Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

Xem 'sổ đỏ' khu phố Tây xưa ở Hà Nội


Phố Lê Thánh Tông xưaẢNH: TƯ LIỆU
Nhờ các tư liệu địa chính, nhóm nghiên cứu của PGS-TS Phan Phương Thảo đã kể những câu chuyện, những hình dung về Hà Nội khi người Pháp biến nó thành Paris thu nhỏ.
“Gọi là tài liệu địa chính hay còn gọi là địa bạ thời cận đại, nó như “sổ đỏ” bây giờ”, bà Thảo nói.
PGS-TS Phan Phương Thảo đã mất nhiều năm để tìm tư liệu lưu trữ ở Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội. Đó là những bằng khoán điền thổ lưu trữ từ thời Pháp thuộc. “Đó chính là những ghi chép trung thực, mang tính hệ thống vì được triển khai đồng loạt trên phạm vi toàn thành phố Hà Nội, về từng ngôi nhà, con phố với đầy đủ các loại hình nhà tạm, nhà gác, sân, vườn, không gian… Việc khai thác khối tư liệu này trên quy mô cả khu vực hoàn toàn cho phép phục dựng lại diện mạo khu phố Pháp nửa đầu thế kỷ 20”, bà Thảo chia sẻ. Bà hiện là Phó chủ nhiệm bộ môn lý luận sử học, Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội.
Xem 'sổ đỏ' khu phố Tây xưa ở Hà Nội - ảnh 1
Trong cái ngăn nắp của khu phố Tây, mỗi một ngôi nhà là một cuộc đối thoại với đường phố. Không ngôi nhà nào giống ngôi nhà nào cả. Mỗi một ngôi nhà đều thể hiện chân dung của người chủ ngôi nhà với đường phố mà người ta định cư
Xem 'sổ đỏ' khu phố Tây xưa ở Hà Nội - ảnh 2
KTS Phạm Huy Ánh, Viện Nghiên cứu kiến trúc quốc gia
Những nghiên cứu này mới đây đã được xuất bản thành cuốn Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính. Sách do NXB Hà Nội và Công ty Nhã Nam xuất bản. Nhóm nghiên cứu gồm bà Thảo, PGS-TS Nguyễn Thừa Hỷ, TS Đào Thị Diến, TS Tạ Hoàng Vân, Th.S Nguyễn Thị Bình đã công bố các chuyên đề trong sách, qua đó quá trình hình thành và diện mạo khu phố Tây hiện ra rõ ràng.
“Phải nói, đây là một khảo cứu công phu về tư liệu, có ích với người nghiên cứu kiến trúc và đô thị”, GS-KTS Hoàng Đạo Kính, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, nói.
Một Paris thu nhỏ
Khu phố Tây, theo PGS-TS Nguyễn Thừa Hỷ, là thuật ngữ dùng để phân biệt với khu phố cổ Việt - Hoa truyền thống. Cũng theo ông Hỷ, khu phố Tây ở Đông Nam hồ Hoàn Kiếm được coi là khu phố Tây đầu tiên. Khu phố Tây ở phía tây thành Hà Nội được coi là khu phố Tây II, hình thành sau khu đầu tiên 10 năm.
Trong những năm hình thành khu phố Tây, Hà Nội chứng kiến những cuộc chỉnh trang đường phố, nhà cửa. Trước đó, theo ông Hỷ, đa phần các phố là đường đất, không có vỉa hè, thường lầy lội lúc trời mưa và bụi bặm khi trời nắng. Nhà ống, mặt tiền hẹp, lòng nhà sâu, có nhiều nhà lợp gianh cản trở giao thông, chưa kể thường xuyên gây hỏa hoạn. “Trong hồi ký của mình, Công sứ Bonnai kể lại rằng năm 1883 ông đã đề nghị Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ bắt các cửa hiệu phải lùi mái hiên lại cho lối đi thoáng rộng. Ông cũng ra lệnh cho viên cảnh sát trưởng bắt các tù nhân lao động khổ sai san bằng các mặt đường, đào rãnh thoát nước, lát vỉa hè và rải gạch đá lòng đường. Không có kinh phí riêng, Bonnai đã sai phá hủy những ngôi nhà gạch bị quân Cờ Đen đốt cháy dở ở phố Nhà Chung và bên bờ hồ Hoàn Kiếm, lấy gạch ngói vụn để rải mặt đường cho 150 phố ngõ của Hà Nội”, ông Hỷ viết.
Cuốn sách cũng cho biết: “Năm 1932, Hội đồng thành phố quyết định cải tạo các khu phố bị ô nhiễm, mà vấn đề mấu chốt, theo biên bản phiên họp tháng 8.1932 là cần phải nghiêm cấm làm các nhà bằng gianh trong thành phố”.
Quá trình thay đổi Hà Nội còn được mô tả qua từng địa điểm rất cụ thể. Chẳng hạn, có thể đọc được bờ hồ Hoàn Kiếm đã thay đổi ra sao, đặc biệt là dưới thời của Paul Bert làm Tổng Trú sứ. Nếu như trước đó, ven bờ hồ còn là nơi phụ nữ ra đấy, ngồi xổm trên ván cầu ao để rửa rau vo gạo thì sau đó một cuộc chỉnh trang lớn đã diễn ra. Suốt những năm 1891 - 1892, nhà cầm quyền đã giải tỏa các khu nhà lá ven hồ. “Đầu 1892, những ngôi nhà cuối cùng trong diện giải tỏa ở phố Hàng Khay đổ sụp xuống như những lâu đài bằng quân bài dưới nhát cuốc của đội phá hủy... Hầu như công chúng đã có thể hoàn toàn đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, giữa những vườn trồng các loại cây thảo mộc nhiệt đới”, sách viết.
“Các tác giả đã biến những tư liệu thành cuộc sống sinh động. Quá trình hình thành Hà Nội từ một làng thành một đô thị và quy hoạch đẹp đẽ như mục tiêu người Pháp đặt ra lúc bấy giờ - một Paris thu nhỏ”, KTS Phạm Huy Ánh, Viện Nghiên cứu kiến trúc quốc gia, nói.
Những kỹ thuật quản trị đô thị
Song điều mà ông Ánh thích thú nhất ở cuốn sách lại là việc nó đã hé lộ kỹ thuật quản trị đô thị của người Pháp ở Hà Nội xưa. Chẳng hạn, nó cho biết, người Pháp đã quy hoạch diện tích hồ ra sao, tạo lập quy chuẩn các khu nhà trọ cho công nhân với chỗ đi vệ sinh, thu lấy phân thải theo đúng quy định như thế nào… “Ngày 4.6.1934, thành phố ban hành nghị định buộc ông Nguyễn Văn Ký phải phá dỡ trong thời hạn 8 ngày ngôi nhà của mình ở số 54 và 56 phố Riquier (Nguyễn Du), bao gồm: ngôi nhà chính ở mặt phố, ngôi nhà phụ thẳng góc, bếp và WC. Lý do: ngôi nhà đe dọa bị sụp đổ. Nếu ông Ký không đồng ý, thì trong vòng 8 giờ, phải cử chuyên gia của mình đến tranh biện với đại diện thành phố”, một câu chuyện trong sách viết.
Xem 'sổ đỏ' khu phố Tây xưa ở Hà Nội - ảnh 3
“Tất nhiên, mỗi biện pháp cụ thể chỉ đúng trong thời đại đó và ngày nay chủ nhân của thành phố cũng khác đi. Nhưng người ta vẫn có thể học ở đó cách tiếp cận vấn đề, làm sao để đi đến đồng thuận trong quản lý đô thị. Chẳng hạn, có thể thấy bài học rằng cuộc chơi của thành phố cũng phải là cuộc chơi của toàn thể cư dân thành phố. Người ta nhìn thấy, thị trưởng gửi thư trả lời thắc mắc của từng người dân, tranh luận về từng vấn đề. Đây là một cuộc đối thoại của người quản trị thành phố và cư dân thành phố để họ cùng nhau xây dựng khung cảnh thành phố có trật tự. Nghĩa là rất dân chủ”, ông Ánh nói.
Cũng theo ông Ánh, có thể tìm thấy bài học về việc rất cần phát triển các kiến trúc có cá tính hài hòa về tổng thể, chứ không phải chỉ nhà san sát giống hệt nhau, hay từng nhà thì đẹp mà cả khu thì xấu. “Trong cái ngăn nắp của khu phố Tây, mỗi một ngôi nhà là một cuộc đối thoại với đường phố. Không ngôi nhà nào giống ngôi nhà nào cả. Mỗi một ngôi nhà đều thể hiện chân dung của người chủ ngôi nhà với đường phố mà người ta định cư”, ông Ánh nói. Quả thật, trong cuốn sách, các kiểu kiến trúc đã được mô tả khá cụ thể.
Trinh Ngyễn

Quản lý vỉa hè xưa ở Hà Nội

Phố Tràng Tiền thập niên 1930 - 1940
Trong quy hoạch một đô thị văn minh, vỉa hè là khoảng công cộng dành cho người đi bộ. Còn theo kiến trúc, vỉa hè là đường diềm, trang trí cho phố phường tạo ra sự hài hòa giữa đường và nhà mặt phố.
Người Pháp đã làm những điều đó ở Hà Nội từ cuối thế kỷ 19.
Cho thuê vỉa hè, dân mặt phố phải dọn vệ sinh
Sau khi chiếm được thành Hà Nội năm 1882, chiếm Hà Nội năm 1883, Công sứ Bonnal đưa ra chủ trương cải tạo khu vực quanh hồ Gươm. Việc đầu tiên, Bonnal cho làm con đường quan trọng từ khu nhượng địa Đồn Thủy (nay tương ứng khu vực phố Phạm Ngũ Lão) vào thành để chở vũ khí, lương thực cho binh lính Pháp đóng ở đây. Con đường bắt đầu từ Đồn Thủy qua Hàng Khảm (nay là Tràng Tiền và Hàng Khay), Tràng Thi đến Cửa Nam rồi vào thành. Đường hoàn thành cuối năm 1885, rộng hơn 10 m, riêng đoạn Tràng Tiền hai bên có vỉa hè được lát gạch, trồng phượng để giảm bớt nắng nóng vào mùa hè ở xứ Bắc kỳ. Và vỉa hè Tràng Tiền là vỉa hè đầu tiên theo kiểu phương Tây ở Hà Nội.
Công việc cải tạo và xây dựng khu phố phía nam hồ Gươm cần nhiều thời gian và tiền bạc. Vì thế đến năm 1889 mới chỉ vài phố quanh hồ Gươm có vỉa hè, song để Hà Nội nề nếp và quy củ, Thống sứ Bắc Kỳ đã ra nghị định quản lý đô thị (đăng trên Công báo ngày 21.4.1890), trong đó điều 1 ghi rõ: “Những phố hiện có và sẽ được tạo nên có chiều rộng lòng đường và vỉa hè được chỉ định”, kèm theo là phụ lục gồm các phố đã có và các phố sẽ mở. Với các phố ở khu vực “36 phố phường”, vỉa hè hẹp nhất cũng phải 3 m, một số phố sẽ là 4 m. Với các khu phố ở phía đông và phía nam hồ Gươm như: Ngô Quyền, Lê Phụng Hiểu, Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo... vỉa hè tối thiểu phải rộng 5 m, phố rộng nhất là 7,5 m.
Để nhà mặt phố hài hòa với vỉa hè, trong Quy chế lục lộ ban hành ngày 21.9.1891 ghi cụ thể: “Vỉa hè rộng 3 m thì bậc cửa ra vào chỉ được phép cao 10 cm, vỉa hè rộng 5 m thì bậc cửa là 15 cm và vỉa hè rộng 7,5 m thì bậc cửa cao 20 cm...”. Bên cạnh đó còn có quy định về chiều cao, cửa sổ, ban công... rất chi tiết. Quy chế cũng quy định: “Tất cả chủ nhà mặt phố, người thuê phải có trách nhiệm dọn vệ sinh hè phố trước cửa nhà, khơi thông rãnh thoát nước, nếu không thực hiện sẽ bị phạt theo các điều của bộ luật Hình sự nước Pháp”. Cũng theo quy chế thì cánh cửa ra vào nhà mặt tiền phải mở vào trong, không được mở ra ngoài để tránh gây thương tích cho người đi lại.
Quy định về vật liệu làm vỉa hè rất cụ thể: “Vỉa hè được lát bằng đá hình vuông khổ 30 x 30 cm, dày 3 cm, trên mặt khía chéo để tránh trơn trượt cho người đi đường. Mép hè là đá xanh chôn sâu xuống mặt đường vừa làm bờ rãnh thoát nước vừa làm vật chắn phòng xe ngựa lao lên hè gây thương tích cho người đi bộ”. Trên vỉa hè bao quanh nhà Godard (nay là Tràng Tiền Plaza), trước lối vào có dòng chữ tiếng Pháp “Khu vực cấm để xe đạp” bằng đá trắng gắn chìm vào vỉa hè.
Để có nguồn vốn bảo trì vỉa hè mà không dùng ngân sách, ngày 20.12.1889, Đốc lý Hà Nội Landes đã ban hành một nghị định cho thuê vỉa hè để dân mở cửa hàng hay bán cà phê với giá 40 xu/m2/năm. Cùng với đó, chính quyền cũng đánh thuế ban công, thuế ô văng. Với biển quảng cáo, nếu là biển phẳng áp vào tường không gây nguy hiểm cho người đi bộ sẽ miễn thuế, nhưng nếu làm nhô ra sẽ thu thuế theo diện tích, số tiền này cũng được đưa vào quỹ bảo trì. Với cây xanh, sở lục lộ chọn cây thân thẳng, rễ cọc, chiều cao trên 10 m mới tỏa tán để đảm bảo tính mạng, tránh thương vong cho người trong mùa mưa bão. Hằng ngày, cảnh sát lục lộ đi tuần, họ đạp xe quanh các phố, nếu phát hiện vi phạm thì xử phạt, nếu không có tiền sẽ đưa về bót.
Đầu thế kỷ 20, số khách sạn hạng sang xuất hiện ngày càng nhiều quanh khu vực hồ Gươm thì chủ khách sạn đã thuê vỉa hè mở quán cà phê dọc theo mái hiên. Không chỉ người Pháp sống ở Hà Nội, khách du lịch châu Âu đến thành phố này rất thích thú khi ngồi uống cà phê vỉa hè ngắm phố.
Thập niên 1930, dân số lúc này đã tăng lên 300.000 người, số lượng xe kéo tăng vọt, xe đạp xuất hiện trên phố nhiều hơn và trở thành phương tiện giao thông cá nhân chủ đạo. Trước sự lộn xộn của phương tiện này, ngày 25.5.1933, Đốc lý Louis Frédéric Eckert ra quy định: “Trước các cửa hàng phải có giá để xe đạp cho khách” (giá làm bằng sắt, hình bán nguyệt, để đưa bánh trước vào). Quy hoạch cũ đã lạc hậu, không còn phù hợp, năm 1936 Toàn quyền Đông Dương Silvestre quyết định cho quy hoạch lại Hà Nội. Trong bản quy hoạch Henri Ceruti được phê duyệt năm 1943, có một phần bắt buộc các trung tâm thương mại phải có chỗ đậu xe cho khách hàng, các bãi đất trống làm bãi đậu xe công cộng. Tuy nhiên, lúc này quân đội Nhật đã chiếm Đông Dương nên quy hoạch không được thực hiện.
Vỉa hè thành “chợ” từ khi nào?
Sau năm 1954, các quy định cũ về quản lý đô thị Hà Nội bị bãi bỏ, nhưng người dân cơ bản vẫn tự giác vệ sinh vỉa hè trước nhà theo nếp đã hình thành trước đó. Việc cho thuê vỉa hè cũng không còn và từ tài sản công do thành phố quản lý vỉa hè đã trở thành tài sản của nhân dân.
Quản lý vỉa hè xưa ở Hà Nội - ảnh 1
Vỉa hè phố Hàng Khay thập niên 1930 - 1940ẢNH: TƯ LIỆU
Khi Mỹ ném bom miền Bắc năm 1964, vỉa hè đẹp đẽ bắt đầu gánh vác một sứ mạng mới. Người ta cho đào các hầm trú bom cá nhân trên hè phố, mỗi hầm rộng khoảng 6 - 8 m. Người đang đi trên đường nếu nghe còi báo động từ nóc Nhà hát Lớn sẽ chui xuống hầm này tránh mảnh bom. Tháng 1.1973, Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ phải rút quân khỏi VN và miền Bắc được sống trong hòa bình thì các hầm trú ẩn đa phần bị lấp. Ở các phố trung tâm, xí nghiệp quản lý vỉa hè cho láng xi măng lấp dấu vết hầm nhưng các phố khác thì nó trở thành hố trũng đọng nước mỗi khi trời mưa. Rồi nước sạch dùng cho sinh hoạt thiếu trầm trọng, nước từ đường ống chính không chảy nổi vào các vòi trong nhà nên dân hàng phố đua nhau đào bể trên vỉa hè lấy nước từ đường ống chính. Vỉa hè thành chỗ rửa rau vo gạo, giặt giũ quần áo, tắm táp vào mùa hè, luộc bánh chưng vào Tết Nguyên đán, là khách sạn “đờ la hiên” cho các bác xích lô quê. Vỉa hè các phố xa hồ Gươm lồi lõm, chỗ trơ đất, chỗ còn gạch, lở loét như bị nhiễm trùng.
Suốt thời bao cấp, buổi sáng vỉa hè là chỗ ngồi của mấy bà bán phở gánh, bán bún ốc, bán bánh cuốn, “đầu hè trung tá bơm xe, cuối hè thiếu tá bán chè đậu đen”, là nơi các ông chữa xe đạp chiếm cứ dưới chân cột điện, góc ngã ba ngã tư. Vỉa hè thực sự trở thành nơi họp chợ, vì thế dân gian mới có câu: “Hàng Bè chợ của thương nhân/Vỉa hè chợ của nhân dân anh hùng”. Từ tài sản của nhân dân, vỉa hè dần dần bị các nhà mặt phố cát cứ, biến thành lãnh địa riêng.
Trong lịch sử, vỉa hè Hà Nội không chỉ dành cho người đi bộ mà còn là nơi kiếm sống của tầng lớp thị dân. Dĩ nhiên, xưa dân số Hà Nội ít, phương tiện giao thông không nhiều còn nay thì khác. Đó là một bài toán không dễ cho cơ quan quản lý.
Nguyễn Ngọc Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét