vào cuối thế kỷ 19, chùa Khải Tường cùng với một số đại danh lam khác như chùa Cây Mai đã bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn.
Điều đáng chú ý là tượng Phật chùa Khải Tường chứa đựng những câu chuyện kỳ bí về sự tồn tại của mình. Sau khi chùa Khải Tường bị Pháp phá hủy, tưởng chừng tất cả tượng và đồ tế tự của chùa sẽ bị chịu chung số phận. Tuy nhiên, khi ra tay đụng chạm đến tượng Phật quý, đã có nhiều binh lính và sĩ quan Pháp gặp phải tai ương và điều này được báo cáo lên Phủ toàn quyền của Pháp. Sau khi kiểm tra toàn bộ thông tin liên quan đến pho tượng, người Pháp đã nhận ra đây là bảo vật, cần giữ gìn cẩn trọng và đưa về bảo quản trong kho của Phủ toàn quyền Sài Gòn. Sau này, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đưa bức tượng về lưu giữ và trưng bày tại Viện Bảo tàng quốc gia Sài Gòn (nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM).
Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Tường, ngoài pho tượng chùa Khải Tường ở Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, bức hoành phi do vua Minh Mệnh sắc phong cho chùa Khải Tường đang được lưu giữ tại chùa Sắc Tứ Từ Ân (Q.6).
Lương Chánh Tòng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét