Thư mục: Du lich
VOV) - Sự ra đời của ga Hàng Cỏ vào đầu thế kỷ XX đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử phát triển chính trị- kinh tế- xã hội của Hà Nội và cũng là của Việt Nam. Lần đầu tiên, vào năm 1902, Hà Nội - Việt Nam thở hơi thở mới
Người Hà Nội lần đầu tiên được nhìn thấy một nhà ga xây cao theo kiểu phương Tây, ở đó không phải là những anh lính lệ đội những chiếc nón dấu của triều đình, mà là những công nhân hỏa xa với chiếc mũ lưỡi trai thổi còi, đưa đón sức mạnh mới của máy hơi nước của thời kỳ hiện đại.
Từ đó đến nay, sân ga Hàng Cỏ - ga Hà Nội là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đặc biệt và cũng trở thành một nhân chứng lịch sử của Thủ đô suốt hơn 100 năm qua.
Điểm hồng tâm của Thủ đô
Có người ví ga Hà Nội như điểm hồng tâm, tỏa những tia ánh sáng ra 5 con đường xuôi ngược, những Yên Bái, Lào Cai; những Thái Nguyên, Quảng Ninh; Hải Phòng, qua Bắc Ninh, Bắc Giang lên biên giới Lạng Sơn, Ðồng Ðăng rồi xuyên biên giới sang cả Vân Nam- Trung Quốc. Cũng từ nhà ga này, một tuyến đường sắt dài tít tắp dọc chiều dài đất nước vào đến tận miền Nam. Từ bao giờ, ga Hàng Cỏ xưa và ga Hà Nội ngày nay đã trở thành một điểm hẹn không chỉ của người Hà Nội mà của du khách muôn phương.
Đối với chị Nguyễn Thanh Thúy, một người Hà Nội xa thành phố đã lâu vào TP HCM làm ăn, vừa trở về đến ga Hà Nội là trong chị đã dâng đầy những cảm xúc: “Đặt chân đến ga Hà Nội, cảm giác của tôi như người con xa quê trở về. Tôi có một tuổi thơ không thể quên được đối với ga Hà Nội, tham gia bán hàng rong ở hai ga Văn Điển và Hà Nội. Được chứng kiến cảnh những thanh niên lên đường nhập ngũ từ nhà ga này, thật không thể nào quên”.
Hơn một trăm năm đã trôi qua, người Hà Nội bây giờ không thể hình dung ra cái chợ Hàng Cỏ bên bãi đua ngựa năm xưa như thế nào. Theo sử sách, cuối thế kỷ thứ XIX, vào khoảng năm 1895, người Pháp đã chọn khu chợ này để xây dựng nhà ga, xúc tiến mạnh mẽ kế hoạch của Toàn quyền Đông Dương lúc bây giờ là ông Paul Doumer. Ga Hàng Cỏ là trung tâm, từ đây mở ra các tuyến đường sắt không chỉ để vận chuyển hàng hóa mà còn để vận chuyển vũ khí phục vụ cho việc thống trị Đông Dương của thực dân Pháp.
Nhưng cũng có một ga Hà Nội với tư cách là một chứng nhân lịch sử, chứng kiến những sự kiện trọng đại của Hà Nội những năm đầu của thế kỷ XX. Đó là những cuộc vây ráp, bắt bớ của thực dân Pháp nhằm đập tan đường dây hoạt động bí mật của các chiến sỹ cách mạng tại nhà ga; là nơi biết bao người vợ, người mẹ lặng lẽ giấu nước mắt khi tiễn đưa chồng, con “Nam tiến”. Đây cũng là nơi đón Bác Hồ trở về Thủ đô sau khi dự Hội nghị Fontainebleau năm 1946. Chuyến tàu từ Hải Phòng về ga Hà Nội an toàn, đúng giờ đã khiến Người rất vui và có thư khen ngợi và dặn dò “Công việc hoả xa là một công việc quan trọng trong sự kiến thiết nước nhà. Tôi mong anh em hoả xa lúc nào cũng đoàn kết, cố gắng để làm tròn nhiệm vụ”.
Với người Hà Nội, có lẽ gương mặt ga Hàng Cỏ rực rỡ cờ, hoa ngày Thủ đô được giải phóng (10/10/1954) sẽ là hình ảnh không bao giờ quên, bởi từ ngày ấy ga Hàng Cỏ chính thức được bàn giao cho người Hà Nội quản lý. Ông Vũ Công Xước, ngày đó 39 tuổi, được giao nhiệm vụ giữ trọng trách trưởng ga đầu tiên nhớ lại: ‘Ga Hàng Cỏ năm ấy là một cái xác nhà trống rống. Người Pháp tháo chạy để lại những toa tàu què cụt long cửa, hỏng đáy, sân ga cỏ lút đầu người”. Những cán bộ đầu tiên như Cụ Xước vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, bình ổn tâm lý hành khách, vừa phải cải tạo, hàn gắn lại đường tàu, toa tàu bị hỏng, để tiếp tục là nơi xuất quân, đưa bộ đội vào Nam đánh Mỹ. Người Trưởng ga Hàng Cỏ năm xưa giờ đã ở tuổi 96, tuổi xưa nay hiếm. Cụ Xước không thể kể chuyện một cách rõ ràng, mạch lạc, nhưng sự xúc động thì vẫn vẹn nguyên trong giọng nói và ánh mắt.
Ga Hàng Cỏ “những năm bom Mỹ trút trên mái nhà” là trọng tâm đánh phá của giặc Mỹ, bởi nơi đây là điểm xuất phát của biết bao chàng trai, cô gái Hà Nội “xếp bút nghiên lên đường”. Họ là Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thuỳ Trâm… những người lên đường ngày ấy, đã một lần lên tàu từ ga Hàng Cỏ, chắc chắn không thể nào quên được sân ga với bao háo hức, bao rộn ràng, mặc dù họ biết sân ga là hình ảnh cuối cùng về Hà Nội... “Kia rồi là Hà Nội, là phố Nguyễn Du lấp lánh sau bức tường của ga Hàng Cỏ. Thôi, chào Hà Nội, 3 hoặc 4 tháng sau ta lại về, ta lại hành hương trên các đường phố vắng gắn bó cuộc đời ta” (Nguyễn Văn Thạc - Mãi mãi tuổi hai mươi).
Còn với những người bẻ ghi, lái tàu từ nhà ga này, những trận bom của kẻ thù, với họ chỉ là “dấu gạch nối” cho những chuyến tàu hàng, tàu khách “chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam”. Dẫu bom Mỹ có đánh sập khu nhà giữa ga Hàng Cỏ vào tháng 12/1972, hay chặt đứt nhiều đoạn đường ray, nhiều cầu đường sắt thì tinh thần “địch phá ta sửa ta đi, địch lại phá ta lại sửa ta đi” đã giúp họ vượt lên để thông đường, đảm bảo mạch máu giao thông, tất cả cho ngày toàn thắng.
Nhà ga của khát vọng thống nhất
Năm 1976, ga Hàng Cỏ được đổi tên thành ga Hà Nội. Chuyến xe lửa nối liền Hà Nội - Sài Gòn đã chuyến bánh từ sân ga này. Ga Hà Nội trở thành ga vận chuyển hành khách lớn nhất của cả nước, và hơn nữa, sân ga là nơi đón bà con cô bác từ TP HCM và miền Nam, miền Trung ra thăm Thủ đô, viếng Bác Hồ. Đường sắt Thống nhất đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, trong sự chuyển mình mạnh mẽ của Thủ đô, của đất nước trong thời kỳ “công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, Ga Hà Nội lại được đón những đoàn tàu đưa khách du lịch từ nước ngoài đến thăm Thủ đô nghìn năm văn hiến. Bộ mặt nhà ga hôm nay đã khang trang hơn với hệ thống điều khiển tàu bằng các thiết bị điện tử, hệ thống thông tin liên lạc bằng máy cầm tay; nhiều phương thức phục vụ mới được áp dụng như bán vé tự động, bán vé qua điện thoại, bảng chỉ dẫn điện tử; và phòng chờ có trang bị điều hoà nhiệt độ… đã góp phần nâng cao chất lượng công tác điều hành chỉ huy và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Nói như ông Hà Công Hùng, Phó Trưởng ga Hà Nội thì nhà ga đang “tiên phong thực hiện mục tiêu của ngành đường sắt: “Làm cho dân bớt kêu, cán bộ công nhân viên bớt khổ, Nhà nước bớt gánh nặng”.
Hà Nội đang tưng bừng chào đón Đại lễ 1.000 năm. Nhà Ga hơn trăm tuổi này cũng đang náo nức sửa sang để chào đón những chuyến tàu từ phía Bắc xuống, từ miền Nam ra, từ nước ngoài vào Hà Nội dự lễ. “Đó là sự kiện lớn nên chúng tôi phải cố gắng để bất cứ ai tới Thủ đô qua ga Hà Nội đều cảm nhận được niềm vui và chiều sâu văn hoá của Hà Nội ngàn năm”. Phó Trưởng ga Hà Nội Hà Công Hùng nói như vậy và cho biết: “Ga Hà Nội đã chuẩn bị một số việc hưởng ứng Đại lễ như chỉnh trang lại nhà ga, quản lý quảng trường trước ga, có kế hoạch sắp xếp ngăn nắp Quảng trường này để tạo ra bộ mặt thông thoáng của nhà ga khi đón tiễn khách về Hà Nội dự Đại lễ”.
Trong tương lai, theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, ga Hà Nội mới trên cao sẽ được xây dựng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn, trở thành một tổ hợp giao thông- thương mại - văn hóa của Thủ đô và của cả nước.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, nói như cố nhà văn Băng Sơn, tiếng còi tàu từ sân ga Hàng Cỏ sẽ còn ngân vang mãi trong lòng người Hà Nội. Bao nhiêu phố phường quanh cái vòng tròn mà nhà ga là trung tâm ấy, đêm đêm vẫn nghe tiếng còi âm vang. Ai trong những con người Hà Nội đó nghe tiếng còi mà động lòng hồ hải, muốn khoác tay nải lên đường cho thỏa chí phiêu lưu. Con tàu cũng là thời gian, nó đang đi vào tương lai, để lại sau lưng những trang vàng chói lọi, làm nền để tạo ra nhiều thành tựu mà chúng ta chưa thể hình dung ra hết./.
Hằng Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét