Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Báu vật Thăng Long một thời

Nằm trong lòng Thủ đô, ít ai biết rằng chùa Phúc Lâm Tự đã bao năm nay còn lưu giữ nguyên vẹn những hiện vật được cho là dấu ấn một thời hưng thịnh của triều Lý. Một giếng đá cổ với niên đại gần 800 năm hay lan can cá sấu đá cổ nhất Việt Nam…
Giếng đá cổ và câu chuyện nhà Lý
Chùa Phúc Lâm Tự tọa lạc tại thôn Du Nội, xã Mai Lâm (Đông Anh, Hà Nội), cách cầu Thăng Long 15 km, nằm trên Quốc lộ 3. Hiện chùa là nơi đang lưu giữ trong mình những trầm tích của lịch sử của đất Thăng Long xưa với minh chứng là các hiện vật kiến trúc, các di sản vật thể quý của Quốc gia.



Chiếc giếng đá cổ gần 800 năm hàng ngày vẫn có người tới thăm 

Theo Trụ trì chùa Phúc Lâm Tự, Đại Đức Thích Thanh Trung, chiếc giếng đá cổ được xây hoàn toàn bằng những tảng đá lớn nguyên khối, phần thành giếng được tạo bởi hai khối đá cao 30cm, đường kính của giếng khoảng 80cm. Dưới bàn tay khéo léo, tài tình của những người thợ xưa, giếng đá cổ được xây đầy tính nghệ thuật và vững chắc. Chính vì thế, qua thăng trầm của thời gian, giếng đá cổ vẫn tồn tại như một biểu tượng về văn hóa, lịch sử. Theo ghi nhận của các nhà khảo cổ, giếng đá này đã trên 600 năm tuổi và được cho là cổ nhất Việt Nam hiện nay.
Sở dĩ có kết luận này, vì theo các nhà chuyên môn, chùa Phúc Lâm Tự được thành lập vào năm 1224, thời nhà Lý, đến nay đã gần 800 năm. Đặc biệt, các căn cứ xác định chiếc giếng này ở vào thời kỳ trên như vết tích những rãnh đá bị mòn lõm sâu trên thành miệng giếng của người xưa để lại khi dùng dây kéo nước, đó là những chứng tích của một nền văn hóa cổ còn sót lại cho tới ngày nay.
Một bảo vật quý của đất Thăng Long
Người dân nơi đây vẫn tự hào, ngoài giếng cổ gần 800 năm, chùa Phúc Lâm Tự còn lưu giữ một bảo vật quốc gia là lan can cá sấu đá. Theo Đại Đức Thích Thanh Trung, lan can cá sấu đá ngoài bảo tàng lịch sử Việt Nam thì chùa Phúc Lâm Tự là nơi thứ hai có bảo vật này.
Còn nhớ, năm 1999, trong quá trình lấy đất làm gạch, người dân đã phát hiện một thành bậc tam cấp điêu khắc hình sấu đá. Đoán chừng là hiện vật quý nên đưa về cất giữ tại chùa Phúc Lâm Tự gần đó. Chính PGS.TS Tống Trung Tín (Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam) nhận định rằng rất có thể những con sấu đá này có niên đại thế kỷ XI, “Hiện vật này gắn liền với nhà Lý và những hưng thịnh, suy vong của một thời kỳ lịch sử. Hơn nữa, kiểu dáng con sấu rất đẹp, tầm cỡ đó đáng được xem là bảo vật quốc gia rồi” ông Tín nhận định. Theo PGS.TS Tống Trung Tín rất có thể xung quanh khu vực Hoa Lâm Viên vẫn còn những hiện vật đáng quý khác chưa được khai quật.
Nhận định tương tự, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (Giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV) cho biết, toàn bộ thành bậc này mang phong cách nghệ thuật thời Lý và khá giống với hiện vật đang được đặt tại sân Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Bức tượng này giống với những mảnh thân rồng trên lan can thành bậc đá thời Lý mới được tìm thấy tại Hoàng Thành. Sự phát hiện vết tích kiến trúc cung đình tại Hoa Lâm Viên càng làm dày thêm những nhận định về sự tồn tại của một công trình kiến trúc quan trọng thời Lý tại đây
Các di tích tại khu vực Hoa Lâm Viên của chùa Phúc Lâm Tự mang dấu ấn lịch sử của một triều đại, việc tu bổ, bảo tồn và lưu giữ các gốc tích lịch sử cần sớm có kế hoạch thực hiện.

(Theo ICTnews )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét