Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Căn hầm bí mật 65 tuổi ở Sài Gòn

Để giữ bí mật, giúp đồng đội đào căn hầm bí mật giữa lòng Sài Gòn làm căn cứ trong kháng chiến, ông Ba Quang cắn răng chịu đựng khi bị người khác mửa, tiểu lên đầu.

Một ngày đầu tháng ba, ông Lê Văn Quang (92 tuổi, bí danh Ba Quang, cán bộ hưu trí quận Thủ Đức, TP HCM) lần giở những xấp tài liệu ít ỏi về hầm B còn lưu giữ, bồi hồi nhớ về đồng đội cũ.
Đúng 65 năm trước, ngày 3/3/1952, căn hầm B (hiện ở số 122/351 Ngô Gia Tự, quận 10) được đào khẩn trương làm căn cứ bí mật cho Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn hoạt động cách mạng.
Ông Ba Quang là người duy nhất của hội hiện còn đủ sức khỏe để kể những ngày tháng đào hầm do những đồng đội còn lại của ông, một người vừa qua đời ở tuổi 100, người còn lại trên 90 tuổi không còn minh mẫn.
can-ham-bi-mat-65-tuoi-o-sai-gon
Ông Lê Văn Quang kể về những ngày tháng đào hầm B. Ảnh: Mạnh Tùng.
Ngày 26/10/1947, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ quyết định thành lập Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn để tham gia phong trào đấu tranh chống địch, thu thập tin tức tình báo địch, thu tài chính, nuôi quân đánh giặc.
"Hoạt động của hội trong những năm đầu đạt kết quả tốt, được đánh giá cao. Với ý chí không ngừng tấn công địch, lãnh đạo hội muốn tạo một căn hầm bí mật tại nội thành làm nơi tập kết vũ khí, ém quân an toàn", ông Quang kể lại ý tưởng về những căn hầm ở Sài Gòn.
Năm 1951, hội tạo hầm bí mật A tại Bình Hòa, nay ở quận Bình Thạnh. Sau đó, tình hình nội thành Sài Gòn ngày càng căng thẳng khi cảnh sát chiêu hồi, chốt chặn dày đặc, xét người rất kỹ ở khắp nơi. Tổng thư ký hội lúc đó, ông Tô Minh Liêm chỉ đạo xây hầm B ở nội thành.
Sau khi chọn lọc kỹ lưỡng, ông Liêm cùng các đồng đội Hà Minh Lân (Bảy Lân) và Trương Văn Cậy quyết định mua căn nhà trên đường Ngô Gia Tự ngày nay, làm nơi đào hầm bí mật. Vài hôm sau, vợ chồng ông Bảy Lân đã bán căn nhà của mình ở xóm Chùa để chuyển tới nhà mới.
"Lối xóm thấy có người mới về ở thì lân la qua chơi. Chúng tôi mở ngay tại nhà một trạm mộc sản xuất đàn để ngụy trang. Mỗi ngày tổ công tác của hội gồm các anh Bằng, Tám Quốc, Ba Lùn vào vai thợ làm đàn, cũng cưa, đục gỗ như thường. Còn tổ bí mật gồm có anh Trung, Kim và tôi ban ngày rút vô nhà để nghỉ, tối đào hầm", ông Quang kể về những ngày tháng khẩn trương.
can-ham-bi-mat-65-tuoi-o-sai-gon-1
Căn nhà 122/351 đường Ngô Gia Tự, quận 10 trở thành một di tích văn hóa - lịch sử. Ảnh: Mạnh Tùng
Cứ đến 22h, lúc phố phường đã yên tĩnh thì anh em thức dậy tất bật đào đất chuyển lên xe hơi, theo dây chuyền rất khẽ khàng và cẩn thận. Người đổ đất ở trên xe lúc thì nằm, lúc bò, không ngóc đầu lên để tránh "tai mắt" trông thấy. Đến khuya, chị nuôi Bảy Hương đưa sữa, thức ăn cho mọi người. Ăn uống, nghỉ ngơi một chút, họ lại đào đất đến tờ mờ sáng mới nghỉ.
"Nhưng không phải đêm nào mọi việc cũng diễn ra suôn sẻ", người thanh niên đào hầm B ngày nào cho biết. Một hôm, vào khoảng 21-22h, một số đồng đội đào hầm trong khi ông Ba Quang ngồi một góc sau nhà, chỗ bóng tối làm nhiệm vụ cảnh giới.
Khi đó, nhà hàng xóm đang ăn nhậu, nói năng cãi cọ rất to tiếng. Ông chủ nhà ra phía sau, đứng rất lâu. Ông Quang nghĩ ông này nghi ngờ tiệm đàn nên bò sang xem thì đúng lúc ông ta muốn nôn.
Chưa kịp bò tháo ra, ông Quang bị người hàng xóm tiểu trúng, nôn xối xả lên đầu. Cảm giác "kinh dị" ấy đến giờ ông vẫn không quên, song lúc đó phải nằm im thin thít để không lộ chuyện. "Đó là đêm đại nạn của tôi", cụ ông cười hóm hỉnh.
 
Vượt qua nhiều trở ngại, hầm B được hoàn thành ngày 10/6/1952. Bên ngoài là tiệm đàn, bước vào trong gặp một tủ quần áo, khi cánh cửa tủ mở ra là một chiếc thang gỗ vào hầm phụ.
Ở hầm phụ có kệ sách nhỏ cũng chính là cánh cửa bí mật, qua cửa tụt theo đường hầm với chiều cao vừa đủ cho một người ngồi khom lưng sẽ tới hầm chính.
Hầm chính dài hơn 3,5m; rộng 3,2m; cao 1,7m và đủ sức chứa 20 người. Hầm trở thành văn phòng của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn tại nội thành, cán bộ hội đi đi về về một cách bí mật, theo ám hiệu và quy trình ra vào chặt chẽ.
Ông Ba Quang kể, tại hầm B hội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho đến khi Hiệp định Genève năm 1954 được ký kết. Hầm tiếp tục trở thành nơi làm công tác in ấn, phát hành tài liệu phục vụ Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.
can-ham-bi-mat-65-tuoi-o-sai-gon-2
Hầm chính, nơi in ấn các tài liệu phục vụ cách mạng. Ảnh: Mạnh Tùng
Hội sau đó mang tên mới là Ban Ấn loát và Phát hành trực thuộc Đặc khu ủy. Hàng tuần, phát hành bản tin do tuyên huấn Đặc khu ủy biên soạn, in khoảng 2.000 bản phân phối ra các quận nội thành.
Nhiều tài liệu quan trọng khác cũng được in ấn tại hầm, được đóng bìa là sách tiểu thuyết hợp lệ lúc bấy giờ và chuyên chở gần như công khai.
"Năm 1957, tại Sài Gòn địch ra sức truy lùng cơ sở cách mạng bám trụ nội thành, nhiều tổ chức bị bể, nhiều cán bộ bị bắt. Cuối năm đó, mật thám của Diệm vây tiệm đàn, bắt các anh Tám Quốc, Bảy Lân, tôi và nhiều người khác. Cơ sở tại đây coi như bể bạc", ông Ba Quang cho biết.
Sau đó, một tên công an chìm Sài Gòn chiếm căn nhà trên để ở, đổi cho một người khác song không ai trong số họ biết dưới nền nhà là một căn hầm. Sau 1975, hầm B được khai quật, khôi phục và trở thành một di tích lịch sử - văn hóa.
"Nhiều đồng đội của tôi bị địch bắt, tra khảo rất ác nhưng họ không khai gì để bảo vệ cách mạng. Nhiều người đã trở thành liệt sĩ, người còn sống giờ cũng lần lượt ra đi", ông nói, giọng bùi ngùi.
Phòng Văn hóa - Thông tin quận 10 đang khảo sát để lên phương án cải tạo, trùng tu di tích này.

Mạnh Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét