Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật- Danh nhân Thăng Long kiệt xuất

Trong hàng ngũ tướng lĩnh kiệt xuất của vương triều Trần góp phần tạo nên các chiến công lừng lẫy trong lịch sử dân tộc, Thượng tướng Trần Nhật Duật (1255-1330) được biết đến như một vị danh tướng độc đáo và đặc sắc bậc nhất.
 Người thời ấy thường gọi ông là Đức ông Hoàng Sáu (ông là con thứ sáu của vua Trần Thái Tông) với sự kính trọng không những về tài năng quân sự mà còn cả về khả năng am hiểu sâu sắc các thứ tiếng nước ngoài, phong tục, tập tục các vùng đất không riêng ở Đại Việt.
Sinh thời, thánh tướng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, một tài năng quân sự kiệt xuất của Việt Nam và thế giới rất yêu mến và tín nhiệm Trần Nhật Duật. Trong các mặt trận then chốt và những trận đánh quyết định, Trần Quốc Tuấn bao giờ cũng giao trọng trách cho Trần Nhật Duật.



Ảnh minh họa trận Hàm Tử Quan (Nguồn Internet)

Chính sử chỉ chép kỹ biệt tài quân sự của ông trong chiến thắng Hàm Tử Quan (tháng 5/1285) nhưng trên thực tế tài cầm quân của ông đã sớm được thể hiện từ trước đó, đặc biệt là tư duy quân sự mang tính chiến lược sâu sắc, phi thường phục vụ hết sức có hiệu quả trong các lần chiến thắng quân Nguyên - Mông.
Trần Nhật Duật được phong tước Chiêu Văn Vương năm 12 tuổi, một trong những tước vương trẻ nhất của vương triều Trần. Ông khí chất rộng lượng, tính tình phóng khoáng, rất ham học hỏi, tinh thông cầm kỳ thi họa và đặc biệt giỏi giao tiếp, am hiểu ngôn ngữ và trao đổi được với rất nhiều các dân tộc khác. Triều đình khi có những việc liên quan đến bang giao thường triệu ông về triều khu xử công việc.
Nhãn quan quân sự của Thượng tướng Trần Nhật Duật rất uyên thâm. Trong các lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thứ hai và thứ ba ông đều có công lớn. Là vị danh tướng được nhân dân, đặc biệt là các tù trưởng vùng Tây Bắc yêu kính và ngưỡng mộ nên ông thường xuyên được giao nhiệm vụ tác chiến với quân Nguyên - Mông ở địa bàn quen thuộc Tây Bắc.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai, cũng là lần ác liệt nhất, Trần Nhật Duật được Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - vị thống soái tối cao điều lên mặt trận Tây Bắc, và ông đã không phụ lòng tin của triều đình và Quốc công Tiết chế.
Gánh trọng trách trấn nhậm vùng Tây Bắc, Trần Nhật Duật hiểu được rồi đây cuộc chiến sẽ hết sức khốc liệt. Nhưng việc quan trọng có tính quyết định là phải bảo toàn được lực lượng, nâng cao ý chí đánh giặc của tướng lĩnh, nuôi dưỡng lòng dân không khiếp sợ để tạo cơ hội phản công sau này. Các tướng lĩnh kiệt xuất triều Trần thời ấy tuy tác chiến độc lập và không thể có thông tin nhanh như thời hiện đại nhưng dường như họ có thuật tâm truyền và thực thi các ý đồ đã định hết sức chính xác. Chính điều này đã góp phần tạo nên những võ công của dân tộc Đại Việt. Trong tác chiến với cánh quân của địch tràn vào hướng Tây Bắc, Trần Nhật Duật đã bảo toàn được lực lượng, từng bước lui binh chiến thuật về Bạch Hạc (Việt Trì ngày nay), làm lễ tuyên thệ nâng cao sĩ khí, nắm vững ý đồ tác chiến toàn cục và đặc biệt là luôn tin tưởng vào sự tất thắng của đội quân chính nghĩa.
Sau một thời gian tránh thế mạnh của địch, dùng kế "vườn không nhà trống" ở kinh thành Thăng Long và các vùng lân cận khiến quân Nguyên bị thiếu lương thảo, quân Trần bắt đầu phản công. Trần Nhật Duật cầm quân chỉ huy trận đánh ở cửa Hàm Tử.
Cuối tháng 4 năm 1285, ông lập chiến công vang dội ở trận Hàm Tử. Giặc bị thiệt hại nặng, bỏ chạy tan tác. Theo sách Đại Việt Sử Ký toàn thư "Công đánh giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả".
Chiến thắng Hàm Tử Quan là một trong những trận đánh nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên và trong cả lịch sử Việt Nam.
Trần Nhật Duật có trên năm mươi năm làm tướng và giữ những trọng trách của triều đình liên tiếp năm triều vua: Trần Thánh Tông; Trần Nhân Tông; Trần Anh Tông; Trần Minh Tông; Trần Hiến Tông, lập nhiều công lao to lớn. Bản thân ông là một tấm gương sáng về tài trị quốc và đánh giặc, một nền tảng quan trọng về nghệ thuật quân sự Việt Nam, một người hiền có nhiều công trạng trong gây dựng, phát triển các sắc màu văn hóa Đại Việt về văn học, âm nhạc, ngôn ngữ. Nhiều thành tựu về âm nhạc, múa hát dân tộc đến hôm nay vẫn còn mang dấu ấn sáng tác của ông. Năm 1302, ông được phong Quốc công Thái úy. Năm 1324, được phong Tá thánh Thái sư. Ông mất năm 1330, thọ 76 tuổi.
Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với giai đoạn vinh quang nhất của nhà Trần. Tài năng, đức độ, sự nghiêm minh ngay thẳng của ông cũng như các tướng văn, võ trong thân tộc nhà Trần cùng thế hệ với ông (Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải.) góp phần không nhỏ vào sự tồn tại và hưng thịnh của nước Đại Việt thời nhà Trần.

( Theo antgct.cand)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét