Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

Đêm xem hội “Linh tinh tình phộc”

TTCT - Những người từng thất vọng về những lễ hội biến tướng và bị thương mại hóa hẳn sẽ sung sướng tìm lại sự hồn nhiên của dân gian trong đêm hội Tứ Xã (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) vào ngày 11 tháng giêng.
Chữ thầy trả thầy - diễn trò thầy đồ dạy chữ - Ảnh: Thuận Thắng

Hội làng Tứ Xã còn gọi là lễ hội Trò Trám, nhưng trong dân gian được gọi bằng cái tên rất phồn thực: Linh tinh tình phộc.
Từ cái ỡm ờ của phường Trám
“Loa...loa...loa, xin mời hai hàng sứ giãn ra, để cho phường Trám chúng tôi trình trò, loa...loa...loa”, chỉ tiếng rao rộn rã đó đã đủ sức thu hút cả ngàn già trẻ gái trai, những người đã xem đi xem lại Trò Trám hàng chục lần háo hức kéo đến sân miếu. Và đêm hội làng đã mở đầu bằng những trò diễn dân gian vui nhộn như trò “Tứ dân chi nghiệp” hay còn gọi là “Bách nghệ khôi hài” với những hoạt cảnh gắn liền với bốn nghề chính: sĩ, nông, công, thương.
Ông thầy đồ đi trước dạy một câu, đám học trò theo sau cứ chực bổ cái nghiên mực xuống đầu thầy, âm mưu với nhau xuyên tạc lời thánh hiền. Thầy dạy “ấu nhi học, tráng nhi hành”, trò đọc “ấu nhi học, cháo thiếu hành”... Học xong thầy bảo “chữ thầy trả thầy để thầy đi dạy học trò khác”... Đó là chân dung hài hước của thầy đồ dạy chữ Nho trong con mắt dân gian.
Nhưng cái nhìn hài hước không dừng ở đó. Từ hình ảnh anh đánh giậm, câu cá, đánh lờ... đến chị trồng bông dệt cửi trong những trò đi cày, đi cấy, dệt lụa, mua xuân - bán xuân đều toát lên vẻ hồn nhiên hàm ý châm biếm.
Anh chàng câu cá mắt cứ đong đưa, còn miệng đọc vè: “Người ta câu diếc câu rô/ Tôi nay câu lấy một cô không chồng/ Người ta câu bể câu sông/ Tôi nay câu lấy con ông cháu bà/ Có chồng thì nhả mồi ra/ Không chồng thì cắn thì nuốt thì tha lấy mồi”... Mỗi câu mỗi chữ mỗi từ đều đầy những ẩn ý vui nhộn về chuyện yêu đương nam nữ. Chất phồn thực bởi thế cũng thấm vào từng động tác, trò diễn của những nghệ sĩ dân gian.
Đến cái “nõ nường” của nhân gian
Đến nửa đêm, nghi lễ chính của đêm hội diễn ra, khởi nguồn cho tên gọi phổ biến trong dân gian “Linh tinh tình phộc”.
Miếu Trò của Tứ Xã thờ linh vật của tín ngưỡng phồn thực - tín ngưỡng khởi nguyên và sơ khai của các tộc người trên trái đất, trong đó có dân tộc Việt. Theo các cụ già kể lại, việc thờ cặp sinh thực khí ở miếu Trò có từ thời Hùng Vương, linh vật được cất giữ cẩn thận trên gian thờ của ngôi miếu và chỉ lấy ra một lần duy nhất.
Đó là vào giữa đêm 11 tháng giêng, lúc trời đất giao hòa, tạo vật sinh sôi, cặp sinh thực khí hay còn gọi là cặp “nõ nường” được làm bằng gỗ sơn son sẽ thực hiện nghi lễ giao hoan gọi là lễ mật trong gian thờ của miếu Trò, đèn nến tắt hết. Nghi lễ giao hoan được thực hiện ba lần trong tiếng hô “Linh tinh tình phộc” của ông từ miếu Trò - chủ tế của nghi lễ.
Theo cụ Nguyễn Thị Cam (70 tuổi) ở xóm Trám, xã Tứ Xã: các cụ còn kể rằng ngày xưa sau lễ “Linh tinh tình phộc”, các đôi trai gái chưa vợ chưa chồng có thể tự do dắt nhau đi tình tự. Nhiều đôi trai gái đã thành vợ thành chồng sau đêm lễ mật. Các cụ xưa vẫn dạy phải biết tôn thờ linh vật và tín ngưỡng này, bởi đó chính là cái gốc của việc bảo tồn nòi giống.
***
Đêm hội của một làng nhỏ nơi trung du không cần đến những trò chơi ăn tiền, những màn cầu may, vẫn giữ chân được người xem đến sáng. Nó cũng không cầu đến nguồn ngân sách nhà nước hay cán bộ văn hóa cầm kịch bản chỉ đạo như một số lễ hội vẫn diễn ra hiện nay.
“Linh tinh tình phộc” giữ chân người bởi chính sự hồn nhiên trong cách diễn trò, cách nghệ sĩ sống trên sân khấu làng xã và cách họ nâng niu tín ngưỡng của mình. Tín ngưỡng tin vào sự sinh sôi từ ngàn năm trước đến nay vẫn không hề thay đổi.
HÀ HƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét