Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Đà nẳng ký sự

Thư mục: Du lich
"Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chứa nhấm đã say..."

Buổi sáng thức dậy từ 7h00, chẳng là chuyến bay đi Đà Nẵng sẽ cất cánh vào lúc 8h40, đến khi lên đến sân bay mới hay chuyến bay bị hoãn đến tận 10h50. Thế là mấttoi buổi sáng thứ bảy, cũng may Pacific Airline còn nhân đạo cấp cho mỗi người một phiếu ăn sáng tại nhà hàng của sân bay Tân Sơn Nhất, vừa ăn sáng- uống cà phê chờ tới giờ bay (nói thiệt là có phiếu ăn - nếu không chắc cả đời không vào cái nhà hàng này, vừa mắc lại vừa dở).

12h10, máy bay đáp phi trường Đà Nẵng, thế là mình ngang nhiên kêu taxi, "Cho về khách sạn Phương Đông !" ra dáng rất sành điệu - như là ta đây biết rành Đà Nẵng lắm vậy (mới nghe lóm mấy sếp bảo khách sạn đấy ở cũng được) - taxi chở ngay đến một khách sạn 3 sao hoành tráng ngay trung tâm thành phố, lỡ đâm lao thì phải theo lao, mình chọn phòng rẻ nhất, vậy mà hậu quả còn kéo dài đến mấy hôm sau.
Gọi điện thoại cho đứa bạn ở Đà Nẵng, vừa thông máy hắn đã bảo "Mi lộn số rồi !", lại hỏi "Mày rảnh không ?", hắn lại bảo "Chắc chắn mi lộn số rồi !", nghe phiền lòng dễ sợ :closedeyes: . Của đáng tội, cả mấy năm không gặp, không liên lạc... nghe mình gọi điện thoại mà cứ ngỡ mình nhờ vả gì  Thôi mặc xác hắn nghĩ gì, ra đây mà không có đứa nào đi chơi thì thôi ở nhà ngủ quách cho khỏe. Có được cuộc hẹn tối đi tìm hiểu "rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say" như thế nào, mình ung dung mua bản đồ và thuê xe đi chơi.

Không biết mấy ông nhạc sĩ bảo "chưa mưa đã thấm" nghĩa là gì, nhưng mưa Đà Nẵng rất ngộ nghĩnh. Cơn mưa không nhỏ mà dai dẳng như Dalat, không chợt mưa chợt nắng như Saigon, không mưa trắng xóa đất trời như Huế, không mưa phùn gió bấc như Hà Nội; cơn mưa dai nhưng lại khi to khi nhỏ, mưa như trêu du khách, vừa quyết định bỏ áo mưa thì mưa to hạt như sắp trút một cây nước. Vội vã mặc áo mưa vào thì mưa lại bay bay như là mưa bụi. Sau một hồi vật lộn với áo mưa, bỏ mặc cơn mưa với cái áo mưa quái quỉ, mình kiếm ngay một nơi nổi tiếng để cái bụng thôi reo vui vậy.
Những người dọc đường rất nhiệt tình chỉ cho một loạt là "bà", họ còn dặn, những quán đặc sản ở đây mà không có tên một bà nào đó thì không phải là đặc sản: hải sản thì có "bà Thôi", mì Quảng "bà Ngân", bánh mì "bà Lan", chả bò "bà Hường", tré "bà Lộc", bánh ướt cuốn thịt heo "bà Mậu", bánh xèo "bà Tường"(?)... làm mình cũng thắc mắc, không biết "bà bầu" thì có đặc sản gì  Chọn ngay "bà" đầu danh sách, mình quyết định ghé vào. Quán nằm mặt tiền, khá dễ kiếm, chuyên bán hải sản tươi sống, đặc biệt có một món mà mình mới nghe tên phải phì cười "cháo cá cu". Cá cu sống ở biển, khá lớn (1-2kg một con), thịt cá mềm (không dai), ngọt nước, thơm và lại mang hơi huớm cá hồ. Trời mưa mà thưởng thức một tô cháo nghi ngút khói ăn với loại ớt xanh đặc biệt Quảng Nam: thơm, ít cay, dòn, quả thật là "thấm" cái "mưa Quảng Nam".
< Từ bãi biển Mỹ Khê nhìn về phương Bắc là núi Sơn Trà - tương truyền có ngọc, "đêm đến thường chiếu sáng xuống biển".

Thưởng thức xong các món hải sản (trong bụng thầm tâm niệm ăn gì bổ đó), mình lại tiếp tục lang thang khắp phố phường. Đường Đà Nẵng rộng, vắng và sạch. Thành phố rất ít những người bán vé số, ăn xin, đánh gìay (về điều này thì Saigon hay Dalat chắc còn lâu lắm mới làm được). Đường phố rất dễ đi, chỉ việc xác định hướng chính Đông, khi nào lạc cứ theo hướng này sẽ gặp đường Bạch Đằng chạy dọc bờ sông Hàn thì không thể lạc được.

 
< Cũng từ bãi biển Mỹ Khê nhìn về phương Nam là Ngũ Hành Sơn (trong hình là Thủy Sơn).

Mình phải ghen tị với cảnh quan Đà Nẵng, vị trí thật đẹp, phía Bắc thành phố là vịnh Đà Nẵng, sóng lặn biển êm, từ đây có thể ngắm cảnh mặt trời lặn về phía dãy núi mây phủ xa xa. Phía Đông là bờ biển kéo dài qua nhiều bãi tắm nỗi tiếng: bãi Bụt, Mỹ Khê, Non Nuớc..., bờ biển sạch, nước trong, cát vàng thoai thoải không qúa dốc. Xuôi về phương Nam là cụm Ngũ Hành Sơn - một biểu tượng của Đà Nẵng với 5 trái núi giữa đồng bằng bố trí theo phương vị ngũ hành. Chạy theo chiều từ Bắc Nam là con sông Hàn hiền hòa chia đôi Đà Nẵng thành 2 phần, thành phố Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà. Đà Nẵng hội đủ cả núi non, biển cả, sông rạch, đồng bằng... thật lý tưởng (nhưng dù sao lại không có hồ như Dalat.
< Đà Nẳng về đêm, nhìn từ núi Bà Nà.

Buổi tối, cùng đứa bạn nhâm nhi rượu Hồng Đào, một loại rượu gạo nước trong thoang thỏang hương lúa, hương trái cây... rượu nặng, đầm, dễ uống, có màu đỏ nhẹ. Nhâm nhi với món lưỡi heo cháy tỏi, quấn lá cải xanh chấm muối ớt xanh đâm nhuyễn, vị rượu, ớt, tỏi, lá cải nồng nồng quyện vào nhau thật ấm. Bây giờ chỉ còn tiếc chưa được nếm thứ rượu chuồn (mà cũng không biết là thực - không) cho trọn câu ca:
"Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say
Rượu chuồn
Này
Chén trăng bơi
Uống cùng Huế với
Cuộc chơi sang ngày"

Sau khi mềm môi với rượu, lại lang thang đi ngắm cầu quay, tên bình dân của cầu sông Hàn, bắc ngang dòng sông cùng tên nối hai bờ Đà Nẵng - Sơn Trà.

Cả cây cầu đặt trên một bệ xoay và treo bằng hệ thống dây văng (tương tự như cầu Mỹ Thuận). Hàng đêm, vào lúc 01h30, cầu sẽ xoay từ từ đến khi dọc theo dòng xong, tránh đường cho những ghe tàu lớn đi qua. Đến 4h00 sáng, cầu quay lại vị trí bình thường cho phép xe cộ qua lại. Ngắm cả cây cầu từ từ xoay mới thấy được sức mạnh của con người.

"Phố xưa vuốt mặt về giữa mưa chiều
Có em gái nhỏ tựa đóa hoa sen...
Nhớ nhung bỗng về làm chút mây hồng
Vẽ lên phố thị thời tuổi thơ tôi..."
Buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên là nhìn trời, bão số 8 ngày càng gần thành phố, trời xám xịt đầy mây nhưng mưa không to. Vội vã đi Hội an, mong rằng còn chuyến tàu nào ra Cù lao Chàm.

Hội An cách Đà Nẵng khoảng 30km nhưng cũng phải mất cả 50 ngàn tiền xe khách, nếu đi 2 người thì nên đi bằng xe taxi, hợp đồng đi một chuyến chỉ tốn tám đô nhưng muốn đi khi nào thì đi. Cũng vì đi xe khách, chỉ 30km mà mất đến hai giờ, một giờ ngồi chờ xe đến trễ, lại mất thêm nửa tiếng để xe dừng cho mấy khách nước ngoài ngắm cảnh Ngũ Hành Sơn ".
"Một hôm bước qua thành phố lạ, thành phố đã đi ngủ trưa...", phố phường vắng lặng, chỉ còn lưa thưa khách du lịch lang thang trên phố. Đặc biệt là toàn khách nước ngoài, nhiều đến nỗi các anh xích lô cũng chỉ có toàn tờ 1 đô để trả tiền thối.

Hội An rất nhỏ, chỉ cần đi bộ khoảng hai giờ là đã hết mọi con đường. Những địa điểm cần tham quan lại tập trung trên một vài con đường trung tâm. Nhiều nhất là đường Trần Phú - chính là phố cổ nổi tiếng, nơi những người Trung Hoa sinh sống. Ở đây có thể thấy rất nhiều nhà có kiến trúc của người Hoa, các hội quán Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam, Quảng Triệu... nơi gặp gỡ, họp mặt của những người Hoa đồng hương xa xứ.
Hội An có sáu món ăn đặc sản, trong đó có bốn món nổi tiếng lại chỉ duy nhất của một quán có lịch sử cả trăm năm, quán Vạn Lộc. Đầu tiên là món bánh vạc, còn có tên tiếng Anh là White rose, bánh làm từ bột gạo trong vắt, ở giữa điểm một miếng nhân thịt nho nhỏ, tròn tròn trông như một bông hoa hồng trắng (nhiều người bảo rằng bánh vạc có hình bán nguyệt - hình như không phải kiểu của Hội An), chấm bằng nước mắm ngọt với hành phi. Món này sẽ ngon hơn khi dùng kèm với chả vì bảng thân bánh chỉ là một miếng bột - mà nhân thịt lại rất khiêm tốn.

Hoành thánh của quán làm rất vừa miệng, đây là món đặc trưng của người Hoa, nhưng không như ở các địa phương khác. Hoành thánh ở đây được gấp thành miếng tam giác chứ không túm lại, chiên giòn xếp lên dĩa và tưới nước sốt cà chua - cật. Miếng bánh giòn, ngấm một nữa nước sốt vừa giòn lại vừa dai.
Một món không thể thiếu nếu đến Hội An: cao lầu. Quả thật dù đã ăn ở nhiều nơi tại Saigon, mỗi quán đều trưng bảng chính gốc Hội An. Nhưng không đâu ngon bằng ở đây, cũng như là đã nói thịt chó thì phải là Nhật Tân, rắn phải là Lệ Mật vậy...

Thịt heo được ướp một vị thuốc bắc nào đó không thể lẫn được, sợi mì màu vàng hoe (không giống như sợi mì quảng), ăn với đủ 12 vị rau: thơm, quế, răm, đắng, ngò, giá, xà lách, diếp cá, cải con, bắp chuối, dưa leo, khế chua. Nuớc chan cũng có vị đặc biệt và phải ăn thật khô mới ngon.

Một món khác cũng tạo nên hương vị riêng của Hội An - cơm gà. Dù cho cả thế giới đang họp bàn vì đại dịch cúm H5N1, cũng không ngăn mọi người thưởng thức một dĩa cơm gà hấp dẫn như thế này đâu.
Ngược với những món có phần cầu kỳ trên, Hội An còn có một món dân dã. Đi về phía tây phố cổ rồi băng qua cầu Cầm Nam để vào huyện đảo cùng tên. Vừa băng qua khỏi cầu là gặp ngay một loạt quán bán món bánh đập. Bánh là sự kết hợp giữa một bánh tráng nuớng giòn và một miếng bánh uớt mềm - mát chồng lên nhau, khi ăn đập cho bánh tráng vỡ ra, xé từng miếng một chấm với mắn nêm tỏi ớt. Món ăn mộc mạc như những người xứ Quảng và mang hương vị cứu đói hơn là thưởng thức
Ban ngày Hội An cũng chỉ như những khu phố thị khác, thì về đêm Hội An bỗng lột xác. "Ngày tháng mười chưa cuời đã tối", nên đêm Hội An về rất sớm, mới năm giờ chiều đã như là 6 - 7 giờ, phố xá lên đèn, những xanh đỏ của đèn lồng lung linh trong mưa trong gió.

Nếu đi vào ngày rằm 14 hay thứ tư, thứ bảy, khu phố cổ chỉ dành để đi bộ và cả khu phố chỉ thắp đèn lồng. Rất tiếc mình lại đi vào Chủ nhật, thế nên chỉ ngắm được ánh đèn lồng của nhà hàng khách sạn hắt ra.
Dọc phố cổ là hằng hà sa số những cửa hàng bán qua lưu niệm, những đèn lồng bằng vải hay bằng chỉ đủ màu xanh đỏ khoe sắc, những quán bán tranh nghệ thuật, đồ sành sứ giả cổ, các nhà hàng quán ăn kiểu Hoa... "Còn đó một chút tiêu sơ. Còn đó một chút mong manh..." dành cho những lữ khách muốn tìm một chút hương vị xa xưa.

 
"Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao..."

Dù biết rằng bài Diễm xưa được TCS sáng tác khi đang ở thành cổ Quảng Trị, nhưng lời bài hát cứ ngân lên khi ngắm nhìn những tháp Chàm hoang phế chìm trong cơn mưa.

Từng khối gạch đổ nát vì thời gian, vì không có hơi nguời, vì chiến tranh... nhắc về một đế quốc hưng thịnh rồi cũng sẽ suy tàn, đời người rồi cũng sẽ qua mau.
Lại nhớ đến câu chuyện buồn về công chúa Huyền Trân "Hai châu Ô, Lý vuông nghìn dặm. Một gái Huyền Trân của mấy mươi ?". Phải chăng đây cũng là bi kịch của một tình yêu ? Bên là nàng công chúa tài sắc, bên là đấng quân vương văn võ song toàn. Quân vương si tình, năm năm liền dâng sính lễ, lại dám đổi cả hai châu Ô Lý để mong làm rể nước Nam, công chúa lại quá chung tình, không lý gì đến miệng đời, chồng mới mất đã langthang trên biển cùng người tình xưa cả năm trời. Một sự kết hợp bi kịch, để muôn đời nghe tiếng mỉa mai "Tiếcthay cây quế giữa rừng. Để cho thằng Mọi thằng Mường nó leo." Ai cũng hiểu nổi lòng của người tình chung, mấy ai hiểu khối tình của một kẻ si ?
"Mưa vẫn mưa bay cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau..."

Mỹ Sơn cách Hội An khoảng 45km, 1 giờ ngồi xe. Từ Hội An ra lại quốc lộ 1A, đi đến Duy Xuyên thì rẽ vào Trà Kiệu - thủ đô xưa của người Chăm, nơi đây bây giờ không còn dấu tích gì là một nơi đã từng là kinh đô phồn thịnh. Xuyên qua Trà Kiệu sẽ đến một vùng thung lũng kín gió, bao bọc xung quanh chỉ toàn núi non mà cao nhất là núi chúa được coi là nơi ở của chư thần.
Thung lũng này (gọi chung là Mỹ Sơn), với dòng suối thần từ núi chúa chảy ngang qua, là nơi xây dựng các đền tháp để thờ cúng các vị thần. Mỗi vị vua lên ngôi đều đến đây ra mắt chư thần, xây dựng đền tháp và tiến dâng lễ vật. Nơi đây cũng là nơi duy nhất có phế tích một ngôi tháp bằng đá (tất cả các đền tháp khác đều được xây bằng gạch).

Người Chăm theo Ấn Độ giáo nên thờ 3 vị thần Brahma, Vishnu và Shiva - thần Sáng tạo, thần Duy trì và thần Hủy diệt. Không biết vì sao người Chăm lại đặc biệt quan tâm đến thần Hủy diệt - Shiva, tượng thần với hóa thân là hình người nhảy múa và biểu tượng của thần, hai vật Linga - Yonni (tượng trưng cho nam - nữ, dương - âm) được thờ cúng ở những nơi trang trọng nhất. Chính điệu luân vũ của ngài làm cho cả thế gian này sinh ra, hiện hữu và mất đi, điệu luân vũ của ngài cũng thể hiện "dịch" của Khổng giáo, hay "dòng huyễn hóa" của Phật giáo...
Ngày thứ 4, ngày cuối:

"Cơn bão đi qua
Còn trơ thân tôi
Không cành
Không lá...
Xin làm thân cây
Xiêu xiêu ngã
Làm chậm bước em xa..."

Đến ngày thứ tư ở Đà Nẵng thì bão số 8 đi qua thành phố. Buổi sáng thức giấc, dù đã 8h sáng mà trời vẫn tối mịt. Thời tiết ngày càng xấu thêm kèm với các tiện nghi cũng mất. Đầu tiên là hệ thống liên lạc bị cắt, không thể sử dụng được điện thoại, sau đó là điện cũng cúp theo, rồi có thông báo là các phương tiện ra vào thành phố cũng ngưng trệ: máy bay, đường bộ đều hủy chuyến.
Các trường học đóng cửa, hàng quán cũng thế. Còn may, đối diện khách sạn là quán cà phê New Life vẫn mở cửa, đón những du khách đang kẹt lại Đà Nẵng. Những người đồng cảnh ngộ ngồi thiền trong quán cà phê ngắm mưa bão.

Cảm nhận đầu tiên về cơn bão lớn nhất trong mười năm qua là gió. Gió liên hồi và rất mạnh, gió len qua các khe cửa nhỏ rít lên từng hồi u... u... Gió giật tung các tấm bảng quảng cáo bằng tôn và quật chúng vào tường ầm ầm. Gió giật các cành khô và cuốn chúng bay khắp mặt đất. Kế tiếp là mưa, mưa rất to và liên tục. Mỗi đợt gió qua thổi giạt mưa thành những bức màn trắng xóa chạy dọc con đường. Cây cối oằn mình trong mưa gió, cành lá cũng không chịu nỗi sức tàn phá rơi tan tác xanh những con đường.
< Bình yên và nắng đẹp trở lại trên thành phố.

Đến khoảng 10h trưa thì cơn bão lên đến đỉnh điểm và cây cối bắt đầu ngã. Quán cà phê nằm ngay mũi tàu của ngã năm Hoàng Diệu - Phan Chu Trinh và xung quanh đều toàn kính nên có thể quan sát các con đường khá rõ. Những cây to gặp gió liên tục thổi về một hướng, rễ cây không đủ sức giữ lấy thân mình nên bứt ra khỏi đất, từ từ ngã theo phương gió thổi, từ từ căng những giây điện giăng mắc xung quanh, rồi từ từ gác mình lên một bức tường xây nào đó, phá hỏng mái và một mảng tường trước khi dừng hẳn. Khoảng 130 cây lớn nhỏ bật gốc khắp các đường phố, con đường nào cũng có cây gãy đổ.

Đến tối hôm đấy, cơn bão vẫn tiếp tục hoành hành ở Đà Nẵng. Mưa gió không ngớt... những tưởng bão sẽ đổ bộ vào thành phố ngay trong đêm. Vậy mà sáng hôm sau thức dậy, trời Đà Nẵng lại trong xanh, một ngày nắng thật đẹp như chưa từng có điều gì xảy ra. Chỉ có con người là phải nai lưng ra khắc phục những gì cơn bão để lại...

Crazywolfdl - Thanglongdl forum

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét