Đền thờ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa nằm trong khuôn viên rộng khoảng 10.000 m2, gần trung tâm thành phố, cổng tam quan nổi bật với cổng chính 2 tầng lợp ngói ống, chạm trổ tinh tế. Bên trong có các công trình gồm ba tòa nhà lớn, chính giữa là nhà thờ, bên trái nhà trưng bày, bên phải nhà khách và một nhà bia ngay cổng vào tóm tắt tiểu sử công đức của cụ.
Khánh thành vào năm 2013, khu đền thờ được xây dựng theo lối cổ. Mái ngói màu xanh lưu ly trên đỉnh gắn cặp cá hóa long, bốn góc mái thiết kế biểu tượng cánh chim phượng đang bay. Cột cái của nhà thờ được sơn màu nâu đỏ; các bao lam chạm trổ công phu. Bệ thờ đặt tượng của cụ, hai bên có đôi chim hạc đứng hầu.
Theo ông Lê Văn Hoằng, người gắn bó với khu đền thờ từ hơn 40 năm trước, ngôi mộ xưa của cụ Bùi Hữu Nghĩa được xây dựng vào năm 1872 bằng đá ong, nằm trong khu vườn Đốc phủ Dương Thân Hỷ. Trước mộ có tấm bia đá do con trai cụ là Bùi Hữu Tú dựng. Khoảng năm 1942, Hội Khuyến học Cần Thơ đứng ra trùng tu. Sau nhiều năm, mộ bị sụp đổ, vỡ thành nhiều mảng, bia mộ xiêu vẹo. Giai đoạn chiến tranh, dân tứ xứ tản cư về đây ở, khu vực quanh mộ người ta tận dụng đất trồng rau cải. Dọc theo đường dẫn vào mộ, nhà cửa mọc lên mỗi lúc một nhiều. Mỗi năm một lần, chỉ có học sinh Trường Phan Thanh Giản và Hội Khuyến học Cần Thơ đến viếng, dọn dẹp làm cỏ.
Đến năm 1974, sau khi TX.Cần Thơ thành lập Quận Nhứt, ông Lê Văn Giàu từ Ô Môn đổi về đây làm quận trưởng. Là người rất quan tâm đến lịch sử địa phương nên ông đã cho tìm kiếm các di tích xưa trong tỉnh lập đồ án phục hồi lại. Tìm được mộ cụ thủ khoa, ông đứng ra lập Ban kiến thiết tập hợp thân hào nhân sĩ và bà con xung quanh lo việc xây dựng đền thờ. Lúc này ông Hoằng còn trẻ, được phân công theo dõi sổ sách tài chính cho Ban kiến thiết.
Ông Hoằng kể tiếp: “Khi khởi công, quận trưởng còn huy động cả lính tráng ở quận, xã phụ việc xây cất. Vì vậy chỉ trong vòng mấy tháng, đền thờ cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa được xây dựng xong. Gọi là đền thờ, nhưng quy mô rất khiêm tốn, khoảng non 20 thước vuông, cất phía sau ngôi mộ cụ chừng vài thước. Trước cửa đền thờ có đôi liễn viết chữ quốc ngữ: Ngòi bút Nghi Chi rồng phụng cao bay châu ngọc sắc/Tấm gương Hữu Nghĩa trời trăng ngời chiếu nước non tình”. (Nghi Chi là hiệu của cụ Nghĩa). Theo ông Hoằng, câu đối này do nhóm Hưng cổ Văn đàn ở Cần Thơ biên soạn.
Sau năm 1975, ngôi đền cụ thủ khoa đã trải qua hơn 10 năm không được cúng bái. “Đến năm 1987, chính quyền địa phương tổ chức hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 180 năm ngày sinh của cụ, trong đó khẳng định công lao của cụ, từ đó việc cúng bái mới chính thức được tổ chức. Nhưng lúc này điều kiện rất khó khăn. Tôi và các thành viên trong Ban khánh tiết phải đi mướn nhạc lễ Cao Đài, mượn học trò lễ đình Bình Thủy đến thực hành nghi lễ. Hôm trước tổ chức rước linh vị cụ từ chùa Nam Nhã về, cúng xong trả linh vị về chùa để hôm sau cúng giỗ. Hồi đó, chưa có tiền sắm kiệu nên linh vị phải để trên khay bưng đi bộ. Thấy việc rước sách nặng nề, một người hảo tâm đặt làm cái kiệu 8 người khiêng, sau đóng thành xe kiệu tiện lợi hơn. Hiện chiếc kiệu này để tại chùa Nam Nhã”, ông Hoằng cho biết.
Hiện nay, tới ngày giỗ cụ hằng năm, người dân từ các nơi về dự rất đông. Còn ngày thường, vào thứ bảy, chủ nhật có khoảng vài trăm khách tới viếng. Về phần mộ của cụ bà Nguyễn Thị Tồn, theo ông Hoằng, vào năm 1974, Ban xây dựng có cử người ra Biên Hòa tìm. Nhưng sau này, do dân cư phát triển, ngôi mộ bị thất lạc. Còn ngôi mộ nằm cạnh mộ cụ hiện nay là mộ giả.
Vị quan thanh liêm, chính trực
Cụ Bùi Hữu Nghĩa sinh năm 1807 tại làng Bình Thủy (nay thuộc P.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) trong một gia đình làm nghề chài lưới. Năm 1835, Bùi Hữu Nghĩa đỗ thủ khoa kỳ thi Hương ở Gia Định và được bổ nhiệm làm quan Tri huyện ở Biên Hòa; sau đó kết duyên với Nguyễn Thị Tồn, là con gái trong gia đình đã cưu mang ông ăn học. Ít lâu sau, cụ chuyển về trấn nhậm ở phủ Trà Vang (Trà Vinh).
Ở Trà Vinh, cụ bênh vực người nghèo, đối đầu với bọn quan tham trong vụ án Láng Thé nên bị họ khép tội chết. Vợ cụ đón ghe bầu ra Huế kêu oan. Sau đó, bà đã thành công trong vụ kiện, cụ Bùi được tha tội tử hình.
Khi thực dân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ, Bùi Hữu Nghĩa xin từ quan về quê dạy học, làm thơ, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, bí mật giúp nghĩa quân Phan Tôn, Phan Liêm và làm cố vấn cho nghĩa quân Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự ở Cần Thơ... Ngày 21 tháng 01 năm Nhâm Thân (1872), cụ qua đời sau cơn bệnh nặng.
Bùi Hữu Nghĩa còn là một nhà thơ nổi tiếng, đặc biệt vở tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên do cụ sáng tác (in lần đầu vào năm 1895) được coi là một trong những vở tuồng cổ nhất ở Nam bộ.
|
Ngọc Phan - Hoàng Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét