Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Độc đáo bức chạm ‘Mèo ngoạm cá’ ở đình Đại Phùng

Đình Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) là một trong số ít đình tiêu biểu của xứ Đoài, mang dáng dấp kiến trúc nghệ thuật đời hậu Lê. Đặc biệt ở đây có một bức chạm gỗ độc đáo ‘Mèo ngoạm cá”.


Bước vào gian giữa của ngôi đình Đại Phùng, ngước nhìn lên cao bên phía trái, sát với mái đình, cổ nhân chạm khắc một con mèo to, miệng cắp chặt con lớn (cá bằng một phần ba con mèo). 

Hình tượng “Mèo ngoạm cá” ở đình Đại Phùng được thể hiện rất lạ. Đôi tai mèo vểnh lên, hai mắt tròn, trợn trừng trừng như đang cảnh giới đối phương, sợ tranh mất phần cá. Thân mèo co rúm lại, chân sau gập xuống như muốn nhảy phốc ra nơi khác, để bảo toàn miếng mồi ngon vừa cắp được. Nét chạm tỷ mỷ từng sợi ria mép, vành tai của mèo. Con cá cũng được nghệ nhân gọt tỉa kỹ từng chiếc vảy, các vây. Hai bên còn có tóc mây của hai con rồng uồn lượn.
Hình tượng "Mèo ngoạm cá" trong bức chạm ở đình Đại Phùng
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Minh Nhương, Phó chủ tịch Hội văn hóa dân gian Hà Nội, chỉ riêng hình tượng “Mèo ngoạm cá” đã làm nên một bức chạm hoàn hảo. Bức chạm còn mang giá trị cao hơn bởi liên quan tới những hình ảnh rất sinh động thứ hai phía dưới. Đó là cảnh xuân hội kỳ thú của cư dân nông nghiệp thời phong kiến tự vì: Trên thân xà ngang là bức cốn có con rồng toét miệng cười hở cả hai hàm răng như răng của trâu bò. Cách đó là hai ông ngồi uống rượu mặc áo thụng mềm mại, chân xếp bằng tròn, người lắc lư như say, như tỉnh. Chắc hẳn là tầng lớp thượng lưu trong làng, trong tổng. Phía trái có nàng tiên dáng hình thon thả, cưỡi rồng xuống hạ giới chia vui.
Lớp thứ ba là cảnh hội làng ở thời điểm thăng hoa: Một cụ già, tay cầm gậy, dáng lom khom, khớp khởi bước ra như nhân vật “lão say” trong trích từ chèo cổ. Một cô gái, áo dài tha thướt, hai tay xòe quạt ngang ngực, miệng nở nụ cười hay tiếng hát cất lên. Tiếp đến một chàng trai khỏe mạnh, một chân đá phắt quả cầu, cánh tay vung thẳng về phía trước, ngang lưng khăn quấn gọn gàng, quần xắn lửng, khoe đôi chân chắc mập.
Bên cạnh có chú rồng con uốn mình trong sự chở che của bàn tay rồng mẹ. Tiếp đến là cô vũ nữ hai tay kính cẩn rượu (hoặc trà) cho một ông quan. Thật bất ngờ có hai chú mèo con xuất hiện. Ông quan tai to mặt lớn, ngồi bệ vệ trên ghề bành, hai tay khuỳnh ra, một tay cầm chén rượu, tay kia đặt vào đầu gối chân. Hai đầu chú mèo chui ra từ hai nách áo của ông quan. Mèo tinh nhanh, tai vểnh, miếng nhe răng cười, thật hóm hỉnh. Hình ảnh ông quan và hai chú mèo ngộ nghĩnh đều ở vị trí cuối, sát với thân cột cái của ngôi đình to lớn nhất vùng.
Toàn cảnh bức chạm ở định Đại Phùng.
Toàn cảnh bức chạm hình tam giác, gồm ba tầng liên kết chặt chẽ với nhau, phản ánh sự no đủ của làng quê. Con vật, con người đều có cái ăn, cái mặc và vui đùa. Cõi trần và cõi tiên đều thịnh trị. Mây vờn, gió thổi thuận hòa qua từng thớ gỗ của nghệ nhân dân gian.

Đất nước thái bình, thịnh trị sau nhiều năm binh lửa. Văn hóa dân tộc phục hưng. Làng xã hăng hái xây những ngôi đình lớn, nơi nơi hội mở tưng bừng. Mừng mùa màng bội thu, tôn vinh người đỗ đạt… Cũng là dịp các nghệ nhân chạm gỗ trong vùng thể hiện tài hoa trên từng thớ gỗ. Nhất là những cảnh sinh hoạt đương thời của xã hội tạc vào nội thất của ngôi đình: cảnh vui xuân nhộn nhịp, cảnh “vinh quy bái” mừng đón quan tân khoa về làng. cảnh đấu vật, hát ca trù, uống rượu thưởng xuân… Từ những linh vật như “long - ly - quy - phượng” đến voi chiến, ngựa chiến, cả các con vật sống quanh ta như con trâu đi cày, con dơi, con thạch sùng bắt muỗi… và đặc biệt là con mèo đáng yêu trong kho tàng ca dao cổ.
Đến nay, ngôi đình Đại Phùng đã trên 300 tuổi, giúp chúng ta hiểu được phần nào cuộc sống, sinh hoạt của cha ông. Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa Minh Nhương, có thể cổ nhân có ý phản phong, phê phán nhẹ nhàng, ý nhị thói tham lam của tầng lớp quan lại thời phong kiến qua hình tượng “Mèo ngoạm cá” hoặc mách bảo với hậu sinh rằng: ngôi đình được khởi dựng vào năm Mão. 
Trần Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét