Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Ăn để “sung” chuyện chăn gối

Theo Kênh truyền hình Fox News (Mỹ), Amy Reiley - một chuyên gia về ẩm thực có tiếng của nước này - đã tiết lộ một số thực phẩm giúp tăng cường chuyện ái ân.











Đó là:

• Quả vả (sung): Theo chuyên gia Reiley, quả vả giàu chất mangan, vitamin E và kẽm, vốn là những chất rầt cần thiết cho sức khỏe tình dục.
• Dưa hấu: Dưa hấu chứa citrulline, có tác dụng kích thích cơ thể sản sinh ra chất arginine, qua đó giúp mạch máu giãn nở. Dưa hấu được xem có tác dụng giống như thuốc tiên Viagra.

• Rượu sâm banh (Champagne): Đây là một loại thức uống mà những ai muốn cải thiện cuộc sống vợ chồng không thể bỏ qua. Thức uống này đi vào dòng máu nhanh hơn rượu vang vì thế bạn không cần phải uống nhiều. Rượu sâm banh cũng chứa nhiều chất chống ô-xy hóa, có tác dụng tăng ham muốn tình dục.

• Ớt trái: Có tác dụng khơi lại ngọn lửa đam mê tình dục vốn dễ thường "lụi tàn" ở những cặp vợ chồng lâu năm… Ớt còn giúp làm tăng thân nhiệt.

• Phó mát: Ăn phó mát giúp sản sinh hàm lượng endorphin (một loại hormone đem lại cảm giác dễ chịu, giúp giảm đau) nhiều hơn gấp 10 lần sô-cô-la và giúp bạn đam mê chuyện gối chăn.


Theo Thanh niên

Cá nướng da giòn


Ướp khoảng 20'. Lấy 1 trứng gà đánh tan và phết đều lên cá. Sau đó rắc ít bột loại cho tôm chiên xù .


Nguyên liệu:

- 1 con cá; bột xù; bột nêm chay; 1 quả trứng gà; dầu mè

Cách làm

Cá ướp với tỏi và ớt bằm kha khá, sau đó pha với bột nêm chay.

Xẻ lưng trên mình cá và nhét, rắc gia vị lên trên cá.

Ướp khoảng 20'.  Lấy 1 trứng gà đánh tan và phết đều lên cá.  Sau đó rắc ít bột loại cho tôm chiên xù .

Cho cá vào lò nướng tới khi da cá hơi khô là phết dầu lên.

Nếu thích màu thì dùng màu hột điều phết lên

Trang trí

- Rắc lạc xung quanh đĩa, nhét 1 vài miếng chanh thái mỏng gần bụng cá

- Trang trí thêm vài cây hành

Thu Chi

Sài Gòn lẩu dê


Nếu bạn muốn làm luận văn về... món lẩu, không cần đi đâu xa, chỉ đi đến Sài Gòn là đủ. Vì Sài Gòn cũng giống như một nồi lẩu lớn trong đó hàm chứa tất cả các thứ lẩu trên đời.
Trước nhất là lẩu dê. Nức tiếng cũng lẩu dê mà tai tiếng cũng từ lẩu dê. Vì chưng bản chất của dê là tai tiếng. Đi vào ẩm thực nó còn tai tiếng hơn nữa. Không phải vì người ta treo đầu dê nấu thịt chó - được vậy là phúc trong hoạ, mà là treo đầu dê bán đủ thứ thịt. Chẳng hạn vú dê. Còn khuya người dân nuôi dê mới chịu bán con dê cái của mình, như vậy lấy vú dê đâu để cung cấp cho hàng triệu cái miệng Sài Gòn mỗi ngày?

Sáu Đấu - bếp trưởng quán Huỳnh chuyên lẩu dê núi Ninh Bình, trên con đường hẻm Lê Văn Sỹ dọc kênh Nhiêu Lộc, gần cầu số 9, thú nhận: "Khách tới đây, tôi phải nói thật, không có vú dê, chỉ có vú heo. Đồng ý thì bếp làm".

Còn thịt chó mắc hơn thịt dê, nên câu thành ngữ xưa không còn vận vào nghĩa đen nữa. Chỉ có thịt bê và pín cừu trong phần lớn các quán. Bởi vậy, nhiều quán đông nườm nượp như một quán dê ở ven sông Thanh Đa tìm đỏ con mắt không thấy miếng da dê dính theo thịt, còn pín dê thì ngoại khổ do "hồn" cừu mà "da" dê…

Cho nên, muốn tìm quán dê thứ thiệt phải có thổ địa sành ăn mách nước.

Hợp âm lẩu dê

Lẩu dê được đánh giá là ngon phải thơm và còn thoang thoảng mùi hăng của dê. Không phải là tả pí lù rồi muốn gì muốn, mà phải là cả một hợp âm. Tuỳ theo gu, mùi vị của lẩu dê có thể thay đổi chút ít.


Như lẩu dê Bàu Sen chọn riêng cho mình gu thuốc bắc đậm mùi. Nhưng không phải ai cũng thích mùi này. Ăn lẩu dê không thể thiếu cải bẹ xanh, tần ô và lá tía tô. Những món khác rau như đậu hủ, tàu hủ ky, khoai môn cũng được xem là thành phần làm nên cái lẩu dê và nước chấm chính của món lẩu này là chao. Chấm miếng thịt dê với chao, vị ngọt của thịt càng đầy đặn hơn bởi vị béo, độ mặn và mùi chao khó có thứ nước chấm nào khả dĩ thay thế được.

Thời gian sau này, để phục vụ khách sành điệu tốt hơn, quán Thái Dương Ký, Q.12 có thêm món lẩu dê khô. Đây là món lẩu dê 2 trong 1, người ăn tự xào thịt dê khô trong lẩu ăn khai vị với rau cải trước, sau đó mới cho nước lẩu vào ăn như một món lẩu bình thường.

Cô Nguyễn Thị Vân, trường Nghiệp vụ Du lịch Saigon Tourist lại chế biến món lẩu dê nấu măng. Món lẩu này nước lẩu thật trong, gần như không có dầu mỡ nên có thể ăn nhiều mà không bị ngán, mùi vị lẩu thanh cảnh khác hẳn những món lẩu dê truyền thống. Một kiểu nấu mới bổ sung cho sự đa dạng của món lẩu dê vốn đã được nhiều người ưa thích bao năm qua.

Dê núi

Gần đây, dê núi Ninh Bình, có nơi còn gọi là dê thượng, xuất hiện ở một số quán mới nổi lên tại Sài Gòn, đa phần là quán gốc Bắc. Để bảo đảm với khách, nhiều quán chưng dê sống hoặc dê đã cạo lông mổ ruột làm bằng chứng dê thật. Nhiều tay độc miệng bảo, coi chừng họ chưng dê… nhựa.

Nhưng thực tình, bạn có thể tìm thấy da trong các lẩu dê núi này, da dê khi nấu lên dày chừng 2mm, thậm chí còn tìm thấy xương sống, lớn hơn xương chó một chút, để xác quyết là dê, chứ không phải là bê.

Và quen ăn, dê có vị riêng không thể lẫn với bê đực - con vật cần được chuyển qua xẻ thịt nhiều nhất, cho đỡ tốn công nuôi. Dê Ninh Bình lại không có mỡ, vì vốn vùng đất này nghèo, người còn chật vật, nên nếu quả dê ở đây thì đích thật là dê nhà nghèo.

Hòa Lan. (Theo SGTT)

Lẩu bò Sài Gòn


Phố lẩu bò Ngô Thời Nhiệm nổi danh, nhưng hơn nhau còn ăn thua món nước tương chấm bò. Quán Minh nổi tiếng sớm nhất nhưng nước tương không ngon bằng quán bên cạnh nó.

Vua bếp Trần Văn Nghĩa cho rằng ngày trước ở Sài Gòn, người Hoa có món hủ tiếu lòng bò, hủ tiếu bò viên nhưng chưa có món lẩu bò. Sau này cánh thợ nấu đám tiệc khi làm bò, những món độc như pín, nhượng đem nấu lên ăn nóng, nhai tới đâu, đã miệng tới đó nên mới truyền dần ra ngoài.
Nhiều công phu
Vào khoảng những năm 80, 90 pín bò, gân bò giá rất rẻ, cao lắm chưa đến chục ngàn một kílô. Nhưng bây giờ giá pín bò bán sỉ đã tới 60.000đ/kg. Óc bò, tuỷ bò giá cũng cao gấp đôi ba lần, cách đây vài năm giá các nguyên liệu này chỉ vào khoảng 15.000đ/ kg.

Để nấu được nước dùng cho lẩu bò, bếp trưởng quán lẩu bò Nguyễn Hoàng (Q.5) cho biết phải đặt mua cho được xương bò. Giống như nấu phở, nước dùng nấu bằng xương bò mới dậy mùi thơm. Nếu là xương trâu thì phải dùng những gia vị như đại hồi, thảo quả, quế… hơi nặng tay nhằm khử mùi hôi, nhưng nước lèo sẽ bị ảnh hưởng đậm các gia vị này hơn là mùi thơm tự nhiên của bò. Nước dùng lẩu bò tốn nhiều công phu ở giai đoạn ninh xương - ít nhất cũng phải mất 10-12 giờ thì nước mới ngọt và dậy mùi thơm.

Ngon miệng
Tuỳ theo cách nấu của mỗi quán, lẩu bò có hai gu chính. Hương vị nước dùng tương tự như phở, lẩu bò nấu theo gu này thường dùng tương để chấm. Rau ăn kèm là cải bẹ xanh và rau húng quế, ngò gai. Lẩu bò kiểu này được bán tại khu Ngô Thời Nhiệm (Q.3).

Thực ra, lẩu bò gu này chỉ là một biến tấu của tô phở. Vậy nên tinh bột dọn kèm là bánh phở. Nước lèo càng ngon như nước lèo phở, lẩu càng hấp dẫn.

Dân sành ăn không bao giờ kêu lẩu theo sắp đặt của quán, mà kêu một cái lẩu nước lèo, rồi kêu những món phụ tùng bò mà mình ưa thích. Một tô phở nối dài với độ nóng không đổi như thế bảo sao không ngon, vì nó thuộc hàng "siêu phở” rồi! Nhiều người miền Bắc đâm ghiền, nên lẩu bò Sài Gòn cũng đã có mặt ở Hà Nội.

Gu thứ nhì nước lèo cũng như trên, nhưng các nguyên liệu cho vào lẩu có thêm đậu hủ non, khoai môn và nhất là tía tô cắt nhỏ. Rau ăn kèm là cải bẹ xanh, tần ô; riêng quán lẩu bò Hai Châu trên khu Cây Trâm (Q. Gò Vấp) còn có thêm kèo nèo và rau má. Với cách ăn này thì nước chấm thường dùng là chao.

Một biến thể của lẩu bò là món đuôi, pín, gân bò tiềm thuốc bắc, món này lại dùng xà lách xon ăn chung và chấm với muối tiêu.

Lẩu bò lôi cuốn người ăn nhờ vào cảm giác khi nhai, hầu hết các thức trong lẩu đều xừng xực giòn như nhượng, pín, đuôi, gân, lá sách,… Những thứ này không có nhiều vị ngọt của thịt nên bù vào đó là nước dùng của lẩu phải ngọt mà thanh dịu, không ngậy mỡ thì món lẩu mới đúng là siêu phở.

Huyền Trang (Theo Sài Gòn tiếp thị)

Tứ xứ bánh canh


Bánh canh được làm chủ yếu từ bột gạo, một số nơi ở miền nam có thêm bánh canh làm bằng bột lọc. Tại Huế có hai loại là bánh canh Nam Phổ và bánh canh cá tràu, tức cá lóc. Cách làm sợi bánh cũng như nước dùng của hai loại này khác nhau nhiều.

Bánh canh vùng Nam Phổ, bột gạo được đem pha với nước, sau khi quậy đều tay bằng một thanh tre, chính thanh tre này sẽ là dụng cụ rê sợi bánh canh. Do phải rê bằng tay nên đòi hỏi người làm phải thật thạo mới rê được.

Tại quán Nam Phổ trên đường Nguyễn Tri Phương, chị Thuận là chủ quán và cũng là bếp chính phải thực hiện công đoạn này. Nhìn chị khéo léo khuấy bột khi nhấc thanh tre lên, lúc đó bột bám bên trên sẽ nương theo cây nhỏ xuống, giai đoạn này người rê phải thật đều tay sao cho bột kéo thành sợi rơi xuống nồi nước sôi bên dưới thành những sợi bánh canh tròn đều nhau.
Với bánh canh cá lóc, theo chị Hương, chủ quán bún bò Đông Ba trên đường Nguyễn Du thì cách làm có khác. Bột gạo ngon xay mịn, chế nước sôi vào và nhồi bột liền tay cho đến khi nào khối bột nhuyễn mịn là được. Sau đó cán bột mỏng, dùng dao cắt thành sợi cho vào nồi nước lèo.

Cách làm bột của bánh canh Bình Định cũng tương tự như bánh canh cá lóc, nhưng theo chị Thanh, chủ quán Sông Trăng - Bình Qưới thì bột gạo phải được pha với nước ấm rồi mới nhồi. Sau này để khắc phục độ bở, bột được pha thêm bột mì để bánh mềm nhưng vẫn dai.

Với bánh canh ở sông Dinh - Phan Rang thì bánh được ép qua khuôn vẫn dẹt nhưng hai hông cọng bánh tròn chứ không thẳng góc như bánh vùng ngoài. Và khi đến Nam Bộ thì bánh canh rõ là cọng tròn, to, phần lớn bằng bột lọc.

Riêng đối với vùng Trảng Bàng - Tây Ninh, bánh canh là một đặc sản. Bánh canh ở đây làm từ gạo nàng Miên, một loại gạo trồng vùng biên giới giáp Campuchia. Bánh tráng phơi sương cũng được làm từ gạo này, nhờ đó bánh cọng nhỏ nhưng dai, không như bánh canh bột lọc khi ngấm nước dễ bở. Cho dù làm bằng bột gạo hoặc bột lọc thì bánh đều được ép qua khuôn lỗ tròn.

Nước dùng của bánh canh được nấu từ xương lợn và các sản vật đặc trưng của từng vùng. Nam Phổ dùng tôm đất quết nhuyễn và cho từng viên vào nước lèo. Bánh canh cá lóc thì dùng cá lóc luộc trong nước dùng rồi lấy thịt đem um với mắm ruốc Huế.
Vùng Bình Định trở vào Bình Thuận do nằm sát biển nên các loại cá thu, cá mối, cá rựa,… được nạo lấy thịt quết làm chả chiên hoặc hấp cho vào bánh canh. Từ đây vào các tỉnh miền nam, giò heo, thịt heo trở thành chủ lực, sau đó lại thêm cua, tôm.

Tô bánh canh từ Huế vào đến Nha Trang bao giờ cũng hơi sánh đặc, từ Bình Thuận trở đi nước lèo trong và không sệt. Cũng là bánh canh nhưng mỗi vùng có cách nấu riêng nên cách ăn cũng khác nhau. Bánh canh nấu theo gu người miền nam thường phải có cục giò heo to ụ, chưa kể còn thêm cua nếu là bánh canh cua, chỉ cần một tô thôi là đã đủ no.

Hay như bánh canh Trảng Bàng, gu ăn trước hết phải làm một mâm thịt luộc cuốn bánh tráng phơi sương với hàng chục loại rau, đến khi bụng hơi lưng lửng rồi mới gọi tô bánh canh.

Các món bánh canh miền trung lại có đặc điểm là một món ăn nhẹ nên tô bánh cũng vừa, đặc biệt như bánh canh Nam Phổ khi ra tô không nóng lắm. Người ăn cứ ăn từng muỗng nhẹ nhàng nhưng liên tục, nếu dừng lại hơi lâu thì món ăn sẽ bị vữa ngay.

Bánh canh là món ăn đặc biệt vừa là món mặn nhưng cũng có thể làm thành món ngọt. Bánh canh ngọt Bình Định sử dụng bột bánh như món mặn, nước đường thẻ nấu với gừng cho bột vào sẽ sánh. Khi ăn cho thêm mè rang. Bánh canh ngọt Nam Bộ hơi phức tạp, bột gạo phải khuấy trùng rồi cán mỏng cắt sợi, nước đường thẻ nấu chung với nước cốt dừa làm món ăn trở nên béo và thơm mùi dừa

Huyền Trang (Theo Vnexpress)

Cháo lòng Sài Gòn


Trong thế giới ẩm thực, lòng bao hàm nhiều món ăn. Mỗi món ăn còn tồn tại đến nay hun đúc trong nó bao nhiêu tinh hoa trải nghiệm, bên Đông cũng như Tây. Trước hết, món mà nhiều người hâm mộ ở Sài Gòn là cháo lòng.
Nói đến cháo lòng, người ta thường nghĩ ngay đến người bán là một bà già, nhất là bà già người Bắc; nơi bán thường hơi dơ dơ, xộc xệch. Nhưng cháo lòng Sài Gòn giờ đây cũng có nhiều địa chỉ tinh tươm, bà bán cháo cũng không hẳn già. Với cháo lòng trường phái Long An lai Hoa, thì phải là một ông bán cháo thay vì bà.
Cháo lòng Sài Gòn
Bỏ qua cái cháo lòng Chợ Đệm mà nhà văn Nguyễn Văn Trấn ca ngợi thời xa xưa, cách đây nửa thế kỷ, Sài Gòn bây giờ cũng có một số quán cháo lòng ngon. Cháo lòng kiểu Bắc ngon có thể kể đến là cháo lòng Lăng Cha Cả - Bắc 54, nằm ở gần vòng xoay Lê Văn Sỹ, Cộng Hoà, Hoàng Văn Thụ. Cách đó không xa, cũng trên đường Lê Văn Sỹ, có một quán, ăn tạm được.
Rồi đến cháo lòng “mẫu hậu” trên đường Lê Thánh Tôn, quán cháo chỉ phơi chỗ nấu cháo ra một không gian mặt tiền nhà siêu mỏng, và bán ở một không gian lùi sâu bên trong, cạnh chỗ chế biến. Gọi là cháo lòng “mẫu hậu” vì hình tượng rất đặc biệt của bà chủ quán, bạn có thể tìm đến và khám phá. Rồi đến cháo lòng Hải Phòng trên đường Trần Hưng Đạo, nơi ngã tư kết thúc đường Cống Quỳnh.
Ngoài ra, còn một quán khá đông khách là cháo lòng Trần Quang Khải, cuối đường Pasteur… Ở ga xe lửa Sài Gòn cũng có một quán “dơ dơ, xập xệ”, một thời ăn cũng được, nhưng bây giờ đã không còn như xưa. Những quán cháo sau đều là Bắc sau 75.
Cháo lòng kiểu Nam có một quán đông khách ở trên đường Võ Thị Sáu, giữa ngã tư Hai Bà Trưng và Pasteur, xế đối diện cây xăng. Một quán khác kiểu Long An lai Hoa nằm trên đường Cao Thắng.
Cháo lòng mỗi miền có nét riêng của nó. Cháo Bắc thường bán vào buổi sáng, lúc nào cũng có tiết canh và rượu đế các loại, nhất là những quán do người Bắc 75, có những loại rượu đặc trưng của miền Bắc, như rượu Làng Vân, rượu mơ, nhưng thường là rượu dỏm, không ngon như danh tiếng vốn có của tên rượu. Khách đến các quán này thường là người Bắc, có thói quen ăn cháo, tiết canh, uống chút rượu.
Cháo lòng Nam lại đông khách vào buổi chiều. Riêng quán cháo Cao Thắng còn có món “đèn pha” - mắt heo. Những quán cháo lòng nói trên đều là cháo lòng heo. Sài Gòn cũng có cháo lòng bò, nhưng không thịnh.
Cháo lòng đến lượt nó, được tạo nên bởi hai yếu tố: cháo và lòng. Cả hai yếu tố này đều có công thức chế biến riêng để tạo ra tô cháo ngon, hấp dẫn nhiều người.
Cháo trong cách nấu cũng lắm công phu. Do cái lắm ấy mà cháo đi sâu vào trong ca dao tục ngữ của người Việt. Cháo nấu theo công thức cháo hoa đòi hỏi người nấu trước tiên phải biết chọn gạo, vì mỗi kiểu gạo tuỳ theo độ dẻo, có kiểu nở riêng, có loại nở thành hoa, cũng có loại không. Khi nấu, người nấu canh lửa vừa phải, để dễ nhìn thấy hạt gạo vì nước không sôi mạnh, kèm theo một lượng nước nóng để châm khi nước cạn, và canh chừng lúc gạo vừa nở bung thành hoa là nhắc xuống. Lúc đó mới châm nước nguội để hãm hạt gạo nở thêm.
Cũng có nơi nấu cháo bằng gạo rang. Trước tiên dùng gạo rang bằng lửa nhỏ đến khi gạo dậy mùi. Sau đó cho gạo vào nước sôi, chờ sôi lại là nhắc xuống, để cho gạo có thời gian nở hoa.
Sau khi nấu cháo, còn phải chăm sóc cho lòng giòn với kỹ thuật luộc có ngâm nước nguội. Cuối cùng, để tô cháo ngon, người ta nấu nước dùng riêng bằng xương heo. Đó là nối kết giữa gạo nở hoa và lòng, nghĩa là vớt gạo cháo ra cho chung vào nước dùng và lòng. Lúc đó, nước dùng trong, có vị ngọt riêng, phối với vị ngọt của gạo và cái giòn của lòng, cùng với các loại rau mùi, thành một hợp âm tuyệt tác, tô cháo coi như có thể đi vào âm nhạc.
Sưu tầm

Bản đồ Bình Định

Bản đồ thanh hóa

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Cảm giác "Homestay" tại bản Lác

Bản Lác thuộc thung lũng Mai Châu, tỉnh Hoà Bình. Là bản dân tộc ở tỉnh Hoà Bình với những phong tục tập quán đặc sắc.
Cam giac Homestay tai ban Lac
Từ Hà Nội đi 70km đến thị xã Hoà Bình. Ði tiếp 60km nữa đến Mai Châu. Ở chặng thứ hai bạn sẽ vượt qua dốc Cun dài 12km. Gọi là dốc nhưng con đường quanh co rất nguy hiểm, có lúc bạn lầm tưởng như ôtô đang đi vào một biển mây.


Khi lên đến đỉnh dốc, ai qua đây lần đầu thường dừng lại ngắm cảnh. Chiếc xe ôtô nhỏ chòng chành trên những con đường dốc, có cảm giác chỉ cần một cái lắc mình nhè nhẹ là chiếc xe sẽ bị lật nhào khỏi con đường.

Từ trên con dốc cao, phóng tầm mắt hướng ra xa, thu gọn cả khung cảnh thần tiên trong tầm mắt. Những dãy núi xung quanh đẹp một vẻ đẹp mờ ảo. Từ trên đỉnh núi là những làn khói màu bàng bạc. Có những nơi được bao trùm bởi màu trắng tinh khiết của những đám mây. Các dãy núi trùng điệp kéo dài tít tắp, xa mãi tận chân trời. Màu xanh mướt của cây rừng, màu tinh khiết của những giọt mưa bụi nhạt nhoà hoà lẫn với hơi sương.

Đi tiếp đến đèo Thung Nhuối, từ trên đèo cao bạn đã thấy thung lũng Vàng, huyện lỵ Mai Châu xinh đẹp hiện ra dưới tầm mắt, một thung lũng với màu xanh của ruộng đồng, những nếp nhà của một thị trấn xinh xắn... đó là Bản Lác.

Cam giac Homestay tai ban Lac

Đặt chân tới bản Lác mọi mệt mỏi của chuyến đi đều như tan biến. Trong những dãy núi phủ kín mây mù hòa cùng với màu xanh ngút ngàn của cánh đồng lúa rợp cả một thung lũng, thấp thoáng những mái nhà sàn hiện ra. Đến với nơi đây, bạn sẽ hòa cùng với cuộc sống, sinh hoạt trên nhà sàn cùng với những gia đình người Thái.

Cam giac Homestay tai ban Lac

Khi dạ dày đã cồn cào, mâm cơm với toàn những đặc sản núi rừng sẽ được dọn ra ngay giữa nhà sàn của vị chủ nhà hiếu khách: thịt gà bản, xiên thịt rừng nướng, xôi nếp, và có cả những món ăn được làm từ những nguyên liệu với cái tên rất lạ: hạt dổi, quả lặc lè, rau bò khai…

Những giây phút xuống bản cũng là những trải nghiệm thật thú vị để khám phá những nét đặc sắc trong cuộc sống lao động của người dân nơi đây.

Đi tới đâu bạn cũng có thể bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ ngồi trước cửa nhà dệt vải, đôi bàn tay đưa nhanh thoăn thoắt nhưng miệng vẫn luôn tươi cười mời bạn vào xem những sản phẩm thổ cẩm đa dạng được đặt ở ngay đó.

Cam giac Homestay tai ban Lac

Nếu thích, bạn cũng có thể thử cảm giác trở thành những thiếu nữ dân tộc xinh đẹp trong những bộ váy dân tộc nhiều màu sắc, rực rỡ như những đóa hoa rừng, thoải mái chụp ảnh chỉ với mức giá rất rẻ là 5.000đ -10.000đ cùng với rất nhiều phụ kiện đi kèm.

Còn nếu bạn muốn mặc những bộ váy đó đi “chu du” khắp nơi, bạn có thể thuê để mặc cũng chỉ hết có 10.000đ-20.000đ và còn được các cô bán hàng giúp cài áo, đeo yếm, đội mũ.

Buổi tối hòa cùng bản Lác là không gian của những màn múa hát, nhảy sạp do đội văn nghệ của bản biểu diễn. Hoặc chỉ đơn giản là ngồi bên bè bạn quanh đống lửa bập bùng, hít hà mùi thơm lừng của ngô, khoai nướng, nhấm nháp hương vị ngây ngất say lòng của ché rượu cần lúc vơi lúc đầy và thả hồn mình vào cái mênh mang của đêm đại ngàn sâu thẳm.

Sẽ thật thiếu nếu tới bản Lác mà không đi chợ sớm của bản. Trong không khí của buổi sớm mai trong trẻo, chợ sớm chỉ là những sạp hàng bày bán đơn giản, hoa quả vẫn còn tươi nguyên đọng sương đêm. Những người dân cũng như một hướng dẫn viên vui vẻ, nhiệt tình chỉ cho chúng tôi những món đồ thật lạ.

Chen vào buổi chợ sớm là những tiếng cười nói, đâu đó vang lên giọng nói ngọng nghịu của người dân chưa nói sõi tiếng Kinh nghe vui mà ấm đến lạ.

Cam giac Homestay tai ban Lac

Chỉ dẫn cho bạn: Bạn có thể ra bến xe Yên Nghĩa bắt xe đi Hòa Bình hoặc Sơn La (giá vè từ 28.000-35.000 đồng/người). Dừng lại tại TP.Hòa Bình, bạn có thể bắt xe đi Mai Châu.

Tại bản Lác có rất nhiều nhà sàn theo kiểu "homestay" với giá rất mềm chỉ từ 20.000-30.000 đồng/người/tối. Bạn sẽ được ngủ trong "chăn ấm, đệm êm" giữa núi rừng yên ắng.


Việt Báo (Theo YeuDuLich.vn)


Quyến rũ du lịch Bản Lác

Bản Lác là một địa danh du lịch cộng đồng nổi tiếng, nằm trong thung lũng Mai Châu của tỉnh Hoà Bình, đây là địa bàn cư trú của người Thái.
Người Thái ở Bản Lác nói riêng và ở Việt Nam nói chung gắn bó lâu đời với nghề trồng lúa nước. Do thường sinh sống ở vùng thung lũng, có sông, suối chảy qua, nên việc trồng cấy lúa nước của người Thái rất thuận lợi.
 
Nhà sàn Bản Lác, Mai Châu
 
Vẻ đẹp vùng thung lũng độc đáo, cùng văn hoá truyền thống giàu bản sắc của dân tộc Thái đã tạo cho vùng đất Mai Châu tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn. Đó là sự hấp dẫn về văn hoá ẩm thực, với các món ăn truyền thống như: xôi tím, cá đồ, thịt lợn nướng... Đặc biệt, món cơm lam từ lâu đã trở thành một đặc sản du lịch nổi tiếng của Mai Châu.
 
 
Hoạt động du lịch tại Bản Lác được tổ chức chuyên nghiệp với những ngôi nhà sàn được đánh số thứ tự. Loại hình du lịch homestay - sống trong chính ngôi nhà của người dân trở thành một phong trào và cũng là thế mạnh của Bản Lác.
 
 
Khi du lịch phát triển, phụ nữ Thái Bản Lác đã sáng tạo nên những sản phẩm mới từ dệt, phục vụ khách du lịch như: áo, khăn và đồ lưu niệm. Đàn ông Thái cũng làm ra nhiều sản phẩm phục vụ du lịch như mõ trâu, cung nỏ, tù và sừng trâu, phách gõ nhịp bằng tre.
 
 
Những điệu múa xoè, nhảy sạp của các chàng trai, cô gái Thái đã tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt của Bản Lác Mai Châu và góp phần làm nên bản sắc riêng của văn hóa Thái.
 
 
Với sự quyến rũ của cảnh quan du lịch, nét độc đáo của văn hoá Thái truyền thống, Bản Lác tự hào là một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.   
 
Theo VTV

Du khách nô nức trẩy hội chùa Tiên dịp đầu xuân


Đoàn rước trong lễ Khai hội chùa Tiên. (Nguồn: Hoabinh.gov.vn)
Đã trở thành truyền thống, mỗi độ xuân về, du khách muôn nơi lại nô nức trẩy hội chùa Tiên, xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình).

Cách quần thể du lịch Chùa Hương (Mỹ Đức - Hà Nội) khoảng 5km đường chim bay, chùa Tiên được xem là khu vực giao thoa giữa hai nền văn hóa Kinh-Mường, là địa bàn cư trú của người nguyên thủy xưa, mang đậm dấu ấn của nền văn hóa Hòa Bình.

Động Tiên - Phú Lão gồm nhiều động nhỏ liên hoàn với nhau như động Tiên, đền Mẫu, Tam Bảo, động Chung, động Thượng, Quán Trình... Mỗi điểm đều chứa đựng trong đó những giá trị văn hóa vật chất và tâm linh đặc sắc với nhiều trầm tích còn nguyên bản, muôn hình dạng như hình bầu sữa mẹ, bọc trăm trứng, đài sen, nón ba tầng, suối vàng, suối bạc...

Từ nhiều năm nay, lễ hội chùa Tiên đã trở thành một trong những lễ hội lớn của tỉnh. Ngày khai hội được tổ chức vào mồng 4 Tết âm lịch, ngày này vốn là ngày mở cửa rừng của người dân địa phương, sau trở thành ngày khai hội.

Hàng ngàn Phật tử cùng du khách thập phương tham gia vào các hoạt động lễ hội mang đậm tính truyền thống dân tộc, tâm linh hướng thiện như dâng hương, hát Cung văn nhằm ca ngợi con người tiền sử xa xưa, cầu tài, cầu lộc, cầu mùa màng bội thu...

Du khách sẽ tham quan vãn cảnh quần thể di tích bằng dâng hương tại đền Trình thờ tam vị đức Thánh ông đã có công khai phá vùng đất Nhượng Lão (nay là thôn Lão Ngoại), đến đền Mẫu, nơi thờ Mẹ - một tín ngưỡng bản địa nguyên thủy của người Việt cổ.

Phía sau ngôi đền là dãy núi với nhiều hang động tuyệt đẹp, thần bí, phía trước là dòng suối Khốm uốn lượn. Ngay dưới chân Đền là động Mẫu Long (còn gọi là động Mẫu Âu Cơ), trong động là nơi ngự của Mẫu Âu Cơ với bọc trăm trứng và cánh chim Lạc Việt.

Đường lên động Tiên có 296 bậc uốn lượn theo dãy núi Tùng Xê. Động Tam Tòa có ba tòa động đẹp lung linh huyền ảo, cửa động lộ thiên giữa sườn núi Rộc Đản. Từ cửa động có thể ngắm nhìn toàn cảnh vùng đất sơn thủy hữu tình đẹp như bức tranh thủy mặc.

Bên trái động Tam Tòa là động Linh Sơn Địa Mẫu thờ Địa Mẫu, người tạo ra thế giới này, bên phải là lối sang động Người Xưa (Hang Hồ) chứa đựng dấu tích và đồ dùng của người Việt cổ nên được gọi là động Người Xưa...

Trong năm 2010, chùa Tiên đã thu hút trên 300.000 lượt khách đến thăm quan, tổng thu các loại phí trên 7 tỷ đồng, tăng 87,41% so với năm 2009.

Từ ngày mồng 4 Tết Tân Mão 2011 đến nay, mỗi ngày chùa Tiên Phú Lão đón hàng nghìn du khách gần xa đến tham quan, dâng lễ./.
Nhan Sinh (TTXVN/Vietnam+)

Chùa Phổ Minh – một di tích lịch sử văn hóa

Chùa Phổ Minh hay còn gọi là chùa Tháp, thuộc thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Chùa được xây dựng dưới triều Trần, niên hiệu Thiệu Long thứ 5 (1262), ở về phía tây cung điện Trùng Quang, nơi các Thái thượng hoàng nhà Trần sau khi nhường ngôi cho con về ở.



Tháp Phổ Minh 

Chùa có quy mô bề thế, là nơi tụng niệm của quan lại, quý tộc cao cấp nhà Trần. Do vậy mà chùa được coi là đại danh lam của nước Đại Việt ta. Đây là nơi tu hành của Đức quân vương Trần Nhân Tông (vua thứ 3 triều Trần, 1279-1293) cùng với sư Pháp Loa và Huyền Quang.
Trần Nhân Tông đã sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Đầu Đà, một dòng Phật giáo Việt Nam (thế kỷ 13-14), và ông được xem là “Đệ nhất Tổ”. Sau khi Kim Phật Trần Nhân Tông viên tịch, vua nối ngôi là Trần Anh Tông đã sai làm cỗ kiệu bát cống bằng đá, đặt bảy trong hai mươi mốt viên Xá Lợi của vua cha và xây tòa tháp lên trên.
Toàn bộ phong cảnh chùa bao gồm: Tam quan, hai hồ sen, hai nhà bia cân đối cùng các cây cổ thụ có trên 400 năm tuổi, càng tôn thêm vẻ đẹp của ngôi chùa thêm phần cổ kính.
Trong chùa có tòa Tiền Đường (hay còn gọi là Bái Đường), tòa Tam Bảo, tòa Thượng Điền, nhà Tổ, nhà Mẫu Tổ Trần, hai dãy hành lang hòa nhập với cảnh quan xung quanh bề thế. Đây là một trong những công trình kiến trúc quy mô vào loại xưa nhất mà ngày nay còn giữ được nguyên vẹn.
Đặc biệt, tháp Phổ Minh được xây dựng trước cửa Bái Đường vào năm 1305. Đây là loại tháp hình hoa sen có 14 tầng, cao 21m. Hai tầng dưới xây bằng các phiến đá xanh có chạm khắc cánh sen, hoa cúc tinh xảo, 12 tầng trên xây bằng gạch bắt mạch để trần, mỗi đầu viên gạch có dòng chữ “Hưng Long thập tam niên” và khắc họa con rồng nổi thời Trần, trên cùng là bút tháp bằng đá. Tháp có hình chóp, đáy vuông, mỗi cạnh dài 5,2m.
Các tầng tháp đều có mái cong ở bốn phía. Trọng lượng tháp nặng khoảng 700 tấn trên một tiết diện nhỏ 30m2, lại ở vùng chiêm trũng nhưng vẫn đứng vững suốt 7 thế kỷ qua.
Xưa kia, ba tầng trên cùng xây bằng đồng, đặt một chum đồng và các di vật cổ, nổi tiếng là vạc Phổ Minh, một trong “An Nam tứ đại khí” của nước Đại Việt thế kỷ 13-14 đặt trước cây tháp cổ, rất tiếc đến nay không còn.
Bên cạnh cây tháp cổ, ở chùa Phổ Minh còn có nhiều hiện vật có giá trị. Trước đây chùa có 120 pho tượng, nhưng do thời gian, khí hậu và chiến tranh hủy hoại, nay chỉ còn hơn 50 pho tượng, trong đó có nhiều pho tượng đẹp về hình thể, cân đối về tỷ lệ, mang tính nghệ thuật cao.
Đặc biệt, trên tòa thượng điện có tượng vua tổ Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Pho tượng được đánh giá là một tác phẩm điêu khắc quý giá nhất. Ngoài ra, trong chùa còn nhiều tượng như: tượng Tam Thế, tượng Di Đà, tượng Di Lạc, tượng Quan Âm, Đức Thánh, Đức Chúa...
Dưới hậu cung còn có pho tượng đá trắng của công chúa Mạc Ngọc Lâm, người đã từng tu hành và trùng tu ngôi chùa vào thời Mạc (1527-1592). Khi ngài viên tịch, có lăng mộ xây phía sau hậu cung, đều là những tác phẩm cổ, đẹp, mang tính nghệ thuật lịch sử điển hình cao của thế kỷ 16.
Và tấm bia đá lớn khắc vào năm Cảnh Trị thứ 6 (1668) đặt bên phải. Trước cửa chùa là một pho sử sống ghi lại lịch sử ngôi chùa, đồng thời cũng là một công trình nghệ thuật.
Chùa Phổ Minh từ ngày xây dựng đến nay đã trải qua hơn 700 năm, chùa đã được trùng tu nhiều lần, nhưng nét đẹp cổ xưa không hề phai mờ. Chùa vẫn giữ được phong cách kiến trúc cổ theo kiểu “Nội Công Ngoại Quốc”.
Quá khứ đã lùi xa, lịch sử Việt Nam viết thêm nhiều trang sử huy hoàng, nhưng chiến công hiển hách của quân dân triều Trần chống quân xâm lược Nguyên- Mông vẫn là một trong những chiến công chói lọi âm vang đến muôn đời. Chính nền tảng đó tạo ra sức mạnh, khơi nguồn cho các công trình kiến trúc, một nền mỹ thuật khoáng đạt, tinh tế, đầy sức sống và có tính hiện thực cao.
Chùa tháp Phổ Minh, một di tích lịch sử được tọa lạc trên quê hương nhà Trần, đã, đang và mãi mãi góp phần khơi dậy hào khí Đông A, phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, khơi dậy truyền thống yêu nước thương dân, tinh thần đoàn kết của dân tộc.
(Theo Lịch sử Việt Nam)

Kẻ Báng

Thuở xa xưa, làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) nằm trên vùng đất cao bên bờ Tiêu Tương, xung quanh là rừng cây rậm rạp. Trong rừng có nhiều cây búng báng, do đó tên nôm của làng là Kẻ Báng, áp sang tên chữ là Dịch Bảng. Thời Bắc thuộc, làng thuộc bộ Vũ Ninh và có tên là hương (xã) Diên Uẩn, đến đời Đường, đổi là hương Cổ Pháp. Tên Đình Bảng được sử sách chép vào năm 1362, đời vua Trần Dụ Tông.
Đến nay, nhiều địa danh ở rừng Báng còn mang dấu tích thời xa xưa. Ở cổng sông Ngò, trên có ba chữ lớn “Nam phong huân” (gió Nam tốt lành). Hai cột trụ ghi đôi câu đối:
Hãn ngoại Tiêu Tương lai dẫn thủy
Đình tiền Cổ Pháp đắc lâm sơn

nghĩa là:

Ngăn phía ngoài có sông Tiêu Tương dẫn nước
Ngoảnh trước mặt có rừng Cổ Pháp đẹp thay.

Chính nơi cảnh đẹp đã sinh ra Lý Thái Tổ, vị vua khai sáng vương triều Lý.



 Làng Đình Bảng - Bắc Ninh, đất phát tích triều Lý

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Công Uẩn sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974), là con bà Phạm Thị, thủ hộ chùa Thiên Tâm trên núi Tiêu Sơn. Một đêm, bà vào rừng gặp người thần rồi có thai. Đến ngày sắp khai hoa, sợ dân làng dị nghị, bà phải lánh về chùa Cổ Pháp rồi sinh Công Uẩn tại tam quan chùa Dận. Khi Công Uẩn mới 3 tuổi, mẹ ẵm đến nhà sư Lý Khánh Văn. Khánh Văn bèn nhận làm con nuôi và cho theo họ Lý. Công Uẩn thông minh, dĩnh ngộ, dáng mạo khôi kỳ, vết chỉ ở hai lòng bàn chân có chữ Vương. Sau được gửi sang chùa Lục Tổ học sư Vạn Hạnh (anh trai của Lý Khánh Văn). Vạn Hạnh thấy Công Uẩn có quý tướng bèn thốt lên: “Đứa bé này không phải là người thường, sau này có thể giải nguy, gỡ rối, là bậc minh chủ trong thiên hạ”.
Lớn lên, Công Uẩn là một chàng trai có chí khí, thích kinh sử, ham luyện tập võ nghệ. Đến đời Ứng Thiên (1005), ông theo vua Lê Trung Tông. Khi vua Trung Tông bị hại, Công Uẩn ôm xác vua mà khóc, Ngọa Triều (Long Đĩnh) khen là trung nghĩa, cho làm Tứ sương quân (quân bảo vệ kinh đô) Phó chỉ huy sứ rồi thăng lên Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ (người đứng đầu quân đội). Năm thứ 2 niên hiệu Cảnh Thụy (1009), vua Lê Ngọa Triều mất, tự quân còn nhỏ. Lý Công Uẩn lúc ấy 36 tuổi, được Chi hậu Đào Cam Mộc cùng quần thần trong triều đồng thanh hô: “Tôn Thân vệ làm thiên tử”.
Trước đó, cây gạo ở đầu làng Dịch Bảng bị sét đánh, hiện lời sấm ứng với việc nhà Lý làm chủ thiên hạ. Ở Viện Cảm tuyền (chùa Ứng Tâm), có con chó đẻ con lông trắng tuyền, đốm lông đen vệt thành hai chữ Thiên tử. Kẻ thức giả nói đó là điềm năm Tuất sinh người làm vua. Thân vệ sinh năm Giáp Tuất, lên ngôi hoàng đế quả là ứng nghiệm.
Sau khi lên ngôi, Lý Công Uẩn lấy niên hiệu là Thuận Thiên (thuận ý trời), giữ quốc hiệu Đại Cồ Việt, đại xá cả nước, xóa bỏ tù ngục, kiện tụng, cho phép hễ ai có việc tranh giành, thưa kiện được đến tận triều đình mà tâu bày, nhà vua sẽ đích thân phân xử.
Về tên húy của vua, lâu nay các sách sử vẫn viết là Lý Công Uẩn. Dựa vào các cứ liệu vừa nêu, có ý kiến giải thích, đó không phải là tên húy, nên hiểu ông là người họ Lý ở hương Diên Uẩn (Lý là họ, Uẩn là tên hương, còn Công là cách gọi kính trọng của người xưa).
Lại nói, sau khi lên ngôi, vào tháng 2 năm Canh Tuất (1010), Lý Thái Tổ đã từ Hoa Lư về thăm quê nhà, ban tiền lụa cho các bậc kỳ lão, yết lăng Hoàng Thái hậu và đo vài mươi dặm đất làm cấm địa thuộc Sơn lăng, cho đổi châu Cổ Pháp thành phủ Thiên Đức, thành Hoa Lư gọi là phủ Trường Yên, đổi sông Bắc Giang thành sông Thiên Đức. Lý Thái Tổ ở ngôi 18 năm, thọ 55 tuổi, băng ở điện Long An, táng ở Thọ Lăng. Sử sách xưa nay ca ngợi lòng nhân từ và thương dân của vua. Trước khi qua đời, vua Thái Tổ có dặn không được xây lăng bằng gạch đá để khỏi hao tốn mà chỉ đắp bằng đất. Làm như thế có ba điều lợi: Quân lính thời bình dù chơi cũng phải ăn, nếu có thương nhớ nhà vua thì đi gánh đất đắp cho lăng cao thêm bao nhiêu thì quý bấy nhiêu; khi lăng cao cỏ mọc nhiều thì có thể chăn trâu cắt cỏ, nuôi trâu béo khỏe, cày ruộng tốt; trẻ con trong làng có đến vui chơi thì biết được tên lăng của vua, ôn lại sự tích mà nhớ ơn, noi gương tiền nhân. Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, là người khoan từ, nhân thử, có lượng đế vương”.
Năm 1030, chỉ hai năm sau khi Lý Thái Tổ băng hà, Lý Thái Tông cho xây đền thờ Lý Thái Tổ ngay ở rừng Báng.


Đền Đô - Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh

Trải thời gian, đền được mở rộng và khi triều Lý chuyển sang triều Trần, đền trở thành nơi thờ 8 vị vua nhà Lý. Đền xưa có quy mô bề thế, kiến trúc kiểu cung đình nên có tên gọi Cổ Pháp điện, đền Lý Bát Đế, còn dân gian chỉ gọi nôm na là đền Đô. Năm 1602 đền được vua Lê Kính Tông cho xây dựng lại. Năm Hoằng Định thứ năm (1604), Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan soạn văn bia Cổ Pháp điện tạo bi, nội dung cho biết, cuối thời Mạc, miếu thờ bị hoang phế, bia đá đổ nát, đất đai bị cường hào chiếm đoạt. Vì vậy, chánh điện Cổ Pháp là Vũ Nghi cùng các ông Nguyễn Sĩ Lộc, Ngô Củng, Nguyễn Hữu Niên, Nguyễn Thạch Lâm cùng dân địa phương tâu lên chúa Trịnh xin được trùng tu bia cũ và khôi phục lại cổ tích, đặt ra quy định ruộng tế điền. Lần này, có 100 người đóng góp, số ruộng tế là 284 mẫu 1 sào. Cho đến cuối thế kỷ XIX, đây vẫn là khu “đất rộng chừng trăm mẫu, cổ thụ um tùm”. Vật đổi sao dời, khu Sơn lăng (còn gọi là Thọ lăng Thiên Đức) hiện vẫn giữ được dáng vẻ xưa, trên mảnh đất có 8 đường cao và 8 dộc nước trông tựa như những đầu rồng gọi là “bát long bát thủ” (nơi yên nghỉ của 8 đời vua Lý) cùng chầu vào lăng phát tích là nơi yên nghỉ của Lý thánh mẫu Phạm Thị. Tại đây, còn có mộ của Ỷ Lan nguyên phi. Theo lệ xưa, ngày vua Lý Thái Tổ đăng quang (15 tháng ba Âm lịch) trở thành ngày hội của làng. Trong ngày chính hội, vị quan đầu tỉnh thường làm chủ tế. Có năm, Toàn quyền Đông Dương và Công sứ Bắc Ninh cũng tới dự.
Ngày 13-9-1945, mười một ngày sau khi nước Việt Nam giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến đền Đô thắp hương tưởng niệm các vị vua Lý. Năm 1952, trong kháng chiến chống Pháp, làng Đình Bảng nằm trong vùng chiến sự ác liệt, đền Đô bị phá hủy hoàn toàn. Tấm bia của Phùng Khắc Khoan bị đạn giặc bắn nham nhở, nằm dưới đống đổ nát nên may mắn còn sót lại đến ngày nay. Ngày 13-9-1989, nhân kỷ niệm 44 năm ngày Hồ Chủ tịch về thăm, đền Đô được khởi công xây dựng lại. Chủ yếu dựa vào sức dân, đền Đô từng bước đã được dựng lại theo kiến trúc xưa. Khuôn viên đền rộng 31.250m2. Các hạng mục kiến trúc gồm tiền tế, hậu cung và tòa thiêu hương đều được xây cất khang trang.
Từ ngày đền Đô được khôi phục, vùng đất thiêng đã xuất nhiều hiện tượng thiên nhiên kỳ thú. Vào 8 giờ ngày 26-8-1998, đúng lúc mở đầu lễ giỗ vua Lý Anh Tông, bầu trời phía trên đền Đô xuất hiện 8 vầng mây trắng. Ông Nguyễn Đức Thìn, người trông coi đền Đô, đã chụp được khoảnh khắc kỳ diệu đó và đặt tên cho tấm ảnh là Bát đế vân du. 12 giờ trưa ngày 13 tháng 3 năm Canh Thìn (2000), trước hội hai ngày, hiện tượng trên lại xuất hiện và kéo dài trong nửa giờ. Cũng dịp này, ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 32 của hoàng tử Lý Long Tường đã tìm về Đình Bảng dâng gia phả họ Lý 800 năm ở Hàn Quốc. Lý Long Tường (sinh khoảng năm 1175) là con thứ 7 của Lý Anh Tông, khi triều Lý chấm dứt đã cùng một số thân tín vượt biển đến Cao Ly (tên gọi cũ của Triều Tiên). Năm 1253, quân Mông Cổ tấn công Cao Ly, Lý Long Tường cùng dân địa phương chiến đấu dũng cảm. Sau 5 tháng, quân Mông Cổ thua to phải xin hàng. Vua Cao Ly phong tước, thưởng công cho người có công đầu đánh tan giặc ngoài là Hoa Sơn Quân, vì ở Đại Việt có núi mang tên ấy. Lại cấp đất rộng 30 dặm làm thái ấp, cho xây Thụ hàng môn để ghi lại công lao to lớn của Lý Long Tường.
Bằng tấm lòng thành kính và biết ơn vua Lý Thái Tổ, người đã chọn Thăng Long “làm kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”, năm 2000, UBND thành phố Hà Nội đã đầu tư xây dựng Ngũ môn long (năm cửa rồng) trong quần thể kiến trúc đền Đô.
(Theo HNM)