Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Hoài niệm về Tây Hồ "bát cảnh"

Thư mục: Du lich
Nhà nổi ở Hồ Tây
Hồ Tây không chỉ có lịch sử với những câu chuyện truyền thuyết, sự tích hình thành hồ mà gắn với nó là những danh thắng nổi tiếng đi vào thi ca.  

Khoảng giữa thế kỷ 17 (tức là từ thời Lê Trung Hưng trở về sau này), trong các câu ca cổ và cả những tài liệu lưu giữ trong dân gian đã ghi lại cảnh đẹp của Thăng Long như những bức tranh sơn thủy hữu tình.
Bên Hồ Hoàn Kiếm và Hồ Tây có rất nhiều cảnh đẹp. Mỗi thi sĩ danh nhân khi đến nơi này đều có những cảm xúc riêng về cảnh đẹp nơi đây. Khá nhiều câu thơ cổ nói về những cảnh đẹp này như “Phật đá Cầu Đông, tượng đồng Trấn Võ” trong “Thăng Long thập vịnh” ra đời vào thế kỷ 18, “Chiều tà núi Khán, ánh sáng Hồ Gươm” trong “Long thành kỷ thắng” của cụ Nguyễn Chương, một thi sĩ thời vua Minh Mệnh thế kỷ 19 và đặc biệt là “Bến trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái…” trong tập thơ “Tây Hồ bát cảnh” xướng họa bằng tiếng Hán của tác giả Lê Vĩnh Hựu thế kỷ 18.
Trong “Tây Hồ bát cảnh” của Lê Vĩnh Hựu, ta có thể cảm nhận thấy xung quanh Hồ Tây là những vùng danh thắng làm say đắm lòng người. Đó là bến trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái, đàn thề Đồng Cổ, Phật say làng Thụy, sâm cầm rợp bóng, đồng bông Nghi Tàm, chợ đêm Khán xuân và tiếng đàn hành cung. Những cảnh đẹp đó là nguồn sáng tạo vô tận của thi nhân.
Bến trúc Nghi Tàm chính là chỉ làng Nghi Tàm xưa có trồng một thứ trúc vàng có tên là trúc ngà ở vùng xung quanh làng. Từ xa trông hàng ngàn, hàng vạn cây đứng trước gió, ánh sáng vàng trông rất đẹp. Chính nơi này chúa Trịnh Giang đã cho mở một bến tắm, hàng năm mùa hè cùng các cung nữ lên đó tắm mát và nghỉ ngơi.
Cũng trên bờ Hồ Tây thuộc về làng Yên Thái có một núi đất cao 400-500 trăm thước, rộng chừng một mẫu. Chúa Trịnh Giang cho trồng nhiều cây bàng để lấy bóng râm nghỉ mát. Từ trên đỉnh nhìn xuống, hàng ngàn, hàng vạn cây, cây nào cũng tỏa ra cành lá xum xuê, sắc lá theo từng mùa thay đổi. Nhìn từ xa như những chiếc lọng đỏ, lọng xanh rất đẹp mắt, người dân quanh đó quen gọi là rừng bàng. Sau này bị Lê Chiêu Thống phá hết và san bằng cả quả núi này.
Đàn thề Đồng Cổ được lập trước cửa đền Đồng Cổ trên bờ hồ thuộc làng Thụy Chương dưới thời Lý Thái Tông. Đàn được xây hai tầng, tầng trên thờ thần, tầng dưới vua ngự, mỗi năm hai kỳ xuân thu, nhà vua ra đó làm lễ tế rồi hạ lệnh trăm quan văn võ đứng trước đàn thề rằng: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, bất hiếu bất trung, thần minh giết chết”. Về sau đàn đấy đổi làm nơi công cộng của nhân dân, hàng ngày có nhiều người đặc biệt là thanh niên nam nữ đến trước đàn thề nguyền, xin thần linh minh chứng cho lòng chung thủy của mình. Chính vì vậy, đền này trở nên một nơi hương khói rất thịnh cho tới cuối đời Lê đàn thề mới bị quân Tam phủ phá hủy mới thôi.

Đường Thanh Niên bên Hồ Tây

Phía trước làng Thụy Chương, đời Lê Trung Hưng có một ngôi chùa nhỏ ở bên hồ bị đổ, còn trơ lại một pho tượng Phật, hình tay chống gậy, chân khệnh khạng bước đi như muốn ngã. Nhân làng Thụy có tiếng là nấu rượu ngon, một hôm Trạng Quỳnh đến làng mua rượu, vào thăm tượng Phật, có làm đùa mấy câu thơ:
Ông đứng chi mà đứng mãi đây?/ Dập dềnh như tỉnh lại như say?/Vãi nào đã chuốc cho ông rượu?/Còn có cho vay một nậm đầy.
Vì thế từ đấy người ta gọi là Phật say làng Thụy, mỗi tháng hai kỳ khách thập phương thi nhau mang rượu đến lễ. Tuy nhiên vì những biến cố cuối thời nhà Lê, tượng Phật cũng bị mất.
Ở Hồ Tây, cứ vào khoảng tháng Một, tháng Chạp và tháng Giêng lại có từng đàn hàng trăm, hàng nghìn con chim sâm cầm từ đâu bay đến, bơi lội khắp mặt hồ, người ta cho rằng đó là loài chim ở phương Bắc hàng năm tránh rét sang nước ta tạo thành cảnh “sâm cầm rợp bóng”. Chim ấy chỉ ăn sâm nên thịt rất bổ, vì vậy nghề đánh chim đã trở thành một nghề của mấy làng xung quanh hồ. Đến thời Nguyễn vẫn có lệ cống sâm cầm nhưng lo sợ sự phản ứng dữ dội của dân Thăng Long trước lệ cống gây sách nhiễu cho cuộc sống nhân dân nên sau này vua Nguyễn phải bãi bỏ lệ này.
Đồng bông Nghi Tàm là những ruộng trồng hoa. Từ xa xưa, những làng ở dọc bên hồ đều trồng hoa để bán nhưng chỉ có đồng bông ở trước chùa Kim Liên, làng Nghi Tàm là nhiều hoa đẹp và thơm nhất đã được chọn làm hoa tiến vào phủ chúa và cung vua.
Khán Xuân là một làng ở bên bờ phía Nam hồ. Đời chúa Trịnh Giang lập một ly cung và những dãy nhà như quán hàng ở xung quanh, hàng năm mùa hè ra đó nghỉ mát. Đêm đến, bọn nội thần và cung nữ mở chợ bày hàng mua bán, hát xướng làm vui. Những đêm mở chợ, làng Khán Xuân lại sáng rực một góc thành vì đèn nến thắp sáng trưng. Chính vì vậy mà chợ đêm Khán Xuân trở thành một hoạt cảnh đẹp trong kinh thành Thăng Long.
Tiếng đàn hành cung chính là chỉ hành cung của chúa Trịnh được đặt ngay tại chùa Trấn Quốc. Về sau do thời cuộc rối ren nên chúa Trịnh không còn ra nghỉ ngơi tại đó nữa. Tuy nhiên, nơi đây vẫn có một số cung nữ già giữ việc quét tước, trông nom chùa trong đó có một cung nữ họ Hà có rất nhiều tài nghệ nhất là đánh đàn. Mỗi khi đêm khuya thanh vắng, nàng lại đem đàn ra gảy, những tiếng đàn mang nặng tâm tư, tình cảm của nàng đã xúc động lòng người. Trong tiếng đàn, nàng cảm thương cho thân thế quạnh hiu cô đơn nhưng không biết rằng bên ngoài cũng từng có bao người khách tri âm, tỏ tình đồng điệu. Tiếng đàn của nàng đã trở thành một nguồn thi ca cho khách đến vãn cảnh Tây Hồ.
Tám cảnh đẹp vùng Tây Hồ cho ta cảm nhận phần nào về những vùng danh thắng của Thăng Long xưa. Hồ Tây không chỉ có lịch sử với những câu chuyện truyền thuyết, sự tích hình thành hồ mà gắn với nó là những danh thắng nổi tiếng đi vào thi ca. Chính điều này làm cho Hồ Tây thêm gắn bó, có ý nghĩa sâu sắc đối với mảnh đất Thăng Long – Hà Nội./.
Theo Người Hà Nội
 
Thăm chùa Trấn Quốc nhớ về “Tây Hồ bát cảnh”

Chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo đất nhỏ, bốn mùa xanh tươi cây lá, hiền hòa soi bóng trên mặt nước Hồ Tây phẳng lặng, nơi có một quần thể thắng cảnh của Thủ đô Hà Nội.
Xét về mặt lịch sử thì chùa Trấn Quốc được coi là ngôi chùa cổ nhất trong các ngôi chùa của cả nước còn bảo tồn được đến nay. Theo các câu chuyện còn lưu truyền thì nguyên thủy chùa được xây dựng từ đời vua Lý Nam Đế (544-508) và có tên là chùa Khai Quốc (Hàm ý: ghi dấu thời kỳ mở nước, một dấu mốc quan trọng của một quốc gia). Khi đó, chùa nằm trên một địa điểm bằng phẳng và thấp ở ven bãi sông Hồng, phía bên ngoài con đê bao bọc, chở che cho thành phố như hiện nay chúng ta thấy. Về sau, do bãi sông lở, đe doạ sự tồn tại của chùa nên chùa Khai Quốc được di dời vào dựng trên đảo Kim Ngưu, nằm ở phía Đông của Hồ Tây.


Kiến trúc tổng thể chùa Trấn Quốc rất độc đáo, cách bố trí các công trình khác xa nhiều ngôi chùa ở Việt Nam. Phật tử đi lễ hay du khách thập phương đến vãn cảnh chùa đi từ đường Thanh Niên (đường Cổ Ngư cũ) vào, qua một đoạn đường nhỏ hai bên có trồng hai hàng cây đối xứng rất đẹp, qua cổng chùa rồi qua một đoạn sân nhỏ thì vào thăm Bái đường, tiếp đó mới đến nhà Tam Bảo (trong khi ở phần lớn các ngôi chùa Việt Nam lại xây dựng Tam Bảo - một công trình mang hai chức năng là nhà kiêm cổng với ba cửa - ở phía ngoài cùng, trước khi đến các công trình chính trong khu vực chùa). Sau khi qua Tam Bảo, du khách có thể qua lại 2 dãy hành lang ở phía sau, tiếp đó đi thăm thập điện và gác chuông. Trong chùa Trấn Quốc hiện có nhiều pho tượng đẹp, có nhiều tấm bia cổ quý hiếm và mới đây, qua đợt tôn tạo đầu thế kỷ XXI, ngôi tháp chính trong chùa lại vươn lên thành điểm nhấn trong tổng thể kiến trúc hài hòa và đẹp đẽ.
Đến thăm chùa Trấn Quốc, ngoài việc biết thêm một danh thắng nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, du khách còn có dịp nghe và hiểu thêm câu chuyện  truyền kỳ về “Tây Hồ bát cảnh” (tám thắng cảnh, ngón nghề nghệ thuật và sản vật nổi tiếng ở Hồ Tây xưa kia). Đó là bến trúc Nghi Tàm đời chúa Trịnh Giang (1729-1740, nhuận triều với vua Lê Đế Duy Phường 1729-1732); là rừng bàng Yên Thái, một khu rừng hiếm có nhưng bị san phẳng dưới thời vua Lê Mẫn Đế (1787-1788) để trả thù các chúa Trịnh; là đàn thề Đồng Cổ do vua Lý Thái Tông (1028-1054) cho lập trước đền Đồng Cổ thuộc làng Thuỵ Chương; là tượng Phật say làng Thuỵ, nổi tiếng thời Lê Trung Hưng (1583-1788); là đồng bông Nghi Tàm trước chùa Kim Liên, Nghi Tàm, nơi có những vườn hoa tươi đẹp để tiến vua, tiến chúa; là Chợ đêm Khán Xuân nổi tiếng vào thời kỳ nhuận triều Lê -Trịnh (từ 1545 đến 1788); là “tiếng đàn hành cung” cũng trong thời kỳ nhuận triều; là sâm cầm Hồ Tây mà vua quan nhà Nguyễn (1802-1945) thường bắt dân cống nộp làm thức ăn bổ dưỡng.

Một góc chùa Trấn Quốc
Trong lịch sử tồn tại 10 thế kỷ qua, chùa Trấn Quốc đã trải không ít thăng trầm. Sự kiện nổi bật nhất là vào thời Lê Mạt, thế kỷ XVIII, các chúa Trịnh đã biến chùa thành một hành cung và ở đó đã nổi danh một ngón nghề nghệ thuật truyền thống dân tộc được gọi là “Tiếng đàn hành cung”, một trong “Bát cảnh Tây Hồ”. Suốt một thời gian khá dài, chùa Trấn Quốc lần lượt bị các chúa Trịnh chiếm và đặt hành cung là: chúa Trịnh Giang (1729-1740), chúa Trịnh Sâm (767-1782). Trong số các cung nữ phục vụ ở hành cung này, có một mỹ nữ mang họ Hà rất giỏi tay đàn và được nhà chúa rất mực yêu chiều. Sự mê hoặc của nữ sắc đối với các chúa Trịnh cộng với sự điêu luyện của tay đàn mỹ nữ làm cho “Tiếng đàn hành cung” trở thành một sự định danh rất đặc biệt. Vì thế, tiếng đàn hành cung có thể được hiểu theo nhiều nghĩa: là thú chơi tao nhã, cao sang, hoặc cũng có thể chỉ là trò mua vui lạc điệu cho các vị chúa trong một thời loạn lạc, chúa lấn quyền vua, khiến cho một nhà nước phong kiến xảy ra tình trạng nhuận triều kéo dài đến 243 năm, từ 1545 đến 1788. Đó chính là thời kỳ mà chùa Trấn Quốc không giữ được sự thanh vắng của chùa chiền, của nơi cửa Phật.
“Tiếng đàn hành cung” nói riêng hay “Bát cảnh Tây Hồ” nói chung đã để lại sự bùi ngùi, tiếc nuối những gì đã cùng với thời gian một đi không trở lại. Chính điều đó càng thêm nhắc nhở chúng ta khi đến thăm chùa Trấn Quốc và các danh lam thắng cảnh rằng: hãy giữ gìn những di sản văn hóa quý báu của dân tộc cho hôm nay và cho mãi mãi về sau.
ĐỖ QUỐC BẢO (Báo Du lịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét