Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Phường cổ Yên Thái

Thư mục: Du lich
(VOV) - Phường cổ Yên Thái là vùng có nhiều danh tích nổi tiếng, tuy nay cái còn, cái mất nhưng đều được lưu trong sử sách, những câu chuyện để lại trong lòng người bao kí ức khó quên
Yên Thái vốn từ thời Lý có tên gọi là phường Tích Ma, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Từ đời Minh Mệnh, phường Tích Ma được đổi thành một đơn vị hành chính mới gọi là xã Yên Thái với ba thôn là An Đông, An Thọ và Yên Thái. Ba thôn, nay là ba khối cụm dân cư thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Cội nguồn ba danh tích, năm dòng họ
Yên Thái xưa nằm cạnh ngã ba hai con sông. Một là sông Tô Lịch chảy từ Giang Khẩu (phố Hàng Buồm) chạy lên phía Bắc. Một sông là sông Thiên Phù chảy từ bến Lâm Ấp (nay là phường Phú Thượng) chảy qua Bái Ân đến Nghĩa Đô thì hoà nước vào với nhau tạo thành một bến nước có chợ họp đông vui gọi là bến Hồng Tân, chợ Hồng Tân (nay gọi là chợ Bưởi) – một cái chợ rất lớn nằm giáp cửa Tây kinh thành. Chợ Bưởi là nơi cung cấp lâm sản, hoa thơm trái ngọt, gia súc, gia cầm và những của ngon vật lạ từ các tỉnh phía Bắc theo sông Hồng qua bến Lâm Ấp vào chợ Hồng Tân rồi qua sông Tô Lịch chuyển vào các chợ nội đô cung ứng cho nhu cầu của 36 phố phường Thăng Long.
Trên ngã ba sông này từ thời Lý đã có một ngôi miếu cổ dân gian gọi là Miếu thờ Vua. Theo sử sách ghi chép thì đó là ngôi miếu thờ hai ông bà bán hàng dầu rong có tên là Vũ Phục. Vì nghĩa lớn, ông bà đã tự nguyện hiến thân làm vật phẩm cúng thần sông Tô Lịch, cầu mong cho góc thành Tây của thành Thăng Long khỏi bị thần sông làm xói lở và cũng là cầu mong cho nhà vua khỏi bệnh đau mắt. Để tri ân ông bà Vũ Phục, vua Lý Thần Tông (1128 - 1138)  đã cho lập miếu này để thờ phụng, đặng gia phong cho ông là Chiêu Ứng Phù Vận Đại Vương phúc thần và bà là Thuận Chính Phương Dung công chúa phúc thần.
Làng Yên Thái nay có 13 dòng họ chung sống, nhưng nòng cốt chính là dòng họ Vũ vốn là dòng họ của đức thánh hoàng làng Vũ Phục Đại Vương. Sau khi lập miếu thờ, nhà vua đã cho tìm con cháu từ Bạch Hạc- Việt Trì về đây để trông nom hương khói phụng thờ. Dòng họ này kể từ đời cụ tổ Vũ Phục đến nay là đời thứ 30. Con cháu hậu duệ hiện nay còn bảo tồn được nhà thờ đại tôn và ba nhà thờ của các con cháu chi trưởng. Xuân thu nhị kì và các ngày kị, ngày sinh của tổ họ, vẫn tổ chức cúng tế linh đình, tụ hội con cháu.
Ngoài tộc Vũ, làng còn con cháu hậu duệ của bốn dòng tộc: Cao, Hoàng, Nguyễn, Đặng vốn là bốn dòng tộc ngay từ khi nhà vua cho lập miếu thờ ông bà hàng dầu đã vinh dự được nhà vua tiến cử về phường để túc trực linh cữu ông bà.
Ông bà Vũ Phục được tôn thờ ở miếu và cũng được tôn thờ ở đình làng. Đó là một di tích đẹp, cổ kính, qui mô kiến
Đình làng Yên Thái
trúc hoàn chỉnh, có tả vu, hữu vu, có cổng tam quan trong, tam quan ngoài, kiến trúc độc đáo xây dựng trên một khuôn viên rộng có nhiều cây cổ thụ tươi mát. Đình được khởi dựng dưới thời vua Lý Hy Tông (1680 – 1705). Năm 1843, dưới thời Thiệu Trị được tôn tạo và được trùng tu dưới thời Duy Tân (1907 -  1916).
Trải qua thời gian mưa gió băng hoại và hai cuộc chiến tranh tàn phá, nay đình đã được khôi phục lại. Hiện vật còn lại có giá trị là năm đạo sắc phong thần của các vương triều Lê và Nguyễn, một tấm bia "Thủy Tạo Thạch Kiều Bi Kí"dựng năm Cảnh Hưng thứ 20 (1759) và một tấm bia đá "An Thái Phường Tây Thôn Trùng Tu Đình Vũ Bi Kí" dựng năm Minh Mệnh thứ 2 (1821).
Dọc theo sông Tô Lịch đến thôn An Đông, phường Yên Thái, du khách sẽ thăm đền Đồng Cổ, một danh tích nổi tiếng. Di tích này thờ thần trống đồng, một nhạc cụ gõ của người Việt Cổ và cũng là một biểu trưng của văn hóa, văn minh nước Việt thời đại đồ đồng. Trong đền có thờ trống đồng, bài vị thần Đồng Cổ và bốn mỹ tự tôn vinh thần là "Thiên hạ minh chủ".
  
Đền Đồng cổ và trống đồng
Tương truyền đền bắt đầu là một cái miếu do vua Lý Thái Tông cho khởi dựng sau khi vua Lý Thái Tổ băng hà 22 ngày (25/3 Âm lịch). Tây Hồ chí và nhiều thư tịch địa phương ghi sự kiện này như sau: Lý thái tử Phật Mã chinh Chiêm nghỉ lại một đêm dưới chân núi đền Đồng Cổ thuộc xã Đan Nê, tỉnh Thanh Hóa. Đêm đó thần báo mộng là sẽ đem quân trợ giúp. Trận đó thái tử thắng lớn.
Lại một lần ở Thăng Long trước đêm Lý Thái Tổ băng hà, thần hiển linh về báo mộng cho thái tử biết sẽ có loạn tam vương. Sáng hôm sau, vua cha mất chưa kịp tế táng thì các hoàng tử là Võ Đức Vương, Dực Thánh Vương và Động Chinh Vương đã đem quân đến vây thành để tranh ngôi hoàng tử. Bấy giờ nhờ có các quan là võ vệ tướng quân Lê Phụng Hiểu và Lý Nhân Nghĩa giúp sức nên việc nội loạn đã được dẹp yên. Lý Thái Tông lên ngôi và cho triều thần sửa lễ về đền Đồng Cổ Đan Nê tạ thần và xin rước chân nhang của đền về Thăng Long lập miếu thờ Xuân Thu Nhị Kì quốc lễ cho tiện lợi.
Đến thời Lý Thần Tông (1128 - 1138), để đề cao kỉ cương phép nước nhà vua đã cho đắp thêm đàn thề ở phía trước miếu và xuống chỉ cho bách quan hàng năm cứ đến ngày 25/3 âm lịch (sau đổi sang mùng 4/4 âm lịch) phải đội mũ chỉnh tề về đền làm lễ uống máu ăn thề dưới sự điều hành của một viên quan tể tướng. Tục lệ ấy đã được tổ chức nề nếp dưới các triều đại Lý, Trần, Lê. Không rõ sang triều Nguyễn, tục lệ có duy trì được nữa không nhưng đến thời Tự Đức năm thứ 5 (1855) vẫn thấy vua Tự Đức phong đạo sắc cho thần Đồng Cổ.
Có lẽ từ sau triều đại Tự Đức, lễ hội Đồng Cổ không còn. Trải qua hai thời kì chiến tranh, miếu được sử dụng vào việc phục vụ quốc phòng. Từ năm 1980, miếu được dân làng tu bổ lại. Năm 1990, dân lại trùng tu xây dựng thêm nhà phương đình phía trước làm nơi tế lễ.
Năm 2008, để kỉ niệm 1000 năm Thăng Long, nhà nước đã đầu tư lớn cho xây dựng lại đền chính, phương đình cùng với tả vu, hữu vu và cho mở rộng khuôn viên tạo nên một di tích có không gian thoáng rộng nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ kính xưa trên nền móng xưa.
Lễ hội làng Yên Thái
Yên Thái có ba lễ hội:
Lễ hội thề Đồng Cổ là lễ hội truyền thống độc đáo của Thăng Long xưa do triều đình tổ chức, bách quan đúng ngày mùng 4 tháng 4 âm lịch phải đội ngũ chỉnh tề về đền làm lễ uống máu ăn thề nguyện giữ chọn chữ trung, chữ hiếu. Ngày hôm ấy, nhân dân trong thành phải treo đèn kết hoa. Bách quan khi về hội đền dưới sự điều hành của một viên quan tể tướng nghe viên quan trung thư đọc thệ thư rồi đọc lời thề như sau "Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, thần minh chu diệt".
Lễ hội Đồng Cổ là một nét đặc trưng văn hóa của lễ hội Thăng Long.
Phục dựng lại lễ Đồng Cổ (ảnh chụp lại)
(ảnh chụp lại)
Yên Thái còn có hội đình vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch để tri ân công đức ông bà hàng dầu. Lễ hội có rước kiệu, có múa bồng, có tế lễ linh đình ở bốn làng: Yên Thái, An Thọ, Bái Ân và Xuân Đỉnh.
Ngoài hai lễ hội kể trên, Yên Thái còn có lễ tiên hiền tổ chức vào ngày 20 tháng 3 âm lịch để tôn vinh đạo học và cũng là để khai bút đầu xuân. Ngày hôm ấy, các dòng họ có người đỗ đại khoa đều tập trung con cháu ở nhà thờ họ, tuyên dương và ghi danh sách các cháu đỗ đạt vào sổ họ. Sau đó rước lễ, rước sắc văn ra đình tế thánh rồi rước về văn chỉ của làng tế đức Khổng Tử. Lễ rước có long đình, có cờ lọng, có quạt che hai bên. Cùng đi với đoàn rước có đội bát âm, đàn sáo tưng bừng. Về đến Văn Chỉ, sau khi làm các thủ tục lễ nghi, các nho sinh làm lễ khai bút đầu xuân, trong đó có tổ chức bình văn sướng họa thơ, để gây hứng khởi đồng thời cũng là để xem khẩu khí của con cháu. Đó là một nét đẹp văn hóa có tác dụng khuyến học, khuyến tài tôn vinh đạo học.
Cổng làng Yên Thái vẫn được lưu giữ, bảo tồn và trùng tu đảm bảo nét kiến trúc xưa
  
 
 
 Phia trên cổng có 4 chữ vàng  “ Mỹ tục khả phong” do triều đình Tự Đức ban

Hồ Chủ Tịch về thăm làng Yên Thái 6/1/1946 (ảnh tư liệu)

Đình Yên Thái là một di tích đẹp, cổ kính, qui mô kiến trúc hoàn chỉnh, có tả vu, hữu vu, có cổng tam quan trong, tam quan ngoài...
Phía trước đình
Bên trong đình
Đình có kiến trúc độc đáo, xây dựng trên một khuôn viên rộng
Ngôi nhà cổ 200 năm còn lại ở làng Yên Thái. Nhà có 24 cột lim, vẫn được giữ nguyên vẹn như xưa

  
Làng trong phố, nếp sinh hoạt vẫn còn những nét xưa


bài: Vũ Văn Luân, ảnh: Lê Bích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét