Ông Nguyễn Văn Tiếng sinh năm 1900 tại Thừa Thiên-Huế. Giữa thập niên 20 thế kỷ trước, khi người Pháp tuyển mộ lao động để xây dựng Đà Lạt trở thành thủ phủ của Đông Dương, ông đưa gia đình vào Đà Lạt lập nghiệp.
Buổi ban đầu ông xin việc tại hãng thầu xây dựng Eiffel của Pháp, trong giai đoạn hãng đang thi công nhiều công trình khắp Đông Dương. Nhờ có trình độ học vấn tương đối cao, lại thông minh lanh lợi nên ông được tuyển dụng làm giám thị (surveillant) công trường xây dựng đường bộ từ B’lao đến Đà Lạt, từ đó ông có tên “Xu Tiếng”.
Lúc đó đoạn đường hơn 100 km từ B’lao lên Đà Lạt phải qua toàn núi đồi hoang vu, đầy thú dữ nhưng Nguyễn Văn Tiếng vẫn chấp nhận lăn lóc với nắng mưa, giá lạnh và cả căn bệnh sốt rét hoành hành để vừa làm vừa học. Ông học cách điều hành quản lý của người Pháp, học cách làm sổ sách, ghi nhật ký công trường…, bởi lúc đó chàng trai này đã ấp ủ ước mơ khi có cơ hội thuận tiện sẽ mở công ty xây dựng riêng. Là người có ý thức trong công việc, ham mê học hỏi và luôn tuân thủ kỷ luật công trường, nên ông được hãng thầu Eiffel chuyển về Đà Lạt đảm nhận công việc có trách nhiệm và quyền hạn cao hơn.
Xây Sở Địa Dư Đông Dương
Cụ Đinh Thị Hiển (89 tuổi, em dâu của vợ ông Tiếng) cho biết năm 1937 khi cụ theo gia đình vào Đà Lạt đã nghe danh ông Tiếng là một nhà thầu xây dựng nổi tiếng. Cụ không biết rõ ông Tiếng bắt đầu thầu xây cất biệt thự cho người Pháp từ năm nào, chỉ nhớ cùng thời ông có nhà thầu Võ Đình Dung xây cất nhà ga xe lửa Đà Lạt và nhiều dãy phố ở Đà Lạt. Còn ông Nguyễn Thái Hai (một người sống lâu năm tại Đà Lạt, nay định cư tại Mỹ) cho biết thêm nhờ có kinh nghiệm và uy tín trong thời gian làm với hãng thầu Eiffel, nên năm 1937 ông Tiếng được chính quyền Pháp giao cho xây khu cư xá Saint Benoit và năm 1942 xây dựng khu Cité Decoux gồm 51 căn nhà dành cho công chức Pháp lương thấp và đông con.
Ông Xu TiếngẢNH: LÂM VIÊN CHỤP LẠI
|
Vào năm 1939, ông Tiếng trúng thầu xây dựng Sở Địa dư Đông Dương. Đây là một công trình lớn, khi hoàn thành sẽ in ấn và phát hành bản đồ cho cả 3 nước Đông Dương. Với kinh nghiệm và kiến thức học được từ người Pháp, ông Tiếng đã hoàn tất dự án vào năm 1943. Tòa nhà uy nghi, đồ sộ này có kiến trúc mang phong cách Pháp với tường xây hoàn toàn bằng đá chẻ, hài hòa kiến trúc công trình Trường Grand Lycée Yersin (nay là Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt) nằm gần đó. Năm 1955, nơi đây được đổi thành Nha Địa dư quốc gia của VN cộng hòa, và nay là Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt. Cho đến nay, tòa nhà này vẫn là một trong những di sản kiến trúc tiêu biểu của thành phố hoa.
Theo ông Nguyễn Thái Hai, khi vừa xây xong Sở Địa dư, do ảnh hưởng của Chiến tranh thế giới thứ 2 gia đình ông Tiếng cùng nhiều gia đình gốc Huế khác phải tản cư về Huế mà chưa kịp lãnh tiền công xá, vật liệu. Năm 1947 ông Tiếng hồi cư Đà Lạt. Thật may mắn, lúc đó ông Baillon, chỉ huy trưởng các công trình xây dựng ở Đà Lạt, vẫn còn tại chức. Baillon biết ông Tiếng xây xong Sở Địa dư nhưng chưa kịp lãnh tiền nên cấp giấy chứng nhận để ông Tiếng được truy lãnh. Nhờ đó ông Tiếng có vốn để tiếp tục phát triển nghề cũ.
Từ sau năm 1945, người Pháp hạn chế xây cất dinh thự mà chỉ tân trang nội thất các dinh thự cũ. Nhờ uy tín và kỹ lưỡng, người Pháp giao cho ông Tiếng nhiều công trình để thay thế các trang thiết bị mới từ Pháp như bếp sắt, bồn tắm hay thay sàn gỗ mới, bình phong…
Hãng cưa hiện đại
Cụ Đinh Thị Hiển nhớ lại: Để tự chủ trong việc thầu xây dựng, ông Tiếng mở nhà máy đúc gạch và ngói xi măng ngay tại Đà Lạt, thay vì phải đánh xe xuống tận La Ba (Đức Trọng) hoặc Di Linh chở lên mất thêm phí chuyên chở. Từ năm 1948, ông Tiếng mở hãng cưa xẻ gỗ với tên gọi Thiện Nghĩa, tên của người con trai trưởng, để kỷ niệm người con đã giúp ông nhiều trên đường lập nghiệp nhưng mất sớm.
Năm 1953, ông Tiếng nâng cấp xưởng cưa, thay vì xẻ gỗ bằng tay ông nhờ người con đang du học ở Pháp đặt mua một số máy cưa, máy xẻ gỗ và bộ dụng cụ ngành mộc, một số catalogue… cho nên Thiện Nghĩa trở thành hãng cưa hiện đại nhất Đà Lạt thời đó. Ông Tiếng còn nghiên cứu tự sản xuất ván ghép sàn nhà để cung cấp cho việc xây dựng các biệt thự kiến trúc Pháp.
Từ ngày vào Đà Lạt lập nghiệp, gia đình ông Tiếng thường xuyên giúp đỡ chùa Linh Sơn, một trong những ngôi chùa nổi tiếng tại Đà Lạt. Ông là một trong số những sáng lập viên Hội Phật học Đà Lạt.
Lâm Viên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét