Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Phố Lý Quốc Sư


Một góc phố Lý Quốc Sư, Hà Nội
(VOV) - Phố Lý Quốc Sư dài 241m, đi từ phố Hàng Bông đến phố Nhà Thờ. Phố có từ lâu đời, từ đầu thế kỷ XIX đã là một phố phủ, rồi là một phố huyện, lúc nào cũng dập dìu xe ngựa.  

Lý Quốc Sư – “Quốc sư triều nhà Lý”, theo chính sử thì đó là Nguyễn Chí Thành, người làng Điềm Xá (huyện Gia Viễn, nay thuộc tỉnh Ninh Bình). Ông tu Phật lấy hiệu là Minh Không thiền sư. Do đạo cao đức trọng, ông được vua Lý dựng “tinh xá” cạnh chùa Báo Thiên làm nơi tu hành. Tinh xá (nơi ở tinh khiết) ấy nay chính là khu chùa Lý Quốc Sư số nhà 50. Năm 1136, ông chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông nên được phong là Quốc sư. Ông mất vào tháng 8 năm Tân Dậu (1141).
Đó là kể theo chính sử, còn theo truyền thuyết thì ông không những là một nhà tu hành giỏi nghề chữa bệnh mà còn là ông tổ nghề đúc đồng. Và dường như lại còn có sự lầm lẫn giữa sự tích ông với sự tích Dương Không Lộ cũng là một nhà sư đời Lý.
Phố Lý Quốc Sư dài 241m, đi từ phố Hàng Bông đến phố Nhà Thờ. Đây nguyên là đất thôn Tiên Thị, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương cũ. Phố có từ lâu đời, từ đầu thế kỷ XIX đã là một phố phủ, rồi là một phố huyện, lúc nào cũng dập dìu xe ngựa. Thời đó, làng Tiên Thị là phủ lỵ phủ Hoài Đức và phủ đường (trụ sở) thì ở ngay sau lưng Chùa Lý Quốc Sư lúc này gọi là đền Tiên Thị, có lắm hàng cơm, quán trọ ở đây. Tương truyền là Hồ Xuân Hương cũng có mở một ngôi hàng nước ở đây để thử tài thiên hạ. Năm Minh Mạng 14 (1833), phủ lỵ dời ra làng Dịch Vọng (huyện Từ Liêm). Nhưng 9 năm sau, năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), huyện lỵ huyện Thọ Xương từ thôn Văn Hương (phố Hàng Bột ngày nay) lại chuyển tới đây và tồn tại cho tới khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội, giải thể huyện Thọ Xương.
Chùa Lý Quốc Sư
Sở dĩ có tên gọi phố Lý Quốc Sư là vì ở cuối phố, số nhà 50 có ngôi chùa nổi tiếng tức chùa Lý Quốc Sư vừa nói ở trên. Theo chính sử, chùa có từ đời Lý, năm 1141 chuyển từ “tinh xá” thành đền thờ Quốc Sư minh không. Tất nhiên, tới nay đã qua nhiều lần sửa chữa, quy mô hiện nay là do lần trùng tu năm 1954. (Trong những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến, giặc Pháp đã hủy hoại chùa này).
Trong chùa cón tấm bia do Tiến sĩ Lê Đình Duyên soạn năm Tự Đức thứ 8 (1855) nói về lần trùng tu lớn vào năm đó. Hiện nay, trong đền có nhiều tượng phong cách điêu khắc đời Lê, có một cái chuông tên là “Báo Tháp từ chung” tức là “chuông đền Báo Tháp” (Báo Thiên, Tự Tháp?), niên hiệu Ất Hợi, với chữ Long (trong Thăng Long) đã đổi cách viết từ đời Gia Long, do đó có thể là Ất Hợi 1815 hoặc Ất Hợi 1875.
Ở giữa phố Lý Quốc Sư còn có một ngôi đền cổ nữa. Đó là đền Phù Ủng ở số nhà 25. Đây là nơi thờ vọng Phạm Ngũ Lão, người anh hùng làng Phù Ủng, do chính dân làng này di cư lên Thăng Long dựng nên từ thế kỷ XIX. Đền này cũng từng bị giặc Pháp phá hoại năm 1947, được sửa lại năm 1949.
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ vừa qua, phố Lý Quốc Sư cũng là nơi ghi lại tội ác của giặc Mỹ: Trưa ngày 6/10/1972, máy bay Mỹ đã bắn tên lửa xuống các nhà số 37, 39B, sát hại nhiều người dân. Ngay sau đó, ở bức tường trước ngôi nhà 39B có tấm bảng ghi lại tội ác này.
Thời Pháp thuộc, đây gọi là phố Rue Lamblot. Cũng trong thời kỳ này, dãy nhà 24 – 25 vào những năm 20 là trường Trung Bắc, một trường tư thục do nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh sáng lập. Giáo sư Nguyễn Lân khi đó vừa tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm đã dạy ở trường này. Sau khi bị Pháp o ép, phá sản, ông Vĩnh bán lại cho ông Ngô Tử Hạ. Ông Ngô chuyển nhà in từ Hàng Gai về đây. Nhà in tồn tại mãi tới năm 1955 thì hợp doanh thành Nhà in Thống nhất. Ngày nay, tường vào được mở bung thành nhiều cửa hàng: Tăng âm, nhạc cụ, y phục lộng lẫy. Mà không cứ gì nhà in, bên dãy chẵn này có những cửa hàng hấp dẫn như bán đồ cổ (số 2), phở nổi tiếng (số 10), hàng ăn (số 18)…
Bên số lẻ, nhiều cửa hàng ăn hơn: Nguyên Sinh (17) từ Thuốc Bắc chuyển về, nổi tiếng về “Cơm Tây”, Nhà hàng Mỳ Ý (29), cửa hiệu Ô mai sấu (41)… rồi các hàng may mặc (37, 41D, 45, 47B…). Đặc biệt, ngôi nhà 43 là nơi ở từ lâu lắm rồi của tác giả bài thơ “Lá diêu bông” một thời thu hút nhiều văn nghệ sĩ tới “đưa cay”.
Cũng thời Pháp thuộc, phố này có một cơ sở văn hóa cũng khá nổi tiếng: Nhà xuất bản Tân Việt ở số nhà 29, nơi đã in nhiều sách triết học của Nguyễn Đình Thi, nhiều sách dịch các tác phẩm văn học Trung Quốc của nhà văn Nhượng Tống tài hoa cùng các đặc san tập hợp nhiều danh sĩ đương thời: Trương Tửu, Nguyễn Tuân, Đinh Hùng, Phiêu Linh Nguyễn Đức Chính…
Tên gọi hiện nay được đặt sau Cách mạng 1945./.
Theo Hà Nội ngàn năm
 
Phố Lý Quốc Sư là một phố thuộc quận Hoàn Kiếm, bắt đầu từ ngã tư Hàng Bông - Hàng Mành đến ngã tư phố Nhà Thờ - Ấu Triệu. Đây nguyên là đất thôn Tiên Thị, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương cũ. Phố có từ lâu đời, từ đầu thế kỷ XIX đã là một phố phủ, rồi là một phố huyện, thời thuộc Pháp, phố có tên là Rue Lamblo...

Phố Lý Quốc Sư.



Du khách thích thú tham quan phố Lý Quốc Sư.

Người dân tới chùa Lý Quốc Sư cầu an.
Lý Quốc Sư –  “Quốc sư triều nhà Lý”, theo chính sử tên thật là Nguyễn Chí Thành (1066-1141), người làng Điềm Xá (huyện Gia Viễn, nay thuộc tỉnh Ninh Bình). Ông tu Phật lấy hiệu là Minh Không thiền sư. Do đạo cao đức trọng, ông được vua Lý dựng “tinh xá” (nơi ở tinh khiết) cạnh chùa Báo Thiên làm nơi tu hành. Tinh xá ấy nay chính là khu chùa Lý Quốc Sư. Năm 1136, ông chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông nên được phong là Quốc sư. Ông mất vào tháng 8 năm Tân Dậu (1141). Trong chùa còn tấm bia do Tiến sĩ Lê Đình Duyên soạn năm Tự Đức thứ 8 (1855) nói về lần trùng tu lớn vào năm đó. Hiện nay, trong đền có nhiều tượng phong cách điêu khắc đời Lê, có một cái chuông tên là “Báo Tháp từ chung” tức là “chuông đền Báo Tháp” (Báo Thiên, Tự Tháp), niên hiệu Gia Long - Ất Hợi năm 1815. Ở giữa phố Lý Quốc Sư còn có một ngôi đền cổ nữa. Đó là đền Phù Ủng ở số nhà 25, là nơi thờ vọng Phạm Ngũ Lão, người anh hùng làng Phù Ủng, do chính dân làng này di cư lên Thăng Long dựng nên từ thế kỷ XIX. Tên phố hiện nay được đặt sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Ngày nay, phố Lý Quốc Sư có nhiều cửa hàng mang tên Tây, bán đồ nữ trang vàng bạc Ý, Hàn Quốc, Pháp hoặc áo quần váy thời trang châu Âu, nước hoa Pháp cao cấp, các loại đèn trang trí châu Âu… nhưng nhiều hàng Việt Nam cũng lên ngôi trong những cửa hiệu Việt như: Nhà hàng lưu niệm Tân Việt, Song Thu gallery với tượng rối chú Tễu, con trâu, chú Cuội ngồi gốc đa, mèo trèo cây cau, liền chị quan họ mặc áo mớ ba mớ bảy, Nhà hàng Hoàng Diệp với các đồ thêu ren thủ công mỹ nghệ, áo quần, tranh ảnh dân tộc, thổ cẩm Sa Pa... màu sắc lạ hấp dẫn khách ngoài nước. Giữa phố có Công ty TNHH Sao Việt Vistar với gần 20 năm tuổi. Hiện Công ty là đại diện độc quyền tại Việt Nam của nhiều hãng âm thanh, ánh sáng, đàn organ, piano Nhật, Mỹ, CHLB Đức…
Phố Lý Quốc Sư cũng nổi tiếng là phố ẩm thực với các món ăn nước ngoài và dân dã xưa của người Việt. Tương truyền ngày xưa nữ sĩ Hồ Xuân Hương (thế kỷ XVIII) có hàng nước trên phố này tụ tập những văn nhân mặc khách đất Hà thành. Giờ đây, trên phố lúc nào cũng nhộn nhịp với các quán ăn thu hút các thực khách trong và ngoài nước. Từ các hàng bánh mỳ Patê - Jambon với đồ nguội, Vịt quán Quảng Đông,  Mỳ Ý, Salát, Pizza Ribs… đến các món ăn người Việt đã từ lâu tạo thành thương hiệu mà bất kỳ du khách nào khi qua phố cũng muốn được thưởng thức như phở Lý Quốc Sư, cháo gà bà Mỹ, quẩy nóng…
Với chiều dài gần 250m, con phố nhỏ này từ xưa đến nay vẫn nổi tiếng nhộn nhịp, lúc nào cũng đông đúc người, xe qua lại. Du khách đến thăm phố Lý Quốc Sư đều có chung cảm nhận: quá khứ và hiện tại, cũ và mới "giao thoa" với nhau làm nên nét đặc biệt của phố.
Bài: Lê Hữu Tuấn - Ảnh: Hoàng Giáp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét