Thư mục: Du lich
(VOV) - Đây là ngôi đền nằm ngoài bãi sông Hồng, gọi là đền Sơn Hải, thuộc phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Với chiến tích bình Nguyên chói lọi – thế kỷ XIII, đương thời và hàng trăm năm qua – trên đất nước ta có nhiều ngôi đền thiêng thờ đức thánh Trần. Lớn và nổi tiếng nhất là đền Trần ở Nam Định - nơi sinh; và đền Kiếp Bạc ở Chí Linh, Hải Dương - nơi hoá. ở Thủ đô thì đáng kể nhất có đền Ngọc Sơn ở hồ Hoàn Kiếm. Ngoài ra còn có một số đền nhỏ, thậm chí có ngôi đã không còn theo thời gian như Hựu Linh từ ở đầu phố Tông Đản...
Lần gần đây, tôi may mắn được dự lễ giỗ Ngài do Ban liên lạc dòng họ Trần tổ chức tại một ngôi đền ngoài bãi sông Hồng, gọi là đền Sơn Hải, thuộc phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nơi đây, xưa là xứ Vạn An, thôn Đông Bộ Đầu, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Thế kỷ XIII - Đông Bộ Đầu là bến bờ nam sông Hồng, ước khoảng từ dốc Hàng Than - Hoè Nhai đến dốc Vạn Kiếp bây giờ. Ngày nay, đi ngang đây không phải ai cũng biết được rằng, đó từng là bến sông lịch sử – nơi quân dân nhà Trần đã làm cuộc quyết chiến chiến lược lần thứ nhất, đánh đuổi quân Nguyên Mông, giải phóng kinh thành Thăng Long (năm 1258).
Với chiến tích lẫy lừng này, dân vạn chài bến Đông Bộ Đầu đã hưng công lập đền Sơn Hải (khoảng cuối thế kỷ 18) để tưởng kính công lao to lớn của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo và tướng sĩ Đại Việt đã xả thân cứu nước. Đền nằm trong quần thể di tích quanh Hồ Gươm – với tên cổ là “Sơn Hải linh từ”. Bức hoành phi với 4 đại tự “Thuý giang vọng nguyệt” có niên đại Mậu Thìn 1928. Trong đền có bức tượng đức thánh Trần được tạc rất công phu, xứng là một tác phẩm nghệ thuật. Hai bên là hai pho tượng của hai bậc gia tướng của ngài – Yết Kiêu và Dã Tượng. Đền còn giữ được nhiều bộ câu đối sơn son thiếp vàng rất cổ kính, trong đó có câu mang nghĩa: Dấu tích bến Chương Dương từ nghìn xưa truyền lại. Đền thiêng Hàm Tử còn mãi với mùa xuân. Đền còn có 6 đạo sắc phong của triều Nguyễn (đạo sớm nhất là năm 1846 của Thiệu Trị). Các bậc danh tướng nối nghiệp cha ông, từng góp phần làm nên những trang sử chói lọi thế kỷ 20 như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Thảo – ngay khi tuổi cao sức yếu đã từng đến đây dâng hương tri ân Ngài...
Bên thềm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội không thể không nói đến một thực trạng của ngôi đền thiêng này. Đó là để ra đền, chỉ có một lối duy nhất là con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo với rất nhiều đoạn gấp khúc giữa các khu nhà dân, vừa chật hẹp vừa bẩn ướt... Nhà dân quây kín ngôi đền. Đền hướng ra mặt sông, nhưng phía ấy là cả một bãi cỏ rác ngập tận mép sân, đầy vẻ hoang vu và tịnh không có một bến mòn nào. Mặc dù ban tổ chức thông báo là có ông Nguyễn Quốc Triệu – khi đó còn đương nhiệm Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội sẽ tới dự lễ và dâng hương - nhưng tôi và rất nhiều khách thập phương vẫn không giấu được cảm giác hoang lạnh và buồn.
Tôi cũng có ý gặp gỡ và nói với ông chủ tịch đôi điều cần thiết (vì vốn không xa lạ gì nhau lắm) nhưng ông đến cũng nhanh và rút cũng nhanh. Một mình lặng lẽ dò bước xuống mép sông, cố tìm một cảm xúc nào đó gợi về một dáng vẻ hào hùng của quá khứ cha ông mà không thể. Gió sông Hồng vẫn lộng thổi. Màu nước vẫn đỏ phù sa.../.
Quân Sắc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét