Một trong những tệ lậu chốn quan trường xưa là chuyện "ngửi hơi văn" để đánh trượt người tài của những khảo quan (tức quan chấm thi – PV). Thực hư chuyện này ra sao?
Thực hư chuyện “ngửi văn” để chấm bài?
Những năm cuối đời Hậu Lê, tình hình triều chính rối ren, xã hội bất chính, việc thi cử do đó mà trở nên hỗn loạn. Người dân thậm chí còn có thể dùng tiền để được đi thi Hương (người đỗ kì thi này sẽ được bổ nhiệm làm quan - PV). Giai đoạn này còn tồn tại một giai thoại lạ về việc “ngửi văn” của khảo quan (tức quan chấm thi - PV) để lấy đỗ hay trượt.
Cụ thể hơn, với những người tài năng, tiếng tăm lẫy lừng thì các quan chấm thi đều ngầm báo nhau hễ thấy quyển thi nào có hơi văn giống người đó thì đều đánh hỏng, nhất quyết không cho đỗ. Nhưng vì là thỏa thuận ngầm, chẳng có bằng chứng nào cụ thể nên tình trạng thi cử thời này không được cải thiện, dù chúa Trịnh cũng đã từng truy vấn đề này. Việc này cũng được nhiều tài liệu ghi chép cụ thể.
Sách Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) chép: “Đầu đời Cảnh Hưng, có ông Ngô Thì Sĩ nổi tiếng là bậc hay chữ, bị bọn quan đương thời ghen ghét. Khi đến thi Hội, các khảo quan dò xét, hễ thấy quyển nào giọng văn hơi giống thì bảo nhau: Quyển này hẳn là khẩu khí Ngô Thì Sĩ, thế là họ hết sức bới móc, đánh hỏng đi. Chúa Trịnh Doanh biết có cái thói tệ ấy, nên khi thi cử xong, truyền đem quyển hỏng của Ngô Thì Sĩ ra duyệt lại. Các khảo quan bấy giờ nhiều người bị truất phạt, nhưng vẫn không cấm chỉ được cái tệ ấy”.
Cũng vẫn sách này chép tiếp về trường hợp của Phạm Nguyễn Du như sau: “Thời chúa Trịnh Sâm cầm quyền có ông Phạm Vĩ Khiêm (sau này ông đổi tên thành Phạm Nguyễn Du – PV) có tiếng là người văn học giỏi, được chúa biết tên. Nhưng, ông ấy khi nhỏ khí khái trái ngược với đời, các quan chủ khảo hễ thấy quyển thi liền đánh hỏng, cũng giống như ông Ngô Thì Sĩ.
Khi đã đứng tuổi, học nghiệp càng thâm thúy, văn chương ông đổi hẳn lối cũ. Khoa thi năm Kỷ Hợi (1779), ông đổi tên là Phạm Nguyễn Du. Kỳ đệ nhị có một quyển giọng văn hơi phóng túng, các khảo quan bảo nhau: Quyển của Vĩ Khiêm đây rồi, bèn cùng nhau chỉ trích đánh hỏng”.
Nói như vậy để thấy, những bậc túc nho ngày xưa không phải cứ hễ tài năng là có thể gặt hái được những thành công ngay lập tức. Ngô Thì Sĩ (1726-1780) người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Thanh Oai, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội). Ông là nhà sử học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Việt Nam ở thế kỷ XVIII và được sử gia Phan Huy Chú đánh giá là người có “học vấn sâu rộng, văn chương hùng vĩ, làm rạng rỡ cho tông phái nho gia”.
Lễ xướng danh những người đỗ đạt trong một kỳ thi ngày xưa |
Thế nhưng, tuy đỗ đạt sớm (ông đỗ Cử nhân năm 18 tuổi) nhưng từ đó về sau ông lại lận đận trên đường khoa cử. Tám kỳ thi Hội, Ngô Thì Sĩ đều bị đánh hỏng mà nguyên nhân chỉ vì có năng lực tài giỏi hơn người.
Trong khi đó, Phạm Nguyễn Du (1739 – 1786) người làng Đặng Điền (nay là xóm Tiên Lạc, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Ông là một nhà sử học, một nhà thơ nổi tiếng cùng thời với Ngô Thì Sĩ nhưng có hoàn cảnh khác hẳn. Phạm Nguyễn Du đỗ đạt muộn (35 tuổi mới đỗ Cử nhân) nhưng nguyên nhân cũng chỉ vì quá thông minh, tài giỏi nên bị quan trường ghen ghét. Tuy nhiên, số phận của hai danh nhân này tưởng như chẳng liên quan gì tới nhau ngoài nghiệp thi cử lận đận nhưng tìm hiểu kỹ, chúng ta có thể nhận thấy những mối liên hệ khá thú vị.
Đỗ đạt do người hay do trời?
Câu chuyện đỗ đạt của hai danh nhân này đều có những giai thoại rất lạ lùng mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là các khảo quan không thể “ngửi ra hơi văn” của họ. Tác giả Phạm Đình Hổ chép: “Khoa Bính Tuất (1766), Ngô công (tức Ngô Thì Sĩ) bị bệnh tả, vào thi trường đệ tứ (tức đợt thi cuối của kỳ thi Hội) cố làm qua loa cho xong quyển. Khảo quan chấm quyển bảo: Quyển này, kim văn thì luyện đạt lắm, đáng là văn Hội nguyên, nhưng văn khí hơi yếu, không phải giọng văn Ngô Thì Sĩ.
Chấm đến quyển ông Nguyễn Bá Dương (ông này người xã Nguyễn Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình – PV) thì lại bảo nhau: Quyển này, văn khí mạnh mẽ khác thường, giống giọng văn Ngô Thì Sĩ, nhưng kim văn lại kém, Thì Sĩ tất không làm như thế. Chính vì họ hồ đồ, không biết định quyển nào là văn Ngô Thì Sĩ mà đánh hỏng nên kỳ thi ấy ông mới chiếm Hội nguyên”.
Cụ Nguyễn Bá Dương đỗ Hội nguyên cùng với Ngô Thì Sĩ trên đây lại là một nguyên nhân chính khiến cho Phạm Nguyễn Du lận đận trong đường thi cử. Sử chép rằng, cụ này không ưa Phạm Nguyễn Du nên hết sức bài bác, hễ gặp quyển nào của ông là tìm cách đánh hỏng. Kỳ thứ ba của thi Hội, các khảo quan thấy một quyển nghi là quyển của Phạm Nguyễn Du liền đánh hỏng nhưng may sao quyển của ông vẫn thoát.
Thầy đồ dạy học xưa |
Đề kỳ cuối của thi Hội thì các khảo quan lại thấy có hai quyển rất đặc biệt. Một quyển thuần hậu mà giản dị (quyển này của Phạm Nguyễn Du), còn một quyển thì văn chương rộng rãi mênh mông (quyển này của Phạm Quý Thích) nên khí cách hai quyển văn không giống nhau. Các khảo quan không biết chọn quyển nào đứng nhất.
Lúc bấy giờ gần như mọi người đều nhất trí chọn quyển của Phạm Quý Thích lên đỗ đầu. Thế nhưng, cụ Nguyễn Bá Dương lại trỏ quyển ông Phạm Nguyễn Du mà nói: "Quyển này lời văn giản cổ, thâm áo, không phải bậc lão sư túc nho, không làm được, nên để lên trên". Đến khi yết bảng thì quả là ông Phạm Nguyễn Du đỗ nhất như liệu định.
Tác giả Phạm Đình Hổ chép: “Ông Nguyễn Bá Dương giẫm chân mà rằng: Khoa giáp vốn có số mệnh, không thể lấy sức người mà tránh được. Những khoa trước, quyển ông Phạm Nguyễn Du bị đánh hỏng phần nhiều tại ông Nguyễn Bá Dương hết sức bài bác, bây giờ lại cứ khăng khăng muốn lấy quyển của ông lên đỗ đầu, xem thế thì con tạo cũng khéo trêu người thật”.
PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh, nguyên Phó ban Văn học cổ cận đại (viện Văn học) cho biết: “Những danh nhân gặp lận đận trong khoa cử phần nhiều vì tài năng vượt xa khỏi khuôn phép cũ. Những con người đó thường có những ý tứ mới lạ, văn chương phóng khoáng nên không hợp với lối thi cử trường ốc.
Cộng thêm nữa là những người này có tiếng tăm lừng lẫy từ khi chưa đỗ đạt nên càng làm cho người ta thành kiến. Thế mới có chuyện các khảo quan cứ tìm các hơi văn giống người mình ghét là đánh hỏng. Như, trường hợp của Ngô Thì Sĩ cũng vậy. Chúa Trịnh biết việc này, đã cách chức một khảo quan là Trần Tổ (1752) nhưng thành kiến của quan trường vẫn không thay đổi. Nhiều danh nhân khác cũng gặp nhiều lận đận giống như ông vậy”.
Phạm Thiệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét