Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Nhà vườn Huế: “Bài thơ” đô thị tuyệt tác

(VOV) - Kiến trúc nhà vườn Huế không chỉ tạo nên sự gần gũi với thiên nhiên cây cỏ mà còn thể hiện nét văn hoá đặc sắc trong phong cách sống của người dân Cố đô.

Từ trong cung ra ngoài nội có đến hàng ngàn khu vườn lớn nhỏ được hình thành và lưu giữ qua hàng trăm năm nay. Mỗi khu vườn gắn với một công trình kiến trúc riêng biệt, tạo nên hệ thống nhà vườn đặc sắc ở Huế.
Ngay từ thời các chúa Nguyễn đặt thủ phủ trên vùng đất Kim Long (1636-1687), dân cư ở đây đã biết sống bằng nghề vườn, các công thự, biệt phủ ở đây được xây dựng trong một không gian xanh tươi của cây trái với đủ giống loài quí hiếm từ khắp nơi đưa về. Vùng đất Phú Xuân- Huế từng nổi tiếng với những đặc sản vườn như, quýt Hương Cần, thanh trà Nguyệt Biều, nhãn Kim Long, vải Phụng tiên, chè Tuần, cam Mỹ Lợi...
Tĩnh Lạc viên
Sang thời các vua Nguyễn(1802-1945), trong quá trình phát triển xây dựng kinh đô Huế, mô hình kiến trúc nhà vườn càng được được thể hiện rõ nét hơn. Minh chứng cụ thể nhất là trong Hoàng thành Huế cùng với việc xây dựng đền đài cung điện là sự hình thành của hàng chục vườn ngự uyển, thượng uyển như, vườn Ngự Viên (xây dựng năm 1821), vườn Thiệu Phương (1828), vườn Thư Quang (1836), vườn Thường Mậu (1840)... tạo nên hệ thống vườn cung nổi tiếng ở Huế. Những khu vườn cung này một thời đã được vua Thiệu Trị (1840-1847) xếp vào hàng “Thần kinh nhị thập cảnh”(hai mươi cảnh đẹp nổi tiếng đất thần kinh).
Vườn cung: là nơi vua, hoàng tộc dạo chơi, thưởng lãm những khi nhàn rỗi, thứ dân không mấy ai được đặt chân đến. Vì thế cấu trúc vườn cung vừa thể hiện sự tự nhiên thanh thoát của cây, hoa, lá vừa phải toát lên sự sang trọng vương giả của các bậc đế vương như, vườn Ngự Viên, vườn Thiệu Phương, vườn Thường Mậu…
Ngày nay hệ thống vườn cung không còn nữa chỉ còn là những hoài niệm dấu tích xưa, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có lần nói đùa với tôi rằng: Huế đã khôi phục được cơm vua, rượu vua, nhạc vua... sao lại không tái tạo lại vườn vua, những khu vườn ngự uyển, thượng uyển để du khách thưởng ngoạn chắc cũng hấp dẫn và kinh tế lắm.
Nếu vườn cung là nơi để tận hưởng tìm vui thú trần gian, thì vườn Lăng là nơi để hoài niệm vọng tưởng.
Vườn lăng: Ở Huế hiện nay gần như còn giữ được phần nào dáng xưa ở các lăng Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định... Đây cũng là hệ thống vườn thể hiện rõ nét nhất mô típ kết cấu nhà vườn truyền thống Huế.
Lăng tẩm của các vua Nguyễn đều được xây cất trước khi băng hà khá lâu, nên quá trình xây dựng được tính toán chi ly cẩn thận từ cấu trúc, kiểu dáng công trình đến hệ thống vườn tược rất cân đối hài hoà. Hàng trăm năm nay giữa thâm u của rêu phong lăng mộ, cây vườn vẫn đơm hoa kết trái như chỉ có sinh mà không có lão, bệnh, tử.
Không cầu kỳ vương giả như vườn cung vườn lăng, vườn nhà Huế đơn giản nhưng không kém phần tao nhã sang trọng.
Nhà vườn tiêu biểu ở Huế
Vườn nhà: thường được rào chắn bằng một hàng chè tàu hay dâm bụt được cắt xén cẩn thận. Kiến trúc chính trong vườn là ngôi nhà rường bằng gổ được chạm trổ tỷ mỉ, trang trí công phu làm nơi thờ tụ gia tiên, bên cạnh là nhà phụ làm nơi ở cho các thành viên trong gia đình. Không gian còn lại là vườn cây, bể cá, hòn non mộ... Diện tích mỗi nhà vườn Huế thường từ 1000 - 15000m2 với rất nhiều loại cây trái mang hương vị của cả hai miền Nam, Bắc như hồng nhung, nhãn, măng cụt, xoài, thanh trà, cam, quýt...
Ngoài giá trị kinh tế thường ngày, vườn Huế còn là nơi để chủ nhân ngắm hoa thưởng quả vui thú điền viên sau nhưng lo toan cơm áo hàng ngày. Theo con số thống kê mới đây Huế hiện còn lưu giữ được 2.800 ngôi nhà vườn lớn nhỏ trong đó có hơn 1.000 ngôi nhà vườn trên 200 năm tuổi, tập trung ở các phường Phú Xuân, An cựu, Vỹ Dạ, Tây Lộc, Thuận Thành...
Nhiều ngôi nhà vườn đã trở thành những địa chỉ du lịch đặc sắc như vườn An Hiên, Tịch Lạc Viên và hệ thống nhà vườn ở Phú Mộng- Kim Long. Hệ thống nhà vườn Huế đã làm nên chiếc cầu nối giao thoa hài hoà giữu thiên nhiên và con người, làm nên nét riêng biệt trong văn hoá kiến trúc đô thị ở Việt nam.
Nhà vườn An Hiên
Vườn chùa: Huế là trung tâm Phật giáo của Miền Trung, Huế có hơn 130 ngôi chùa, niệm phật đường lớn nhỏ, trong đó có những ngôi tổ đình, cổ tự danh tiếng lâu đời như Từ Đàm, Thiên Mụ, Từ Hiếu, Bảo Quốc, Huyền Không, Trà Am, Vạn Phước...
Kiến trúc chốn thiền môn đã hoà quyện vào văn hoá kiến trúc nhà vườn Huế. Vì thế, chùa nào ở Huế cũng được xây cất trong những khu vườn rợm bóng cây hoa trái. Vườn chùa không chỉ là nơi lộc phật cho muôn sinh mà còn là nơi cảm quan chiêm ngẫm lẽ nhân quả ở đời. Vườn chùa thấm đượm triết lý nhà Phật xanh tươi mà thoáng đãng như là nơi rũ bỏ những lo toan phiền muộn hàng ngày.
Tuy mỗi kiểu vườn có những nét đặc trưng riêng về mục đích xây dựng, không gian thể hiện... nhưng đều nằm trong sự nhất quán của lối kiến trúc Nhà vườn truyền thống Huế và đã thực sự trở thành nét văn hoá đặc trưng riêng trong kiến trúc đô thị hiện nay. Chẳng thế, mà ông  M Baw - nguyên Tổng giám đốc UNESCO đã thừa nhận: “...Thành phố Huế là một bài thơ tuyệt tác về kiến trúc đô thị. Mẫu mực về kiến trúc cân đối mà hài hoà, tự nhiên đến nỗi người ta quên bàn tay con người đã tạo ra nó...”.
Ngày nay, dưới áp lực của cơn sốt đất đai, nhà ở và tốc độ đô thị hoá nhanh chóng ở Huế, nhiều khu nhà vườn đang có nguy cơ trở thành những phế tích. Nếu không có những chính sách gìn giữ tôn tạo hợp lý thì tương lai không xa Huế sẽ không còn là thành phố nhà vườn nữa. Thực tế, thời gian qua rất nhiều ngôi nhà vườn đã bị thu hẹp không gian, phá vỡ kết cấu nhà vườn, chia lô, bán nền… do sức ép của cuộc sống mưu sinh của các thế hệ con cháu trong gia đình, cũng như những bất cập trong chính sách bảo tồn, đất đai, nhà ở…  
Mặc dù thời gian qua các cấp chính quyền ở Thừa Thiên- Huế cũng như thành phố Huế đã có nhiều biện pháp cấp thời để ngăn chặn nguy cơ này, nhưng xem ra vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nhà Văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một người rất am hiểu văn hoá Huế đã từng viết: “...Người Huế lập vườn, trước hết như là nơi cư ngụ của tâm hồn mình giữa thế gian, ước mong chỉ là chút di sản tinh thần để lại cho con cháu mai sau...”
Vâng, có lẽ phải nhìn nhận mô hình kiến trúc nhà vườn Huế trên góc độ là di sản văn hóa tinh thần mới mong có những chính sách bảo vệ giữ gìn tôn tạo hợp lý và phát huy được giá trị văn hoá to lớn của nó trong thế giới hội nhập hôm nay./.
Ngô Minh Thuyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét