Người Thái trắng (Nghệ An) ăn tết theo âm lịch giống như người miền xuôi. Tuy nhiên những ngày tết bản mường có cúng thần đất, thần núi, thần nước và linh hồn người làm trụ cột. Ngoài ra, năm hết, tết đến, người Thái trắng (Nghệ An) còn rất coi trọng việc đi thăm nom phần mộ của những người quá cố, thường diễn ra vào ngày 28, 29 tháng chạp.
Nhộn nhịp những “khu rừng ma”
Ngày thường các "khu rừng ma" là những bãi nghĩa địa ven những bản người Thái thường rất vắng vẻ, đìu hiu. Thậm chí, nhiều người còn sợ khi đi qua những nghĩa địa rậm rạp không khác gì một khu rừng này. Vì ở đây người ta chỉ đi thăm mộ người chết đúng một lần là lúc gần Tết.
Ngôi mộ của người Thái Nghệ An. |
Họ tổ chức cùng nhau phát quang bụi rậm và cỏ dại, tôn tạo lại mộ phần ông bà tổ tiên, nguyện cầu cho một năm mới tốt lành. Những ngôi mộ lâu ngày không còn người viếng thăm cũng được tôn tạo lại cùng các ngôi mộ khác. Một nén hương được cắm lên nấm mộ vô danh để linh hồn các ngài ở cõi trời được an ủi phần nào khi con cháu họ vì một lý do nào đó không đến thăm mộ.
Chuẩn bị cho lễ gọi hồn. |
Không thể không nhắc tới phong tục gọi hồn của người Thái Trắng Nghệ An trong những ngày giáp tết, đặc biệt là trong bữa tất niên tối ngày 30. Mỗi gia đình thường chuẩn bị hai con gà, một con để cúng tổ tiên hay còn gọi là “Xống”, còn một con dùng để gọi hồn cho mọi người trong nhà. Để gọi hồn, đặt cạnh mâm cúng là những chiếc áo của các thành viên trong gia đình. Sau lễ cúng mỗi người đều được buộc vào cổ tay một sợi chỉ đen để giữ vía mình không đi lạc nữa. Một điều không kém phần quan trọng trong lễ cúng là sợi chỉ đó phải để cho tự đứt, nếu dứt đứt thì chủ nhân dễ bị ốm.
Người Kinh mùng 1 kiêng đến nhà, nhưng người Thái thì mùng 1 đã đi nườm nượp đến nhà nhau chúc Tết từ sớm. Từ chiều mùng 1, thanh niên bắt đầu đi chơi, và muốn đi chơi đến bao giờ thì đi, đến làng nào ăn uống ở làng ấy, có khi đi đến qua cả mùng 10 mới về. Các trò chơi khá náo nhiệt, gồm ném còn, khắc loỏng, múa xoè, chơi quay và quả “mák lẹ”…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét