Quỳnh Lam
Người ta mới chỉ biết đến rau đay như là 1 món ăn chứ không biết loại rau này rất giàu dược tính và cực kỳ bổ dưỡng. Nó thậm chí được coi là một vị thuốc có tác dụng tẩm bổ.
Loại rau quý của nhiều quốc gia
Nhiều người cứ nghĩ chỉ ở Việt Nam mới có rau đay, thực chất loại rau này được trồng ở khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Thậm chí, ở nhiều quốc gia, rau đay còn được coi là loại rau quý.
Ví dụ như ở Ai Cập, rau đay được coi là món ăn quốc gia. Rau đay cũng xuất hiện trong ẩm thực Lebanon, Palestine, Syria và Jordan. Một món ăn điển hình của khu vực này là rau đay hầm ăn cùng cơm và thịt gà luộc.
Tại Việt Nam, loại rau này cũng khá nổi tiếng với món canh cua rau đay, đôi khi có thêm cả mồng tơi và mướp, ăn kèm cả muối. Món ăn này rất phổ biến trong những ngày hè nóng nực.
Thật ra, người ta mới chỉ biết đến rau đay như là 1 món ăn chứ không biết loại rau này rất giàu dược tính và cực kỳ bổ dưỡng. Nó thậm chí được coi là một vị thuốc có tác dụng tẩm bổ. Trong cuốn "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", cố GS Đỗ Tất Lợi có viết về rau đay "trong lá có một chất nhầy, có tác dụng chữa táo bón, chữa ho và làm thuốc bổ".
Trong Đông y, rau đay có tên gọi là Đình lịch, hạt là Đình lịch tử. Rau đay có vị ngọt, tính hàn, tác dụng bồi bổ, giải nhiệt, lợi tiêu hóa, nhuận tràng, lợi tiểu, lợi hô hấp, tiêu đờm, kháng viêm, cầm máu, lợi sữa, an thai...
Đông y dùng rau đay làm thuốc chữa trúng nắng, phòng ngừa say nắng, trị táo bón, bí tiểu, tiểu buốt, rát hoặc tiểu ra máu. Đặc biệt, loại rau này được dùng như 1 phương thuốc an thai, cực kỳ lợi sữa giúp sữa về nhiều và nhanh hơn.
Theo phân tích của y học hiện đại, trong rau đay có Ca 498mg%, P 93mg%, Fe 3,8mg%, K 650mg%, acid ôxalic 870mg%, vitamin B1 0,24mg%, vitamine B2 0,76mg%, vitamin C 168mg%, vitamin A 7,940 đơn vị, vitamin E 141. Trong hạt của quả rau đay có chứa nhiều glycoside khác nhau, nhưng chủ yếu là corchorosid và olitorisid.
Khi dùng bảng dinh dưỡng trên đối chiếu với các loại rau khác thì thấy rằng rau đay đứng trong tốp đầu các loại rau chứa nhiều canxi (đứng thứ 4 trong các loại rau dùng để ăn), sắt (đứng thứ 1), beta caroten (đứng thứ 4), vitamin C (đứng thứ 3).
Theo các nghiên cứu mới nhất, người ta còn thấy trong rau đay có chứa nhiều chất flavonoid, saponin, tannin, steroid, triterpen. Đặc biệt, loại rau này còn có hai chất mang hoạt tính chức năng mạnh là phytol và monogalactosyldiacylglycerol (chống khối u).
Ở phần ngọn non của rau đay có nhiều polysaccharid và lignin - chất mang hoạt tính estrogen thực vật. Ngoài ra còn có một số chất đường glucose, fructose, sucrose và 2 chất inositol là chất giúp nhuận tràng.
Đặc biệt hơn, trong lá rau đay còn có hoạt chất thuốc capsin - 1 chất tương tự các glycosid cường tim vốn được sử dụng làm thuốc chống suy tim bấy lâu nay (hoạt chất làm vận mạch, lợi sữa và lợi tiểu).
Trong chất nhầy của rau đay người ta tìm thấy rất nhiều acid hữu cơ như: coumaric, ferulic, vanillic, hydroxybenzoic (những hoạt chất có tác dụng kháng viêm).
Những công dụng cụ thể của rau đay
Thuốc lợi sữa
Rau đay là vị thuốc lợi sữa được ghi trong y văn. Tuy nhiên thời nay còn rất ít người biết đến công dụng này.
Sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" ghi lại bài thuốc lợi sữa từ rau đay như sau: Nếu tuần đầu tiên sau khi đẻ ăn hàng ngày 150 - 200g vào mỗi bữa ăn chính, các tuần lễ sau mỗi tuần ăn 2 lần với liều 200 - 250g thì lượng sữa tăng. Trong sữa tỷ lệ chất béo tăng hơn mức trung bình.
Chữa bệnh táo bón
Trong rau đay có khá nhiều nước có thể giúp làm mềm phân. Hơn nữa, trong rau đay còn có nhiều polysaccharid giúp làm lưu chuyển ruột, chống ứ đọng phân. Chất nhầy trong rau đay có tác dụng bôi trơn khiến phân dễ bị tống đẩy. Đường sucrose và inositol không hấp thu mà lại giữ nước làm phân nở to nhưng lại rất mềm, hóa giải được táo bón.
Nhìn sơ qua cũng có thể thấy trong rau đay có quá nhiều chất hỗ trợ tiêu trừ và phòng ngừa táo bón cực kỳ hiệu quả.
Thanh nhiệt, giải độc
Rau đay tính hàn, thêm nữa lại chứa nhiều nước, nhiều chất nhầy, nhiều đường nên có ích cho việc làm mát, giải nhiệt, chữa trúng nắng cho cơ thể
Chữa bí tiểu
Rau đay có chứa hoạt chất vận động tim mạch nên có tác dụng làm tăng số lượng nước tiểu, đồng thời chất kháng viêm trong rau đay có thể làm giảm viêm nhiễm đường niệu, tiêu thũng giúp cho tình trạng bí tiểu châm dứt.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét