Ngôi nhà này, người kế tục sự nghiệp của bà là bà Trương Mỹ Hoa đã từng ở trong những năm thủ đô chưa có nhà công vụ dành riêng cho cán bộ cao cấp.
Khi ấy tôi đến, Hà Nội những ngày đầu thu thật đẹp đến nao lòng…
Bên phải phòng khách, ở tầng dưới tòa nhà là góc trang trọng dành làm nơi tưởng niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định (1920 - 1992). Đắm mình trong căn phòng thinh lặng, tôi hình dung ngày nào bà Định đã đi lại nơi đây, đã làm việc, vui, buồn, đã từng trải qua những ưu tư, trăn trở...
Bà Trương Mỹ Hoa, người kế tục vai trò Chủ tịch Hội LHPN VN, nghẹn ngào nhắc đến những kỷ niệm về bà Nguyễn Thị Định, mà cái tên thân thương “dì Ba Định, cô Ba Định” đã đi vào lòng người nhiều thế hệ. Bà Hoa nhớ nhất kỷ niệm liên quan tới áo dài của “dì Ba” vào ngày dì nhận huy chương 50 năm tuổi Đảng (năm 1988). “Hôm ấy dì Ba thức dậy rất sớm. Dì không mặc quân phục mà chọn cho mình bộ quần áo dài trắng khiến tôi rất ngạc nhiên… Tôi thầm nghĩ, phải chăng đó là ý thích của bà. Bà chuộng sự giản dị, trong sáng, hiền hậu của tà áo dài trắng, nó phù hợp với tấm lòng yêu nước, khao khát độc lập, mang lại sự phồn vinh cho Tổ quốc của bà. Nỗi khao khát ấy cũng chính là sức mạnh tiềm ẩn trong con người giản dị của bà, để từ một cô gái xinh đẹp, hiền lành của xứ dừa, bà đã làm nên những kỳ tích khiến cả thế giới phải khâm phục, sững sờ”.
Hai mươi sáu tuổi, bà Nguyễn Thị Định đã cùng một số đồng chí trên chiếc tàu đánh cá vượt biển ra trung ương xin vũ khí cho đồng bào Nam bộ kháng Pháp lần thứ hai. Rồi bà trở thành người phụ nữ lãnh đạo cuộc Đồng Khởi Bến Tre, người chị của đội quân tóc dài, Phó tổng tư lệnh quân giải phóng, Chủ tịch Hội LHPN VN, Phó chủ tịch nước...
Bà Trương Mỹ Hoa đã làm việc bên cạnh bà Nguyễn Thị Định gần 7 năm trời. Bà nói đó là khoảng thời gian quý báu của cuộc đời. Đối với bà Hoa, “dì Ba Định” là một tấm gương trong đời sống, để bà cảm nhận một cách sâu sắc cái giá của những ngày hòa bình, hiểu thêm trọng trách đè nặng lên vai trong cương vị của một người kế tục.
Ra đi trong chiếc áo dài
Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Phó tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta". Hình ảnh bà khi xuất hiện ở nước ngoài trong tà áo dài nền nã đã gây một ấn tượng đặc biệt. Vị nữ tướng ít khi mặc quân phục, ít khi cầm súng bởi vũ khí lợi hại nhất trong đội quân bà chỉ huy là những phụ nữ mặc áo dài, áo bà ba, tóc dài tha thướt.
Bà Nguyễn Thị Định (thứ hai từ phải) trong trang phục áo dài cùng chồng (bìa phải)ẢNH: TƯ LIỆU BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ
|
Một ngày cuối tháng 8.1992, vị nữ tướng ấy ra đi vĩnh viễn. Bà nằm đó, trong bộ quần áo dài trắng như trong buổi đi đón huân chương. Những tấm huy chương lấp lánh trên ngực áo. Trông bà thanh thản như một bà tiên sau khi đã hoàn thành những sứ mệnh trần gian chứ không có vẻ gì là một nữ tướng tiếng tăm lừng lẫy thế giới.
Sau khi bà Định mất, đền thờ bà được lập tại ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, H.Giồng Trôm (Bến Tre). Nhân dân Hát Môn, Hà Tây đã rước bát hương thờ bà về thờ trong khu đền Hai Bà Trưng với niềm tự hào, ngưỡng mộ về một nữ tướng thời đại Hồ Chí Minh.
Tôi thắp một nén hương cắm trên bàn thờ vị nữ tướng. Bức di ảnh của bà chìm khuất trong làn khói mỏng nhẹ, quấn quít...
Trầm Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét