Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

Rộn ràng lễ Hết Chá ở Mộc Châu

Nguồn: mocchautourism.com

Lễ Hết Chá được tổ chức tại Mộc Châu vào ngày 26 tháng 3 hàng năm. Là một nét đẹp truyền thống của bà con người dân tộc Thái xã Đông Sang. Năm nay đặc biệt vui, Lễ hội được công nhận là Di sản Văn hoá Phi vật thể cấp Quốc gia.

Lễ hội diễn ra trong hai ngày, nhưng để có 2 ngày vui trọn vẹn ấy, công tác chuẩn bị đã được làm từ trước đó nhiều ngày. Trước ngày lễ, ông chủ lễ là thầy cúng chính( gọi là Mọ Mun) sẽ thông báo cho các con nuôi, gia đình họ hàng các vùng về tình hình sức khỏe của chủ lễ, thời gian làm lễ để các con nuôi chuẩn bị lễ và sắp xếp thời gian về dự.

Dân trong bản phải chuẩn bị cây xắng chá (cây nêu) trước đó 15 ngày. Đàn ông thì lên rừng chặt tre, lấy cây giang già mang về chẻ nan; phụ nữ thì làm những mẫu hình để treo lên cây xắng chá: ghép trống, đẽo thuyền, làm hoa, đan các con vật: ve, ếch, chim, sóc...rồi nhuộm màu đỏ, vàng, xanh.



Ngoài việc chuẩn bị cây nêu, người ta còn chuẩn bị lương thực, thực phẩm để làm đồ lễ cúng như: lợn, ngan, gà trống; rượu trắng; gạo nếp; tiền mặt; vải thổ cẩm; vải bông địa phương; Ông chủ lễ cũng mời từ 4 đến 7 đôi trai gái để chuẩn bị đạo cụ, làm nhạc công, múa xòe “Tắng bụ, xoè chá” và tham gia diễn trò.

Ngày 25 tháng 3, người ta bắt đầu dựng cây xắng chá. Cây được làm bằng  tre bương già to, dài 3m, đục 5 tầng lỗ dùng để cắm những nhánh tre treo tất cả các đồ dùng đã làm từ trước đó. Ngoài ra, người ta còn chặt cành to hoa ban màu trắng, hoa bó mạ màu vàng mang về cài vào cây nêu. Cây xắng chá sum suê, nhiều màu sắc rực rỡ, đẹp mắt được đặt nơi thuận lợi cho đội múa xòe và diễn trò.

Sáng sớm ngày 26, Chủ lễ đã chuẩn bị mâm lễ mặn, và hai mâm lễ chay chu đáo. Chủ lễ và các thầy cúng cũng mặc trang phục truyền thống, thắt chéo khăn vải thổ cẩm đỏ qua người và trên đầu thắt thêm khăn màu vàng có gắn những quả chuông nhỏ. Những người tham gia lễ hội đều mặc bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, đeo đồ trang sức, thắt khăn thổ cẩm màu đỏ rực rỡ.

Chủ lễ và các thầy cúng khi làm lễ mang theo các các dụng cụ được quan niệm là để trừ ma và thể hiện uy phong của thầy cúng gồm có: một thanh kiếm sắt đựng trong bao gỗ, một quạt mo, hai khăn mặt xanh đỏ, một sợi chỉ trắng đỏ se vào nhau được coi là dây thừng buộc con voi, một miếng vải bông địa phương màu trắng dài 1m; một cái Sáo mo; một túi thổ cẩm trong đó đựng từ 3 đến 7 đồng tiền xu ngả màu đen.

Chuẩn bị các mâm lễ xong, sáng ngày 26/3, Chủ lễ và các thầy mo bắt đầu làm thủ tục cúng thổ thần, thần linh. Các thầy cúng ngồi cạnh mâm lễ chỉnh sửa lại trang phục, sửa sang lại mâm lễ, rót rượu ra các chén, rút kiếm ra để cạnh mâm. Thầy cúng bắt đầu hát Chá để giới thiệu với tổ tiên, sư phụ đã khuất về công việc làm Chá của gia đình mình trong năm, mong muốn tổ tiên, sư phụ phù hộ để công việc suôn sẻ và hát bài “Xên Chá” bằng một làn điệu riêng để mời sư phụ xuống trần gian chứng kiến công việc.

Hát xong lời mời sư phụ, thầy mo đốt một cây nến to cắm vào ngọn kiếm, tay cầm quạt, vác kiếm đứng dậy đi kiểm tra xem còn thiếu thứ gì không rồi quay về mâm lễ chay ngồi niệm bài chú. Thầy cúng nhập tâm, thoát xác “đi lên trời” mời sư phụ xuống nhập vào 2 ông thầy cúng phụ gọi là “Lãm”, hai ông “Lãm" bắt đầu diễn các trò hề vui nhộn và trò chơi dân gian.

Chủ lễ ra hiệu cho đội nhạc công nổi nhạc tắng bụ (dỗ ống tre xuống ván gỗ): Hai ông “Lãm” bắt đầu nhảy theo nhịp đấu kiếm, 1 ông hề tay cầm mẹt đập theo nhịp “Tắng bụ” ra cổ vũ. Hết đấu kiếm ông “Lãm” cầm lấy khăn nhảy qua xẳng chá ném cho các đôi trai gái từng lượt nhảy múa theo nhịp “Tắng bụ” quanh “xắng chá” 3 vòng.

Chủ lễ dẫn sư phụ của mình đi duyệt “Xẳng chá” rồi nhận quà của từng con nuôi, sau đó ông hát những bài hát có làn điệu riêng lúc thì vui nhộn, lúc thì du dương sâu lắng, rạo rực, có đệm thêm sáo mo “Pí mun” trầm bổng, đó là cúng hát chá gọi hồn con nuôi về nhà, dặn dò, dạy bảo.

Phần lễ kết thúc, mọi người tham gia phần hội, có các trò diễn dân gian và xòe chá. Các trò diễn dân gian có: trò trâu tập cày, trò thi nấu canh trứng, rủ nhau đi hái măng rừng, câu cá… các trò chơi đều diễn ra trong tiếng nhạc rộn ràng, cách biểu diễn hài hước, vui nhộn và mang tính giáo dục cao bằng hình thức phê phán những thói hư tật xấu.

Sau mỗi trò diễn thì mọi người lại thể hiện các điệu xòe chá, những người phụ nữ giữ vai trò chủ đạo trong các điệu xòe, có sự tham gia của bà con dân bản, tạo sự phong phú cho phần hội.

Ngoài các trò diễn, nền nhạc của các loại nhạc cụ dân tộc như: trống, chiêng, chũm chọe, các loại ống tre cũng tạo nên sự rộn ràng, hào hứng, say sưa. Các điệu xòe chá được thể hiện: xòe vòng quanh cây nêu; xòe khăn, xòe tăng bẳng (ống tre)…với sự tham gia chính của các cô gái với những bộ váy áo rực rỡ sắc màu, sự tham gia của bà con trong bản, du khách diễn ra cả ngày cho đến tận đêm, đây là phần tạo nên sự say sưa, hào hứng cho lễ.

Lễ Hết Chá là dịp để các con nuôi cảm tạ thầy cúng đã chữa bệnh cứu người mang lại niềm vui hạnh phúc cho các gia đình, mang lại vui tươi, phấn khởi cho bà con dân bản, tạo niềm tin của con người đối với tổ tiên, thần linh. Đồng thời thể hiện mối quan hệ trong cộng đồng làng bản cũng như tính cố kết cộng đồng, nhằm tăng cường đoàn kết giữa các gia đình, dòng họ, bản mường; là cơ hội để các gia đình giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nuôi dạy con cái, nâng cao đời sống;,

 Việc tổ chức lễ hội hàng năm đã tạo ra một sản phẩm du lịch, góp phần thu hút du khách đến với bản Áng, quảng bá du lịch Mộc Châu, phát triển kinh tế địa phương, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa: ẩm thực, trang phục, diễn xướng dân gian, nghệ thuật múa... của tộc người Thái nơi đây, là một giải pháp hiệu quả để nhân dân tự nguyện giữ gìn một nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Sơn La: Hết Chá - Lễ hội đậm nét văn hóa tâm linh của người Thái trắng Mộc Châu

Thào Ly 
(Vanhien.vn) Lễ hội Hết Chá là nét văn hóa tâm linh sâu sắc, mang ý nghĩa đoàn kết cộng đồng của người Thái Trắng Mộc Châu - Sơn La.

Hàng năm cứ đến tháng 3 dương lịch (Tức tháng 2 âm lịch) là đồng bào Thái Trắng ở xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Hết Chá. Đây là Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh, sự đoàn kết cộng đồng của đồng bào Thái trắng Mộc Châu.
Lễ hội Hết Chá được người Thái trắng tại xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La tổ chức để tạ ơn Thầy mo (tiếng Thái là Phì Mun) đã chữa khỏi bệnh cho người dân trong bản mường. Theo ông Vì Văn Phịnh, người lưu giữ, bảo tồn những nét văn hóa của Lễ hội Hết Chá tại đây cho biết: “Từ xa xưa, người Thái rất nghèo, lại sinh sống ở những vùng xa xôi, hẻo lánh nên không thể tìm được thuốc về chữa bệnh. Họ tìm đến thầy mo nhờ làm cúng để người bệnh có tư tưởng thoải mái, cùng với uống thuốc nam đã giúp cho họ khỏi bệnh. Những người ốm sau khi khỏi bệnh đã xin làm con nuôi thầy mo để tạ ơn công lao thầy đã chăm sóc chữa trị bệnh.

Ông Phịnh tham gia thổi khèn trong lễ hội.

Lễ hội Hết Chá của người Thái Trắng Mộc Châu thường được tổ chức vào tháng 3 dương lịch (tức tháng hai âm lịch) hàng năm. Thời điểm tổ chức thường là những ngày cuối tháng 3. Mỗi dòng họ người Thái sẽ đứng ra tổ chức một năm và thường được tổ chức tại nhà của trưởng dòng họ. Ông Vì Văn Phịnh cho biết: “Trong bản có 4 dòng họ cúng, họ cứ thay phiên nhau làm. Như năm nay, gia đình này làm thì sang năm không được làm nưa để gia đình khác làm. Có nhiều con nuôi nhất là họ Vì. Cứ đến tháng hai là làm, những người khác về phụ tá cho người làm, tức là có ông lam là người giúp việc”.

Cây nêu treo nhiều vật dụng trong đời sống của bà con.

Lễ hội Hết Chá có hai phần: Lễ và Hội. Phần Lễ phải chuẩn bị một cây nêu là một cây tre to, thẳng và được chọn ngày đẹp để lấy về.  Xung quanh cây nêu cắm những thanh gỗ và que tre nhỏ để treo các vật dụng tượng trưng cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như: cái quạt, chim, cá, ếch, ngựa, trâu, thuyền, tổ ong, ve sầu, hoa ban, quả còn…được làm rất công phu từ gỗ, mây, tre và các loại giấy, chỉ màu…Cùng với đó là các loại nhạc cụ như: trống, chiêng, xảng chá. Trong đó xảng chá có hai bộ (bộ to là hai cây gồm các đoạn tre to bằng nhau; bộ nhỏ gồm 8 cây tre nhỏ hơn).

Xảng trá.
 
 Những người tham gia làm Lễ gồm có một thầy cúng là người làm chính, một người thổi sáo và các ông lãm (gồm có người già, trung niên, trẻ chưa vợ). Một phần không thể thiếu trong phần lễ đó là Mâm cúng và đồ cúng.  Mâm cúng có khoảng 2-2,5 kg gạo, hai cái bát, hai đồng bạc, 5 cây nến nhỏ và hai cây nến to, hai quả trứng gà, 2 thanh kiếm cắm xuống 2 bát gạo, một số loại hoa, trong đó có hoa ban…
Bắt đầu nghi lễ, thầy cúng hát lời báo cáo với tổ tiên đã khuất về việc làm Chá của gia đình, cộng đồng bản muờng mình trong năm, mong muốn được phù hộ công việc suôn sẻ. Sau khi hát mời tổ tiên về dự, duyệt công tác chuẩn bị lễ hội và cúng trên nhà sàn xong, thầy cúng mời trưởng bản cùng bà con nhân dân cùng rước cây nêu về trước sân nhà sàn cùng tham gia phần hội trong lễ hội Hết Chá. Cùng với hát chá, phải xong một số nghi thức quan trọng khác trong nghi lễ nữa thì các con nuôi hay những người ốm đau được thầy mo chữa khỏi bệnh mới được phép dâng lễ vật, dâng hoa lên để tạ ơn.

Sau phần Lễ là phần hội mô phỏng lại cuộc sống bình dị thường ngày của đồng bào dân tộc Thái, với nhiều hình ảnh được tái hiện sinh động như: một chuyến đi săn, một chuyến đi bắt cá, tập trâu cày ruộng... với số lượng người tham gia khoảng 20-30 người trở lên. Mọi người cùng nhau nhảy múa quanh cây nêu, tạo không khí vui tươi, phấn khởi theo những vần thơ như hình ảnh tập trâu cày ruộng: “Trâu ơi cứ đi thẳng, biết cầy nương gia chủ mới yêu, biết làm ruộng gia chủ mới quý, Không thì dắt  ra chợ bán. Nhảy xuống thửa dưới thì có hổ, nhảy lên thửa trên có rồng. Đi sai thì đau cổ, đỉ khổ thì đau vai…”
Bên cạnh đó, Lễ hội còn tái hiện lại rất nhiều trò chơi dân gian, văn hóa, văn nghệ của dân tộc đặc sắc. Tuy nhiên, điều ông Vì Văn Phịnh trăn trở là hiện nay những người hiểu, biết làm các nội dung, trong đó có cả các vật trang trí trong lễ hội không  còn nhiều. Cá nhân ông đã rất tích cực lưu giữ, bảo tồn nhưng sức lực có hạn. Vì thế ông mong địa phương cần có kế hoạch, đầu tư kinh phí truyền dạy, sửa chữa các vật dụng phục vụ cho lễ hội. Ông Vì Văn Phịnh cho biết: "Chủ yếu là kinh phí để sửa chữa những phần bị hỏng hóc, như mua chỉ, thuê người làm. Cũng có thể tố chức thành ngày cả con cháu đến cùng làm, đấy cũng là một hình thức để truyền dậy và lưu giữ. Tôi chỉ biết làm phần thô thôi, còn những kỹ thuật này rất khó làm và tốn rất nhiều thời gian. Vì vậy chúng tôi cũng xin đề xuất cần có nguồn kinh phí như vậy”.
Lễ hội Hết Chá là nét văn hóa tâm linh sâu sắc, mang ý nghĩa đoàn kết cộng đồng của người Thái Trắng mộc Châu. Lễ hội là dịp để bà con thắt chặt thêm tình đoàn kết bản trên mường dưới, xây dựng cuộc sống ấm no.
Nguồn: VOV-Tây Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét