Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Ở nơi vua Lý Thái Tổ đặt tên

Ở nước ta, có lẽ duy nhất chỉ có phường Nghĩa Đô (trước đây là làng Nghĩa Đô) được vua Lý Thái Tổ đặt tên trong chuyến Người du xuân Tân Hợi (1011), xuất phát từ sự ăn ở có nhân, có nghĩa của người dân trong làng. 1000 năm sau, cái tên ấy, truyền thống văn hóa tốt đẹp ấy vẫn được người dân giữ gìn và phát huy, đưa Nghĩa Đô trở thành điểm sáng của Thủ đô trong nhiều hoạt động.
Lịch sử phường Nghĩa Đô còn ghi, đầu Xuân Tân Hợi năm 1011, trong chuyến du xuân ngoại thành, thuyền ngự đi trên dòng sông Tô đến bến Giang Tân (gần chợ Bưởi ngày nay), vua Lý Thái Tổ thấy mấy tấm lụa vẽ một con rồng đang uốn khúc bay bèn dừng thuyền hỏi về nội dung, nguồn gốc bức vẽ. Khi được biết, người dân ở đây chuyên dệt lụa và làm giấy, biết góp công góp sức cùng nhà vua xây dựng Kinh đô và luôn nhớ ơn những người truyền nghề, vua Lý Công Uẩn đã cao hứng đặt tên cho đất này là Nghĩa Đô. Như vậy, làng Nghĩa Đô có lịch sử tương đương với lịch sử Thăng Long - Hà Nội và dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả, trải qua bom rơi, đạn lạc, qua nhiều lần tách, nhập, cái tên Nghĩa Đô vẫn được giữ gìn như một niềm tự hào.



Nhà thờ họ Lại, thờ tổ nghề giấy sắc phong ở phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy)
là Di tích quốc gia

Nghĩa Đô ngày nay đã lên phường, không còn là làng nữa, thế nhưng nét văn hóa làng xã với nghề truyền thống, với những buổi chợ phiên vẫn còn được lưu giữ. Đó là điều đáng quý bởi xu hướng đô thị hóa đã làm phôi pha nhiều nét đẹp văn hóa ở không ít ngôi làng được lên phố khác.
Ca dao xưa có câu: "Chợ Bưởi một tháng sáu phiên. Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng" là để nói về ngôi chợ ở vùng Kẻ Bưởi, trong đó có phường Nghĩa Đô. Chợ Bưởi hình thành vào năm nào không ai rõ, chỉ biết rằng chợ họp vào các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch. Chợ là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm các làng nghề vùng Kẻ Bưởi như lĩnh Yên Thái, Bái Ân, giấy Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã và dụng cụ sản xuất nông nghiệp của vùng Xuân La, Xuân Đỉnh. Ngày nay, chợ Bưởi đã được xây dựng khang trang, hiện đại, nhưng riêng chợ phiên vẫn được duy trì tại một khu vực riêng.
Nghĩa Đô còn giữ được nghề làm giấy sắc phong đã truyền hàng nghìn năm. Ông Lại Phú Thạch, người duy nhất nắm được bí quyết làm nghề hiện nay cho biết: Nhiều người lầm tưởng nghề làm giấy sắc đã bị thất truyền do một thời gian dài không thấy xuất hiện. Nhưng vì không có khách hàng đặt mua (kể từ khi vua Bảo Đại thoái vị năm 1945), nên ở thị trường nội địa không có. Thực tế, gia tộc họ Lại vẫn làm giấy theo đơn đặt hàng ở nước ngoài, mà chủ yếu là khách hàng đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ông Thạch khẳng định: "Nếu thị trường trong nước có nhu cầu, nghề làm giấy sắc phong ở Nghĩa Đô sẽ lại hồi sinh và phát triển".
Hơn thế, trên mảnh đất Nghĩa Đô hôm nay còn có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa quý giá như: Chùa Dụ Ân - nơi tu hành và dạy học của tôn thất nhà Lý - Lý Công Ẩn; đình Bái Ân, nơi thờ thánh Chiêu Ứng Vũ Đại Vương, Thuận Chính công chúa và Chiêu Điều Đại vương; đình An Phú thờ Nguyễn Bông và ngài Trần Toàn; nhà thờ họ Lại thờ tổ nghề giấy sắc phong… Trong số này, nhiều di tích đã được nhân dân trong phường đóng góp kinh phí hàng tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo.

Kỷ niệm 1000 năm làng Nghĩa Đô, phường Nghĩa Đô sẽ tổ chức lễ hội đúng dịp lễ Nghênh xuân của đình Bái Ân vào đầu tháng 3. Lễ hội sẽ có nhiều nghi lễ độc đáo như: Rước kiệu quỳ, hát ca trù, chèo, quan họ, cờ người… Đây là dịp để người dân Nghĩa Đô ôn lại truyền thống, phát huy truyền thống xây dựng quê hương, đất nước.
Minh Ngọc (HNM) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét