TTO - “Cúng xóm” là một trong những nét văn hóa của người Huế, thể hiện nét kết cấu cộng đồng làng xã chặt chẽ, thể hiện tinh thần đoàn kết, vui vẻ mỗi mùa xuân về tết đến...
Nơi lập bàn cúng luôn là nơi con đường chính của xóm đi qua - Ảnh: N.P.Tuấn |
Không biết “Cúng xóm” có từ bao giờ, nhưng theo các bậc cao niên ở xóm Mỹ Lộc (phường 2, TP Đà Lạt),tục này tồn tại như một nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Huế xa xứ. Theo đó, người dân trong khu xóm cùng nhau đóng góp tiền của, công sức rồi cứ chọn ngày 20 tháng chạp để bày lễ đàn, trước cúng Thành hoàng như tâm linh người Việt, sau đó cầu an, cầu xin sức khỏe cho tất cả cư dân trong xóm.
Để chuẩn bị chu đáo cho buổi “Cúng xóm”, xóm Mỹ Lộc đã thành lập một quỹ chung để lo chuyện hậu cần. Quỹ này cũng được dùng cúng giao thừa xóm, cúng đầu năm, trao học bổng cho con em học giỏi và những ai cần tiền đột xuất…
Gần đến ngày “Cúng xóm”, cả xóm họp lại để bàn bạc, phân công nhiệm vụ. Thường thì các chị, các bà sẽ lo việc đi chợ, bếp núc. Cánh đàn ông lập bàn cúng, bưng dọn và phụ trách bàn ghế cùng ăn tiệc. Nơi lập bàn cúng luôn là nơi con đường chính của xóm đi qua.
Cúng xóm ở Đà Lạt thường có đống lửa và thau nước, khác với cúng xóm truyền thống ở Huế - Ảnh: N.P.Tuấn |
Tuy nhiên, “Cúng xóm” ở Đà Lạt khác với ở Huế là luôn có một chậu nước và đống lửa bên cạnh bàn thờ cúng. Các cụ cao niên cho biết đó chính là ảnh hưởng của nét văn hóa người Thượng (lấy lửa làm trung tâm). Cũng có ý kiến cho rằng chậu nước để các vị thần rửa mặt, rửa tay; đống lửa để họ sưởi ấm do vùng đất này vốn rất lạnh.
Khi lễ tế tự chấm dứt, mọi người lần lượt vào lễ bái thắp hương, cầu xin những điều tốt lành khi năm hết, tết đến, cuối cùng là buổi liên hoan vui vẻ.
“Cuộc sống phố thị nên cả năm ai cũng bận rộn, ít khi gặp nhau. Cuối năm “Cúng xóm”, dù có làm gì mọi người cũng tranh thủ về nên rất đông vui. Mỗi người một tay cùng nhau trò chuyện thân mật về tết, gia đình”, anh Nguyễn Ngọc Thái, ngụ xóm Mỹ Lộc, tâm sự.
NGÔ PHƯỚC TUẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét