Giản Định đế là vị vua đầu tiên của nhà Hậu Trần, được dựng lên trong lúc gian nan, ở ngôi 2 năm (1407-1409) với nhiều cố gắng trong sự nghiệp đánh đuổi quân Minh xâm lược, giải phóng đất nước và phục hưng nhà Trần. Tuy nhiên, vì nghi kị bề tôi, nghe lời sàm tấu mà cơ nghiệp đang xây dựng dang dở đã đổ vỡ.
Giản Định đế tên húy là Trần Ngỗi, còn có tên khác là Trần Qũy, con thứ của vua Trần Nghệ Tông, tuy nhiên sử sách không cho biết rõ ông là con thứ mấy, thân mẫu là ai và sinh vào năm nào.
Giản Định đế vốn thực không có mộng làm vua, do hoàn cảnh đưa đẩy mà được tôn lên ngôi. Ông là người thuộc hoàng tộc của triều trước, nên khi Hồ Qúy Ly cướp ngôi nhà Trần đã phong cho ông tước Nam quận vương. Khi quân Minh kéo vào xâm lược, cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, ông lánh đến Mô Độ, phủ Thiên Trường (nay là xã Yên Mô, huyện Yên Mô, Ninh Bình). Bấy giờ có người ở đó tên là Trần Triệu Cơ biết ông là con cháu họ Trần nên “xuất dân chúng lập lên làm vua” (Việt sử tiêu án).
Giản Định đế là vị vua đầu tiên trong lịch sử và là vị vua duy nhất của nhà Trần lấy tên hiệu của mình làm đế hiệu. Vì trước đó vua có hiệu là Giản Định nên khi làm vua đã xưng là Giản Định đế, đặt niên hiệu là Hưng Khánh.
Đền Trần (Nam Định). (Ảnh minh họa) |
Giản Định đế sau khi lên ngôi, vừa chống giặc Minh vừa cho quân đi diệt trừ những ngụy quan, những kẻ phản bội theo giặc. Ban đầu là “giết bọn nguỵ quan Trần Thúc Giao, Trần Nhật Chiêu và thuộc hạ hơn 500 người” vào tháng 12 năm Đinh Hợi (1407). Đến ngày 16 tháng 6 năm Mậu Tý (1408) vua sai tướng Đặng Tất “cả phá tên phản thần Phạm Thế Căng ở cửa biển Nhật Lệ, bắt được Thế Căng và cháu nó là Phạm Đống Cao giải về hành tại giết” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Mới lên ngôi được 2 tháng, Giản Định đế đã cho giết ngụy quan nhưng lại phóng tay giết quá nhiều người, trong đó phần lớn chỉ là những người bị ép buộc phải theo chủ nhân của mình. Sử sách đã chê trách việc này như sau: “Thiên hạ đại loạn, nhân dân Nghệ An, Diễn Châu biết ai là chân chúa. Thúc Dao là con người tôn thất, Nhật Chiêu là tướng quân cũ, nhận quan tước của nhà Minh, giữ đất, trị dân, dân không theo có được không? Giết Thúc Dao và Nhật Chiêu là phải, còn bọn thuộc hạ nên vỗ về mà dùng, thì chúng không cảm kích ơn đức đó hay sao? Thế là lại giết nhiều như vậy, sao gọi là quan nhân nghĩa được?” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Giản Định đế là vị vua duy nhất trong lịch sử tự mình đánh trống trận đốc chiến phá giặc. Trong trận đánh giữa quân Hậu Trần và quân Minh vào ngày 14 tháng 12 năm Mậu Tý (1408) tại bến Bô Cô (nay thuộc xã Hiếu Cổ, huyện Ý Yên, Nam Định), Giản Định Đế đã tự mình cầm dùi đánh trống đốc chiến khiến quân lính được tăng thêm sĩ khí, ra sức chiến đấu và giành thắng lợi lớn.
Trận Bô Cô cũng là trận đánh lớn nhất, oanh liệt nhất của Giản Định đế, sử chép rằng: “Bấy giờ nhà Minh sai tổng binh Mộc Thanh mang tước Kiềm quốc công, đeo ấn Chinh di tướng quân, đem 5 vạn quân từ Vân Nam đến Bô Cô, vừa khi vua cũng từ Nghệ An tới, quân dung nghiêm chỉnh, gặp lúc nước triều lên gấp, gió thổi mạnh, sai các quân đóng cọc giữ, và lên hai bên bờ đắp lũy. Thạnh cũng chia quân thủy, quân bộ cùng cầm cự. Vua cầm dùi đánh trống, hạ lệnh, các quân thừa cơ xông ra đánh, từ giờ Tỵ đến giờ Thân, quân Minh thua chạy, chém được Binh bộ thượng thư Lưu Tuấn, Đô ty Lữ Nghị, cùng quân mới, quân cũ đến hơn 10 vạn tên. Chỉ một mình Mộc Thạnh chạy thoát trốn về thành Cổ Lộng” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Trận Bô Cô cũng là nguyên nhân của sự nghi kỵ, mâu thuẫn giữa Giản Định đế và bề tôi, dẫn đến việc giết oan hai cận thần đắc lực của vua, trong đó có người là bố vợ của ông. Tháng 2 năm Kỷ Sửu (1409) “giết quốc công Đặng Tất và Đồng tri khu mật viện sự tham mưu quân sự Nguyễn Cảnh Chân. Khi ấy vua đóng ở Hoàng Giang, nội nhân là Nguyễn Quỹ (có sách viết là Trách) và học sinh là Nguyễn Mộng Trang mật tâu rằng: Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất chuyên quyền bổ quan và cách chức, nếu không tính sớm đi, sau này khó lòng kiềm chế. Vua cho gọi hai người đến, bóp cổ giết Tất; còn Chân chạy lên bờ, lực sĩ đuổi theo chém chết” (Đại Việt sử ký toàn thư)
Giản Định đế là vị vua duy nhất bị bắt phải làm Thái Thượng hoàng. Sau khi giết oan trung thần khiến con Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị, con Đặng Tất là Đặng Dung đều căm giận vì cha bị chết oan, mới đem quân về Thanh Hóa, đón rước Nhập nội thị trung Trần Quý Khoáng đến Nghệ An lập làm vua, lấy niên hiệu là Trùng Quang. Để thống nhất lực lượng kháng chiến, vua Trùng Quang đế sai Thái phó Nguyễn Súy đem quân đánh thành Ngự Thiên (nay thuộc Hưng Nhân, Thái Bình) bắt được Giản Định đế đưa về Nghệ An, “tôn lên làm Thượng hoàng, cùng chung sức đánh giặc” (Đại Việt sử ký toàn thư). Sự kiện này cũng được sách sử phương Bắc chép, sách Nguyên sử viết: “Bấy giờ bọn Nguyễn Súy suy tôn Giản Định làm Thái Thượng hoàng, lập riêng Trần Quý Khoáng làm vua, đặt niên hiệu là Trùng Quang”.
Mặc dù bị bắt làm Thái thượng hoàng nhưng Giản Định đế cũng không có phản ứng gì tiêu cực mà vẫn hăng hái đánh giặc. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Hai vua ra quân đánh giặc. Thượng hoàng tiến quân tới Hạ Hồng, vua đem quân đến Bình Than, đóng đinh ở đấy. Quân Minh đóng ở cửa thành cố thủ”. Khi quân Minh do Trương Phụ kéo sang tăng viện, quân Hậu Trần lại yếu thế hơn, lúc đó Thái thượng hoàng Giản Định phải lui quân về trấn Thiên Quan, quân Minh đuổi theo, chúng bắt được Thái thượng hoàng Giản Định và Thái bảo Trần Hy Cát ở Mỹ Lương (nay thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Giản Định đế là vị Thái Thượng hoàng duy nhất của thời Hậu Trần và là Thái Thượng hoàng ở ngôi ngắn nhất triều Trần. Được tôn lên ngày 20 tháng 12 năm Kỷ Sửu (1409), đến tháng 7 năm đó thì ông bị giặc Minh bắt được.
Giản Định đế bị bắt khi tranh đấu với lực lượng mạnh của Trương Phụ. Sách Hoàng Minh thực lục cho biết về tình cảnh của ông lúc đó như sau: “Bấy giờ Giản Định đến sách Cự Lặc, muốn từ sách Địa mà ra trấn Thiên Quan để họp quân chống địch. Thạch đem quân từ phía Nam Lỗi Giang đến sách Cự Lặc. Bọn đô đốc Chu Vinh và chỉ huy La Văn lấy chu sư từ cửa Ngưu Tỵ ở phía trên Lỗi Giang, Phụ thì lấy quân kị bộ từ Lỗi Giang đến sách Địa, cùng đến trấn Thiên Quan. Giản Định đã từ sách Đông Hoàng chạy đến sách Đa Bôi. Quan quân theo đến sách Cát Lợi huyện Mỹ Lương. Giản Định ngụ ở nhà dân, đường xa thấy thế mạnh của quan quân bèn bỏ ngựa cùng ấn đai, các vật mà chạy trốn, nấp trong núi. Quan quân truy tìm khắp không được bèn bổ vây, bắt sống được Giản Định”.
Thời gian và địa điểm nơi Giản Định bị bắt, các sách sử chép không đồng nhất, cuốn Việt sử tiêu án không cho biết thời gian mà chỉ viết chung chung là: “Gặp lúc Trương Phụ kéo quân đến, vua Hưng Khánh bỏ thuyền lên bộ, Trương Phụ chia quân đi theo đằng sau, bắt được vua Hưng Khánh giải về Kim Lăng”; còn sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết ông bị bắt vào tháng 7 năm Kỷ Sửu (1409). Sách Việt kiệu thư của Trung Quốc thì viết: “Tháng 10, quân đến Thanh Hóa, qua 4 ngày thì bắt được Giản Định ở trong núi sách Cát Lợi”. Sách Nguyên sử viết: “Giản Định chạy ra sách Cát Lợi, huyện Mỹ Lương. Bọn Phụ đuổi theo kịp, Giản Định chạ vào núi. Tìm khắp không thấy, bèn vây. Giản Định cùng với tướng văn võ là bọn Trần Hy Cát, Nguyễn Nhữ Lệ, Nguyễn Án đều bị bắt”.
Giản Định đế là vị vua duy nhất của triều Trần bị giết bởi quân xâm lược phương Bắc. Sau khi bị bắt, quân Minh đưa ông về kinh đô Kim Lăng (Trung Quốc) giết hại. Vì là vị vua Trần duy nhất mất ở đất Bắc nên không rõ mộ của ông ở nơi nào?
Sách sử không cho biết rõ Giản Định đế bị hại vào thời gian nào, nhưng tại đền Tức Mặc (huyện Mỹ Lộc, Nam Định), nơi thờ phụng các vua Trần thì lễ giỗ kị của Giản Định đế là vào ngày 22 tháng Chạp âm lịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét